Hướng dẫn trẻ nhỏ khám phá sức mạnh chữa lành từ lòng thương xót và lời nguyện chuyển cầu

Tôi biết một người mẹ có hai con trai nhỏ thường xuyên cãi nhau. Một buổi chiều nọ, hai đứa trẻ khiến bà ấy vô cùng bực mình khi cuộc cãi vã của chúng trở nên căng thẳng hơn và cả hai đứa trẻ đều vi phạm luật lệ gia đình khi xúc phạm nhau.

 

Vì vi phạm luật lệ, một số đặc quyền của hai đứa trẻ đã bị thu hồi. Một cậu mất cơ hội tham gia buổi xem phim gia đình; cậu còn lại bị mất quyền sử dụng một món đồ chơi yêu thích. Hai anh em đổ lỗi cho nhau một cách cay đắng, và mối quan hệ của chúng càng trở nên rạn nứt khi mỗi đứa trẻ đều cho rằng đứa kia là nguyên nhân của việc mình không có được đặc quyền.

 

Người mẹ cầu nguyện xin ơn khôn ngoan. Bà muốn các con trai tuân thủ luật lệ gia đình nhưng quan trọng hơn, bà muốn chúng yêu thương và biết ơn nhau.

 

Rồi bà nảy ra một ý tưởng.

 

Bà gọi cậu con trai út lại và nói chuyện riêng với cậu bé một cách nhẹ nhàng. Bà ấy nói với cậu bé: “Có một cách để anh trai con lấy lại đặc quyền của mình. Khi ai đó làm chúng ta tổn thương, Chúa muốn chúng ta thương xót người đó bằng cách cầu nguyện cho họ. Đó được gọi là lời chuyển cầu – khi chúng ta xin Chúa làm những điều tốt đẹp cho họ. Nếu con muốn, con có thể xin phép cho anh trai xem phim cùng chúng ta, và mẹ sẽ đồng ý, bởi vì đó là điều Chúa làm cho chúng ta, và mẹ muốn noi theo Ngài. Trái tim Chúa cảm động khi chúng ta cầu nguyện xin sự thương xót cho những người đã làm tổn thương chúng ta, và Ngài ban ơn đặc biệt cho họ qua lời cầu nguyện của chúng ta. Con có muốn làm điều đó không?”

 

 

 

Đứa trẻ gật đầu, rồi hỏi mẹ xem anh trai có được xem phim cùng cả nhà không. Mẹ cậu bé trả trả lời: “Được chứ con, bởi vì con đã cầu xin thay cho anh trai con, dù con là người bị xúc phạm, nên anh ấy có thể lấy lại những đặc quyền của mình. Mẹ muốn con biết và luôn nhớ rằng, khi ai đó làm con tổn thương, con có thể giúp người đó nhận được thêm ân sủng nếu con cầu xin Chúa ban những điều tốt đẹp cho họ.”

 

Sau đó, bà gọi con trai lớn vào phòng và giải thích rằng, vì em trai đã xin cho cậu, nên cuối cùng cậu có thể xem phim cùng mọi người.

 

Cậu bé lớn rạng rỡ nhìn em trai và nói: “Cảm ơn”. Toàn bộ nét mặt cậu ấy đã thay đổi. Vài phút trước, người anh còn cau mày nhìn em trai với vẻ giận dữ và oán trách, giờ đây anh ấy mỉm cười với em trai với lòng biết ơn và vui mừng.

 

Sau đó, người mẹ cũng đưa ra cho đứa con lớn cùng một lựa chọn như đã làm với đứa em. Bà hỏi cậu bé có muốn xin phép để em trai được chơi lại món đồ chơi yêu thích của mình không. Người anh vui vẻ đồng ý và quyền lợi của em trai được khôi phục. Hai cậu bé đi chơi cùng nhau trong hòa bình. Chúng không còn là đối thủ nữa. Chúng đã giúp đỡ lẫn nhau tìm cách chuộc lỗi, và giờ đây chúng đã cùng một đội.

 

Chiều hôm đó, cậu em nhỏ vô tình làm đổ một cốc nước lên bàn bếp. Trước khi mẹ kịp phản ứng, anh trai đã lấy khăn đến lau sạch chỗ nước bị đổ một cách kiên nhẫn. Mọi dấu vết của cuộc cãi nhau trước đó đều biến mất. Thay vào đó, anh trai như trở thành một đứa trẻ khác – chu đáo, có trách nhiệm và trưởng thành khi chăm sóc em trai của mình, người đang quan sát và học hỏi từ tấm gương của anh.

 

Chữa lành những trái tim chai sạn

 

Thật tuyệt vời khi câu chuyện này cũng phản chiếu cách Cha trên trời đối xử với chúng ta! Bởi vì Ngài cũng muốn chúng ta tuân theo các luật lệ, nhưng hơn hết, Ngài muốn tất cả con cái của mình yêu thương và trân trọng lẫn nhau.

 

Khi chúng ta làm tổn thương nhau, chúng ta thường đổ lỗi cho người kia như là nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Nhưng Chúa muốn chúng ta hiểu rằng chính lòng thương xót và lời nguyện chuyển cầu mới chữa lành được những mối quan hệ bị tổn thương của chúng ta, chứ không phải sự giận dữ và oán giận.

 

Như Chúa Giê su đã dạy trong Tin Mừng Luca 6,36: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” Hoặc trong Tin Mừng Mát-thêu 5,44: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”. Bằng cách bày tỏ lòng thương xót và cầu thay cho nhau, hai anh em trẻ này đã khám phá ra sức mạnh chữa lành trong lời của Chúa Giêsu.

 

Cũng như mỗi cậu bé đã xin mẹ mình khoan dung với anh em của mình, chúng ta cũng có thể xin ơn đặc biệt cho anh chị em đã làm mình tổn thương. Mẹ chúng ta là Giáo Hội cũng đang đợi để ban phát những ơn tha tội từ kho tàng phong phú của mình cho tất cả những ai thành tâm cầu xin.

 

Như lời Chúa phán với thánh nữ Catherine xứ Siena trong cuốn Đối thoại:

 

 

“Tình yêu với tha nhân… là phương tiện Ta ban cho các con để thực hành và chứng minh đức hạnh của mình” . “Những gì các con không thể làm cho Ta, hãy làm cho tha nhân. Như vậy, người ta sẽ thấy rõ rằng các con có Ta trong tâm hồn mình bởi ân sủng. Khi có khát vọng yêu thương dịu dàng, các con tìm kiếm danh dự cho Ta và ơn cứu độ cho tha nhân bằng cách sinh nhiều hoa trái cho họ trong những cầu nguyện thánh thiện. … Ta hoàn toàn có thể ban cho mỗi người các con mọi nhu cầu, cả về tinh thần lẫn vật chất. Nhưng Ta muốn các con phụ thuộc lẫn nhau để mỗi người trở thành người quản lý của Ta, giúp phân phát những ân sủng và tài năng mà các con đã nhận được từ Ta.”

 

Cha trên trời đã có thể chọn cách khác để đáp ứng nhu cầu của chúng ta. Nhưng yêu thương tha nhân là con đường Ngài ban cho chúng ta. Bởi cuối cùng, khi chúng ta học biết tha thứ và cầu nguyện cho những người làm tổn thương mình, Chúa sẽ lấy những gì chúng ta đã cho người khác và dùng để chữa lành trái tim cứng cỏi của chúng ta. Nhờ hồng ân vô biên của Chúa giúp, xin cho con cái yêu dấu của Ngài có thể vững bước trên con đường của mình. 

 

Nguồn: Catholic Exchange

Chuyển ngữ: Mai Ni

Kiểm tra tương tự

Các bà mẹ nội trợ và chứng trầm cảm: 4 điều cần biết

  Làm cha mẹ nội trợ ở nhà thật là khó, nhưng liệu điều đó …

Tám cách giúp con trẻ vượt qua nỗi mất mát người thân.

  Dưới đây là cách giúp bạn đồng hành cùng trẻ nhỏ vượt qua nỗi …