Học hỏi Tin Mừng Chúa Nhật III Thường niên năm C

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN NĂM C

Lc 1,1-4; 4,14-21

  1. Đức Giêsu về quê Na-da-rét trong quyền năng của Thần Khí (Lc 4,14). Điều này có làm bạn ngạc nhiên không? Đọc Lc 1,35; 3,22; 4,1.
  2. Bạn biết gì về ngôi làng Na-da-rét? Nó ở đâu? có khoảng bao nhiêu dân cư, giàu hay nghèo?
  3. Bạn biết gì về phụng vụ trong một hội đường Do-thái vào ngày sa-bát?
  4. Câu kinh thánh Đức Giêsu đọc ở đây được lấy từ sách nào trong Cựu Ước? Đọc Is 61,1-2 và Is 58,6.
  5. Đọc Lc 4,18. Đức Giêsu được Thần Khí của Đức Chúa ngự trên mình khi nào? Đức Giêsu được Đức Chúa xức dầu khi nào? Khi nào Đức Giêsu được gọi là Đức Kitô? Đọc thêm Cv 10,38.
  6. Đọc Lc 4,18. Đức Giêsu được xức dầu và được sai để làm những việc gì, cho ai?
  7. Tìm trong Luca một đoạn văn nói về Đức Giêsu loan báo Tin mừng cho người nghèo, và một đoạn văn nói về việc Ngài giải thoát một người bị trói buộc.
  8. Hôm nay đã được ứng nghiệm lời Kinh Thánh…”. Đâu là ý nghĩa của từ “hôm nay”trong câu Lc 4,21? Tin Mừng Luca đã dùng bao nhiêu lần từ này theo ý nghĩa đó? Đọc Lc 2,11; 4,21; 5,26; 19,5.10; 23,43.
  9. Chúa Giêsu phục sinh có mở mắt cho người sáng mắt không ? Hãy đọc Lc 24.

 

CÂU HỎI SUY NIỆM

Khi đọc các sách Tin Mừng, bạn thấy Đức Giêsu đã làm nhiều điều tốt cho con người, cả thể xác và tinh thần. Bạn thích điều nào nhất? Tại sao?

 

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Đức Giêsu đã được thụ thai nhờ quyền năng Thánh Thần (Lc 1,35), đã được Thánh Thần ngự xuống dưới hình dạng chim bồ câu lúc chịu phép rửa của Gioan (Lc 3,22), và sau đó được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa 40 ngày (Lc 4,1). Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy Đức Giêsu trở về Galilê “trong quyền năng của Thần Khí” (Lc 4,14), vì chính Ngài đã được “đầy Thánh Thần” từ trước (Lc 4,1).
  2. Làng Nadarét là quê của cha mẹ Đức Giêsu (Lc 2,51), và là nơi Ngài lớn lên (Lc 4,16) cho đến khi đi rao giảng. Làng nông nghiệp này nằm ở tây nam của Hồ Galilê; nó không mấy nổi tiếng và không được nhắc đến trong Cựu Ước. Dân số có thể chỉ độ vài trăm người, tương đối nghèo, vì khi khai quật làng này, người ta không thấy ở đây có đường lát đá hay những công trình công cộng.
  3. Phụng vụ ở hội đường trong ngày sa-bát không có hình thức hay nội dung cố định, nhưng thay đổi tùy nơi tùy thời. Tuy nhiên, có thể nói nó gồm những phần sau: a/ Đọc một đoạn Kinh Thánh (Cựu Ước) bằng tiếng Híp-ri, b/ Đọc bản dịch đoạn Kinh Thánh ấy sang tiếng Aramaic là thứ tiếng mà Đức Giêsu và mọi người đều hiểu, c/ Một người diễn giải đoạn Kinh Thánh ấy, d/ Đọc một số kinh khác.
  4. Câu Kinh Thánh Đức Giêsu đọc (Lc 4,18-19) chủ yếu lấy từ Is 61,1-2, trừ câu “cho người mù biết họ được sáng mắt”. Riêng câu “trả lại tự do cho người bị áp bức” được lấy từ Is 58,6.
  5. Đức Giêsu được Thần Khí của Đức Chúa ngự xuống trên mình khi chịu phép rửa ở sông Giođan. Chính vào lúc đó, Ngài được Đức Chúa xức dầu và sai đi thi hành sứ mạng. Khi được xức dầu, Đức Giêsu trở thành Đấng Kitô hay Đấng Mêsia (Kitô hay Mêsia có nghĩa là Đấng được Thiên Chúa xức dầu).
  6. Qua Lc 4,18 ta thấy Đức Giêsu được xức dầu để loan báo tin mừng cho người nghèo, được sai đi công bố ơn giải thoát cho kẻ bị giam cầm, ơn được sáng mắt cho kẻ mù lòa, ơn giải thoát cho người bị áp bức. “Người nghèo” ở đây không chỉ là nghèo vật chất, mà còn gồm cả những người bị đẩy ra ngoài lề xã hội. “Kẻ bị giam cầm” ở đây nên hiểu theo nghĩa bóng. Đó là những người bị Xatan bắt làm nô lệ cho tội lỗi.
  7. Đức Giêsu loan báo Tin Mừng cho người nghèo: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6,20). Đức Giêsu giải thoát một người bị trói buộc : “Tội của chị đã được tha rồi” (Lc 7,48).
  8. Khi nói câu “Hôm nay đã được ứng nghiệm lời Kinh Thánh anh em vừa nghe,” Đức Giêsu muốn cho thấy sứ vụ của Ngài đã bắt đầu làm ứng nghiệm lời các ngôn sứ ngày xưa. Luca dùng nhiều từ “hôm nay” trong sách Tin Mừng của mình (Lc 2,11; 4,21; 5,26; 19,5.10; 23,43) vì Luca muốn nhấn mạnh rằng ơn cứu độ đã bắt đầu đến rồi, đã ở ngay nơi đây và bây giờ rồi. Qua những việc làm của Đức Giêsu cho con người, ơn cứu độ đã đến trên trần gian và sẽ trở nên viên mãn trong ngày tận thế.
  9. Chúa Giêsu phục sinh mở mắt tâm linh cho hai môn đệ Emmaus. Lúc đầu “mắt hai người còn bị ngăn cản không nhận ra Người” (Lc 24,16). Nhưng khi Chúa bẻ bánh trao cho họ thì “mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người” (Lc 24,31). Một cách thức quan trọng Chúa Giêsu phục sinh dùng để mở mắt cho các môn đệ là giải thích Kinh Thánh cho các ông hiểu (Lc 24,25-27.44-46).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Kiểm tra tương tự

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Âm nhạc: Chìa khóa nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách

  Shinichi Suzuki đã thay đổi cách giáo dục âm nhạc cho trẻ em. Nhờ …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *