[Mở lòng]-Thứ Ba sau Chúa Nhật III mùa Chay

 

„Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi! ” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người”

(Mc 1,40-45).

Hôm qua, câu hỏi của chúng ta „Thưa thầy, Thầy ở đâu?“ đã gặp câu trả lời của Đức Kitô: „Hãy đến mà xem!“ Tiếp đến là túp lều gặp gỡ thân tình được dựng nên, nơi đó chúng ta được ở lại với Người. Hôm nay và những ngày tiếp chúng ta ở lại với Đức Kitô và sốngvới Ngài.

Chúng ta đọc đoạn Phúc Âm trên của Mác-cô kể về cuộc gặp gỡ giữa anh bị bệnh Phong với Chúa Giê-su. Một cuộc gặp gỡ rất thú vị. Khung cảnh của câu chuyện là một làng ở miền Ga-li-lê. Ở đây, chúng ta chú ý một yếu tố. Đó là người bị bệnh Phong trong đôi mắt của người Do-thái, là người có tội với Thiên Chúa, đời sống của họ xa cách Thiên Chúa. Đi vào câu chuyện chúng ta thấy có hai nhân vật, anh bệnh phong và Chúa Giê-su. Người bệnh phong thường bị mọi người trong xã hội thời đó sợ hãi và xa lánh, nhưng Đức Kitô thì thế nào? Chúa Giêsu không chạy trốn, mà Chúa còn để cho anh ta đến với mình. Sự thương cảm của Chúa đối với người bệnh thì mạnh hơn là sự sợ hãi bệnh phong.

Khi đến gần Giêsu, người Phong quỳ xuống dưới chân Chúa và mở lời van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Một lời cầu xin rất tuyệt vời. Sự tuyệt vời nằm ở chỗ: Trong lời cầu xin này có hai chữ Ngài và một chữ tôi. Điều này có ý nghĩa gì? Phải chăng anh bệnh phong đã diễn tả lòng tín thác hoàn toàn của mình vào Chúa. Niềm tín thác đó đã đưa lại cho anh sự bình tâm sâu xa, đến nỗi dù đau đớn và khổ sở đó, nhưng trong lời cầu xin của anh chữ Ngài cần „lớn hơn“ chữ „tôi“, thánh ý của Chúa cần phải được chú ý hơn ý muốn của bản thân anh, dù cho ý muốn của anh có đúng đắn và tốt lành đến mấy. Có lẽ chúng ta cần phải học cách thức cầu xin và tâm hồn bình tâm của anh bệnh phong. Trước lời cầu xin thật bình tâm và tín thác của anh, Chúa Giê-su phản ứng thế nào?

“Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi! “ Lời kêu xin của ang bệnh Phong thúc đẩy Chúa Giêsu mạnh đế nỗi, Chúa đã tỏ ra bốn hành động liên tiếp được diễn tả qua 4 động từ:

  • Người „chạnh lòng thương“ diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa. Ở đây không ám chỉ đến cảm giác tội nghiệp của Chúa Giêsu, mà diễn tả thực sự thiên tính của Ngài – một Thiên Chúa là tình yêu.
  • Người „giơ tay“ là biểu tượng cho sức mạnh của Thiên Chúa.
  • „Đụng“ vào anh là biểu tượng cho việc truyền sức mạnh của Chúa Giêsu lên trên người bị bệnh Phong. Sức mạnh của tình yêu, sức mạnh đem lại sự chữa lành.
  • “Tôi muốn, anh sạch đi! ” Đây là lời có sức chữa lành. Lời có sức chữa lành này Chúa Giêsu cũng lên tiếng với con gái ông Gia-ai: „Người cầm lấy tay nó và nói: “Ta-li-tha kum”, nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi! ” (Mc 5, 41) hay Chúa Giêsu đã thốt lên “Ép-pha-tha”, nghĩa là: hãy mở ra“ để chữa lành cho người vừa điếc vừa ngọng (x.Mc 7, 34).

Sau 4 hành động của Chúa Giêsu, thì điều gì đã xảy ra? „Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch“. Đức Kitô đã phục hồi sự sống cho anh bị bệnh Phong và anh tìm lại cuộc sống “cách dồi dào” (Ga 10,10), sự sống trọn vẹn và hạnh phúc.

Hôm nay, khi cầu nguyện, chúng ta chiêm ngắm Đức Kitô và nhìn thật rõ các cử chỉ, hành động của Ngài và lắng tai nghe Lời Ngài nói. Tất cả những thái độ hành xử của Đức Kitô đem lại cho chúng ta sứ điệp gì? Ngài là ai đối với chúng ta? Ngài có phải là „Lương y như từ mẫu“?  Mà Từ Mẫu diễn tả một tấm lòng nhân từ yêu thương con cái của người mẹ. Mà về tình yêu của người mẹ, thì chúng ta không cần nhắc đến, mà có nhắc đến thì cũng chẳng có ngòi viết nào có thể diễn tả cho được. Tình Mẹ đã là vậy, thì tình của Chúa Giêsu, lòng nhân từ của vị lương y tốt lành này, còn cao vời hơn nữa.

Cao vời đấy, nhưng không phải vì thế mà con người nhỏ bé của chúng ta không thể với tới được. Chúng ta vẫn với tới và đụng tới Ngài được, vì chính Ngài đã cúi xuống và chạm đến chúng ta, chính Ngài cúi xuống nắm lấy tay chúng ta, nâng đỡ chúng ta dậy, khi chúng ta đang bất lực trong đau đớn, trong yếu hèn.

Cánh tay của người lương y này thật tuyệt vời.

Hôm nay, chúng ta mường tượng mình là một người bệnh, đang cần đến một lương y tốt lành và cao tay. Ngài đến gần và đứng bên giường chúng ta nằm, Ngài giơ tay ra và cầm lấy tay chúng ta. Chúng ta hãy cảm nhận cuộc gặp gỡ của đôi bàn tay, tay Ngài và tay chúng ta. Chúng ta cảm thấy thế nào? Chúng ta hãy để cho chính hơi nóng tình yêu nhân hậu của người lương y này truyền vào lòng mình, đi vào cuộc đời của chúng ta.

Kết thúc chúng ta tâm sự với Chúa và đọc lời nguyện sau:

 

Lạy Chúa, Chúa chính là lương y tốt lành, một lương y hơn cả từ mẫu.

Xin Chúa giúp chúng con biết mở cánh cửa nhà chúng con để Chúa vào.

Xin Chúa giúp chúng con biết khiêm nhường và bình tâm,

để dâng lời cầu xin với hai chữ Chúa mà chỉ có một chữ „con“:

„Nếu Chúa muốn, Chúa có thể làm cho con được sạch“.

Xin Chúa cũng mở chính đôi bàn tay của Chúa, để đụng tới chúng con,

để cầm lấy bàn tay nhỏ bé và yếu đau của chúng con.

Và lạy Chúa, xin  mở tai chúng con nữa, để chúng con nghe được hai tiếng:

“Tôi muốn, anh sạch đi!”

Cuối cùng xin Chúa mở mắt chúng con ra, và mở cả lòng chúng con nữa,

để chúng con vui mừng về ơn Chúa chữa lành và hân hoan ca tụng tri ân Chúa. Amen

 

Tôi nhớ lại bài tập trong tuần – Thánh Giá mối lợi của tôi.

Kiểm tra tương tự

Mục đích thực sự của việc ăn chay là gì?

Thiên Chúa đã truyền phải ăn chay, Chúa Giêsu đã thực thi lệnh truyền đó, …

Hai câu hỏi giúp bạn sống Tam Nhật Thánh

Mùa Chay của bạn cho đến giờ phút này thế nào? Đây có lẽ là …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *