Khi các cánh đồng truyền giáo vào xuân

Chiều nay, một mình trên chiếc xe gắn máy tiến về Bình Long rồi vào Thanh An, tôi vừa đi vừa hát lời kinh dâng hiến và kinh xin ơn quảng đại “tất cả là của Chúa, Chúa ơi, xin Chúa hãy sử dụng hoàn toàn theo tôn ý”. Lời kinh giúp tôi trải rộng những ước mơ: tôi mơ ước đêm nay có nhiều bánh kẹo để chia cho bà con ăn mừng Năm Mới, giá mà có đủ để chia cho mỗi người 5 cái bánh và 2 cục kẹo. Nghĩ vậy thôi chứ trong túi tôi giờ này không có một mẩu bánh, cũng chẳng có gói kẹo nào, lấy gì để Chúa làm phép lạ, và tôi lại tiếp tục lời kinh dâng hiến.

6 giờ tối, tôi đặt chân đến điểm hẹn đầu tiên, kẻ ra người vào gặp nhau bất ngờ và vui mừng quá, chúng tôi níu kéo nhau mãi nhưng rồi mỗi người cũng phải trở về thi hành phận vụ của mình giữa bà con. Lời kinh dâng hiến nối liền lời kinh dâng hiến đưa từng nhà vào những giây phút đầu năm.

10 giờ đêm, chúng tôi bước vào thánh lễ giao thừa. Thánh lễ trong ngôi nhà thờ tại một vùng sâu hẻo lánh chẳng được mấy người, không có những lễ nghi chúc tụng nhau, nhưng khung cảnh thật đầm ấm. Lời Chúa đêm nay để lộ khuôn mặt dịu hiền và uy nghi của Con Thiên Chúa giữa muôn dân, lớn tiếng công bố hiến chương nước trời: “phúc cho ai có tinh thần nghèo khó – phúc cho ai sầu khổ”. Chúa ơi, tinh thần nghèo khó là sao, con chẳng hiểu gì cả, giờ này con chỉ mơ ước có được chút bánh kẹo để bà con chia nhau ăn cho vui thôi. Và tôi được dìu vào cuộc sống của Con Thiên Chúa năm xưa tại Nagiarét, 30 năm lớn lên và sinh sống, Chúa đã thấu hiểu nỗi vất vả của con người, đã cảm nhận bàn tay của Cha trên trời khi ngắm nhìn bông huệ ngoài đồng, những cánh chim trời, vườn nho với kẻ trồng người tưới, các cô trinh nữ ơi ới gọi nhau trong đêm khuya đi đón chàng rể, tất cả diễn ra trong vòng tay của Thiên Chúa thành tín, tất cả là mầu nhiệm cuộc sống. Thế tại sao con người lại lao đao khốn khổ? Vì bông huệ đẹp mấy thì cũng là kiếp phù du nay còn mai mất, và đời người được mấy thuở. Con người vào đời với tấm thân trần trụi, đến ngày nhắm mắt lìa đời vẫn chỉ có đôi tay trắng, và Chúa Giêsu đã đến bên từng người để nhắc đi nhắc lại một điệp khúc:

Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ (Mt 5,3).

Nước Trời là của bạn, đây mới chính là cái bạn có thực, cái phúc của bạn, đừng quên; nếu bạn bỏ quên, bạn là người vô phúc. Thật trớ trêu vì cái đáng quên lại dễ nhớ và cái cần nhớ lại dễ quên. Dĩ nhiên, tôi cũng vẫn chưa quên mơ ước ban chiều: 5 chiếc bánh với 2 cục kẹo, và lần này thì tôi bắt gặp khuôn mặt Chúa thật dịu hiền. Chúa Giêsu đã làm gì khi đứng nhìn con người lao đao khốn khổ? Chúa đến gần người sầu khổ và thì thầm ủi an (x. Mt 5,5). Chúa cổ võ lòng thương xót và thông truyền lòng thương xót cho những ai biết xót thương- Chúa tỏ mình cho người có lòng trong sạch – thông truyền sự sống cho người xây dựng hòa bình… (x. Mt 5,6-12).

Khung cảnh đập vào mắt Con Thiên Chúa hôm nay vẫn là đói nghèo và bệnh tật, và tôi nghe rất rõ tiếng của Đấng không có chỗ gối đầu tiếp tục mời gọi: “Hỡi những ai vất vả gồng gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30).

Con Thiên Chúa đã làm gì trước đám đông đói lả? Người đã lôi cuốn đám đông, dạy dỗ và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền (Mc 1,21-34), thương xót đám đông, cho uống nước hằng sống: “nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời (Ga 4,14).

Một bóng dáng hiền lành và khiêm tốn, cặp mắt trìu mến, đôi tay ân cần, tấm lòng rộng mở, tiếng nói xót thương. Con người ấy êm ái nhẹ nhàng quá: “ách tôi êm ái, gánh tôi nhẹ nhàng”. Tôi đã thực sự bị Chúa Giêsu lôi cuốn và chiếm đoạt. Tôi vẫn chưa biết mình phải làm gì, phải bắt đầu từ đâu. Tôi tiến lên hái lộc Thánh, và tôi nhận ngay được lệnh truyền: anh em hãy yêu thương nhau, yêu nhau như Thày yêu thương anh em (Ga 13, 34), và tôi run rẩy trước lệnh truyền này. Khuôn mặt dịu hiền của Con Thiên Chúa lúc này thoáng nét nghiêm khắc, đòi tôi phải dấn bước đến cùng. Tôi phải cất cao lời kinh dâng hiến đến cùng, nhưng thành thực mà nói, chân tôi có chút ngập ngừng.

Sáng mồng một Tết, tôi đi chúc tuổi gia đình các anh chị em nhiều ít đang cùng tôi chung bước. Mỗi nhà chúng tôi đều đọc to cho nhau nghe lộc thánh đêm qua, rồi chúc nhau năm mới vạn sự bắt đầu từ Lời Chúa mà mỗi nhà đã lãnh nhận.

Những ngày đầu xuân qua mau, nối tiếp những ngày nắng gắt, vườn rẫy bà con bắt đầu vào mùa điều và sắp tới là mùa tiêu. Nhưng điều năm nay khô hạn, chẳng được mấy trái để lượm, tiêu thì lại bị hạ giá. Tôi phải làm gì trước lệnh truyền đã lãnh nhận: “yêu nhau như thầy yêu thương anh em”. Biết rằng Con Thiên Chúa cũng đang chứng kiến cảnh bà con lao đao vì thất mùa, cảnh các giáo lý viên vất vả vì sinh kế gia đình, khó lòng chu toàn bổn phận đối với cộng đoàn. Tôi thầm gọi Chúa ơi và tôi nghe vẫn một lời đáp trả: “ai mệt nhọc gồng gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Một luồng sáng vừa chiếu rọi vào tâm trí tôi, tôi chợt nhận ra việc phải làm lúc này là đem đặt tất cả trong tay Chúa, rồi đứng đó, sẵn sàng đợi Chúa sai bảo.

Một bé gái 11 tuổi bị suy thận giai đoạn cuối, được các nữ tu chuyển đến bệnh viện nhi đồng, tôi đứng ra nhận trách nhiệm vì cha mẹ em mất sớm, chị gái đã theo chồng, do đó không có người thân theo nuôi. Đêm đầu tiên có một em người sắc tộc đang theo học ở thành phố nuôi đỡ, mấy ngày kế tiếp các nữ tu thay phiên nhau đến nuôi em, nhưng các chị bận quá đâu thể nuôi em lâu được. Bệnh tình của em quá nặng, ăn uống gì vào cũng ói, hơn nữa cứ mỗi miếng ăn là em bị đau bụng, người nuôi phải dỗ dành lắm em mới nhấm nháp tí chút. Ngay tối ngày thứ hai em lâm cơn mê sảng, mọi người nghĩ rằng phải đưa em về trước khi tắt hơi. Thế nhưng, một chị, người đứng ra nhận trách nhiệm bảo lãnh cho em khi vào bệnh viện, đã đến gặp các bác sĩ xin giữ em lại, vì em mới tới được một ngày mà đưa về ngay thì tội quá, coi như còn nước còn tát, nếu trường hợp xấu nhất xảy ra, xin bệnh viện cho một chuyến xe đưa em về tận nhà. Các nhân viên bệnh viện thắc mắc hỏi chị là ai mà lại lo lắng cho em như thế?!

Một người phụ nữ và một bé gái xa lạ, vậy mà chỉ sau hai ngày, cả hai đã trở thành ruột thịt. Tôi nghe chị tự xưng là mẹ với con, và em bé kia cũng gọi mẹ ngon lành. Không biết vì muốn được mẹ dỗ dành hay sao mà cả ngày ai cho ăn em cũng chỉ lắc đầu nhăn nhó, nhưng mỗi chiều mẹ vô thăm là em chịu ăn chịu uống ngay. Không ăn sao được vì mẹ luôn hỏi con thích gì, muốn ăn gì, uống gì là chạy mua liền, rồi còn ẵm lên xe lăn đẩy ra hành lang thủ thỉ. Tôi lặng nhìn em, bao năm rồi mồ côi mẹ, sau cùng, ngay trong những ngày cuối đời lại gặp được vòng tay mẹ dịu hiền.

Chúa ơi, con là ai đối với em bé đang bị bệnh? Mỗi ngày chạy lên chạy xuống mấy lần thăm bệnh, rồi kiếm người thay phiên nuôi em, hơn một lần con chột dạ khi thấy chị đưa tay chỉ vào trái tim mình, để thuyết phục một chị khác đang muốn thoái thác sau một ngày nuôi bệnh. Chúa ơi, xin ban cho con tình mẫu tử vẫn có ở nơi cung lòng của Chúa!

Đây không phải là đứa con duy nhất chị nâng niu trên giường bệnh. Căn nhà của chị, nhỏ xíu, từ tám năm trở lại đây, đã trở thành nhà đông người. Thực tế chỉ có ba mẹ con, thế nhưng nhà lúc nào cũng có “thượng khách”, bà con sắc tộc đi bệnh viện thành phố hay ghé đây, đặc biệt các vết thương cần săn sóc sau khi xuất viện. Những tháng cuối năm vừa qua, một em bé bị rắn cắn gan bàn chân hoại tử phải ở lại nhà chị, biết rằng về làng tránh sao khỏi nhiễm trùng, thêm một bé gái 9 tuổi mồ côi cha mẹ bị chó đuổi chạy gãy xương háng phải ở để tập đi, rồi một bé gái nữa theo mẹ nuôi em bị phỏng, và thế là chị có thêm ba đứa con gái được sinh ra từ lòng dạ xót thương của mình. Éo le thay, chính chị cũng lâm trọng bệnh phải mổ đi mổ lại ba lần. Con thương mẹ, mẹ thương con, và nhiều lúc cười ra nước mắt. Mỗi lần gặp mặt tôi hay nói đùa: các con đứa thúi chân, đứa gẫy cẳng, còn mẹ thì thúi ruột. Nhưng rồi sau ba tháng, mọi chuyện cũng tạm ổn. Ba đứa con, chị đã xin cho học tại nhà các nữ tu. Thỉnh thoảng mẹ con gặp lại nhau, tíu ta tíu tít, làm tôi cũng cảm thấy vui lây và nghiệm ra bao điều kỳ diệu. Làm sao một điều dưỡng viên ngày ngày đi làm ở bệnh viện, về còn phải đi làm thêm để nuôi hai cậu con trai, anh lớn đang theo đại học năm thứ 3, anh bé đang học lớp 11, vậy mà vẫn còn đủ giờ để chăm sóc những người bệnh sắc tộc cần đến chị? Có những ca bệnh chị phải có mặt hai hoặc ba tiếng đồng hồ một ngày, trong khi chính bản thân chị cũng đang cần dưỡng bệnh. Làm sao chị có được một sức mạnh bền bỉ như thế? Và tôi bắt gặp ở đây lòng thương xót Chúa đang được giãi bày: ở đây xót thương người và được Thiên Chúa xót thương là hai thì trong một nhịp đập của trái tim.

Nắng gắt, mùa điều khô hạn, cánh đồng truyền giáo vẫn vào xuân. Những người bạn trên đường loan báo Tin Mừng có phần mệt mỏi nhưng vẫn không dừng bước. Tại một ngôi nhà thờ nhỏ hàng tuần có thêm mười lăm hai mươi khuôn mặt mới; có làng thêm năm gia đình, rồi mười gia đình; một ngôi làng từ bốn tháng nay vẫn dừng lại ở con số 11 gia đình nay đã lên tới con số 25; một làng khác trên 40 gia đình mới ba tháng mà đã trở thành “xóm đạo”. Lễ Phục Sinh sắp tới đây sẽ có trên bốn trăm người lãnh nhận bí tích rửa tội tại ba địa điểm khác nhau. Lúa chín đầy đồng. Hôm qua cũng như hôm nay, Chúa Giêsu vẫn băn khoăn trước các cánh đồng lúa chín vì thiếu thợ gặt! Hai ngàn năm trước đây, Con Thiên Chúa đã rơi lệ đứng nhìn bầy chiên tản mác, và Người còn rơi lệ vì bao đoàn chiên đang bơ vơ khắp các núi rừng và nương rẫy trên các cánh đồng truyền giáo này.

Và có người bạn đường nào mà lại không nghẹn ngào trước tiếng khóc của Thầy mình, để mỗi lần gặp gỡ đoàn chiên là reo vui cầm tay từng người đặt vào trong vòng tay của Chúa chiên, để tất cả được nghỉ ngơi bồi dưỡng trong Con Thiên Chúa.

                                                                                          MM Tân, SJ.

Kiểm tra tương tự

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Món Quà Giáng Sinh – Suy tư Tin Mừng CN 4 Mùa Vọng năm C

  Giáng sinh là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm đối với phần …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *