Hướng Dẫn Sống Linh Thao Trong Kỳ Dịch Covid-19

Hướng dẫn sống Linh Thao ngày 25/4

 

Những cấu tố trong việc Đào Luyện của Linh Thao

 

Anh chị em thân mến,

 

Linh Thao chính là hành trình đào luyện sự trưởng thành thiêng liêng trong sự cộng tác giữa tự nhiên với ơn sủng. Thánh I-nhã đã vận dụng năm bước cầu nguyện của truyền thống Biển Đức “Lectio Divina” để dẫn thao viên dấn thân vào việc đào luyện này. Và ai trong chúng ta cũng đã biết trật tự năm bước Lectio Divina gồm: Lectio (đọc mà chất liệu là mặc khải trong Kinh Thánh) – Meditatio (suy gẫm) – Oratio (cầu nguyện) – Contemplatio (Chiêm niệm) – Actio (thực hành).

 

1/ Việc đào luyện của Tuần Một, đời sống thanh luyện:

 

Tôi đã trình bày cho anh chị em về việc mục đích đào luyện của Tuần một giúp cho chúng ta sống ơn tha thứ qua sự cộng tác của con người với mặc khải cứu độ của Thiên Chúa. Mặc khải cứu độ được diễn đạt bằng những bài suy gẫm về tội lỗi, hỏa ngục… (LT 45-72). “Meditatio” là hình thức cầu nguyện dựa vào mặc khải ở đó thao viên đào sâu đời sống luân lý và đức tin của bản thân mình dưới sự soi sáng của Nguyên Lý và Nền Tảng nhân bản (LT 23,1-7) để tìm ra con người cũ ở tận vô thức (Old ID.) và mở ra với ơn tha thứ nơi Chúa Giêsu (LT 53) – sự cộng tác của con người giúp hiện thực ơn tha thứ được gọi là “Actio”, tức là “thao luyện thực hành” và được nói đến qua hệ thống xét mình (LT 24-43) và Mười điều phụ thêm, đặc biệt về việc hãm mình đền tội (LT 82-87; 89) để ôn cố tri tân, nghĩa là từ đó rút ra kinh nghiệm và tập luyện lớn lên trong việc nhận định thần loại của bộ I cho tương lai sau này (LT 313-327).

 

Như vậy, trong việc đào luyện Tuần Một, thánh I-nhã vận dụng bước đầu và bước cuối của Lectio Divina và làm nên cấu trúc bao hàm (inclusion): thao luyện thực hành bao quanh việc suy gẫm vì có (A): xét mình – (B): suy gẫm – (A’): khổ chế. Cấu trúc này cho thấy ơn tha thứ là công việc của riêng Thiên Chúa được xếp ở tâm cấu trúc (B), còn sự cộng tác của con người là cặp vế bên ngoài có tính phụ vào để ơn cứu độ thành tựu (A)-(A’). Vì lý lẽ này mà những ai kết thúc Linh Thao ở Tuần một thì chính hệ thống xét mình và việc khổ chế là công việc họ phải làm để tiếp tục kinh nghiệm thao luyện thời hậu Linh Thao.

 

2/ Việc đào luyện của ba tuần cuối, đời sống soi sáng:

 

Tôi cũng đã trình bày cho thấy việc đào luyện của ba tuần Linh Thao sau cùng thuộc cấp độ siêu nhiên để nên môn đệ Đức Giêsu và là con Thiên Chúa với Ngài. Hành trình này thuộc đời sống soi sáng khởi sự từ bài chiêm niệm về Lời gọi Vua Hằng sống với nội dung: “Theo Ta trong đau khổ, ở với Ta trong vinh quang” (LT 955). Tôi cũng đã trình bày rằng Thánh I-nhã chỉ nói đến đời sống soi sáng ở Tuần hai, và rồi tôi cũng đã chứng minh sự trưởng thành của Thao viên ở Tuần ba và Tuần bốn không vượt qua sự trưởng thành của Tuần Hai này. Lý do vì tính thử thách của Tuần Ba và tính khó tin vào sự phục sinh của các môn đệ.

 

Chất liệu đào luyện của các Tuần linh thao này cũng qui về sự cộng tác giữa con người với ơn sủng Chúa. Đó là những bài “Contemplatio” chiêm niệm mặc khải – “Actio” thao luyện thực hành – “Oratio” cầu nguyện cá nhân và trước hết là kinh nghiệm cá nhân của thánh I-nhã,  nhưng không sắp xếp theo cấu trúc bao hàm như Tuần Một, mà được đan xen với nhau như sau:

 

-“Contemplatio” tức chiêm niệm mặc khải vì đối tượng chiêm niệm là chính cuộc đời Đức Giêsu từ khi nhập thể làm người cho đến khổ nạn và phục sinh (LT 42b-3): Tuần Hai từ thời thơ ấu đến công khai, Tuần Ba về cuộc khổ nạn và Tuần Bốn về việc phục sinh. Mục đích để hiểu biết Ngài thâm sâu hơn, yêu mến Ngài hơn và bước theo Ngài (LT 104), đặc biệt Ngài hiến tế mình vì tôi (LT 203) và đã phục sinh từ cõi chết.

 

“Actio” tức là việc thao luyện thực hành gồm những khí cụ hướng dẫn: từng ngày trong những chỉ dẫn trực tiếp; từng tuần trong các bộ ghi chú (LT 127-131; 162-164; 204-207; 226-229); và trong Tuần Hai có hệ thống chọn lựa ơn gọi (LT 169-188) và các bộ qui tắc của Tuần khác xét như là khí cụ hướng dẫn trong và hậu linh thao: Qui tắc lựa chọn ở cách hai của thì ba thuộc Tuần hai (Lt 184-188) – qui tắc về ăn uống thuộc Tuần ba (LT 210-217) – bộ qui tắc về nhận định thần loại II (LT 328-336), về bố thí (LT 337-344), về cùng cảm nghĩ trong Giáo Hội ở Tuần bốn (LT 252-370).

 

“Oratio” tức là cầu nguyện cá nhân: Việc cầu nguyện này có điểm khởi và chất liệu từ con người chứ không từ mặc khải được đưa vào thao luyện dưới ánh sáng đức tin để giúp thao viên lớn lên trong sự trưởng thành thiêng liêng.  Oratio được coi như là hình thức cầu nguyện từ loài người đáp lại những cuộc cầu nguyện từ mặc khải. Việc cầu nguyện này cũng có những yếu tố tương ứng với cầu nguyện mặc khải. Nếu cầu nguyện mặc khải trong Lectio DivinaLectio (đọc Kinh thánh) – meditatio (suy gẫm) – contemplatio (chiêm niệm), thì trong Oratio cũng có Consideratio (suy xét) – meditatio (suy gẫm) – contemplatio (chiêm niệm).

 

Làm cách nào để phân biệt được cầu nguyện mặc khải và cầu nguyện cá nhân trong Linh Thao theo thánh I-nhã? Thưa, Cả hai việc cầu nguyện đều có hai hình thức suy gẫm và chiêm niệm. Tuy nhiên, có hai điểm khác biệt chính yếu: thứ nhất, Cầu nguyện mặc khải có chất liệu là Lời Chúa, vì thế trong cầu nguyện mặc khải cả suy gẫm lẫn chiêm niệm đều phải có bước đọc Kinh Thánh (Lectio), còn trong cầu nguyện cá nhân chất liệu không có từ Lời Chúa mà từ chân lý đức tin, vì thế trong việc cầu nguyện này sẽ có chất liệu là việc Suy xét (Consideratio)Thứ hai, suy gẫm và chiêm niệm mặc khải có cấu trúc đối nghịch với cấu trúc của suy gẫm và chiêm niệm cá nhân; nghĩa là trong khi bài suy gẫm mặc khải về tội ở Tuần một gồm kinh dọn lòng, hai tiền nguyện là đặt khung cảnh và xin ơn, rồi sau đó là suy gẫm với các điểm gợi ý và kết thúc bằng việc tâm sự trước khi xét gẫm; thì trong những bài chiêm niệm mặc khải về cuộc đời Đức Giêsu từ tuần hai trở đi có thêm một tiền nguyện về lịch sử theo trật tự như sau: kinh dọn lòng, ba tiền nguyện là về lịch sử, đặt khung cảnh và xin ơn, sau đó là chiêm niệm với những điểm gợi ý và kết thúc bằng việc tâm sự trước khi xét gẫm. Cấu trúc các bài cầu nguyện cá nhân thì ngược lại: những bài suy gẫm cá nhân có cấu trúc của những bài chiêm niệm mặc khải, nghĩa là có thêm tiền nguyện về lịch sử  trong khi những bài chiêm niệm cá nhân lại có cấu trúc giống như suy gẫm mặc khải, nghĩa là không có tiền nguyện về lịch sử.

 

Trong Linh Thao có 6 bài Oratio cá nhân vốn diễn tả chính sự trưởng thành của thánh I-nhã trong thao luyện khi cộng tác với ơn mặc khải làm nên cấu trúc đối ngẫu cân xứng gồm hai bài chiêm niệm, hai bài suy xét và hai bài suy gẫm như sau:

 

(A) Chiêm niệm Vua Hằng Sống (91-98)    (A’) Chiêm Niệm để được tình yêu (230-237)

 

(B) Phi lộ để suy xét bậc sống (135)           (B’) Suy xét về ba bậc khiêm nhường (165-167)

 

(C) Suy gẫm về Hai Cờ hiệu (LT 136- 147)  (C’) Suy gẫm về ba mẫu người (l49-157)

 

                                                 (D)Mẹ là mẫu gương và cầu bầu (148b)

 

Như thế sự cộng tác của con người với ơn sủng của Thiên Chúa có vị trí rất quan trọng, sự cộng tác không chỉ trong thao luyện thực hành, khổ chế mà cả đời sống cầu nguyện nữa. Xin Cho chúng ta lòng quảng đại trong việc cộng tác này để nên khí cụ của Chúa.

 

Cho vinh danh Chúa hơn

 

Lm. Giuse Lê Quang Chủng,S.J

Kiểm tra tương tự

Thay Đổi Nhãn Quan Về Kinh Doanh – Một gợi hứng từ Thông Điệp Laudato Si’

  Quan điểm phổ biến cho rằng doanh nghiệp chủ yếu được thúc đẩy bởi …

Lễ Sinh Nhật Đức Maria

Cũng giống như nhiều người trong chúng ta rất xem trọng ngày sinh nhật của …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *