Hối hận (Chúa nhật 26 thường niên – năm A)

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

28 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng : “Các ông nghĩ sao ? Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất : ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.’ 29 Nó đáp : ‘Con không muốn !’ Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. 30 Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp : ‘Thưa ngài, con đây !’ nhưng rồi lại không đi. 31 Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha ?” Họ trả lời : “Người thứ nhất.” Đức Giê-su nói với họ : “Tôi bảo thật các ông : những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. 32 Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy ; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.”

Suy niệm

Hối hận là thái độ tiếc nuối vì một việc xấu mình đã làm
hay vì một việc tốt mình lẽ ra phải làm mà đã không làm.
Khi thật sự hối hận, người ta muốn làm điều gì đó để sửa sai.
Giuđa hối hận vì đã nộp Thầy, khiến Thầy bị bắt (Mt 27,3).
Anh ấy đã đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế
và nói: “Tôi đã phạm tội nộp máu người vô tội” (Mt 27,4).
Tiếc thay Giuđa đã tìm đến cái chết cho mình.
Khác với Phêrô, người đã chối Thầy ba lần,
Giuđa đã để cho hối hận trở thành ân hận và tuyệt vọng.

Dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay cũng nói đến hối hận.
Người con thứ nhất đã hối hận sau khi anh từ chối vâng lệnh cha.
Cha bảo anh đi làm vườn nho cho cha ngay hôm nay.
Anh đã nói thẳng với cha: “Con không muốn!”
Anh dám đặt ý muốn của mình trên ý muốn của cha,
dù chống lại uy quyền của cha là điều không thể chấp nhận được.
May thay “sau đó” anh đã hối hận, nên lại đi (Mt 21,29).
Chúng ta không rõ “sau đó” là bao lâu,
Và đâu là lý do khiến anh đổi ý.
Chắc anh đã nghĩ lại về thái độ của mình đối với cha.

Người con thứ hai cũng được cha anh mời đi làm vườn nho.
Anh này mau mắn đáp lại: “Thưa ngài, con đây!” (Mt 21,30).
Rõ ràng anh sẵn sàng tuân lệnh cha với sự kính trọng.
Anh đồng ý đi làm cho cha không một chút đắn đo.
Tiếc thay, sau đó anh lại không đi.
Chúng ta không rõ tại sao anh không đi sau khi đã nhận lời.
Rốt cuộc, người con chối từ thì lại chấp nhận đi.
Còn người con chấp nhận đi thì lại chối từ.
Điều quan trọng đâu phải là nói tiếng xin vâng hay kêu “Lạy Chúa.”
Điều đáng kể là “thi hành ý muốn của người cha” (Mt 21,31).
Người con nói: “Con không muốn!”
lại là người sau này đã làm ý muốn của cha (x. Mt 7,21; 12,50).

Đức Giêsu đã kể dụ ngôn này cho các nhà lãnh đạo Do-thái giáo.
Họ đã dễ dàng trả lời câu hỏi của Ngài về người con nào ngoan,
nhưng họ không ngờ Ngài kể dụ ngôn này nhắm vào họ.
Chính họ là người con thứ hai, kẻ đã không đi làm vườn nho cho cha.
Các nhà lãnh đạo ở đây là các thượng tế và kỳ mục trong dân.
Họ là những người thông thạo về Luật, dạy dân chúng về Luật,
và được coi là những người giữ Luật nghiêm túc chi li.
Đúng họ là người con đã nói “xin vâng” để đi làm vườn nho cho cha.
Nhưng họ đã không tin ông Gioan là ngôn sứ Thiên Chúa sai đến,
không chấp nhận phép rửa của ông là phép rửa từ trời (Mt 21,25).
Gioan làm chứng về Đức Giêsu, nên họ sợ lời chứng của Gioan.
Chính vì thế họ cũng không chịu hoán cải như Gioan mời gọi (Mt 3,2).
Khép lại trong sự tự mãn cứng cỏi của mình,
họ lạc xa đường công chính mà chẳng biết đến hối hận.
Ngược lại, những người thu thuế và gái điếm có đời sống tội lỗi,
những kẻ đã nói như người con thứ nhất: “Con không muốn!”
nhưng sau đó lại là những người đi làm vườn nho.
Họ đã tin vào Gioan và lời mời gọi của ông,
hối hận và muốn hoán cải để đón lấy Nước Thiên Chúa.

Đức Giêsu đã nói một câu không ngờ với giới lãnh đạo:
“Các người thu thuế và gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.”
Quá khứ tội lỗi có thể bị xóa sạch bởi thái độ hối hận.
Hối hận hay hoán cải làm người ta đổi quyết định trước đó.
Ngày nào còn sống trên đời, ai cũng có thể quay đi với quá khứ
và quay lại với chính lộ, để tìm ra cửa vào Nước Trời.
Thiên Chúa vẫn chấp nhận câu từ chối: “Con không muốn!” của tôi,
và nhiều câu từ chối khác trải dài suốt đời.
Chỉ mong câu cuối cùng ở cuối đời tôi là: “Con muốn, Chúa ạ!”

Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

Chúng con thường xây nhà trên cát
vì chỉ biết thích thú nghe lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế, Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.

Xin cho chúng con đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.

Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất lòng mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng trưởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

Lm. An-tôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Kiểm tra tương tự

Manna: Ngôi Lời làm người (25.2 – Lễ Giáng Sinh – Thánh Lễ Ban Ngày – Ga 1,1-18)

Tin Mừng theo thánh Gioan 1,1-18 (1) Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời …

Manna: Tin Mừng trọng đại (24.12-Lễ Chúa Giáng Sinh – Lễ đêm – Lc 2,1-14)

Lời Chúa: Lc 2, 1-14 1 Thời ấy, hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ, truyền …