Khiết tịnh – một câu chuyện nội tâm

Hy sinh bản năng làm cha làm mẹ, hy sinh một tình yêu đẹp, hy sinh một thời tuổi trẻ với nhiều mộng mơ… để chọn một cuộc đời chỉ dành riêng cho Chúa quả là một điều tuyệt vời mà có khi cả người ngoài lẫn người trong cuộc chẳng hiểu được vì sao. Đó là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm của tình yêu, mầu nhiệm Nước Trời, mầu nhiệm của sự lôi cuốn. Sống khiết tịnh đẹp như thế, nhưng hoa hồng nào cũng có gai, khó khăn và thách đố chẳng bao giờ rời xa những người chọn lối sống này. Làm thế nào mà một người có thể không lập gia đình mà vẫn hạnh phúc miên man nhỉ? Nguyên nhân nào thúc đẩy họ đến quyết định này? Động cơ nào để họ chọn lối sống ấy? Bí quyết nào để họ có thể vượt qua được tất cả những gian nan trắc trở để trung thành với lời khấn hứa của mình? Chắc có lẽ nhiều người đã từng đặt ra những câu hỏi như thế.

Các tu sĩ là những người đã “kết hôn trong đức tin”. “Kết hôn” ở đây không nên được hiểu như kiểu người ta cưới nhau. Tu sĩ không “kết hôn” với Chúa như người ta vẫn cử hành hôn phối nơi nhà thờ. Chúa không thay thế cho vị trí của người vợ người chồng. Nhưng vẫn phải thừa nhận một sự gắn kết thân thiết gắn bó sâu đậm trong tương quan giữa tu sĩ với Đức Giêsu. Có thể gọi đây là một kiểu “kết hôn” theo nghĩa loại suy, và nó được thực hiện trong đức tin, bằng đức tin, chứ không phải bằng khả năng nắm bắt của lý trí, bằng chứng minh của toán học, hay bằng xác nhận của giác quan. Dù Thiên Chúa có cho ta hưởng nếm những hương vị ngọt ngào khi trải nghiệm tương quan đặc biệt này với Ngài hay không, người tu sĩ vẫn cần đức tin để nắm bắt. Có những người hiến thân không xuất phát từ tình yêu nhưng do những suy nghĩ dấn thân hay chỉ đơn giản là lý tưởng phục vụ, nhưng dù sao, muốn bền đỗ đến cùng, người đó phải có kinh nghiệm yêu, cảm được tình yêu từ Chúa, một tình yêu nảy sinh từ đức tin vốn có khi xuất hiện trong đêm tối. Đức tin là điều không thể thiếu trong đời sống Kitô hữu nói chung, và lại càng không thể thiếu đối với đời dâng hiến nói riêng bởi nó sẽ đưa người tu sĩ lại gần Chúa hơn, để có thể từng giây từng phút hiểu và yêu Chúa hơn.

Đời dâng hiến là một cuộc đời “biết yêu”. Hơn ai hết, họ là người trải nghiệm tình yêu trong cuộc đời này, có thể từ trong gia đình, bạn bè, anh chị em và một người đặc biệt nào đó. Từ kinh nghiệm tình yêu căn bản này, họ được mời gọi để đi sâu hơn vào một tình yêu khác, sâu đậm hơn, và cũng khó hiểu hơn. Họ là những người đã được chọn để cho cảm nếm tình yêu riêng tư với Chúa ngay từ khi còn trong lòng mẹ. Thiên Chúa đã gieo vào trong họ sự thân thiết với Ngài, dù có khi nó được tiềm ẩn trong một thời gian. Từ từ, sự thân thiết ấy lớn lên một cách âm thầm, lặng lẽ nhưng có sức cuốn hút hơn tất cả mọi tình yêu khác. Và để cho tình yêu riêng tư này được lớn lên, người tu sĩ phải có những áp chế cần thiết, đôi khi phải cắt đứt những tương quan không giúp ích, để mối tình giữa họ với Chúa không bị san sẻ hay tổn thương. Rồi từ tình yêu này, họ bắt đầu hướng về toàn thể thụ tạo bằng một loại tình không độc chiếm độc hữu. Họ trở thành con người yêu nhiều hơn, mạnh mẽ hơn, quảng đại hơn, lan toả hơn, chứ không yêu riêng một ai đó rồi giữ người ấy ở bên mình.

Nói về sự khiết tịnh, ta cũng cần nói đến một kiểu “vết thương lòng.” Dù đã hiến thân cho Chúa, người tu sĩ vẫn cảm thấy có chút gì đó thiếu thốn và cô đơn trong lòng. Chẳng bao giờ người ta có thể xoá hết được khát vọng yêu thương và những thèm khát đụng chạm thân ái. Người tu sĩ có thể sẽ thấy xao động khi thấy những cặp vợ chồng, những đôi tình nhân, những gia đình hạnh phúc với con cái. Nhưng thay vì ganh tị, tiếc nuối và trốn tránh cảm xúc, họ vui lòng chúc lành cho những người đang ngập chìm trong hạnh phúc ấy. Họ chọn sống đời trinh khiết không có nghĩa là họ giết chết thân xác hay đã thoát khỏi mọi ham muốn xác thịt, chỉ là họ không chiều theo nó, không tìm và thoả mãn nó vì đã tìm được một nguồn vui khác vĩ đại hơn.

Vết thương lòng cũng đi kèm với một nỗi cô đơn và trống rỗng. Đây là một nỗi ám ảnh lớn của người độc thân. Nhưng người tu sĩ phải biết yêu quý sự cô đơn vì nó là điều kiện cần thiết để tình yêu Thiên Chúa được phát triển. Khi cô đơn, các tu sĩ được mời gọi quy hướng về Chúa, bày tỏ niềm tin yêu và hy vọng vào Ngài. Cảm thấy cô đơn là để mở lòng mình ra, trút bỏ hết những vướng bận để Chúa có thể đến và chiếm trọn con tim mình. Quả vậy, con tim trống rỗng là con tim được tháo gỡ khỏi những quyến luyến. Chúa để ta cảm thấy cô đơn không có ai bên mình chính là vì muốn nhắc nhở ta rằng vị trí bên cạnh ta chỉ có thể là Chúa. Nếu hiểu được ý nghĩa của cô đơn, đón nhận nó, sống với nó, trái tim người tu sĩ sẽ không còn khô cằn, đóng kín. Chính lúc cô đơn là khi ta tìm gặp được Chúa.

Sống độc thân dâng hiến thì chỉ yêu mình Chúa mà thôi là điều đúng đắn. Nhưng sẽ là một sai lầm nếu người tu sĩ cũng khép kín con tim, không dám đón nhận một tình cảm trong sáng. Tình cảm trong sáng ấy chính là tình bạn với những anh chị em cùng chia sẻ lý tưởng hiến dâng với mình. Đây là một kiểu tình cảm hoàn toàn nhân loại nhưng được giải thoát khỏi những gì hạ đẳng, nó vượt lên mọi kiểu tương quan mang cảm xúc hời hợt. Người dâng hiến luôn cần một người nâng đỡ mình. Đó là những người bạn, người có thể chia sẻ, nâng đỡ, lắng nghe và dành cho nhau những góp ý chân thành. Tình bạn giúp hữu hình hoá tình yêu vô hình, cụ thể hoá tình yêu trừu tượng. Tình bạn chân chính thì không khép kín, riêng lẻ, chỉ biết nhau, mờ ám; không độc quyền, không giữ người kia cho riêng mình; không có sự ràng buộc quá đáng; không lợi dụng nhưng sẵn sàng hy sinh cho nhau; không dừng lại ở những lời nói ngọt ngào trên môi miệng nhưng qua những thử thách ngặt nghèo, vẫn quý mến nhau; không vì vị nể nhau mà bỏ qua những sai sót nhưng sẵn sàng lên tiếng để xây dựng; họ giúp nhau quy hướng về Chúa, chứ không có ý hướng lệch lạc nào. Người bạn là khuôn mặt hữu hình của Thiên Chúa vô hình trong đời tu. Người tu sĩ nào không có bạn, đời tu của họ thật buồn tẻ, và sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Chúa là cả một hành trình dài. Có đôi khi người ta cảm tưởng rằng mình như bị lạc lõng giữa dòng đời. Có nhiều rào cản níu kéo người tu sĩ lại hơn là thúc bách họ cố gắng nỗ lực thêm. Rồi khi chán nản, họ bị người khác mời gọi trở về với cuộc sống bình thường, họ nghĩ rằng mình là nạn nhân của trò ảo tưởng chứ thật sự Chúa chẳng gọi mình gì cả. Lúc ấy, xác thịt gào thét tấn công, khát vọng yêu thương trỗi dậy. Có người tìm sự bù trừ cách này cách khác, nhưng nó chỉ làm mình khổ thêm. Có người bỏ cuộc, để giải thoát mình. Có người kiên trì ở lại, nhưng họ phải luôn đặt mình trong tư thế của người chiến sĩ, phải chiến đấu để không có gì chen vào giữa họ vào Chúa, làm tổn thương tình cảm này, phải luôn kiên trì mà bám vào Chúa, phải kiên nhẫn với chính mình và tin vào sức biến đổi của hồng ân Chúa. Trên hành trình theo Chúa, có thể người tu sĩ sẽ sa ngã nhiều lần nhưng phải luôn xác tín mà đứng dậy.

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

 

Bài tiếp theo (bài đọc thêm): Tranh luận về sự trinh khiết của Mẹ Maria

Kiểm tra tương tự

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …

Thánh lễ khấn lần đầu của thầy Gioan Vũ Đức Ba

Hôm nay ngày 18 tháng 01 năm 2025, cùng với Giáo Hội hoàn vũ, Dòng …

Một bình luận

  1. Trần Thị Thanh Phương

    Cảm ơn thầy Nam nhiều, bài viết của thầy chạm đến con! nếu được chiaa sẻ với thầy thì hay quá!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *