Khuôn mặt người huấn luyện tu sĩ hôm nay

Trang thông tin điện tử Dòng Tên xin giới thiệu bài chia sẻ của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu về “Khuôn mặt người huấn luyện tu sĩ hôm nay” trong một buổi nói chuyện với các vị phụ trách và huấn luyện.

KHUÔN MẶT NGƯỜI HUẤN LUYỆN TU SĨ HÔM NAY

Lm. Anthony Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Kính thưa Quý Vị Phụ Trách và Huấn Luyện.

Tôi được mời để chia sẻ đề tài hôm nay dù không có nhiều năm trong nghề hay được huấn luyện về chuyên môn. Hơn nữa, kinh nghiệm mỗi nơi mỗi thời mỗi khác, tùy linh đạo của Hội Dòng, tùy cá tính của người huấn luyện và tùy cả những người thụ huấn nữa. Bởi vậy cũng khó lấy kinh nghiệm của người này ở đây mà áp dụng cho người khác ở kia. Rốt cuộc, những gì tôi chia sẻ ở đây có thể ít nhiều mang tính cá nhân, chủ quan, phiến diện. Mong chia sẻ này là một gợi ý để mỗi tham dự viên suy nghĩ thêm về hoàn cảnh riêng của mình nhờ đó tìm ra được đường lối huấn luyện phù hợp hơn trong bối cảnh thế giới hôm nay.

Dựa trên kinh nghiệm riêng của tôi trong những năm qua, tôi thấy tu sĩ trẻ ngày nay có những ước mơ và đòi hỏi về người huấn luyện. Xin không phê phán những ước mơ hay đòi hỏi này của họ. Chỉ xin gom những kinh nghiệm tôi có khi tiếp xúc với giới tu sĩ thuộc nhiều dòng tu thành chín nét mà tôi nghĩ là họ thấy cần có nơi khuôn mặt nhà huấn luyện hôm nay.

1. Người huấn luyện ( NHL) là người có tự do nội tâm.

NHL không còn bị hay ít bị chi phối bởi những đam mê hay tình cảm lệch lạc, không bị chi phối bởi tình cảm yêu hay ghét, thích hay không thích. NHL không quyết định vì có ác cảm hay thù oán, ghen tỵ với ai, hay muốn trù dập ai. Như thế NHL là người trưởng thành về tình cảm. Sự trưởng thành này giúp NHL không có khuynh hướng lệch lạc với người dưới quyền, không lạm dụng, không dành đặc ân cho một số người, không thương riêng một người nào đó, nhưng luôn giữ được sự chính trực và công bằng. Người trẻ hôm nay rất nhạy cảm với những cách đối xử thiên vị. Họ khó vâng phục nếu họ không thấy đó thực sự là ý Chúa, mà chỉ là ý riêng của NHL do ham mê quyền lực, do sở thích riêng, do thèm muốn lợi lộc hay muốn chiếm cảm tình của người nào. NTH càng dễ vâng phục nếu thấy NHL đã phải khó khăn mới bỏ được ý riêng để chuyển đạt ý Chúa cho NTH. Các bạn trẻ hôm nay thật ra không sợ vâng phục một điều khó, nếu họ biết đó là ý Chúa. Nhiều khi chúng ta phải mời các em cùng tìm ý Chúa với mình.

Hơn nữa, NHL là người trưởng thành về đời sống thiêng liêng, nghĩa là đã được giải phóng khỏi cái tôi, đã ra khỏi mình, đã “bình tâm” theo lối hiểu của thánh Inhaxiô Loyola, đã không còn muốn bám vào ý riêng của mình, vào kế hoạch của mình, dù điều đó là tốt. Nhưng NHL chỉ mong tìm ý Chúa và thực hiện, chỉ mong tìm ích chung cho cộng đoàn, cho sự lớn lên thực sự của từng thành viên. Như thế NHL là người say mê với cái hơn (MAGIS), thanh thoát và siêu thoát, không bị trói bởi ràng buộc nào, trừ những gì làm nên căn tính người tu sĩ của Dòng.

2. Người huấn luyện là con người thánh thiện

Đời tu hướng đến sự thánh thiện một cách đặc biệt theo các lời khuyên Phúc âm. NTH trong đời tu rất mong gặp được, chạm được một mẫu mực thánh thiện đúng theo tinh thần Dòng tu của mình. Họ muốn gặp được một con người bằng xương bằng thịt đang sống trọn vẹn mẫu tu sĩ trong Hiến chương, để thấy rằng thánh thiện không phải là chuyện hoang tưởng, nhưng là một lý tưởng có thể đạt được với ơn Chúa. Ít nhiều NHL cũng phải là tấm gương cho thấy điều đó. Thánh thiện đòi kết hiệp với Chúa liên tục trong mọi tình huống, gặp thấy Chúa trong mọi biến cố. NHL dĩ nhiên phải là con người cầu nguyện, con người luôn tìm kiếm ý Chúa và can đảm thực hiện, chứ không phải là người áp đặt ý mình trên người khác. NHL thánh thiện cũng là người biết nhận định cách khôn ngoan để phân biệt tác động của tà thần với tác động của Chúa.

NHL là người dạy dỗ và hướng dẫn không chỉ bằng lời, nhưng chủ yếu bằng gương sáng. NTH cần chứng nhân hơn là thầy dạy, nhưng tốt hơn là có cả hai nơi NHL, dạy điều mình sống và sống điều mình dạy.Tránh nói mà không làm, gắng công về mọi mặt để người NTH có thể noi theo. “Anh em hãy bắt chước tôi như tôi đã bắt chước Đức Kitô” (1Cr 11,1). Thánh Phaolô vẫn thường lấy mình làm khuôn mẫu để các tín hữu noi theo (x. 1 Cr 4, 16; Pl 4,9; 2 Tx 3, 7-9). Nơi con người của NHL, những NTH thấy sự thống nhất giữa các mặt khác nhau và cả các mặt đối nhau nữa, thí dụ như chiêm niệm và hoạt động, vâng phục và sáng kiến, cộng đoàn và tông đồ…

NHL là người có lửa và sẵn sàng chia lửa cho cộng đoàn. Sự thánh thiện của NHL còn được lộ ra qua mọi đức tính nhân bản mà mình đã tập được (Ph 4, 8-9). Sự giả hình và che đậy, sự dối trá quanh co, là những điều người tu sĩ trẻ hôm nay khó chấp nhận. Tuy nhiên, họ có thể chấp nhận những yếu đuối, sai lỗi, thiếu sót của NHL, nếu NHL nhìn nhận chúng và cho thấy đang cố gắng vượt qua. Thực sự thì chúng ta chưa hoàn hảo, nên việc thú lỗi và xin lỗi vì những thiếu sót là điều phải được coi là bình thường và có tính huấn luyện. Có khi NTH cần biết phân biệt mặt mạnh, mặt yếu nơi con người của NHL, để không quá tôn sùng và thất vọng, để biết điều nào mình nên bắt chước, điều nào không nên.

3. Người huấn luyện là người biết yêu quý từng thành viên thụ huấn.

Tình yêu đối với từng người là điều quan trọng, kể cả những người sắp cho chuyển hướng. Hơn nữa tình yêu ấy phải làm sao để được người thụ huấn (NTH) nhận ra. Tình yêu được diễn tả qua việc quan tâm đến sức khỏe, tình cảnh gia đình, đời sống tình cảm, việc học tập, cầu nguyện. Điều này đặc biệt quan trọng trong thời gian NTH gặp khủng hoảng. Hỏi thăm là hình thức đơn sơ nhất và NTH nào cũng thích, miễn là biết cách để không có vẻ soi mói, điều tra. Con người là một giá trị phải được đặt lên trên công việc hay của cải vật chất. Không nên đánh giá mỗi người theo năng suất, nhưng theo số nén bạc mà mỗi người đã nhận từ Chúa. Thất bại trong công việc không có nghĩa người ấy là vô tích sự, vô giá trị.

Mỗi NTH có một lịch sử riêng, hoàn cảnh riêng, vấn đề riêng, tắt một lời, mỗi NTH là một thụ tạo độc đáo, nên cách gặp gỡ từng người cũng có phần khác nhau. Cũng nên biết NTH đang ở trong giai đoạn nào của chương trình huấn luyện, để từ đó không đòi hỏi quá đáng.

Đồng hành là thái độ ngày nay người ta thích nói đến trong việc huấn luyện. Đồng hành là cùng đi với NTH, đi cùng một nhịp nhanh chậm với người ấy. Nhanh chậm tùy người, và nơi từng người, cũng nhanh chậm tùy lúc, tùy công việc. Không hẳn là luôn luôn đi trước mở đường, dẫn đường như một người thầy, nhưng có khi lại trở nên bạn đi chung với người ấy.

Dành giờ để gặp riêng từng người sẽ giúp tạo sự thông cảm, hiểu biết nhau, nhờ đó việc huấn luyện sẽ tốt hơn và dễ dàng hơn.

Sự hiện diện khá thường xuyên của NHL tại cộng đoàn là điều cần thiết. Nó cho thấy NHL coi trọng việc huấn luyện và các NTH hơn các việc tông đồ hay những mối bận tâm khác. Phải cho các NTH thấy là mình rất hạnh phúc khi được sống bên cạnh họ. Huấn luyện là việc tông đồ ưu tiên của dòng tu vì qua việc này chúng ta sinh ra những nhà tông đồ mới để đáp ứng nhu cầu tông đồ. Tích cực tham dự các sinh hoạt cộng đoàn như lao động, giải trí, cầu nguyện, học tập, tĩnh tâm, picnic, nghỉ hè, thăm nhà nhau…cũng giúp tạo ra sự gần gũi và thấy được con người thật của NTH.

4. Người huấn luyện là người biết đối thoại, biết lắng nghe.

Lắng nghe tích cực là một hành vi của trái tim. Chỉ trái tim yêu thương mới nghe được những điều nằm ẩn sau lớp vỏ của ngôn từ. Chỉ khi thực sự muốn nghe, ta mới nghe thấy điều cần biết. Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, đó không phải chỉ là châm ngôn của công ty bảo hiểm Prudential, mà còn là của NHL. Chỉ khi hiểu một người từ bên trong, ta mới có thể huấn luyện người ấy. NHL hôm nay cần nỗ lực nghe nhiều mới hy vọng hiểu được lối suy nghĩ, lối nói và lối phản ứng của NTH, nhất là khi tuổi tác có chênh lệch lớn giữa NHL và NTH. Nếu không, có nguy cơ hiểu lầm, vội cho là hỗn hào, gian dối, từ đó tạo đau khổ cho mình và quyết định sai cho NTH.

NHL cần tránh thái độ vội vã xét đoán, vội vã kết luận. Cần kiểm chứng từ nhiều nguồn trước khi kết luận, nhất là cần nghe ý kiến biện hộ của người bị tố cáo. Được lắng nghe là quyền của NTH, chúng ta tôn trọng quyền này. Ngay cả những điều chúng ta thấy tận mắt cũng chưa thể dẫn đến một khẳng định nào, vì chúng ta không lường hết được ý nghĩa của mọi tình huống.

Lắng nghe tích cực là dám hỏi ý và nghe góp ý của người khác, dù là những điều rất khó nghe vì đòi mình phải thay đổi. NHL càng ít tự ái khi nghe những lời phê bình, càng ít tự mãn về hiểu biết của mình, thì càng dễ lắng nghe và càng được nghe biết nhiều điều từ các em. Chúng ta tôn trọng tri thức chuyên môn của các NTH, chúng ta không cho rằng mình biết mọi sự nên chúng ta cần tham vấn chính các NTH về chuyên ngành của họ.

Đối với NHL, lắng nghe là tin Thiên Chúa nói với mình qua NTH và khi cùng với người NTH, NHL tìm ra con đường riêng tư mà Chúa muốn NTH đi.

5. Người huấn luyện là người biết tôn trọng người thụ huấn.

Không dùng quyền một cách vội vã, dù chính đáng. Cần cân nhắc, đắn đo trước khi bắt tay hành động. Hơn nữa, còn phải xem nên làm gì, làm khi nào hay nơi nào thuận tiện, và làm cách nào để đạt kết quả tốt nhất. Nói chung càng ít ra lệnh càng tốt. Ít ra lệnh thì lệnh mới nghiêm.

Khi cần góp ý, tránh mắng nhiếc, mạt sát, làm nhục một người được Chúa gọi và chọn. Cần sửa lỗi NTH một cách bình tĩnh, không la lối, không nổi giận, tế nhị, thận trọng. Nên đi nhiều bước từ từ như Mátthêu chương 18, 15-17 đã lưu ý. Nên phê phán hành vi sai lỗi hơn là phê phán người phạm lỗi.

Tôn trọng NTH còn được thể hiện qua việc để họ được tự do trong những gì không mấy quan trọng, để họ được đưa ra sáng kiến, được thể hiện chính mình. Có khi chấp nhận để họ mạo hiểm áp dụng những cách xử lý mới trong công việc tông đồ. Dù họ có thể có những vấp váp, sai sót trong bước đầu, nhưng NHL giúp họ biết điều chỉnh và rút kinh nghiệm, hơn là đưa ra những chỉ dẫn quá chặt chẽ, chi li, bóp chết mọi suy nghĩ và sáng tạo.

Như thế cần tin tưởng nơi từng người. Dò xét thường bị coi là thiếu tin tưởng. Vấn đề là làm sao NHL biết được NTH mà lại không có vẻ dò xét.

Kín đáo là điều quan trọng để người khác tiếp tục đến trải lòng ra với mình. Phải giữ kín điều được nghe, và nếu có sử dụng thì phải khéo léo để không ai biết xuất xứ từ đâu.

Người thụ huấn cần có một không gian riêng tư để thở, để là mình, để lớn lên.

Họ cũng cần có không gian riêng với nhau và chúng ta tôn trọng không gian ấy ở mức độ nào đó. Khi bóp chết không gian cần thiết đó, NTH có thể tìm cách tạo ra một tầng ngầm, nơi đó người ta thoải mái chống đối NHL, nói xấu nhau và “nín thở qua sông.”

NHL là khí cụ của Thiên Chúa sử dụng nên cần tôn trọng Thiên Chúa. Ngài là NHL xuyên qua những biến cố Ngài cho phép xảy ra trong cuộc đời NTH. Thiên Chúa vẫn huấn luyện NTH qua những tiếng thì thầm, mách bảo, trách cứ, khích lệ…Là NHL, chúng ta phải thấy được và tôn trọng lối huấn luyện của Thiên Chúa cho từng con người.

Cộng đoàn cũng là một NHL. Nhận xét của cộng đoàn có thể uốn nắn và thay đổi NTH, nhất là khi nhận xét đó khách quan và xây dựng. Ngoài ra một số bạn thân của NTH cũng có thể giúp giải quyết những khó khăn nhỏ mà không cần đến NHL. Chúng ta được coi như thành công khi các NTH có khả năng nhắc nhở nhau, góp ý cho nhau, chứ không giữ thái độ dĩ hòa vi quý.

Chính NTH cũng là NHL cho bản thân mình. NTH cần biết mình phải chịu trách nhiệm về việc huấn luyện của mình, nghĩa là đồng trách nhiệm với NHL. Là NHL, chúng ta coi trọng sự cộng tác của NTH trong việc huấn luyện.

6. Người huấn luyện là người lạc quan và đầy hy vọng.

Người huấn luyện buồn là người huấn luyện đáng buồn. Không cần phải buồn mới giữ được tính nghiêm túc. Thời gian huấn luyện là thời gian không dễ dàng,  vì thế niềm vui và nụ cười trên khuôn mặt NHL làm vơi nhẹ đi rất nhiều cho NTH. Bầu khí nhà huấn luyện chịu ảnh hưởng bởi tính khí của NHL.

Lạc quan được diễn tả qua việc có cái nhìn tích cực, có lời nói tích cực, có việc làm tích cực đối với NTH. Lạc quan là nhìn ra những điểm sáng giữa bóng tối, là tin tưởng và hy vọng không ngơi vào lòng tốt, sự phục thiện và quyết tâm của NTH. Lạc quan là giũ bỏ mọi thành kiến để nhìn NTH bằng cái nhìn mới, là không kể tội quá khứ, là cho NTH một cơ hội nữa để làm lại từ đầu sau những vấp ngã. Chúng ta huấn luyện người xuyên qua những sai sót, vấp ngã. Vấp ngã không hẳn là lý do để loại trừ một thành viên, nhưng có thể là một cơ hội để người ấy tiến bộ nhờ rút được bài học và sửa mình.

Thái độ bi quan vội vã có thể bóp chết những cố gắng của NTH để bước một bước mới, đồng thời thái độ này cũng làm cho NHL ở trong tình trạng căng thẳng và chán nản thường xuyên. Cần khen kịp thời một điều tốt, một gương sáng.

7. Người huấn luyện là người nhẫn nại, bao dung, cảm thông, uyển chuyển.

NHL lý tưởng thì không dễ nóng giận, có giận cũng biết làm chủ cơn giận của mình, và giận có lý do chính đáng tương xứng. Sự tự chủ của NHL được biểu lộ qua việc sống chữ nhẫn với NTH, như Thiên Chúa đã sống chữ nhẫn với mình.

Nhẫn đòi phải chờ đợi, có khi trong thời gian dài, tưởng như vô ích. Muốn nhẫn nại cần phải khiêm tốn, vì nhẫn là chấp nhận ở kèo dưới, chấp nhận chịu đựng đau khổ từ phía người dưới quyền, chấp nhận không dùng quyền dù có thể dùng. Có NHL sợ nhẫn nại sẽ làm hư NTH. Nhưng trong thực tế NTH sẽ bị đánh động nhiều và sâu xa trước sự nhẫn nại vô bờ của NHL.

Bao dung là không chấp nhất những điều nhỏ mọn, không tính toán chi li, không bắt bẻ những thiếu sót vô ý (dù vẫn phải nhắc nhở, vẫn phải đòi hỏi, vì lý do huấn luyện), không nhớ dai và hay nhắc lại chuyện cũ. Quảng đại là cư xử rộng rãi hơn mức NTH dám mơ, cho đi điều mà NTH không dám đòi.

NTH hôm nay mong sự cảm thông từ phía NHL. Họ mong chúng ta hiểu những thách đố, cám dỗ mà họ phải gánh chịu. Họ cũng mong chúng ta tha thứ những vấp ngã của họ. Tu sĩ trẻ bây giờ chịu sức ép lớn hơn và cũng mong manh hơn xưa. Họ là con đẻ của xã hội, Họ không thích chúng ta so sánh thời xưa của chúng ta với thời nay của họ, để chê bai hay để làm mẫu. Họ không thích lấy tiêu chuẩn của thời trước để đánh giá thời này, mà trước hết không nghĩ xem tiêu chuẩn đó có còn hợp hay không.

Uyển chuyển, mềm mại, nhu thuận : đó là nét quan trọng của NHL. Biết lúc cương lúc nhu, biết thích nghi với tình huống cụ thể, không cứng nhắc, chấp nhận nguyên tắc chung phải theo, nhưng cũng chấp nhận ngoại lệ cho cá nhân. Không huấn luyện theo lối làm gạch, đúc viên nào cũng như nhau, nhưng bảo trì bản sắc riêng của mỗi NTH, dù họ vẫn có nét chung của đặc sủng mỗi dòng tu.

8. Người huấn luyện là người có khả năng lãnh đạo.

Có thể nói NHL cần có những phẩm chất của người lãnh đạo. Quản trị, điều hành một cộng đoàn huấn luyện còn khó hơn điều khiển một công ty, vì mục tiêu  nhắm tới không chỉ là lợi nhuận, mà là sự triển nở nhân cách của người sống đời thánh hiến.

Lãnh đạo cộng đoàn cần sự cộng tác của mọi thành viên trong cộng đoàn. NHL coi trọng sự đóng góp độc đáo của từng người, tùy theo khả năng Chúa ban.

Nguyên tắc bổ trợ hay phân quyền (subsidiarity) có thể được áp dụng ở một mức nào đó trong đời tu. Các công việc trong cộng đoàn được chia ra để mỗi người đều có trách nhiệm. Tôn trọng người đảm trách một công việc, cho họ chút tự do để suy nghĩ xem làm sao có kết quả tốt nhất, đó là cách làm họ trưởng thành và gắn bó với cộng đoàn.

Làm công việc huấn luyện vừa là một nghệ thuật, vừa là một ơn ban. Cần có những khả năng tự nhiên và những khả năng có được nhờ kinh nghiệm và nhờ học hỏi liên tục. Làm sao để kiến tạo sự hiệp nhất nơi một cộng đoàn có nhiều cá tính đối lập và đang gặp xung đột? Làm sao để góp ý mà người nghe vui vẻ sửa mình? Làm sao để biết dùng người đúng chỗ, nhờ đó phát huy được toàn bộ tiềm năng của họ? Làm sao để cộng đoàn giữ được kỷ luật mà vẫn không bị căng thẳng ? Làm sao để cộng đoàn đang nguội lạnh, được hâm nóng bởi lại ngọn lửa? Có biết bao vấn đề mà NHL phải khéo léo tìm ra cách trả lời.

NHL cần được huấn luyện nghiêm túc, cần có hiểu biết về tâm lý, sinh lý, thiêng liêng, linh đạo, triết học, thần học, Thánh Kinh và cả khoa học nữa.Tầm hiểu biết càng rộng, càng dễ đưa ra những nhận xét quân bình hơn về một con người. Ngay cả những NHL đã được huấn luyện cũng cần tự huấn luyện liên tục, để theo kịp những biến đổi xảy ra trong xã hội có âm hưởng trên đời sống của NTH.

9. Người huấn luyện là người phục vụ.

Như Thầy Giêsu, NHL vừa là nhà lãnh đạo, vừa là người phục vụ cho cộng đoàn những NTH. “Thầy ở giữa anh em như người phục vụ (Lc 22, 27). Chỉ khi sống như người phục vụ thật sự, NHL mới có thể huấn luyện các NTH trở thành người phục vụ.

Phục vụ đòi cúi xuống, đòi rửa chân. NHL cũng phải đứng mũi chịu sào, chấp nhận con dại cái mang, và đón lấy thánh giá mỗi ngày không thể nào tránh khỏi.

Xin lỗi, cám ơn, hỏi thăm, khen ngợi, an ủi, giúp đỡ, cộng tác, chia sẻ, sẵn sàng dành giờ để gặp gỡ, hiện diện thường xuyên trong cộng đoàn…, đó là những cách diễn tả việc phục vụ của NHL hôm nay.

NHL hôm nay đứng trước những khó khăn không nhỏ. NHL có thể thấy nản lòng khi thấy các NTH mang vào trong môi trường huấn luyện những thói xấu, thói đời của xã hội, nơi đã cưu mang họ. Những thói xấu hay được nhắc đến là thái độ hưởng thụ, gắn bó với những của cải vật chất, những phương tiện truyền thông (khó giữ đức thanh bần), thái độ  chuộng tự do cá nhân, thiếu trung thực (khó giữ vâng phục), thái độ thiếu trách nhiệm, chỉ nghĩ đến mình (khó sống cộng đoàn), thái độ hời hợt, thiếu bề sâu thiêng liêng, thiếu sự dấn thân mạnh mẽ và quyết liệt (khó có tình bạn sâu xa với Chúa), thái độ dễ dãi về tình cảm, dễ bị cám dỗ và kích thích bởi hình ảnh xấu (khó sống khiết tịnh). Nói chung, chúng ta thấy NTH có lối nghĩ, lối cư xử nhuốm mùi thế tục. mùi đời. Làm sao huấn luyện một người “đời” như thế trở thành người môn đệ ? Đâu là những nét tích cực nơi các NTH hôm nay mà chúng ta cần phát huy, để đẩy đi những nét tiêu cực ?

Hay nói khác đi, liệu có thể biến đổi cái tiêu cực thành tích cực được không ?

Để kết thúc bài chia sẻ này, mời quý vị chiêm ngắm một số nét nơi con người Đức Giêsu, nhà sư phạm.

– Ngài bênh vực các môn đệ khi họ bứt lúa, không rửa tay trước khi ăn, không ăn chay (Mt 12, 1; 15, 1; 9, 14).

– Ngài dành giờ khi ở nhà để trả lời những câu hỏi riêng của họ. Ngài tâm sự riêng với họ một số điều thầm kín và đòi họ không được nói cho ai (Mc 10,10; Mt 15, 15; Mt 13, 36; Mc 9, 28).

– Ngài chịu đựng sự cứng lòng và sự chậm hiểu của họ (Mc 8, 14).

– Ngài tha thứ những sa ngã, phản bội, chạy trốn của các môn đệ.

– Ngài tin tưởng trao mọi quyền mình có cho các môn đệ, quyền rao giảng, trừ quỷ, chữa bệnh (Mc 6, 12-13).

– Ngài mời họ cộng tác vào sứ mạng của ngài, ngài sai họ đi: hãy đi rao giảng, hãy phân phát bánh và cá cho dân chúng, hãy chăn dắt chiên của Thầy (Mc 6, 41).

– Ngài yêu mến họ và ngài đòi họ đáp trả tình yêu ấy. Simon, con có mến Thầy không ? (Ga 21). Ngài mời họ theo Ngài và ở với Ngài (Mc 1, 17;  3, 14). Ngài quý họ và không muốn mất một ai (Ga 17, 12).

– Ngài dám bắt buộc họ qua bờ bên kia khi họ đang ngây ngất trước thành công của phép lạ nhân bánh (Mc 6, 45; 1, 37-38; Mc 4, 40).

– Ngài dám đòi họ đặt ngài lên trên mọi mối dây máu mủ, cha mẹ vợ con, gia sản, và cả mạng sống (Mc 8, 34).

– Ngài đã đồng hành với hai môn đệ về Emmau, đã gợi chuyện, đã lắng nghe, đã soi sáng…

– Trong Vườn Dầu, Ngài cần sự nâng đỡ của môn đệ (Mc 14, 32).

– Ngài dạy họ từ biến cố thực tế hàng ngày. Khi họ quên đem bánh (Mc 8, 14), khi họ cãi nhau (Mc 9, 33-35); khi họ ghen tức (Mc 9, 38); khi họ khó chịu vì trẻ em (Mc 10, 13); khi họ tranh ghế tả hữu (Mc 10, 37);  khi Ngài thấy bà góa nghèo bỏ tiền (Mc 12, 41).

***

Kính thưa Quý Vị Phụ Trách và Huấn Luyện hiện diện nơi đây.

Xin cám ơn Quý Vị đã lắng nghe bài chia sẻ đơn sơ của tôi.

Mong bài chia sẻ này có được một điểm nhỏ nào đó khiến Quý Vị quan tâm khi chu toàn nhiệm vụ của người huấn luyện. Mong nó cũng là một gợi ý cho phần thảo luận sắp đến.

L.M. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Kiểm tra tương tự

05/11 – Mừng kính các Thánh và các Chân phước Dòng Tên

  Giêsu hữu là người được nhận làm bạn đường của Chúa Giêsu. Thánh I-nhã …

Inhaxio Loyola, Linh Thao và Dilexit Nos

    Mới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành một Thông Điệp có …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *