Hướng Dẫn Sống Linh Thao Trong Kỳ Dịch Covid-19 ngày 7 tháng 5

Hướng dẫn sống Linh Thao, ngày 7/5/2020

 

VIỆC NHẬN ĐỊNH THẦN LOẠI BỘ II (tiếp theo)

 

2/ Việc nhận định về AU không có nguyên do trước

 

  1. 1Qui tắc VIII: Khi an ủi không có nguyên do, dù không có cạm bẫy nơi nó, vì như đã nói trên, đó là của một mình Thiên Chúa, Chúa chúng ta. 2Tuy nhiên người thuần thiêng được Chúa ban sự an ủi như thế phải xem xét và nhận định, với sự tỉnh thức và cẩn trọng, chính thời gian được an ủi hiện tại 3với thời gian tiếp sau, khi linh hồn còn nóng nảy và sung sướng vì ơn huệ và sự dư hưởng của sự an ủi vừa qua. 4Quả vậy, trong thời gian thứ hai này, do suy diễn riêng của mình dựa vào thói quen và vào những kết quả của những ý niệm và phán đoán hoặc do thần lành hay thần dữ, 5ta phác họa ra những hoạch định và ý kiến khác nhau mà không phải do Thiên Chúa, Chúa chúng ta trực tiếp ban cho; 6và vì thế, cần xem xét thật cẩn trọng trước khi hoàn toàn tin tưởng vào những điều ấy và đem ra thực hành.

 

Chúng ta bàn về hai vấn đề ở việc nhận định này: về tên gọi dành cho chủ thể và về việc nhận định.

 

a/ Về tên gọi của người ở đời sống thần hiệp

 

Cho đến tận lúc này, thánh I-nhã mới nêu danh tánh người nhận được sự AU không có nguyên do trước. Họ là “người thuần thiêng” (la persona espiritual, spiritual person). Chúng ta tìm được nền tảng Kinh Thánh cho từ ngữ này không? Thưa, có thể. Trong các Tin Mừng, Nhóm Mười Hai được Đức Giêsu thiết lập được gọi là các môn đệ theo Máccô và Gioan; còn theo Mátthêu và Luca, họ được gọi là các Tông đồ (Mt 10,2; Lc 6,13). Thế nhưng sau khi Đức Giêsu phục sinh từ cõi chết, các ông được xác định là anh em của Đấng Phục Sinh, ít là ở trong hai Tin Mừng Matthêu và Gioan (Mt 28,10; Ga 20,17). Và Theo Tin Mừng Gioan, từ tước “hiệu môn đệ” đến “anh em” đòi hỏi những người được chọn phải đi trọn hành trình cứu độ của Đức Giêsu, nghĩa là tới tận giờ thứ mười, giờ của mầu nhiệm Phục sinh (Ga 1,39). Cách tương tự trong Linh Thao, những người còn đào luyện mình trong đời sống soi sáng được gọi là “linh hồn sốt mến” hay “linh hồn công chính”; nhưng khi đã được phê chuẩn vào đời sống thần hiệp, họ được gọi là “người thuần thiêng”. Sự khác biệt nhau về hai loại người này như đã nói không chỉ ở cấp độ mà cả ở bản chất.

 

b/ Về chính việc nhận định thần loại

 

Thánh I-nhã nói về chính việc nhận định sự AU không có nguyên do trước với hai yếu tố liên quan đến thời gian: chính thời điểm chiếm hữu và thời gian dư hưởng của sự an ủi không có nguyên do trước.

 

– Về chính thời điểm chiếm hữu: tức là điểm thời gian mà chủ thể được Thiên Chúa chuẩn nhận bước từ đời sống soi sáng sang đời sống thần hiệp. Chúng ta gọi đó là sự chiếm hữu của Thiên Chúa. Sự chiếm hữu này đã được thánh I-nhã nói đến ở qui tắc thứ hai của bộ này khi ngài nói: “Duy chỉ Thiên Chúa mới ban sự an ủi mà không có nguyên do trước – vì quyền riêng của Ngài là đi vào đi ra… lôi kéo trọn vẹn linh hồn vào tình yêu mến Thiên Chúa” (3301). Và chúng ta cũng đã xác định đó phải là thứ tình yêu được liên kết nên một với Đức Kitô.

