Học viện thánh Giuse – Dòng Tên mừng lễ thánh Inhã

DSC_0036

SJVN – 6 giờ sáng ngày 31 tháng 7 năm 2013, Học viện Dòng Tên Việt Nam đã tổ chức Thánh lễ mừng kính thánh Inhã, đấng sáng lập Dòng Tên (Dòng Chúa Giêsu) tại nhà nguyện của Học viện. Thánh lễ do cha Vinh Sơn Phạm Văn Mầm, S.J., Viện trưởng Học viện chủ tế cùng với quý cha trong ban huấn luyện và toàn thể các học viên triết học và thần học.

DSC_0053

Trong bài giảng lễ, dựa theo một lá thư của cha cựu Bề trên Tổng quản Dòng Tên Peter Hans-Kolvenbach, S.J., cha Viện trưởng đã chia sẻ về chủ đề “Không để mình ra tầm thường”.Sau đây là nguyên văn bài giảng của cha Viện trưởng:

Không để mình ra tầm thường

Vinc. Phạm Văn Mầm, S.J.

Cha Peter Hans Kolvenbach, S.J., trong thư “Gởi các thân hữu và đồng nghiệp của Dòng Tên” đã viết: “Tính tầm thường không có chỗ trong thế giới quan của Thánh Inhã.”

Chúng ta có thể thấy điều đó trong cái nhìn của Thánh Inhã về thế giới: đó là nơi chốn Thiên Chúa thi thố tình yêu của Ngài trên tạo vật. Thật vậy, kinh nghiệm thần bí riêng của Inhã về Ba Ngôi Vị Thiên Chúa là kinh nghiệm về một Thiên Chúa dấn thân tích cực trong thế giới, được thể hiện qua công trình tạo dựng, cứu độ và thánh hóa. Nói theo cách nói của Tổng hội 35 thì “thế giới như nơi Thiên Chúa đang lao tác, nơi chứa đầy những lời mời gọi và hiện diện của Ngài. Vì lý do đó mà Tổng hội 35 đã nhấn mạnh: “Chúng ta có sứ mạng là cố gắng ‘cảm thấy và cảm nếm’ (sentir y gustar) sự hiện diên và hoạt động của Thiên Chúa nơi mọi con người và mọi tình huống của thế giới.” Kinh nghiệm về Ba Ngôi Thiên Chúa đang lao tác trong thế giới là kinh nghiệm nền tảng nhất làm phát sinh năng động tông đồ của Dòng Tên.  

DSC_0004

Trong thế giới quan của Inhã, con người mang nơi mình một phẩm giá và cùng đích siêu nhiên cao cả không gì có thể so sánh hay đánh đổi. Con người “được dựng nên để ngợi khen, tôn kính, và phục vụ Thiên Chúa.” Ngược lại, mọi sự khác chỉ là phương tiện để phục vụ cho phẩm giá và cùng đích siêu nhiên này của con người: “mọi sự khác được dựng nên để giúp con người đạt được cùng đích mà vì cùng đích đó mà họ được dựng nên.” Trong linh thao của Thánh Inhã, ngài gọi phát biểu này là “Nguyên Lý và Nền Tảng” (LT 23). Tuy nhiên, trong thực hành, không phải ai cũng có thể nhận diện rõ ràng nguyên tắc này. Vì thế, ai sống và thực hành phân định theo nguyên tắc cơ bản trên thì người ấy cổ võ và làm thăng tiến phẩm giá và những giá trị cao quý của con người theo ý muốn của Thiên Chúa.

DSC_0018

Kinh nghiệm về sự dấn thân tích cực của Thiên Chúa nơi thế giới cho và vì con người, theo cái nhìn của Inhã, làm phát sinh tính năng động tông đồ. Inhã, khi đặt mình vào cái nhìn của Ba Ngôi nhìn thế giới tạo thành, đã không coi nhân loại và thế giới như một vũng lầy phải xa lánh bằng mọi giá. Trái lại, ngài đã ao ước dấn thân vào thế giới ấy theo như cách thức của Thiên Chúa để làm cho thế giới ấy nên hoàn thiện hơn. Do đó, Dòng Tên đã không loại trừ bất cứ một sứ vụ tông đồ nào, dù đó là rao giảng Lời Chúa, dạy học, cho linh thao, cử hành các bí tích đến việc giáo dục trẻ em hay người thất học, tất cả đều được coi trọng. Thậm chí ngay cả khi Dòng phải trả giá cho việc chọn lựa dấn phục vụ đức tin và thăng tiến công bình nơi những biên cương mới ngày nay, Dòng cũng sẵn sàng chấp nhận. Thánh Irene viết: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống.”  Dưới cái nhìn của thánh Inhã, vinh quang của Thiên Chúa và sự sống của con người như thể cứ đan quyện và quấn vào nhau làm một, không tách rời. Cái cao cả là ở chỗ đó! Thật vậy, bao lâu con người chưa sống thực sự như con người được Thiên Chúa tạo dựng; bao lâu con người còn oằn mình trong nỗi khốn cùng, dù vật chất hay tinh thần; bao lâu con người chưa tìm được hạnh phúc đích thực thì bấy lâu sứ mạng của Dòng Tên và mỗi giê-su hữu chưa hoàn thành vì Thiên Chúa chưa được tôn vinh.

DSC_0040

Tính không tầm thường nơi thế giới quan của Inhã còn được thể hiện nơi cái nhìn về căn tính của người giê-su hữu: người môn đệ của Đức Giê-su vác thập giá. Trong kinh nghiệm thiêng liêng của thánh Inhã, Đức Giê-su vác thập giá là Đấng đã gợi hứng và xác chuẩn ơn gọi của ngài, cũng như phác họa con đường Inhã phải bước đi để phục vụ Chúa Cha; và đến lượt mình, mỗi giê-su hữu cũng được chia sẻ cùng một ân huệ như đã được ban cho thánh Inhã – Sẽ chẳng bao giờ là một giê-su hữu đúng nghĩa khi không có bóng dáng thập giá trong đời và sứ mạng của anh. Vì thế, không lạ gì Dòng Tên ở bất cứ đâu và vào bất cứ thời nào trong lịch sử của Dòng cũng được ban tặng hồng ân thập giá đi kèm. Có khi thập giá vừa to vừa nặng khiến người mang nó không còn đủ bình tâm để thấy đó là một hồng ân! Đó là lúc căn tính của người giê-su bị phai lạt. Chiều sâu của căn tính người giê-su hữu được diễn tả trong ơn xin là được “biết, yêu mến, và theo Chúa Giê-su hơn.” Ơn này phải được cụ thể hóa bằng cách sống “mẫu người thứ ba” của Linh thao và phải sống đến cùng mầu nhiệm tự hủy: nên đồng hình đồng dạng với Đức Giê-su vác thập giá theo cách sống của “bậc khiêm nhường thứ ba” như Linh thao trình bày.

DSC_0002

Linh đạo Dòng Tên có thể được đúc kết trong một diễn ngữ vắn gọn: “Tất cả cho vinh danh Thiên Chúa hơn.” Người ta có thể tìm thấy nhiều lời phát biểu tương tự như thế trong Hiến pháp và các tài liệu căn bản của Dòng, như ‘phục vụ Thiên Chúa hơn,’ ‘cho vinh quang Thiên Chúa hơn,’ ‘ để phục vụ và ngợi khen Thiên Chúa hơn.’ Những diễn ngữ này lặp đi lặp lại vừa giống như một điệp khúc, vừa giống như một mệnh lệnh đầy tinh tế vì sứ vụ. Điều này đến từ niền xác tín của Inhã rằng “Thiên Chúa hoạt động cách tích cực trong thế giới này và muốn mọi người cùng hòa nhịp với ý định của Thiên Chúa.”

DSC_0044

Một giêsu hữu, cùng với hồng ân hoán cải và ao ước bước theo Chúa Kitô vác thập giá, sẽ không bao giờ ngưng nghỉ tìm kiếm cái “hơn nữa” (magis) để tôn vinh Thiên Chúa cứu độ. Chính cái “hơn nữa” này làm cho sự dấn thân tông đồ đạt đến cường độ cao nhất và không bao giờ có điểm dừng. Nó có thể được coi như cái tham vọng thiêng liêng và tông đồ của Inhã và của bất cứ ai muốn sống theo tinh thần Inhã. Cái hơn nữa này thúc đẩy và đòi hỏi sự “ứng trực tông đồ” nơi người giêsu hữu, vốn là kết quả của sự tự do nội tâm làm nên sức mạnh giúp họ không rơi vào sự tầm thường, vốn là điều không hề có trong thế giới quan của Inhã.

HÌNH ẢNH

Chỉnh Trần, S.J.

Kiểm tra tương tự

Lễ Hiển Linh và Sternsinger là chương trình gì ?

  Các bài Thánh Kinh trong Lễ Hiển Linh giúp ta nhìn thấy các nhà …

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình Thế …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *