Học viện Dòng Tên khai giảng năm học 2014-2015

IMG_9232

17 giờ ngày 02.06.2014, cha Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J., Giám tỉnh Dòng Tên Việt Nam đã long trọng cử hành Thánh lễ mừng kính Chúa Thánh Thần, khai giảng năm học 2014-2015 của Học viện thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam. Hiệp dâng Thánh lễ với cha Giám tỉnh có cha Vinh sơn Phạm Văn Mầm, S.J., Viện trưởng Học viện, cha Đaminh Nguyễn Đức Hạnh, S.J., linh hướng khối thần học, quý giáo sư trong và ngoài nước, quý bề trên một số dòng tu có sinh viên theo học tại Học viện, quý cha Dòng Tên và toàn thể các học viên triết học và thần học của Học viện.

IMG_9227

Hiện nay, Học viện Dòng Tên đào tạo cả triết học và thần học theo chương trình 7 năm, gồm: 3 năm triết học và 4 năm thần học. Trong 3 năm triết, năm đầu tiên được gọi là Năm Dự bị, trong đó các học viên sẽ được học các môn về nhân văn, ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng Latinh), 1 số môn dẫn nhập triết học… 2 năm tiếp theo, học viên sẽ học triết toàn phần. Đối với các học viên Dòng Tên, sau khi hoàn tất chương trình 3 năm triết học, họ sẽ được bề trên gửi đến phục vụ các sứ mạng trong nước và quốc tế trong 2 năm, quen gọi là giai đoạn thực tập tông đồ – Regency. Sau 2 năm thực tập tông đồ họ sẽ tiếp tục theo học chương trình thần học 4 năm.

IMG_9224

Theo truyền thống của Học viện, ngày khai giảng năm học mới được khởi đầu bằng Thánh lễ mừng kính Chúa Thánh Thần để xin Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn và đồng hành với quý giáo sư cùng toàn thể các học viên. Chính vì thế, trong bài giảng Lễ, cha Viện trưởng đã chia sẻ về vai trò của Chúa Thánh Thần như là thầy dạy của các tông đồ, như là Đấng giúp nội tâm hóa những lời dạy của Chúa Giêsu và Đấng huấn luyện chiều sâu tâm linh. 

Dưới đây là nguyên văn bài giảng của cha Viện trưởng Học viện:

———

Cv. 2:1-11; 1Cor. 12: 3-7.12-13; Ga. 14: 15-16.23b-26

 THÁNH THẦN, THẦY DẠY CỦA CÁC THẦY DẠY

Vinc. Phạm Văn Mầm, S.J.

IMG_9230

Anh chị em thân mến,

Có người nói với tôi rằng tại sao lễ khai giảng năm nào cũng dành để kính Chúa Thánh Thần? Nghĩ lại tôi thấy nhận xét đó không sai vì thánh lễ khai giảng năm nay, một lần nữa, cũng là thánh lễ kính Chúa Thánh Thần. Có lẽ câu trả lời đúng cho thắc mắc nêu trên là do bởi ý nghĩa sâu xa của chính thánh lễ được cử hành trong bối cảnh chuẩn bị thiêng liêng cho mỗi học viên bước vào năm học mới.

Thánh Thần, Thầy dạy các tông đồ

Kể từ khi đáp lại tiếng kêu mời trở nên những kẻ chài lưới người, các tông đồ chỉ có người thầy duy nhất là Chúa Giêsu. Họ gắn bó với Ngài và được Ngài dạy dỗ. Trước giờ ly biệt, Chúa Giêsu biết các môn sinh của mình hoang mang, lo lắng và buồn phiền nên Ngài hứa với họ Ngài sẽ xin Chúa Cha ban cho họ Đấng Bảo Trợ khác là Thánh Thần. Thánh Thần mà Chúa Giêsu hứa ban sẽ đảm nhận vai trò là Thầy dạy của họ: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều thầy đã nói với anh em” (Ga 14: 26). Khi nói những lời  như thế Đức Giêsu muốn khẳng định mạnh mẽ với các tông đồ rằng những gì Ngài đã khởi sự sẽ được Thánh Thần tiếp tục: Thánh Thần sẽ dạy các tông đồ tất cả những gì các ông phải biết mà Đức Giêsu chưa nói. Chính Ngài sẽ giúp các ông hiểu ý nghĩa của lời rao giảng và các dấu lạ của Đức Giêsu đã thực hiện mà trước đây các ông chưa nắm được (Ga 13: 7). Là người môn sinh Chúa Giêsu hôm nay, chúng ta cũng cần được Thánh Thần dạy những bài học bên trong để hiểu, để yêu và để theo Đức Giêsu.

Thánh Thần, Đấng nội tâm hóa những lời dạy của Đức Giêsu

Những gì Đức Giêsu đã hứa trước giờ được tôn vinh đều được thực hiện sau khi Ngài sống lại, một cách đặc biệt trong ngày Lễ Ngũ Tuần, ngày Thánh Thần được sai đến với các tông đồ. Thật sự chúng ta không biết rõ hết những gì đã xảy ra trong ngày Lễ Ngũ Tuần ngoại trừ có sự biến đổi tận căn nơi các tông đồ. Thật vậy, trước kia, khi Đức Giêsu loan báo rằng “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế và kinh sư loại bỏ, rồi bị giết chết và sau ba ngày người sẽ sống lại” (Mc 8: 31; 9: 31; 10: 33), các tông đồ đã không hiểu, không muốn hiểu và không dám hỏi để hiểu (Mc 9: 32). Trái lại, ngay khi lãnh nhận Thánh Thần họ đã lãnh hội được những gì trước kia họ không thể, và còn hơn thế nữa,  họ hân hoan thi hành sứ mạng chứng nhân: “… Toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Ngài lên làm Đức Chúa và làm đấng cứu độ”  (Cv 2: 14-42) –  Đó là những lời lẽ khôn ngoan mà ông Phêrô, đứng chung với Nhóm Mười Một, đã nói với người Do thái. Đó là một sự biến đổi tận căn và là sự hội nhất đáng ao ước của bất cứ học viên nào, một sự thay đổi không chỉ tăng về lượng kiến thức của các môn học mà còn lớn lên về chất trong mối tình thân đối với Đức Giêsu và sứ mạng của Ngài.

IMG_9228

Thánh Thần, Đấng huấn luyện chiều sâu tâm linh

Chúng ta có thể tóm tắt nhiệm vụ của Thánh Thần đối với các tông đồ Chúa Giêsu là huấn luyện chiều sâu tâm linh theo ba chiều kích: “hiểu biết, yêu mến và theo Chúa Giêsu.”

Hiểu biết Chúa Giêsu: Hẳn chúng ta không thể nào quyên ông Phêrô đã đứng ra ngăn cản Chúa đi vào con đường thương khó và ông đã bị Chúa quở trách. Và chúng ta không khỏi ngạc nhiên, một Phêrô, ít học,  giàu kinh nghiệm ngư trường, nhưng nghèo kinh nghiệm thiêng liêng, thế mà sau khi nhận lãnh Thánh Thần, bằng những lời lẽ khôn ngoan, sắc xảo và tinh tế của bậc thông thái, đã có thể trình bày cho con dân Israel trọn lịch sử cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện nơi Đức Kito, khiến người nghe không thể không đau lòng hoán cải và tin vào Chúa Kito. Và như vậy, với sự trợ giúp của Thánh Thần, Phêrô giờ đây đã trả lời đúng đắn nhất câu hỏi của Chúa Giêsu ở Cesare Philiphê: “Còn các con, các con bảo thầy là ai?” (Mt 16: 15). Đó là sự hiểu biết bề trong mà mỗi học viên chúng ta cần phải xin cho mình.

Yêu mến Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đây là lời lẽ và tâm tình sâu xa nhất của Phêrô, thốt lên từ con tim được thanh luyện và từ cảm nghiệm tình thương cứu độ. Lời này hoàn toàn khác với lời cam kết trung tín đầy kiêu hãnh và thuần nhân loại trong bữa tiệc ly: “Ngay cả khi mọi người vấp ngã vì Thầy, phần con, con sẽ không bao giờ vấp ngã.” Có một cái gì đó thật sự khác lạ đã xảy ra nơi các tông đồ khi họ được trao ban Thần Khí.  Riêng đối với Phêrô, ông đã nhận ra con người thật của mình, đã nghiệm thấy tình Chúa dành cho ông. Ông yêu mến Chúa bằng con người thật của ông mà không có gì che chắn. Đó đích thực là lòng mến mà Chúa Giêsu chờ đợi nơi mỗi học viên chúng ta khi chúng ta muốn nên môn sinh của Ngài.

Bước theo Chúa Giêsu: Sau bài giảng về Bánh Hằng Sống, Chúa Giêsu đã chứng kiến nhiều môn đồ đã bỏ Ngài và lìa nhóm. Chúa Giêsu đã không khỏi đau lòng chứng kiến sự bất trung và ly tán của Nhóm Mười Hai khi họ đối diện với cuộc thương khó của Chúa… Họ yếu đuối đến độ không giữ được căn tính tông đồ của mình trước một nữ Osin ở dinh Caipha: “Tôi không biết người ấy” (Mt 26: 72) và “Tôi thề là không biết người ấy” (Mt 26: 74). Vậy mà sau khi nhận lãnh sức mạnh của Thánh Thần Các tông đồ đã ra khỏi cánh cửa của sự sợ hãi để trở thành chứng nhân, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống mình để làm chứng cho Thầy của họ: “Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu (Cv 5: 41). Họ đã chọn “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm (Cv 5: 29), mặc dù một chọn lựa tuyệt đối như thế có thể đưa họ đến sự giam cầm, đầy ải khổ đau và chết chóc. Chỉ có ai dám bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá mới là người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu.

Anh chị em thân mến,

Các lớp học của niên khóa mới đã bắt đầu từ 08g00 sáng nay. Chiều nay, chúng ta cử hành lễ kính Chúa Thánh Thần. Dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta biết rằng Ngài là Thầy dạy siêu vượt trên tất cả các thầy dạy nhân loại; kiến thức mà Ngài truyền đạt không phải là tổng hợp sự khôn ngoan ngàn đời của nhân loại truyền lại cho hậu thế mà là sự hiểu biết bề trong về con người và sứ mạng của Đức Giêsu; phương pháp huấn luyện của Ngài là hội nhất ở chiều sâu tâm linh vì sứ vụ: là hiểu biết, yêu mến và theo Chúa Giêsu. Dành để thánh lễ kính Ngài hôm nay, chúng ta một lần nữa cảm nghiệm ý nghĩa thiêng liêng sâu xa về sự hiện diện của Thánh Thần trong đời sống các tông đồ, trong đời sống của Giáo hội. Chúng ta xin Ngài giúp chúng ta có sự hiểu biết ở mức độ sâu xa những kiến thức chúng ta thu đạt được trong năm học mới; và xin Ngài giúp chúng ta hội nhất những tài năng Thiên Chúa ban để phục vụ sứ vụ mà Chúa kito đã ủy thác cho Giáo hội, cho Dòng và cho mỗi người chúng ta trong hiện tại cũng như tương lai.

IMG_9235

Kiểm tra tương tự

Trong Chúa, chúng ta là những người bạn đích thực

Trong tâm tình chờ đón Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, Học Viện Thánh Giuse …

Các sự kiện quan trọng trong Năm Thánh 2025

  Năm Thánh diễn ra 25 năm một lần, sẽ được đánh dấu bằng một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *