Hướng dẫn sống Linh Thao ngày 5/5/2020
VIỆC NHẬN ĐỊNH THẦN LOẠI BỘ II (tt)
3/ Về chủ thể: ở Qui tắc 335
- Qui tắc VII: “Đối với những người đang tiến tới từ điều tốt đến điều tốt hơn, thiên thần lành chạm vào cách êm ái, nhẹ nhàng và dịu ngọt, như giọt nước đi vào miếng bọt biển, còn thiên thần dữ lại chạm vào cách chát chúa, ồn ào và xáo động, như khi giọt nước rơi trên tảng đá – Và với những người đi từ điều xấu đến điều tệ hơn, thì chính các thần nói trên chạm vào theo cách ngược lại. Lý do là tùy theo tình trạng của linh hồn trái ngược hay hòa hợp với các thiên thần nói trên. Vì khi trái ngược thì chúng đi vào cách chát chúa, dễ cảm thấy và nhận ra; còn khi hòa hợp thì chúng đi vào cách lặng lẽ như vào nhà của mình, cửa đã mở sẵn”.
Đọc qui tắc này lên, chúng ta thấy có hai vấn đề cần phải bàn đến: Qui tắc dành cho người thuộc đời sống soi sáng và sự liên đới của đời sống này với các đời sống khác.
– Thứ nhất, qui tắc bàn về chính người thuộc đời sống soi sáng: lý do ta khẳng định như thế, vì cho dù không xác định người tiến tới và sa sút là ai, nhưng tác nhân được minh định là thiên thần lành và thiên thần dữ, vốn hoạt động nơi người thuộc đời sống soi sáng. Khi nối kết vào, chúng ta biết rằng ở nơi sự trưởng thành này vẫn có hai hạng người tiến bộ và sa sút. Và ai trong chúng ta cũng đều biết rằng, đời sống soi sáng thuộc cấp độ siêu nhiên có liên hệ với Đức Kitô, nên những hình ảnh về tảng đá, miếng bọt biển, hay âm thanh ồn ào, lặng lẽ… thuộc về ngôn ngữ dụ ngôn, để nói về tương quan tình yêu giữa chủ thể với Đức Kitô mà các tác nhân đang can dự vào. Tin Mừng từng nói tương tự về ngôi nhà xây trên đá hay trên cát (x. Mt 7,24-27).
Như vậy, tùy theo mối tương quan xây dựng tình yêu của chủ thể với Đức Kitô mà các tác nhân sẽ tác động theo cách đối nghịch nhau. Ở đây, thánh I-nhã nói đến hai loại người: với người tiến bộ, nghĩa là người xây dựng tình yêu tốt với Đức Kitô, thì thiên thần lành nâng đỡ và củng cố dưới cách thức chạm vào cách êm ái, dịu ngọt như giọt nước được miếng bọt biển hút vào; nhưng thiên thần dữ hành động ngược lại dưới tác động làm xáo trộn, chát chúa như giọt nước bị tảng đá dội lại. Còn những người đang sống xa mối tương quan với Đức Kitô thì các thiên thần dữ lại củng cố và thiên thần lành lại làm xáo trộn.
– Thứ hai, qui tắc về người thuộc đời sống soi sáng ở đây với những đời sống khác có hai mối tương quan:
Trước hết, với những người thuộc đời sống thanh luyện: hai loại người này có mối tương quan đại biểu. Vì cả hai bộ NĐTL đều nói đến hai loại người tiến bộ và sa sút. Tuy nhiên mỗi loại người được phân tích ở một đời sống để áp dụng phương pháp đại biểu: bộ một giới thiệu người sa sút trước (314) và sau đó người tiến bộ (315); tuy nhiên bộ này chỉ phân tích Sầu Khổ (SK) của người sa sút và chiến thuật chống lại kẻ thù (318-327), để khi bộ hai giới thiệu về người sa sút (3353-6), thì SK của họ được áp dụng cách loại suy từ sự phân tích trên, cho dù không cùng một cấp độ của Nguyên Lý và Nền Tảng. Cũng thế, bộ một đã giới thiệu người tiến bộ (315), nhưng AU của họ chưa được phân tích; trong bộ II, AU của người tiến bộ không chỉ được giới thiệu mà còn được phân tích (3151-2/ 329b; 3302; 331-334) nhờ đó chúng ta được phép áp dụng cách loại suy cho AU của người tiến bộ ở bộ một.
Thứ đến, với những người ở đời sống thần hiệp: hai loại người ở hai đời sống thanh luyện và soi sáng không có mối tương quan đại biểu với loại người thuộc về đời sống thần hiệp này. Bởi lẽ những người này được chuẩn nhận bằng một sự chiếm hữu của duy một mình Thiên Chúa (3301/3361). Chúng ta thấy rõ kinh nghiệm này nơi thánh I-nhã ở thị kiến La Storta trên hành trình tiến về Roma (TT 96). Chắc chắn ở tận đỉnh cao của đời sống thiêng liêng này, con người vẫn có sự tiến bộ lẫn sa sút hay AU lẫn SK. Tuy nhiên tiến bộ hay sa sút ở nơi họ không còn bị tụt xuống ở những đời sống bên dưới, nhưng là đào sâu và lớn lên trong chính ơn thần hiệp mà họ đã được Thiên Chúa chuẩn nhận, một thứ nhiệm hôn càng được củng cố nên một với Đức Kitô ngang qua AU và SK.
Lm. Giuse Lê Quang Chủng, SJ.