Hoàng Xuân Hãn – Người góp phần xây dựng nền quốc học hiện đại

HOÀNG XUÂN HÃN – NGƯỜI GÓP PHẦN XÂY DỰNG NỀN QUỐC HỌC HIỆN ĐẠI

Trước hết, ta hãy nghe chính Giáo sư Hoàng Xuân Hãn kể: “Từ khi vào các trường Vinh (1917) hay Hà Nội (1927), tôi đã sớm nhận thấy hoàn toàn thiếu phần quốc học”, và càng lên càng thấy phần quốc học suy đồi… Tôi lại nhận thấy rằng nếu tiếng mình thiếu phần tối thiểu về khoa học, thì dân ta không thể có những lý luận chính xác nghiêm túc và những kiến thức “cách trí” không thể truyền bá vào tập quán dân ta, chỉ quen với từ chương mơ hồ luộm thuộm. Vì những lẽ ấy, khi tôi được vào trường Polytechnique (Bách Khoa Pháp), năm 1930, tôi bắt đâu nghĩ đặt Danh từ khoa học cho có nền tảng hữu lý và quốc gia. Năm 1936, tôi về dạy toán học tại Trường Bưởi cũ, nhưng nay đã đổi ra loại Lycée với hoàn toàn chương trình trung học “Tây”. Vấn đề giáo dục không thể gắn liền với vấn đề quốc học nữa. Nhưng tôi vẫn tiếp tục công việc lập Danh từ khoa học . . . Tôi cùng một nhóm bạn lập ra tạp chí Khoa học, và tôi tự đem in tập Danh từ khoa học của tôi . . .

“Khoảng cuối tháng 4-1945, khi tôi nhậm chức Bộ trưởng Giáo dục, thì các trường trung học tại Huế, công cũng như tư đều dạy bằng tiếng Việt. Phương pháp từ ngữ thì chọn lấy mấy trăm chữ Pháp liên quan đến môn mình dạy, đem diễn ra bằng Việt ngữ, tôi đem “in thạch” mà phát cho các thầy trò. Các thầy theo đó mà giảng. Nhiều thầy đã mách với tôi rằng học trò nhớ tân ngữ chóng hơn thầy nhiêu! Lúc đầu chương trình còn theo chương trình Trung học Pháp. Tôi liền họp các giáo sư trung học và yêu cầu lập chung một chương trình có tính cách hoàn toàn quốc gia Việt Nam. Tôi tự đặt ra một số nguyên tắc mới, mà sau này chính chương trình Trung học Pháp cũng theo (như vượt lên về toán, lý, hóa, bỏ chia trung học ra hai phần . . . ). Chính tôi đã đặt ra những từ: Phổ thông Chuyên khoa. Nhất là như tôi đã nói, tôi thấy về văn học ta thiếu những người học sâu về cổ văn, để hiểu và dạy quốc văn nghiêm túc, và nhận văn bản đúng hay sai. Vì lẽ ấy tôi đã đặt Ban chuyên khoa cổ văn như trong các chương trình Âu châu. Trong những người có công lớn trong việc cải cách, có Tạ Quang Bửu, Đào Duy Anh, Nguyễn Huy Bảo, Đoàn Nồng, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Thúc Hào, Phạm Đình Ái, Nguyễn Dương Đôn… Cuối tháng 6, lần đầu mở kỳ thi trung học bằng tiếng Việt tại Huế. Những bài làm rất tốt, kể cả bài thi triết học. Đầu tháng 7 tôi phải ra Hà Nội để thu nhận các cơ quan Đại học mà Nhật trả, tôi đã mang theo bản Chương trình Trung học và bản tập lục những bài thi xuất sắc để đem in. Tiếc thay, nhà in bị cháy, tôi chỉ cứu được một bản in Chương trình trung học[1]

Ta hãy trở lại sách Danh từ khoa học, một công trình rất đặc sắc để “khai đường mở lối” cho nền học thuật bằng tiếng Việt và chữ Quốc ngữ. Năm 1942, sách ra đời. Năm 1943, Hội Khuyến học Nam kỳ (SAMIPIC) tặng giải thưởng.

Báo Tri Tân số 136 ngày 30-3-1944 đưa tin thêm: “Giáo sư Hoàng Xuân Hãn ở Bắc Hà không ai còn không rõ. Hiện Giáo sư đang viết giúp tờ Khoa Học và đang gắng dùng Việt văn để viết khoa học thái tây”[2] .

Trên báo Tri tân suốt từ năm 1942  đến cuối năm 1943, đã có nhiều bài bàn về việc viết khoa học bằng tiếng Việt, đáng chú ý hơn cả là loạt bài của ông Nguyễn Trọng Thuyết, một cựu học sinh trường Bưởi. Ông Thuyết mở đầu: “Tôi để ý đến công chuyện viết khoa học bằng tiếng ta từ hồi Phạm (Quỳnh) tiên sinh mới khỏi xướng ra cái thuyết người Annam phải học bằng tiếng Annam, cái thuyết mà tôi cho là rất chí lý tuy rằng gần đây vẫn còn có người chỉ trích nó…Ông Laos dạy khoa học hồi đó ở trường Bưởi… hỏi chúng tôi một câu cũng rất chí lý : “Các anh muốn học bằng tiếng Annam? Phải lắm! Nhưng các anh lấy chữ đâu mà học khoa học?”… Các bạn đồng song của tôi còn nhiều người nhớ,… (cho nên) nhiều người thông chữ nho đã gắng sức dịch các môn khoa học ra tiếng ta như kỷ hà học, vật lý học, đại số học, hóa học, vạn vật học, tâm lý học . . . Nhưng sau đều bỏ dở cả. Tại sao? Có phải các ông thiếu nghị lực không? Không! Tại các ông đã đi lạc đường. Các ông không làm nổi vì các ông thông chữ nho! Các ông đã đi theo gót ông Tàu . . . (Mà) viết một cách cẩu thả, lộn xộn như ông Tàu, thì vạn kiếp nữa cũng không viết khoa học nổi”[3]

“Sau khi khảo cứu kỹ càng về khoa học và Việt ngữ, tôi đã thấy chắc chắn rằng muốn viết khoa học bằng tiếng ta thì phải viết ra làm sao mới biết nổi, mới dễ hiểu, mới  dùng được. Những điều đó tôi đã đăng trong báo L’Annam Nouveau, từ ngày 11-1-1942 đến ngày 15 – 3 – 1942, cả thảy 9 số liên tiếp, đề là Adaptation de la langue Annamite à la langue scientifique “.

Sau đó, ông Nguyễn Trọng Thuyết cũng viết trên 16 số báo Tri Tân hầu như liên tiếp[4]. Chúng ta ngạc nhiên khi thấy ông Hoàng Xuân Hãn không có đối đáp gì lại, mà ông Thuyết cũng không nhắc nhở đến tên ông Hãn, ngoại trừ một đoạn có lẽ ám chỉ ông Hãn thế này: “Trong khi tham khảo các tự vị cùng các bảng danh từ khoa học Tây, Tàu, Nhật, một nhà khoa học chuyên môn có nhận thấy rằng : Người Nhật dùng rất nhiều lối diễn âm tiếng châu âu, mà người Tàu thì dùng lối ấy rất ít, họ dịch nhiều. Nhiều chữ của họ dịch khéo lắm, nhưng ông hiểu thế – chưa chắc đã có công hiệu[5]. Để kết thúc loạt bài trên, ông Nguyễn Trọng Thuyết thông báo: “Tôi sẽ chủ trương một tủ sách khoa học, viết theo cái phương pháp của tôi hiện có mấy ông giáo sư khoa học thành Nam, và ông Nguyễn Thụy Hưng, Giáo sư khoa học ở trường Bưởi giúp sức. Chúng tôi sẽ cho ra ba cuốn này trước : bộ Hóa học vô cơ, bộ Hình học và bộ Động vật học”[6].

Từ khi Danh từ khoa học Hoàng Xuân Hãn được giải thưởng của Hội Khuyến học Nam kỳ, thì ông Nguyễn Trọng Thuyết ngưng viết các bài Cách viết khoa học theo phương pháp của ông và ba bộ sách khoa học của ông cũng không thấy ra chào đời. Hầu như dư luận phổ biến chấp nhận Danh từ khoa học của Hoàng Xuân Hãn, không bàn cãi gì nữa, với phương pháp “tám điều kiện và ba phương sách” mà ông đã tăng lên rõ ràng trên đầu sách. Đó là: “Phàm đặt một danh từ khoa học phải theo những điều kiện sau này:

1.  Mỗi một ý phải có một danh từ để gọi.

2 . Danh từ ấy phải riêng về ý ấy.

3 . Một từ đừng có nhiều danh từ.

4 . Danh từ phải làm sao cho dễ nhớ đến ý.

5 . Danh từ trong các môn phải thành một toàn thể duy nhất và liên lạc.

ó. Danh từ phải gọn.

7. Danh từ phải có âm hưởng Việt âm

8. Danh từ phải đặt theo lối đặt các tiếng thường và phải có tính cách quốc gia.

Còn “phương sách đặt danh từ khoa học đều là những phương sách người ta thường dùng mỗi lúc muốn nói tới mỗi vấn đề chưa sẵn chữ. Những phương sách ấy gồm có :

Phương sách dùng tiếng thông thường.

Phương sách phiên âm

Phương sách lấy gốc chữ nho”[7].

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn rất cẩn trọng và nghiêm túc . Trước khi quảng diễn “Tám điều kiện và ba phương sách” trên đây, ông đã viết trong lời tựa: “. . . Chắc thế nào, độc giả cũng có người dị nghị và bắt bẻ . . . Nhưng trước khi bắt bẻ, tôi chỉ xin độc giả xét hết mọi lẽ mà tôi sẽ giải sau. Tôi đã tự hiểu rằng mọi vấn đề gì hễ xem qua tưởng dễ, chính là một vấn đề rất khó. Cho nên tôi đã rất thận trọng trong lúc làm việc, và tôi không phải chỉ trong một giờ quan tâm đến việc này mà thôi . Đó có lẽ vì trí não tôi chậm chạp. Xin độc giả lượng thứ, và xin độc giả cũng thận trọng trong sự chỉ trích, kẻo sự bàn dai thường hay làm mất lòng tự tin và làm phí thời gian mà chúng ta nên dùng để truyền bá khoa học[8].

Nay chúng ta trở lại thời điểm mùa thu năm 1945. Một tuần sau ngày tuyên bố độc lập 2-9, Hồ Chủ tịch tiếp đoàn lãnh đạo Bộ Giáo dục gồm các ông Bộ trưởng Vũ Đình Hòe, Giám đốc Nha Đại học vụ Nguyễn Văn Huyên, Giám đốc Nha Trung học vụ... Ngụy Như Kontum để bàn vấn đề: “ngay niên học tới đây, trong tất cả các trường, kể cả đại học, chỉ được dùng tiếng Việt khi học, khi dạy và trong các kỳ thi” . Hồ Chủ tịch nói: “Hay đấy. Nhưng có sợ vội quá không?”. Các ông Huyên và Kontum: “Thưa, ông Hoàng Xuân Hãn bộ trưởng trong chính phủ cũ, trước đây đã bắt đầu làm ở Trung bộ, xem ra cũng khá trơn tru đấy ạ. Vì các nhà khoa học nước ta mấy năm vừa rồi đã có quyết tâm đến việc này. Các anh Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Xiên, Nguyễn Duy Thanh, Ngụy Như Kontum . . . , trong nhóm Tạp chí Khoa học đã soạn xong cuốn Danh từ khoa học”. Hồ Chủ tịch tán thành: “Thế thì Bộ ra quyết định đi”[9].

Từ đó, Chương trình Trung học Danh từ khoa học của Hoàng Xuân Hãn được áp dụng và thi hành ở mọi cấp bậc giáo dục trên toàn quốc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong thời kỳ chiến tranh và đất nước qua phân do Hiệp định Genève, Chương trình Trung học Danh từ khoa học Hoàng Xuân Hãn cũng được dùng làm tiêu chuẩn cho ngành giáo dục thuộc phạm vi quốc gia, như lời kể lại của các ông Phạm Đình Ái, nguyên Giám đốc Trung học vụ Trung bộ (1945 – 1952), Nguyễn Dương Đôn, nguyên Bộ trưởng Giáo dục (thời Ngô Đình Diệm), Phan Huy Quát, nguyên Bộ trưởng Giáo dục (thời 1965 – 1972)[10].

Nói tóm lại, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã có công lớn trong việc dùng tiếng Việt và chữ Việt ở mọi cấp bậc học ở nước ta: Chúng ta không còn phải mượn tiếng người, chữ người nữa, tiếng Việt là vấn đề khỏi bàn, còn chữ Việt đây là chữ Quốc ngữ La tinh hóa. Ông đã mổ xẻ Quốc ngữ ra từng chữ i chữ  tờ rồi đề nghị mở rộng cách ghi âm Quốc ngữ làm cho tiếng Việt phong phú hơn, đặc biệt về mặt khoa học. Ông rút kinh nghiệm của cả Tàu lẫn Nhật. Ông dịch các danh từ khoa học thông thường như Tàu. Ông phiên âm các danh từ khoa học chuyên môn như Nhật. Song với chữ Quốc ngữ La tinh hóa, thì việc Phiên âm các danh từ khoa học chuyên môn – mà đa số là tiếng La tinh rồi – được thuận tiện hơn tiếng Nhật và chữ Nhật nhiều. Từ dạng chữ đến cách đọc Việt Nam sẽ rất gần với cách ghi âm và phát âm quốc tế. Ông lại phục sinh nền quốc học và cho gắn liền với chương trình giáo dục. Việc đào tạo nhân cách Việt Nam phải bắt đầu bằng tiếng ta, chữ ta, văn hóa ta. Ông không chỉ sáng tạo Danh từ khoa học, chỉ đặt Chương trình Trung học, mà còn trước tác rất nhiều công trình khoa học có giá trị lớn để làm mẫu mực cho việc giáo dục và quốc học nước ta.

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn có công lớn lắm vậy.

(Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu)

 

 

 


[1] Nguyễn Q . Thắng – Khoa cử và giáo dục  Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, 1994 tr. 313-319.

[2] Tri tân, số 136, Hà Nội, 30-3-1944.

[3] Tri tân, số 66, Hà Nội, 6-10-1942 .

[4] Tri tân, số 66, 74, 77, 84, 88, 90, 92, 114, 117, 121 .

[5] Tri tân, số 123.

[6] Nt.

[7] Hoàng Xuân Hãn – Danh từ khoa học, Nxb Minh Tân, Paris, 1951. Bản in lần thứ ba, tr.11-19.

[8] Nt, tr.6

[9] Vũ Đình Hòe – Hồi ký Vũ Đình Hòe, Nxb Văn hóa, Hà Nội – TP.HCM, 1994, tr. 336-337.

[10] Nguyễn Q. Thắng, Sđd, tr.320-329.

 

 

Kiểm tra tương tự

Tại sao nước Mỹ có ít bậc hiển thánh và chân phước?

  Có vị thánh nào gốc người Mỹ không, hay tất cả đều từ nơi …

Nghĩa trang Công giáo: Tuyến đầu chống lại nỗi sợ thế tục về cái chết

  Ông Peter Nobes, người quản lý các nghĩa trang Công giáo thuộc Tổng giáo …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *