Khám phá Thiên Chúa nơi vũ trụ: cuộc phỏng vấn với nhà thiên văn học Vatican

Thực hiện bởi linh mục Sean Salai, S.J.

Linh mục David Brown, S.J., là một nhà thiên văn học Vatican chuyên về sự phát triển của sao. Ngài sinh trưởng tại New Orleans, sau khi tốt nghiệp cử nhân về Vật lý tại Đại học Texas A&M, ngài vào Dòng Tên năm 1991. Ngài chịu chức linh mục năm 2002 và hoàn thành luận án tiến sĩ về vật lý học thiên thể tại đại học Oxford ở Anh Quốc năm 2008.

Cha Brown gia nhập đài Thiên Văn Vatican năm 2008, chuyên nghiên cứu về vũ trụ và quản lý các Kính viễn vọng ở Castel Gandolfo. Từ năm 2009, ngài là thành viên của Hiệp hội khoa học thiên văn Mỹ; từ 2012 là thành viên của liên hiệp thiên văn quốc tế.

Cuộc phỏng vấn này được thực hiện vào ngày 02.10.2018 tại trường trung học Rockhurst trong suốt giờ nghỉ khi ngài diễn thuyết ở thành phố Kansas. Bản ghi lại này được điều chỉnh về văn phong và độ dài.

Làm thế nào cha hài hoà được giữa việc vừa là một linh mục dòng Tên lại là một nhà khoa học, đối với một số người hai điều ấy dường như khác nhau đến mức đối lập?

Thực sự thì không phải vậy. Giáo hội có một truyền thống đậm nét về sự hiện diện của mình như một trợ lực cho khoa học và nghệ thuật. Khoa học thật ra là một phần không thể thiếu của những gì Giáo hội đã thực hiện. Nếu bạn nhìn vào các đại học thời Trung cổ do Giáo hội thiết lập ở Âu châu, thiên văn học và toán học là một phần đương nhiên trong chương trình học.

Rồi khi bạn nhìn vào đài Thiên văn Vatican, vốn tiền thân của nó là dành cho một lý do rất thực tiễn bởi Đức Gregorio XIII, và được đảm trách bởi các nhà thiên văn học và toán học, những người thuộc hàng giáo sĩ, như linh mục dòng Tên Christopher Clavius, nhà toán học sáng giá nhất vào thời đại của ngài. Nên Giáo hội đã, đang làm khoa học trong một phần lớn lịch sử của mình. Theo đó, là một linh mục và vừa là nhà khoa học không có gì là loại trừ nhau đâu. Ngày nay, nó làm cho người ta ngạc nhiên như một điều gì đó ngoại thường là bởi vì khoảng cách về nhận thức giữa thế giới của khoa học và thế giới của tôn giáo. Nhưng bất kỳ một cái nhìn thoáng qua nào về Giáo hội và vai trò của GH đối với nền văn hoá cho thấy một câu chuyện rất khác nhau. Với tôi, vừa là một linh mục và vừa là một nhà khoa học, đây là điều rất bình thường.

Điều gì thúc đẩy cha trở thành một nhà khoa học?

Tôi đã từng luôn bị thu hút với biên cương chưa được biết tới, trong đó có lãnh vực ngoài không gian. Khi còn trẻ, tôi đọc sách về vũ trụ, về những phi hành gia, các hố đen, những hành tinh và các ngôi sao, chuyến du hành vũ trụ. Vào đúng lúc “chiến tranh các vì sao” ra đời, nó hướng chú ý tới những ngôi sao và mầu nhiệm về chúng, nó gợi lên trong tôi sự tò mò và cảm giác mạo hiểm. Cũng vậy, tôi yêu thích môn toán và cách mà toán có khả năng diễn tả những hiện tượng trong vũ trụ này. Trật tự của vũ trụ đã thu hút và tác động sâu xa đến tôi.

Vậy điều gì thúc bách cha trở thành một linh mục Dòng Tên?

Đặc sủng của dòng với tôi quá tuyệt vời. Để sử dụng lối nói quen thuộc của một Giêsu hữu, tôi nghĩ rằng, “tìm Chúa trong mọi sự” đã gói ghém trọn khả năng của Dòng để bước vào, ngang qua những sức vụ của Dòng, đi vào nhiều những môi trường khác nhau trên thế giới này, từ mục vụ truyền thống vươn ra tới tất cả mọi nẻo đường để làm việc với những di dân và người tị nạn, rồi cùng với đó là trong những đại học và tông đồ tri thức, gồm cả những nhà thiên văn học như là một phần của truyền thống ấy. Thiên Chúa có thể được tìm thấy trong mọi sự có nghĩa là công trình tạo dựng này ghi dấu ấn bàn tay của Đấng tạo hoá và vì thế điều này hình thành nên một con đường mà chúng ta có thể biết và tìm Thiên Chúa.

Cha đã từng lặp đi lặp lại rằng, công việc của mình như một nhà khoa học xác quyết niềm tin của cha vào Thiên Chúa. Xin cha giải thích thêm?

Công việc này xác quyết niềm tin của tôi vào Thiên Chúa theo nghĩa, khi tôi nhìn lên bầu trời hay nhìn xuống bất kỳ dữ liệu nào tôi có, tôi được lấp đầy với một cảm thức sâu xa về lòng kính sợ trước những gì Thiên Chúa đã thực hiện: về vẻ đẹp của nó, sự huyền nhiệm của nó, trật tự của nó.

Thiên Chúa là ai đối với cha?

Tiên vàn, Thiên Chúa là nguồn cội của mọi sự, Đấng Tạo hoá. Ngài không chỉ là Đấng Tạo dựng hay Thiên Chúa Toàn năng, nhưng cùng với đó còn là người bạn, là Thiên Chúa và là Đức Giêsu Kitô cứu độ. Cũng là Thiên Chúa tạo nên đất trời, và mọi sự trong đó nơi một vũ trụ rộng lớn bao la nơi mà con người có thể cảm thấy vô cùng nhỏ bé, nhưng cùng lúc đó, Ngài lại đến với chúng ta theo một cách thức rất cá vị nơi cuộc Nhập thể của Đức Giêsu Kitô. Qua Lời Ngài, chúng ta có thể thấy và biết Ngài, thậm chí đụng chạm đến ngài – như thánh Gioan từng nói, “những gì chúng ta đã thấy bằng mắt và được đụng chạm bằng tay” – qua Bí tích và rất nhiều cách thức khác nhau.

Cha sẽ nói gì với những người lập luận rằng, chúng ta không thể chứng minh được sự hiện hữu của Thiên Chúa?

Chúng ta phải nhìn nhận khoa học là một phương pháp có thể thăm dò và nghiên cứu một lát mỏng của thực tại trong vũ trụ của chúng ta ngang qua những phương pháp rất chính xác, nhưng tuyệt nhiên không thể cho rằng phương pháp luận chính xác có thể là một từ xác định cho mọi thứ. Rõ ràng, nó là một con đường rất hữu hiệu để khám phá chân lý và một lối nẻo tốt. Nhưng các phương pháp của khoa học không có thêm vào chính nó để chứng minh, một cách xác định theo nghĩa chứng minh toán học được, sự hiện hữu của Thiên Chúa theo cách thức mà chúng ta có thể minh họa những thứ từ một lối nhìn kinh nghiệm, dẫu cho những gì khoa học giải thích thì gợi mở cho tôi nhiều điều về vẻ đẹp sâu xa của Thiên Chúa. Thiên Chúa ở nơi tổng thể của Người thì còn vượt xa hơn thế.

Có thể nói, về mặt lịch sử, đức tin của chúng ta dựa trên chứng từ của các Tông đồ, nên chúng ta không cần những thứ được chứng minh một cách khoa học về mọi phép tính mới có thể tin, vì đức tin của chúng ta dựa trên lời chứng của những người đi trước chúng ta, và về những gì đã họ thấy và được gặp gỡ.

Thưa cha, làm sao cha hài hòa được những sai lầm về mặt khoa học trong Kinh Thánh với những tình trạng của nó cho các tín hữu xét như chân lý được mạc khải của Thiên Chúa?

Kinh thánh không phải được viết như một cuốn sách khoa học, theo cách mà chúng ta hiểu những cuốn sách khoa học hiện nay, theo nghĩa nào đó là đưa ra ngôn ngữ và những phương pháp chính xác, những kết quả cập nhật. Kinh Thánh là Lời được linh hứng bởi Thiên Chúa, nhưng được viết bởi những con người vốn giới hạn về những gì họ biết về Thế giới khi đang viết. Họ đã không có mở ra đối với chúng, những huyền nhiệm về vũ trụ trong tổng thể của họ. Những gì Thiên Chúa đã mạc khải cho họ không có quá nhiều điều về khoa học xét như chương trình cứu độ của Người.

Là một linh mục dòng Tên, làm sao cha cho thấy con đường mà cha làm khoa học?

Từ viễn kiến của đức tin, chúng ta có thể vui hưởng vẻ đẹp của những gì khoa học nói cho chúng ta biết về vũ trụ. Cũng thế, là một linh mục Dòng Tên cũng thêm vào những khía cạnh này, để thấy làm thế nào viễn kiến đức tin có thể hòa trộn vào viễn kiến của khoa học một cách dễ dàng. Hơn thế, nó còn đưa ra một lối nẻo mang tính bí tích về việc nhìn vào vũ trụ này. Nếu bạn nhìn vào mầu nhiệm Nhập thể, nếu Thiên Chúa đã trở nên người phàm ở giữa chúng ta, thì Ngài không do dự để sử dụng những thứ thuộc thế giới này nhằm tỏ lộ chính mình. Nên, để có thể biết Thiên Chúa qua những thứ thuộc khoa học tự nhiên thì cách thức tuyệt vời là nhìn vào công trình tạo dựng vốn được bổ sung qua kết quả khoa học.

Con đường làm khoa học giúp thông tri về đời sống linh mục Dòng Tên của cha như thế nào?

Một cách hay để nhìn vào nó là một phụng tự vĩ đại của vũ trụ, mọi thứ vận hành và chuyển động tuân theo những gì đã được sắp xếp bởi Thiên Chúa như thế nào. Nó là con đường thông truyền rất mạnh đời sống linh mục của tôi theo nghĩa, là một linh mục, tự nó là một sự thông dự vào nền phụng vụ uy nghi của vũ trụ vốn xoay quanh Thiên Chúa và phụng thờ Người.

Khi cho rằng, thay vì giữ cả hai trong một mối căng thẳng, thì chúng ta phải chọn ưu tiên hoặc là chân lý khoa học hoặc là chân lý Tôn giáo, lại là một suy nghĩ sai lầm?

Thật sai lầm khi phải ưu tiên một trong hai bởi vì, suy cho cùng, mọi chân lý đều đến từ Thiên Chúa dầu là vật chất hay tinh thần. Nói cho cùng, nếu cả hai đều thực sự là chân lý, thì cả hai cần tồn tại trong sự hài hòa. Dĩ nhiên, việc đạt tới sự hài hòa này có thể bao hàm một sự luyện lọc rất nhiều nào đó, và vì thế đôi khi bạn sẽ thấy sự căng thẳng. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã diễn giải trong “Fides et Ratio”, chân lý không thể mâu thuẫn với chân lý nếu nó là chân lý. Ngài cũng nói rằng, tôn giáo có thể giúp dẫn đường cho khoa học để nhìn thấy viễn cảnh rộng lớn hơn và khoa học có thể giúp luyện lọc tôn giáo khỏi sự mê tín.

Điều gì khiến Vatican quan tâm đủ tới khoa học để nhờ những khoa học gia Dòng Tên nghiên cứu vũ trụ qua các kính thiên văn ở Ý và Tucson, Arizona?

Lý do mà Giáo hội quan tâm những điều này thì cũng giống với lý do mà có một trường trung học Rockhurst, trường đại học Boston, hay Đài thiên văn Vatican vậy. Đài thiên văn này là một minh chứng về một truyền thống lâu dài trong Giáo hội. Nó là sự theo đuổi chân lý của Thiên Chúa vốn thay đổi chúng ta, nhưng vượt xa hơn việc chỉ biết về những điều này, nó còn là việc cho phép chân lý của Thiên Chúa biến đổi chúng ta. Khoa học nhắm tới ý nghĩa đằng sau một con người, một con người luân lý, liên quan mật thiết tới sự tiếp cận của chúng ta đối với vấn đề công bình, kinh tế, môi trường.

Thiên văn học cũng là một trong số những ngành khoa học ấy, vốn luôn thích hợp với việc thúc đẩy những câu hỏi mang tính triết học và thần học, những vấn nạn hiện sinh với sự liên quan to lớn về con người. Gần đây, Giáo hội tiếp tục bảo trợ Đài Thiên văn Vatican hầu cho thấy rằng GH ủng hộ và khuyến khích các ngành khoa học, vốn không có gì mâu thuẫn cả.

Gần đây, cha đang thực hiện những dự án khoa học nào ở Đài Thiên văn Vatican?

Một dự án tôi phải thực hiện là với những ngôi sao Subwarf (sao Siêu Lùn) nóng, nghĩ cách để đưa những ngôi sao đó vào một hệ nhị nguyên. Dự án khác thực hiện với những ngôi sao Xung (pulsating stars), những ngôi sao mà độ sáng của nó thay đổi theo chu kỳ. Vấn đề là tại sao những thứ đó lại vận hành như vậy, và điều ấy có thể nói với chúng ta về cấu trúc bên trong của những ngôi sao. Đó là những dự án rất khó khăn, vì khi chúng ta nhìn vào một ngôi sao cũng giống như nhìn mặt trời, chúng ta chỉ nhìn thấy bên ngoài mà không thể thấy bên trong.

Giống như việc xây dựng một nhà thờ chính toà phải qua nhiều thế hệ của Giáo hội vào thời Trung cổ, cha có hy vọng khi thực hiện công việc này sẽ có ích lợi đối với các thế hệ sau?

Đúng thế, các nhà thờ lớn thời Trung cổ là những công trình kiến trúc phức tạp mà thường mất cả 200 năm để xây dựng, tương tự thế, tiến bộ của khoa học mà được đo đạc từng ngày thì cũng rất nhỏ. Dĩ nhiên, bạn vẫn có những cuộc cách mạng lớn mà nhờ đó khoa học có được bước tiến dài, nhưng diễn tiến thông thường thì rất giống với việc xây dựng một ngôi thánh đường. Sau một thời gian dài, bạn mới thấy có biết bao nhiều thứ thực sự được xây.

Cha hy vọng mọi người sẽ tiếp nhận được gì từ công việc của cha?

Chỉ một chút gì đó về vẻ đẹp trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa và chính Ngài, và chúng ta sống trong một vũ trụ đẹp đẽ.

Chuyển ngữ: Joseph Trần Ngọc Huynh, S.J.

Nguồn: https://www.americamagazine.org/faith/2018/12/03/finding-god-cosmos-interview-vatican-astronomer

Kiểm tra tương tự

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Món Quà Giáng Sinh – Suy tư Tin Mừng CN 4 Mùa Vọng năm C

  Giáng sinh là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm đối với phần …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *