Đọc bài “Lớp học không chuyên có 32 học sinh được 25 điểm trở lên” vừa gợi lên trong tôi niềm vui khó tả, vừa nhắc tôi niềm thao thức trong lĩnh vực giáo dục.
Trường tôi, Xuân Trường B chỉ là trường làng. Từng học lớp 12A1, niên khóa 2003-2006, tôi (27.5 điểm) và các bạn (30 điểm, 29; 28; còn 25 điểm được coi là bình thường trong lớp) từng đạt điểm rất cao trong kì thi đại học 2006. Đằng sau kết quả cao ấy là gì?
Ngoài rất nhiều nỗ lực của thầy cô và chúng tôi, có những thông số khác bạn có thể quan tâm. Lớp 12A1 chúng tôi là lớp chọn của trường. Thầy cô dạy chúng tôi là những thầy cô giỏi nhất trường. Có thể nói, chúng tôi là những người có khả năng hơn các bạn lớp khác, ít nhất là việc thi cử cho thấy điều ấy. Thầy cô và chúng tôi, tuy không ôn luyện tập trung kiểu cấp tốc; nhưng việc ôn luyện rất đều đặn trong suốt 3 năm. Ba mức độ được rèn luyện nhuần nhuyễn: mức độ căn bản của sách giáo khoa; mức độ nâng cao của các chuyên đề; mức độ luyện thi để đáp ứng kì thi.
Nếu bạn quen với các môn toán lý hóa, bạn sẽ thấy, mấy năm nay, dù Bộ giáo dục có thay đổi nhiều, nhưng chỉ thay đổi về hình thức thi. Nếu thế, điều này chẳng ảnh hưởng bao nhiêu tới việc học và luyện tập, nếu học nghiêm túc. Như thế, việc đạt kết quả cao của chúng tôi là niềm vui thấm thía, chứ không có gì bất ngờ.
Điều muốn nói là về thao thức của tôi, của thầy cô tôi: Còn gì nữa không sau những kết quả cao ngất ngưởng kia?
Thầy tôi năm ấy dạy toán và chủ nhiệm cả 3 năm. Thầy khiêm tốn thừa nhận: có nhiều cách thế để đi vào đời, con đường học tập là một cách khả thi, các em có khả năng đi vào đường này, nếu không đi, thật tiếc cho các em. Thầy nhấn mạnh: cũng giờ này, có nhiều bạn đi chơi, có nhiều bạn đi làm, trong khi tụi em đi học, tụi em hãy xây dựng tương lai cho mình ngay từ bây giờ. Có lúc, thầy kể cho tụi tôi nghe về gương của các anh chị đi trước. Thầy không dám chắc được gì, chỉ biết rằng, thầy cùng chúng tôi có thể mở ra một cánh cửa.
Cô giáo dạy hóa năm ấy, nhắc đi nhắc lại: cô chỉ có thể giúp tụi em trong việc học và thi, những điều khác cô không biết chắc. Cô có thể giúp tụi em vào được ngưỡng cửa đại học, còn vào đại học vào cuộc sống, tụi em phải tự lo, cô chưa có câu trả lời. Cô chia sẻ thêm: đại học không phải là cấp 4, nhưng học thế nào ở đại học cho hiệu quả, cô chưa biết. Cô nhắc nhở: điểm thi đại học của tụi em có thể vượt xa nhiều bạn khác, nhưng các bạn ấy có thể có khả năng hơn tụi em. Cô an ủi: điểm thi các em cao, nên khi học đại học, tụi em sẽ học cùng học sinh các trường chuyên, tụi em đừng ngạc nhiên khi thấy họ thông minh hơn mình, họ biết nhiều hơn mình, vì trường mình không thể bằng trường chuyên.
Thầy cô tôi giúp tôi thấy rõ: việc học của chúng tôi là học để thi, học để đi tìm con đường phía trước, còn con đường ấy là gì thì chúng tôi và ngay cả thầy cô cũng chưa thấy. Sau khi học và tốt nghiệp khoa Toán, ngành Sư phạm Toán thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội, thật sự tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời.
Chỉ biết rằng, cả trường cấp 3 của tôi năm ấy, chỉ có lớp tôi là “thành công” như thế, còn các lớp khác? Chỉ biết rằng, cả nước mới có một số trường chuyên “thành công”, còn bao nhiêu trường khác? Trong số những người thành công, ít nhất là như tôi biết, thì thành công về điểm số, chứ không phải về sự sáng tạo hoặc phương pháp đột phá.
Chỉ biết rằng, một giáo sư toán dạy tôi thời đại học nhận định về chính thầy: “Tôi không thấy ai hơn tôi cho tới khi tôi đạt giải huy chương đồng toán quốc tế. Ở Việt Nam các bạn thấy tôi giỏi, ra thế giới tôi chỉ là tầm trung, tầm trung theo nghĩa của chuyên môn, chứ về các mặt khác tôi thua xa đồng nghiệp. Nước ta chỉ có một số học sinh giỏi do được rèn luyện kỹ lưỡng. Còn các nước tiên tiến, họ có rất nhiều người giỏi với nhiều lĩnh vực và phong cách khác nhau.”
Dường như, việc dạy và học hiện tại, dù theo nghĩa tích cực nhất, vẫn chỉ là việc tích lũy kiến thức, vẫn chỉ như những con ong chăm chỉ cặm cụi với những hệ thống có sẵn. Cần mở những con đường mới!!! Bằng không, dùng hết hệ thống này hệ thống kia, mà con người vẫn thế, thì hệ thống cũng chẳng tới đâu. Là một giáo viên tự do, có lúc tôi chợt nhận ra giá trị cao quý nơi những học trò vốn bị mang tiếng là kém cỏi và siêu quậy.
Tự nhủ lòng về sự khiêm tốn mà thầy cô từng nhắc: điểm cao chỉ cao trong một thang đánh giá nào đó mà thôi; thất bại, thì cũng chỉ thất bại theo một nghĩa nào đó. Có thể tôi được dư luận khen ngợi hoặc bị cười chê, thì cũng chỉ là những cơn gió thoảng trong cuộc đời.
Cầu chúc các em học sinh vững tâm đón nhận kết quả của bản thân, vững tâm lựa chọn học trường nào, vững tâm lựa chọn học hay đi làm… Vui hay buồn, thành công hay thất bại, vẫn còn điều gì đó cao quý hơn? Chỉ bạn mới có thể trả lời.
Vinhsơn Vũ Tứ Quyết, S.J.