Hy sinh từ bỏ – cần nhưng chưa đủ

Cách đây ít hôm có người quen giới thiệu cho tôi một fanpage cổ võ ơn gọi tận hiến. Tôi vào xem thử thì đập ngay vào mắt chính là hình ảnh Chúa Giêsu bị tra tấn máu me tung tóe được đặt làm hình nền. Tôi tự hỏi rằng không biết các bạn trẻ mới nhen nhúm ý định đi tu khi thấy hình ảnh đó thì có được thêm động lực dấn thân không nữa. Vâng, khi nói đến đời tu người ta thường nghĩ ngay đến hy sinh, từ bỏ. Không chỉ riêng đời tu thôi đâu, đời Kitô hữu nói chung cũng phải gắn liền với việc hy sinh và từ bỏ. Chúa Giêsu đã nói rõ: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 26). Cha mẹ, vợ con, anh em, chị em là những người thân cận nhất mà còn từ bỏ được thì có gì nữa mà không thể từ bỏ. Mạng sống là thứ quý giá nhất mà từ bỏ được thì còn tha thiết điều gì nữa đâu. Tuy nhiên, lời dạy của Chúa Giêsu chưa kết thúc ở đó, Ngài nói thêm: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 27). Hóa ra điều quan trọng nhất không phải là “vác thập giá”, thường được hiểu là hy sinh từ bỏ, mà là “đi theo” Chúa Giêsu. Nói cách khác, hy sinh từ bỏ chỉ là điều kiện cần, phải bước theo Chúa Giêsu nữa mới gọi là đủ.

Trong tin mừng theo thánh Luca, ngay sau lời dạy trên là câu chuyện minh họa về người xây tháp và ông vua đánh trận. Theo đó cả hai đều phải tính toán phí tổn hay sức lực của mình trước khi bắt đầu công việc. Rất có thể người xây tháp đã chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện cần thiết, ông vua cũng tự tin hùng binh của mình sẽ thắng trận. Tuy nhiên như vậy vẫn chưa đủ. Nếu họ không bắt tay vào thực hiện công việc xây tháp hay đưa quân ra trận thì sẽ chẳng bao giờ có được kết quả như mong đợi. Hai hình ảnh này một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng đời sống đức tin không chỉ dừng lại ở “khâu chuẩn bị” như hy sinh từ bỏ mà còn cần phải “tiến hành” bước theo Chúa Giêsu. Lý tưởng của đời Kitô hữu là để Chúa Giêsu chiếm trọn vẹn con người mình đến mức mình trở thành một “Giêsu khác”.

Không ít người tín hữu than phiền theo đạo phải tuân thủ luật lệ này nọ, mất tự do. Lại có nhiều linh mục, tu sĩ khi về già chỉ thấy cuộc đời mình toàn những hy sinh thiệt thòi, không được sung sướng tận hưởng cuộc sống như bao nhiêu người khác. Vâng, có thể những người đó đã làm rất tốt việc hy sinh từ bỏ và cũng đã làm nhiều việc lành phúc đức trước mặt người đời. Họ chỉ thiếu mỗi một điều đó là để Chúa Giêsu đi vào cuộc đời mình một cách trọn vẹn. Không có Chúa Giêsu, những hy sinh từ bỏ sẽ chỉ tạo nên những khoảng trống trong tâm hồn khiến con người trở nên bất hạnh hơn. Tạo ra khoảng trống là cần thiết, nhưng điều cần thiết hơn là để Chúa Giêsu lấp đầy khoảng trống đó.

Đức Giáo hoàng Phanxicô thường nhấn mạnh tới niềm vui trong đời sống người Kitô hữu. Trong bài giảng dịp lễ Các Thánh vừa rồi ngài còn nhấn mạnh rằng “không thể có sự thánh thiện nếu thiếu vắng niềm vui”. Ngài giải thích thêm rằng niềm vui đó không dừng lại ở mặt cảm xúc mà sâu xa hơn đó là niềm vui “có Chúa”. Cảm xúc có thể thay đổi theo các cung bậc khác nhau tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể, nhưng một người “có Chúa” thì sẽ luôn đón nhận mọi biến cố vui buồn xảy đến trong đời với con mắt yêu thương của Chúa. Do đó chỉ niềm vui “có Chúa” mới mang giá trị bền vững và là yếu tố giúp con người sống hạnh phúc triển nở.

Khi thánh Phêrô hỏi Chúa Giêsu “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19,27) chắc hẳn ngài đang cảm nhận được sự bấp bênh khi phải “bỏ mọi sự”. Cũng may là ngài nói đầy đủ “bỏ mọi sự mà theo Thầy”. Nếu không có vế “mà theo Thầy” thì câu trả lời nhận được rất có thể sẽ là: “Sao con dại thế, bỏ mọi sự vậy thì đâu được gì!” Vì thánh Phêrô đã hỏi đầy đủ nên câu trả lời của Chúa Giêsu cũng rất rõ ràng: “Phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp” (Mt 19,27). Như vậy, nếu so sánh giữa “vốn” bỏ ra và “lợi nhuận” thu được thì người môn đệ của Chúa Giêsu đúng là lời to. Dù họ phải “bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất” nhưng bù lại họ nhận được gấp bội (hay gấp trăm) “số vốn” ấy, lại còn được khuyến mãi thêm “sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp” nữa chứ. Tuy nhiên, một món hời như vậy cũng đòi hỏi phải có điều kiện của nó chứ không “dễ ăn” như người ta tưởng. Điều kiện ở đây được diễn tả trong một cụm từ ngắn gọn rất dễ bị bỏ quên đó là: “vì danh Thầy”.

Đây không phải là lần duy nhất Chúa Giêsu nhắc đến chữ “vì danh Thầy”. Theo đó, “vì danh Thầy” là điều kiện để một việc làm nhỏ bé trở nên có giá trị trước mặt Chúa: “Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9, 37). Tuy nhiên, “vì danh Thầy” cũng lại là nguyên nhân khiến người môn đệ bị bách hại: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét” (Mt 10, 22). Người Kitô hữu có thói quen làm Dấu Thánh Giá trước giờ cầu nguyện, trước bữa cơm hay trước khi đi đường. Như thế, họ tuyên xưng việc họ đang làm hay sắp làm là “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần”. Nếu một người làm mọi việc đều “nhân danh Chúa” chứ không phải là “nhân danh tôi” thì họ đích thị là người đã để Chúa chiếm lấy trọn vẹn con người mình rồi. Khi đó những hy sinh từ bỏ hay việc làm phúc đức của họ sẽ là những phương thế hữu hiệu giúp họ kết hiệp với Chúa mật thiết hơn.

Những hy sinh từ bỏ sẽ chỉ có ý nghĩa nếu chúng giúp hướng đến một giá trị nào khác lớn lao hơn. Trong đời tu cũng như đời sống giáo dân, người môn đệ Chúa Giêsu luôn phải có sự hy sinh từ bỏ, từ những chuyện như dành thời giờ đọc kinh cầu nguyện, tham dự thánh lễ, chia sẻ của cải vật chất giúp đỡ than nhân cho đến việc chống lại những cám dỗ bất chính, từ bỏ đường xấu xa tội lỗi. Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng những sự hy sinh từ bỏ như thế chỉ là điều kiện cần để đón nhận một giá trị khác tuyệt vời hơn, đó chính là mặc lấy Đức Giêsu. Chỉ khi “có Chúa” và “nhân danh Chúa” thì đời sống của con người mới trở nên sung mãn và đầy đủ hơn qua những hy sinh từ bỏ hàng ngày. Hình ảnh Chúa Giêsu đầy máu me vẫn chưa phải là kết cục cuối cùng của đời tu hay đời Kitô hữu nói chung. Quan trọng hơn, đằng sau thập giá đớn đau đó chính là niềm vui phục sinh vinh quang, đánh tan xiềng xích tội lỗi, mang lại sự sống đời đời.

Giuse Lê Đắc Thắng, SJ

Kiểm tra tương tự

Đừng ngại rao giảng Tin Mừng

Một trong những thách đố khi là một người Ki-tô hữu là việc ra đi …

Sức mạnh của thinh lặng

Đối với những người phấn đấu sống một cuộc sống đức hạnh, việc học cách …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *