Học gì nơi trẻ em nhân ngày 1/6?

Nếu thế giớitrẻ-em người lớn luôn là một thế giới được định hướng bằng những tầm nhìn, được tổ chức bằng sự khôn ngoan, được đối thoại bằng những ngôn ngữ chính xác, và được làm giàu bằng những truyền thống lâu đời, thì đó quả là một thế giới thật “tiện nghi và đầy đủ”.[1] Vậy có cần phải đi tìm những giá trị gì khác từ thế giới của trẻ thơ, một thế giới chỉ toàn những cảm xúc tự nhiên “nghĩ sao nói vậy”. Xin thưa, không chỉ cần, nhưng còn là rất cần là đằng khác.

Đó là sự ngạc nhiên nơi những câu hỏi ngây thơ. Trong cuộc sống của những quy luật và hệ thống được tổ chức, lý giải một cách rõ ràng của người lớn, có rất ít sự ngạc nhiên. Thế nhưng với trẻ em, tất cả đều là một sự ngạc nhiên lớn lao. “Tiền là gì hả mẹ? Tại sao lá lại có màu xanh? Tại sao không thấy Chúa Giêsu đi học mà con lại phải đi học? Tại sao khi vui người ta vẫn khóc?…”. Đó là những sự ngạc nhiên đưa con người trở về nguồn gốc làm nên xã hội, nên nhận thức và cuộc sống của chính mình. Ngạc nhiên từ những điều tưởng như thật đơn giản này, đó là cũng sự ngạc nhiên mà nhiều người đã đánh mất.

Trẻ em dễ xin lỗi và tha thứ. Phải thừa nhận rằng, lời xin lỗi giúp con người hàn gắn với con người và giúp đem lại niềm vui cuộc sống cho kiếp người đầy truân chuyên đau khổ. Ấy vậy mà để dám nói lên lời xin lỗi, để tha thứ cho người nhận lỗi không phải dễ, đặc biệt là với những người đã tiến xa trên con đường công danh và học thức. Nếu trẻ em có giận dỗi, có “bo xì” nhau thì chúng cũng sẽ dễ dàng và mau chóng làm hòa với nhau, bởi lẽ trẻ biết rằng, chúng cần người khác để vui sống và để lớn lên. Nhưng với nhiều người thì khác, “tôi có thể tự lo cho mình, chẳng cần ai giúp”. Điều đó liệu có khả thi?

Trẻ em là động lực để người lớn sáng tạo. Làm sao tôi có thể nói chuyện với trẻ em mà cứ khư khư giữ lấy ngôn ngữ và cách thức của một nhà khoa học? Làm sao tôi có thể đi vào thế giới của trẻ mà không cần học cách trẻ vui đùa và suy nghĩ? Chính khi tôi mở ra để bước vào một thế giới mới, thế giới của trẻ em, thì chính lúc đó tôi đang lớn lên trong khả năng sáng tạo vô tận của con người. Bởi lẽ sáng tạo để mà làm gì khi sáng tạo đó chẳng thể chạm đến những người tôi đang gặp gỡ.

Tóm lại, bước vào thế giới trẻ em không phải là một bước đi lùi của trí tuệ và lối sống, nhưng đó là bước tiến của tâm hồn và cả nhận thức. Bước tiến đó đưa con người vào sự ngỡ ngàng, niềm vui và sự sáng tạo trong cuộc sống.

PhaoLô Phạm Khánh Linh, S.J.

[1] X. Dermot A. Lane, The Experience of God: An Invitation to Do Theology, Paulist Press, 1981, pp.10-11.

 

Kiểm tra tương tự

Những người thầy thầm lặng

  Bạn thân mến,   Trong tháng 11 này, chúng ta đặc biệt nhớ đến …

Nói chuyện với trẻ em về các thánh tử đạo

Ngày lễ Các Thánh: Cách nói chuyện với trẻ em về các thánh tử đạo …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *