Kinh Thánh Cựu Ước được viết dần dần trong nhiều thế kỷ. Từ ban đầu, Ap-ra-ham và những hậu duệ của ông là một dân du mục và không có sách vở nào ghi chép về kinh nghiệm của họ. Sau đó, Môsê cũng đã giải thoát dân khỏi Ai Cập, vượt qua sa mạc tiến vào đất hứa. Nhưng dân Do Thái vẫn chỉ lưu truyền những kinh nghiệm và biến cố của dân tộc qua hình thức truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Nhiều thế kỷ trôi qua, khi dân đã đoàn kết lại với nhau, lúc đó họ mới thu thập những tài liệu viết về lịch sử dân tộc và viết lại. Đến thời Đavít, Salômôn, các tác giả mới bắt đầu viết về lịch sử dân Do Thái từ lúc khởi đầu. Các tác giả này viết về những vấn đề nguồn gốc con người, nguồn gốc dân Do Thái dưới con mắt của niềm tin. Những tác phẩm này do nhiều tác giả viết và có nhiều phiên bản khác nhau chứ không thống nhất như quyển Kinh Thánh Cựu Ước chúng ta có ngày nay.
Vào thời các vua (kéo dài từ thế kỷ IX-VI TCN), các ngôn sứ rao giảng kêu gọi dân thờ phượng Chúa. Các môn đệ của các ngôn sứ đã chép lại lời giảng của các ngài thành sách Các Ngôn Sứ và trở nên một phần của Kinh Thánh.
Khi dân Do Thái ở phía bắc bị xâm lược, dân Do Thái hướng về Giêrusalem như là trung tâm thờ phượng và trở nên đoàn kết hơn trong niềm tin. Hệ quả là có nhiều sách xuất hiện vào thời gian này, chẳng hạn như Đệ Nhị Luật, Giô-suê, Thủ lãnh. Trong thời lưu đày Babylon, các học giả Do Thái đã sưu tập những truyền thống trước đó và sắp xếp lại theo thứ tự lịch sử. Nhưng sách vở được viết trong giai đoạn này đã góp phần hình thành nên phần cốt yếu nhất của Sách Cựu Ước sau này.
Sau khi lưu đày, dân Do Thái đã biên tập lại những sách, bản văn được lưu truyền qua nhiều thế kỷ và tạo nên bộ Sách Luật (Torah- năm sách đầu của Kinh Thánh Cựu Ước). Một vài thế kỷ sau, một số tác phẩm văn chương được gọi là Các Sách Khôn Ngoan cũng xuất hiện.
Qua nhiều thế kỷ, dân Do Thái đã viết và biên tập một hệ thống các sách mà thế giới ngày nay gọi là Kinh Thánh Do Thái giáo hay Kinh Thánh Cựu Ước của Kitô giáo.
Kinh Thánh Cựu Ước không chỉ là một bộ các sách viết về những sự kiện hay thông tin đơn thuần nhưng hơn thế nữa, nó diễn tả ý nghĩa của những sự kiện đó. Do đó, để đọc Cựu Ước, người đọc nhất thiết phải kinh nghiệm được những sự kiện được viết ra trong đó để rồi có thể thông dự vào tương quan với Thiên Chúa giống như dân Do Thái xưa kia.
Công Tùng, SJ.
(Tham khảo: Stephen J. Binz, Introduction to the Bible- A Catholic Guide to Studying Scripture)