Hướng Dẫn Sống Linh Thao ngày 4 tháng 5

Hướng dẫn sống Linh Thao ngày 4/5/2020

 

VIỆC NHẬN ĐỊNH THẦN LOẠI BỘ II (tiếp theo)

 

Thưa anh chị em,

 

Hôm nay chúng ta tiếp tục đề cập đến hai sự an ủi cao nhất: AU có nguyên do trước của đời sống soi sáng và AU không có nguyên do trước của đời sống thần hiệp, xét như là hậu quả của những tác nhân để lại trong tâm hồn của hai loại người: soi sáng và thần hiệp.

 

2/ Về hậu quả: trong qui tắc 330

 

330.Qui tắc 2: 1Chỉ có Thiên Chúa, Chúa chúng ta mới ban sự an ủi cho linh hồn chúng ta mà không có nguyên do trước; vì quyền riêng của Đấng Tạo Hóa là đi vào, đi ra, làm phát sinh nơi nó một chuyển động lôi cuốn trọn vẹn linh hồn vào tình yêu mến Thiên Chúa Chí Tôn – 2Tôi nói không có nguyên do, nghĩa là không có bất cứ một tình cảm hay một hiểu biết nào trước đây về bất cứ một đối tượng nào, nhờ đó một sự an ủi như thế phát sinh qua trung gian những hoạt động của trí hiểu và ý chí.

 

Qui tắc này là một khúc xương khó nuốt cho các tác giả muốn đào sâu việc nhận định thần loại của thánh I-nhã. Chính xác mà nói trong qui tắc 2 này, thánh I-nhã bàn về sự an ủi không có nguyên do trước dưới hai phạm trù: một về phía Thiên Chúa và một về phía con người, và sự an ủi này thực ra chẳng phải là an ủi nào khác ngoài an ủi của người thuộc đời sống thần hiệp. Tuy nhiên chỉ khi hiểu được nội dung ngài muốn nói, lúc đó người ta mới có thể hiểu được ý nghĩa ngài muốn diễn đạt.

 

– Thứ nhất, sự an ủi thần hiệp về phía Thiên Chúa được phát biểu ở câu thứ nhất của qui tắc 2: “1Chỉ có Thiên Chúa, Chúa chúng ta mới ban sự an ủi cho linh hồn chúng ta mà không có nguyên do trước; vì quyền riêng của Đấng Tạo Hóa là đi vào, đi ra, làm phát sinh nơi nó một chuyển động lôi cuốn trọn vẹn linh hồn vào tình yêu mến Thiên Chúa Chí Tôn”.

 

Tại sao ta khẳng định được đây là sự AU của thần hiệp? Thưa có 3 yếu tố về phía Thiên Chúa cần lưu ý với ba khẳng định: khẳng đầu tiên, sự an ủi này duy chỉ có Thiên Chúa ban cho, không ai khác có thể làm – khẳng định sau cùng, AU này làm phát sinh một chuyển động lôi cuốn trọn vẹn linh hồn vào tình yêu mến Thiên Chúa. Nhưng đó là tình yêu mến nào? Thưa phải là tình yêu mến mà Đức Giêsu đã sống và đào luyện thao viên chứ không phải bất cứ thứ tình yêu nào. Bởi lẽ qui tắc này thích hợp hơn cho Tuần Hai nơi Đức Kitô chứ không ai khác là mẫu gương cho thao viên – khẳng định ở giữa, nói về lý do hoat động của AU này từ Thiên Chúa, Đấng có quyền đi ra, đi vào chủ thể cách tự nhiên. Khẳng định này trực tiêp xác định tính chủ động về phía Thiên Chúa, có nghĩa là chủ thể thuộc về đời sống thần hiệp trong tư thế thụ động. Thụ động ở đây không có nghĩa là chủ thể nằm dưới gốc sung chờ trái rụng vào miệng, mà theo nghĩa đời sống của chủ thể đã được nên một với Đức Kitô và lối hành xử của Ngài trở nên thân quen cho chủ thể đến tận vô thức như một thứ văn hóa mới. Ba tính chất của sự AU: duy Thiên Chúa ban, lôi kéo trọn vẹn linh hồn vào tình yêu của Đức Kitô, để chủ thể sống đặc tính của con người mới này như một văn hóa mới ở tận vô thức thì đó chính là AU của người thuộc đời sống thần hiệp chứ không đâu khác.

 

– Thứ hai, sự AU thần hiệp về phía con người được phát biểu ở câu thứ hai của số 330: “2Tôi nói không có nguyên do, nghĩa là không có bất cứ một tình cảm hay một hiểu biết nào trước đây về bất cứ một đối tượng nào, nhờ đó một sự an ủi như thế phát sinh qua trung gian những hoạt động của trí hiểu và ý chí.”

 

Đây không phải là một phát ngôn dư thừa có tính điệp luận, nhưng là lời phát biểu về AU không có nguyên do trước của đời sống thần hiệp về phía con người để chúng ta tìm ra sự AU có nguyên do trước của đời sống soi sáng. Bằng cách nào ta có thể khẳng định như thế? Thưa, lời phát biểu được viết dưới công thức toán học để chúng ta suy luận ra mà thôi.  Công thức toán học như sau: phi A = phi B thì A=B.

 

Nếu phát biểu ở trên về AU không có nguyên do trước về phía loài người được viết dưới dạng Phi A = phi B, thì A=B được viết lại như sau: “2Tôi nói (không) có nguyên do, nghĩa là (không) có bất cứ một tình cảm hay một hiểu biết nào trước đây về bất cứ một đối tượng nào, nhờ đó một sự an ủi như thế phát sinh qua trung gian những hoạt động của trí hiểu và ý chí.”

 

Như vậy, AU có nguyên do cũng có ba khẳng định: thứ nhất ở khẳng định trung tâm, đòi hỏi có một đối tượng phải được nhận biết hay suy ra được trước về thời gian – thứ hai ở khẳng định đầu tiên, đối tượng ấy vốn đã nhận định ra do nết xấu chủ đạo của con người cũ ở Tuần Một ( tình cảm hay hiểu biết là hai thành tố của việc nhận định của bộ I thích hơp hơn với Tuần I) – thứ ba ở khẳng định sau cùng, qua hoạt động của trí hiểu và ý chí nơi chủ thể liên quan đến đối tượng này, tức nhân đức ngược lại mà chủ thể dấn thân xây dựng để an ủi phát sinh ra trong hành trình đào luyện của Tuần II.

 

Ba khẳng định trên cho thấy rằng AU có nguyên do trước chính là an ủi có đối tượng là một nhân đức, ngược lại với nết xấu chủ đạo của con người cũ mà chủ thể đang dấn thân xây dựng bằng trí hiểu và ý chí khi chiêm ngắm Đức Giêsu. Đối tượng này tìm được nhờ sự nhận định về bản thân mình trong Tuần Một về con người cũ, và phải liên hệ đến chính Đức Giêsu vì thuộc bộ II thích hợp với Tuần Hai nơi Đức Giêsu là mẫu gương. An ủi có được nhờ sự dấn thân chủ động của thao viên (phát sinh qua những hoạt động của trí hiểu và ý chí). Vì thế AU này chính là an ủi của đời sống soi sáng hay đời sống chủ động.

 

Tóm lại, hai thành ngữ “AU không có nguyên do trước” hay “AU có nguyên do trước” là hai thuật ngữ chuyên biệt của thánh I-nhã, để chỉ về hai loại AU của người ở mức độ cao nhất của đời sống thiêng liêng, mà loại thứ nhất của người đạt tới sự trưởng thành của đời sống thần hiệp, còn loại thứ hai của đời sống soi sáng. Vấn đề đặt ra là: Đâu là sự khác biệt và liên hệ giữa hai loại AU mà chúng ta đang bàn đến?

 

Trước hết về sự khác biệt: Tuy cả hai đều ở cấp độ siêu nhiên, nhưng loại người thuộc AU thứ nhất cao hơn loại người thuộc AU thứ hai không chỉ ở cấp độ mà cả về bản chất: về cấp độ, vì loại người thuộc AU thứ nhất mới có thể hướng dẫn loại người thuộc AU thứ hai chứ không ngược lại. Thánh I-nhã nói rõ điều này ở bộ I, liên quan đến khoa sư phạm trung gian: Linh hồn công chính (thuộc đời sống soi sáng) tỏ ra với người thuần thiêng (thuộc đời sống thần hiệp) vốn am tường sự dối trá và hiểm độc của kẻ thù (3264-5) – về bản chất: vì thánh I-nhã nói rằng duy chỉ Thiên Chúa mới ban loại AU thứ nhất (3301), còn cả thiên thần lành và thiên thần dữ đều an ủi linh hồn (3311). Dù rằng Thiên Chúa và thiên thần đều là những hữu thể thiêng liêng, nhưng Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo trong khi thiên thần chỉ là thụ tạo của Ngài mà thôi.

 

Sau nữa về sự liên đới: Tuy rằng hai loại AU có sự khác biệt nhau, nhưng lại có sự liên đới rất chặt chẽ, nghĩa là để đạt tới sự trưởng thành của loại AU thứ nhất, tức an ủi không có nguyên do trước, chủ thể buộc phải trải qua sự trưởng thành của loại AU thứ hai, tức an ủi có nguyên do trước. Nói cách khác, sự trưởng thành của loại AU thứ nhất đòi buộc sự trưởng thành của loại AU thứ hai như điều kiện ắt có và đủ. Thế  nhưng khi Thiên Chúa ban cho chủ thể loại AU thứ nhất, thì chỗ đứng của chủ thể nơi loại AU thứ hai không còn. Đó là ý nghĩa của cụm từ “không có nguyên do trước”, vì lẽ loại AU thứ nhất này là ơn nhưng không và độc quyền của Thiên Chúa đến nỗi không một nỗ lực nào về phía con người có thể góp phần làm nên sự an ủi này. Nhưng nếu không có nỗ lực này chuẩn bị trước, thì không bao giờ hy vọng được Chúa thương ban cho loại AU thứ nhất đó.

 

Cho vinh danh Chúa hơn

 

Lm. Giuse Lê Quang Chủng, SJ.

Kiểm tra tương tự

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …

Thánh lễ khấn lần đầu của thầy Gioan Vũ Đức Ba

Hôm nay ngày 18 tháng 01 năm 2025, cùng với Giáo Hội hoàn vũ, Dòng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *