Khí hậu hay con người phải biến đổi?

Sử sách chép rằng, ngay từ năm 630, Caliph Abu Bakr – một nhà lãnh đạo Hội Giáo, đã chỉ huy quân đội của mình: “Không gây hại cho cây cối, cũng không được đốt chúng, đặc biệt là những cây đang có trái.” Năm 1272, Vua Edward I của Anh đã cấm đốt than biển vì lượng khói mà nó thải ra môi trường trở nên nghiêm trọng. Năm 1720, hàng trăm người Bishnois-Ấn Độ đã sẵn sàng bỏ mạng để bảo vệ cây cối khỏi sự chặt phá của vương quốc Marwar…[1] Há chẳng phải những tấm gương bảo vệ môi trường đời nào cũng có. Giả như ai cũng khoanh tay đứng nhìn thì liệu có còn sự sống trên trái đất này nữa chăng?

Chẳng cần nhìn về lịch sử xa xăm, ngày nay cũng đầy dẫy những “thánh nhân môi trường” như: Cụ ông Phạm Văn Tân, 77 tuổi, suốt 30 năm cần mẫn, tay không vớt rác dưới dòng kênh hôi thối Cầu Mé (quận 11). Còn tại Đắk Lắk, ông Nguyễn Văn Tuyên (62 tuổi) ở Koh Neh đã kéo lê thùng rác “lưu động” đi đến từng hộ trong buôn Koh Neh để thu gom rác thải sinh hoạt.[2] Cụ Đinh Thị Quý (Hoàng Mai, HN) chấp nhận những lời lẽ miệt thị, mỉa mai và kinh thường của bao người để dọn sạch khu phố[3].

Ngày 20/09/2019, hàng triệu học sinh, sinh viên trong khoảng 185 quốc gia, từ Sydney đến Manila, từ Dhaka đến London, New York[4], nhận nguồn cảm hứng từ ‘cô bé môi trường’ Greta Thunberg, đã đồng loạt xuống đường tuần hành kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường, với các khẩu hiệu như: “If not us, Who? – If not now, When?”, “Science not Silence”, “Make the earth cool again”…

Tất nhiên, khi đang được sống trong một “môi trường quá an toàn”, không ai trong chúng ta nhận ra những tác hại khủng khiếp của biến đổi khí hậu đang diễn ra từng khoảnh khắc trên toàn thế giới: Hơn 23 triệu người ở Đông Phi đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước và thực phẩm trầm trọng. Theo Live Science, một con cá voi mõm khoằm Cuvier chết trôi dạt vào một bờ biển ở tỉnh đảo Compostela Valley thuộc Philippines với 40kg rác thải nhựa trong bụng. Mùa bão ở Canada đến sớm và dữ dội hơn nhiều do hiệu ứng nóng lên toàn cầu. Mực nước biển tăng cao đe dọa cuộc sống của 10,000 người dân trên đảo Funafuti. Quốc đảo này có thể sẽ là nước đầu tiên bị nhấn chìm dưới lòng biển[5]. Miền Nam Việt Nam cũng sẽ biến mất trên bản đổ thế giới cùng với hơn 20 triệu người dân trong vòng 30 năm nữa[6]… Rồi giờ đây, ai trong chúng ta còn đủ trơ tráo để dạy cho con em mình hát bài hát “Ngôi nhà chung của chúng ta là trái đất màu xanh bao la”, hoặc còn ai tự hào rằng “Đất nước ta có rừng vàng biển bạc”? Quả thế, dù có viết hết giấy mực của nhân loại cũng không thể thống kê được toàn bộ những tác hại khủng khiếp của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu gây ra.

Thật vậy, nếu không phải xếp hàng và xách từng thùng nước lên căn hộ chung cư thì mấy ai quan đến đến ô nhiễm nước sông Đà. Nếu ta không phải sang nhượng hoặc bán nhà gấp để chuyển hẳn đi nơi khác sau sự cố kinh hoàng của công ty Rạng Đông thì có lẽ ta vẫn coi tất cả chỉ là chuyện “cháy nhà hàng xóm”. Nếu ta chưa từng nghe tiếng rên rỉ của những bệnh nhân ung thư trong các bệnh viện thì hẳn ta vẫn tặc lưỡi: “sống chết mặc bay”.

Ngày nay, dường như nhân loại đang đầu tư hầu hết thời gian, sức lực và tiền bạc cho các ưu tiên xa xôi: nào là làm sao để phát triển kinh tế, làm sao để học thật giỏi, làm sao để có những phát minh vĩ đại… Nhưng để làm gì? – nếu cuộc sống hiện tại của chúng ta đang bị đe dọa nghiêm trọng và tương lai xa xôi ấy có thể sẽ không bao giờ đến? Một khi các thảm họa thiên tai xảy ra thì sách vở chẳng thể làm đê chắn sóng, tri thức sao chặn nổi những trận cuồng phong!

Vậy nên, chúng ta hãy thay đổi thói quen sinh hoạt không tốt của mình, hãy làm gì đi thôi! Giả như ta chưa làm được điều gì tốt cho môi trường, thì ít ra ta cũng cam kết giảm thiểu việc gây hại môi trường trong chính cuộc sống của mình. Đơn giản thôi: mang theo túi xách khi đi chợ; trang bị riêng cho mình một bình nước nhỏ và sử dụng nó thay cho cốc nhựa tiện lợi… Nhỏ bé thôi: nhặt một mẩu rác nơi công cộng; bớt đi một điếu thuốc; tái sử dụng những gì có thể; làm sạch ni-lông – chai nhựa trước khi đem ra bãi rác công cộng… Đừng thờ ơ nữa, đừng ngại ngùng nữa, đừng sợ hãi nữa! Thiên hạ đã hành động cả rồi!

 Sau cùng, chúng ta có thể sẽ thành công, dù hiện tại ta không nhìn thấy cách nhãn tiền, dù tất cả tưởng chừng như muối bỏ biển. Nhưng hơn hết, khí hậu sẽ tiếp tục biến đổi nếu chúng ta không thay đổi, nếu chúng ta không kiên trì hành động và cộng tác với nhau. Không bao giờ!

Mạc Vị

(Hv. Văn Tài, S.J.)

 

 

 

 

 

 

[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Timeline_of_history_of_environmentalism

[2] http://moitruong24h.vn/nhung-tam-guong-can-man-bao-ve-moi-truong.html

[3] Tạp chí Môi trường, số 2/2019

[4] https://www.theguardian.com/environment/live/2019/sep/20/climate-strike-global-change-protest-sydney-melbourne-london-new-york-nyc-school-student-protest-greta-thunberg-rally-live-news-latest-updates

[5] https://news.zing.vn/hau-qua-khung-khiep-cua-bien-doi-khi-hau-post752314.html

[6] https://www.nytimes.com/interactive/2019/10/29/climate/coastal-cities-underwater.html?smid=nytcore-ios-share&fbclid=IwAR0Obz6udNz6-rI7WjUqfyfmtrV_RjJ7b2aOh7azF-a3AJaUZCzCIj-rGVA

Kiểm tra tương tự

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *