Hướng dẫn sống Linh Thao ngày 3.5.2020
VIỆC NHẬN ĐỊNH THẦN LOẠI BỘ II (tt)
Anh chị em thân mến,
Hôm qua, chúng ta đã được giới thiệu bộ nhận định thần loại II, mà đối tượng của việc nhận định là sự an ủi (AU), ở đó thánh I-nhã phân tích AU của người ở cấp độ trưởng thành cao nhất làm đại biểu. Chúng ta cũng đề ra cấu trúc của bộ nhận định này với ba thành tố: tác nhân – hậu quả – chủ thể. Hôm nay, chúng ta phân tích tổng quát về sơ đồ của cấu trúc, sau đó chúng ta bàn về ba thành tố của việc nhận định.
Phần một: Phân tích tổng quát về chủ thể – tác nhân – hậu quả
Việc phân tích về ba thành tố này giúp chúng ta hiểu được phương pháp đại biểu mà thánh I-nhã sử dụng, khi giải thích các sự kiện liên hệ với nhau trong các tài liệu mà ngài viết và cách riêng trong sách Linh Thao. Quả vậy, khi đọc hai qui tắc đầu của bộ NĐTL I, chúng ta thấy rằng ba thành tố này được viết chung với nhau, với mục đích xác định sự trưởng thành của chủ thể thuộc đời sống thanh luyện, như chúng ta đã có dịp nói đến. Thế nhưng, khi đọc bộ NĐTL II chúng ta lại thấy ba thành tố này được sắp đặt theo cách tách biệt, nghĩa là trong khi tác nhân và hậu quả được bàn chung với nhau (329-330) thì chủ thể lại tách biệt ra (335) và đặt ở giữa hai việc nhận định về an ủi có nguyên do trước (331-334) và nhận định về an ủi không có nguyên do trước (336).
Làm công việc tách chủ thể ra khỏi tác nhân và hậu quả và đồng thời đặt chủ thể ở giữa hai việc nhận định của hai sự an ủi, thánh I-nhã gián tiếp cho chúng ta hiểu rằng, việc phân tích hai loại an ủi này dành cho chủ thể đang bước từ đời sống soi sáng sang thần hiệp theo đúng nghĩa. Và rồi với kết quả nhận được, người ta có thể đem áp dụng cách loại suy cho sự an ủi của người thuộc đời sống thanh luyện. Bởi lẽ an ủi của người thuộc đời sống thanh luyện đã được giới thiệu (315) nhưng chưa được phân tích. Cũng thế, sầu khổ của người thuộc đời sống thanh luyện đã được phân tích ở bộ một và khi bước sang bộ hai, thánh I-nhã không cần phân tích nữa mà chỉ giới thiệu để phương pháp đại biểu được đem ra áp dụng (3353-6).
1/ Về tác nhân: trong qui tắc 329
- Qui tắc 1: Đặc điểm của Thiên Chúa và các thiên thần của Ngài trong các thúc đầy của các Ngài là ban sự hoan hỉ và mừng vui thiêng liêng thật, bằng cách xóa bỏ mọi buồn sầu và xao xuyến do kẻ thù đưa vào. Còn đặc điểm của kẻ thù là chiến đấu chống lại sự hoan hỉ và niềm an ủi thiêng liêng ấy bằng cách đưa ra những lý lẽ giả tạo, cầu kỳ và ngụy biện không cùng.
– Trước hết, như ta đã nói trong bộ NĐTL I, cả ba thành tố được đề cập chung với nhau (314-315); còn trong bộ II, thành tố liên quan đến tác nhân được bàn trước hết (329).
Không chỉ thế, khi nói về tác nhân, bộ I nói đến thần dữ trước thần lành; còn trong bộ II, thần dữ được nói đến sau với tư cách là “kẻ thù”; đồng thời về phía ngược lại, thánh I-nhã không chỉ nói trước và cũng không nói chung chung về thần lành, mà còn xác định hai hữu thể thần linh: “Thiên Chúa và các thiên thần của Ngài”, đối lại với kẻ thù. Trật tự sắp xếp có tính đảo lộn này cho chúng ta nhớ lại ý niệm về “sân chơi” mà chúng ta đã nói trong bộ I, nghĩa là trong bộ II, thao viên đang được soi sáng bởi Đức Giêsu, thì những tác động của Thiên Chúa và các thiên thần có ưu thế hơn tác động của kẻ thù.
– Thứ đến, khi nói về các tác nhân bằng những hạn từ “Thiên Chúa”, “thiên thần” ở bộ II, cũng như “thần” ở bộ I, thánh I-nhã không muốn trực tiếp nhắm đến các tác nhân vì chính tác nhân, mà muốn nói về hai thế lực đối nghịch. Chẳng hạn: Thiên Chúa/kẻ thù – thiên thần lành/thiên thần dữ và thần lành/thần dữ.
Không chỉ thế, qua những cặp phạm trù đối nghịch này, cách gián tiếp thánh I-nhã muốn chúng ta nhận ra mức độ trưởng thành của chủ thể: thần lành/ thần dữ chỉ về người ở cấp độ tự nhiên; còn thiên thần lành/ thiên thần dữ và Thiên Chúa/ kẻ thù chỉ về người ở cấp độ siêu nhiên. Hai cặp đối kháng này đi xa hơn cặp đối kháng thứ nhất (thần lành/thần dữ) vốn thuộc về người ở đời sống thanh luyện và cần được cứu độ.
Hơn nữa, cặp đối kháng thứ hai (thiên thần lành/thiên thần dữ) thuộc về người ở đời sống soi sáng, vốn được Đức Kitô tác động trên ý thức và vai trò cộng tác của chủ thể rất quan trọng, vì thế người ta còn gọi đây là người thuộc đời sống chủ động;
Còn cặp đối kháng thứ ba (Thiên Chúa/kẻ thù) thuộc về người ở đời sống thần hiệp vốn được nên một với Đức Kitô tận vô thức, nên họ thuộc về người thuộc đời sống thụ động. Như vậy, sự an ủi thiêng liêng ở qui tắc 1 này có hai tác nhân: Thiên Chúa và các thiên thần.
– Sau cùng, thánh I-nhã cũng sử dụng ở bộ II này một thứ ngôn ngữ mới. Đó là ngôn ngữ chiến đấu giữa một bên là Thiên Chúa và các thiên thần và bên kia là kẻ thù: xóa bỏ, chiến đấu chống lại – đó cũng là thứ ngôn ngữ thuộc phạm trù chiều sâu và tinh tế như: vui mừng, thiêng liêng thật ngược với những lý lẽ giả tạo, cầu kỳ và ngụy biện không cùng…
Lm. Giuse Lê Quang Chủng, SJ.