 

Đối với thánh I-nhã, nếu có một biến cố nào xảy ra mà có một sự chiếm hữu như thế thì trong chính thời điểm được chiếm hữu, chủ thể không phải thực hiện việc nhận định. Tại sao? Thưa, vì một khi Thiên Chúa chiếm hữu trọn vẹn một ai sống nên một với Con của Ngài thì không một thế lực hay một tác động nào khác có thể hiện diện để hoạt động hay lôi kéo họ theo mình. Lúc đó chủ thể sống trong một kinh nghiệm sống động về thành ngữ “Emmanuel” cách tròn đầy và tuyệt đối nhất. Bởi lẽ khi Thiên Chúa chiếm hữu ai, thì tự nơi người ấy không hề có một chút mờ tối, nghi nan, vì Ngài là chính Ánh Sáng mang tính trong suốt và soi tỏ mọi sự. Vì thế không có và không cần đến bất cứ việc nhận định thần loại nào.

 

– Về thời gian dư hưởng: thánh I-nhã gọi là thời gian tiếp theo sau biến cố chiếm hữu, khi mà “linh hồn còn nóng nảy và sung sướng vì ơn huệ và sự dư hưởng của sự an ủi vừa qua”. Trong thời gian này, ngài kêu gọi chủ thể phải xem xét và nhận định với sự tỉnh thức và cẩn trọng”. Tại sao? Thưa, vì vào thời gian thứ hai này có ba nhân tố có thể can dự vào khiến chủ thể có nguy cơ đi sai hoạch định mà Thiên Chúa đã trực tiếp ban cho: chủ thể – thần dữ và cả thần lành. Nêu lên ba nhân tố này, thánh I-nhã chỉ giải thích về nhân tố thứ nhất liên quan đến chủ thể; còn hai nhân tố còn lại, ngài chỉ nói trống không.

 

Chúng ta có thể giải thích được vị trí của cả ba nhân tố này: đối với chủ thể, thánh I-nhã kê khai rằng, có thể do suy diễn của mình dựa vào thói quen và vào những kết quả của những ý niệm và phán đoán. Những suy diễn, thói quen của phán đoán và ý niệm cho dù tốt nhưng vẫn không phải hoạch định của Thiên Chúa   – thần lành luôn tác động để chủ thể làm điều tốt tránh điều xấu ở bình diện luân lý, nhưng vẫn không phải là hoạch định của Thiên Chúa – sau cùng thần dữ có thể đội lốt thần lành để tác động chủ thể làm điều tốt về luân lý, nhưng cuối cùng nhằm lôi kéo họ ra khỏi hoạch định của Thiên Chúa.

 

Nói cách khác, cả ba tác nhân dù tác động vào sự việc để chủ thể làm “điều tốt” nhưng vẫn không phải là hoạch định của Thiên Chúa. Tại sao? Thưa, vì  tất cả hoạch định đó đều dừng lại ở “điều tốt” của phẩm giá làm người, tức phẩm giá thuộc phạm trù “tinh thần” (spirit). Khi được chuẩn nhận vào đời sống thần hiệp, chủ thể không còn bận tâm đến việc nhận định thuộc phạm trù này nữa, mà chỉ bận tâm đến việc tiến sâu hơn trong sự liên kết với Đức Kitô, để chọn và sống cái “tốt hơn” của tình yêu hiến tế mà Ngài đã sống và đào luyện những người bước theo Ngài, để cho cách hành xử của “bậc khiêm nhường thứ ba” càng được họ sở đắc cách tự nhiên hơn trong đời sống của họ (LT 167). Vì lý do này mà trong việc nhận định về sự AU không có nguyên do trước, thánh I-nhã dám cả gan liệt kê hoạch định của thần lành (good spirit) ngang hàng với hoạch định của thần dữ mà không chút sợ bị sai lầm; trong khi ở bộ I, thần lành đứng về phía Thiên Chúa, còn thần dữ dứng về phía chống lại Ngài.

 

Kết Luận: Ta có hai kết luận:

 

– Thứ nhất, đúng như lời thánh I-nhã xác định: bộ nhận định thần loại II chỉ dành cho những người thành thạo trên đường thiêng liêng và thường chỉ trình bày cho những người bước vào hành trình thao luyện của Tuần Hai trở đi. Vì lúc đó kẻ thù thường cám dỗ họ dưới dạng sự thiện (102). Còn đối với những người còn thô thiển và mới bước vào tập luyện ở Tuần Một, người hướng dẫn chỉ trình bày cho họ bộ NĐTL I mà không nói về bộ NĐTL II, trừ khi họ gặp cám dỗ dưới hình thức sự thiện như vừa nói. Vì “những qui tắc thuộc Tuần Một giúp ích họ bao nhiêu thì những qui tắc thuộc Tuần Hai sẽ làm hại cho họ bấy nhiêu, bởi đây là vấn đề quá tinh tế và quá cao siêu mà họ không thể hiểu được” (94).

 

– Thứ hai, thật tuyệt vời khi chúng ta tìm hiểu tựa đề “Linh Thao” (Spiritual Exercises) dưới lăng kinh đào luyện cho tập sách nhỏ bé của thánh I-nhã. Và khi giới thiệu tiến trình đào luyện, thánh nhân chỉ nói đến hai đời sống (chặng đường) cách minh nhiên mà thôi: đời sống thanh luyện tương ứng với việc thao luyện của Tuần Một và đời sống soi sáng tương ứng với việc thao luyện của Tuần Hai (LT 10) mà không hề đả động gì đến đời sống thần hiệp. Nhờ và chỉ nhờ hai bộ NĐTL, chân dung của đời sống thần hiệp mới được vén mở, nhưng không vén mở trực tiếp bằng chính thành ngữ “vida unitiua, united life) mà gián tiếp qua những ý niệm “God” (Thiên Chúa) – “sự an ủi không có nguyên do trước” (Consolation without a preceding cause) – và “spiritual person” (người thuần thiêng) để chỉ về tác nhân, hậu quả và chủ thể của loại đời sống (chặng đường) này. Có thể nói, phương pháp thay thế của việc đào luyện của Linh thao đòi hỏi thao viên phải cộng tác với ơn Chúa, để loại bỏ con người cũ tận vô thức (Old Identity) và thay thế nó bằng con người mới mà Đức Giêsu là mẫu sống (New Identity). Sự thay thế này ở Linh Thao chỉ dừng lại ở bình diện ý thức, và thao viên phải trải qua một hành trình tiếp nối lâu dài nhờ việc NĐTL và xét mình khi cử hành các biến cố ở giai đoạn hậu linh thao, để khi Đức Giêsu và lối sống của Ngài ăn sâu trong chủ thể đến tận vô thức, và nhờ sự chuẩn nhận của Thiên Chúa, lúc đó “linh hồn công chính hay sốt mến” của đời sống soi sáng mới thực sự trở nên “người thuần thiêng” của đời sống thần hiệp.

 

Nghệ thuật đào luyện và hướng dẫn đào luyện của thánh I-nhã thật tuyệt vời: tuyệt vời ở chỗ ngài có cái đầu quá to, nhưng cái lưỡi quá ngắn khi chia sẻ hành trình đào luyện thiêng liêng cho tín hữu, một hành  trình đào luyện dưới hình thức “ma trận” khiến nhiều tác giả khi bước vào mà không tìm được lối ra cho việc đào luyện.

 

Cho vinh danh Chúa hơn

 

Lm. Giuse Lê Quang Chủng, SJ.

Kiểm tra tương tự

Không phải hư mất (Thứ Ba Tuần 2 Mùa Vọng)

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. 12 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các …

« Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói » (Ngày 18 tháng 10 năm 2021 – Thánh Luca, Tác Giả Sách Tin Mừng)

  « Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói » …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *