Lửa 5: Thầy Anphong Rodriguez – vị thánh khiêm nhu

Nghe bài Anphong Rodriguez

Anphong Rodriguez

Thầy Anphong Rodriguez  – vị thánh khiêm nhu

Ánh nhin của thánh Anphong Rodriguez - trang của Họa sĩ Francisco de Zurbarán (1598 - 1664)

Ngày 31-10, Dòng Tên mừng kính một vị thánh hiền lành, khiêm nhu, một tu huynh, đã trở nên thánh với công việc gác cổng, thánh Anphong Rodriguez. Đọc lại gương sống của vị thánh khiêm nhường này, bạn trẻ chúng ta có thể tìm thấy nhiều điều quý báu cho cuộc sống hiện tại. Không phải bạn trẻ nào trong chúng ta đều thành công về đường đời, thế nhưng, gương sống của vị thánh khiêm nhu này cho ta một bài học quý: tất cả chúng ta đều có thể thành công trước mặt Chúa, đều có thể nên thánh với những việc nhỏ bé hằng ngày, ngọn lửa Tin Mừng đều có thể được thắp lên trong mọi hoàn cảnh, dù đó là hoàn cảnh bị người đời xem thường, khinh chê.

Cuộc đời của ngài sớm chịu nhiều bất hạnh. Năm lên 14 tuổi, ngài chịu cảnh mồ côi cha. Mẹ của cậu bé mang lấy gánh nặng gia đình. Kinh tế gia đình càng xuống cấp cùng với sự khủng hoảng kinh tế ở châu Âu. Ngày tháng trôi qua thật nặng nề với ngài, gia đình ngài ngày càng gặp khó khăng về tiền bạc. Mẹ của Anphong muốn ngài cưới một cô tiểu thư giàu có để hoá giải tình thế khó khăn về kinh tế trong gia đình. Tuy nhiên, mọi điều xảy ra không như ý muốn. Mới 5 năm sau ngày cưới, chàng đã phải chịu đựng 3 đám tang: vợ và 2 con. Sau đó 3 năm, tức là năm 1565, đứa con sống sót cuối cùng cũng vĩnh biệt người cha đau khổ.

Chúa không nỡ để con cái ngài vào đường cùng. Nhìn một hướng thiêng liêng, có thể nói Chúa đã chuẩn bị cho Anphong ngay từ khi ngài còn là tấm bé khi cho ngài có cơ hội gặp gỡ và sống chung với một vị thánh khác, thánh Phê-rô Farve. Đời sống đạo đức và lời dạy bảo của thánh nhân in đậm nét trên Anphong. Cứ mỗi lần gặp khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, Anphong lại nhớ đến lời dạy của Phê-rô Farve, rằng đặt tâm trí trọn vẹn vào Chúa và tin tưởng nơi Ngài mọi sự.

Những người thân trong gia đình lần lượt ra đi để lại nơi Anphong một nổi đau khôn tả. Nhưng, thật là tuyệt vời, kinh nghiệm đau thương ấy không đưa Ngài tới những tuyệt vọng, mà đưa Ngài tới gần Chúa hơn. Suy nghĩ và nhận định, Anphong quyết xây dựng lại cuộc đời mình đẹp lòng Chúa hơn.

Với lòng yêu mến dành cho Chúa Giê-su và cùng với sự ảnh hưởng của Phê-rô Farve, Anphong đến gặp bề trên Dòng Tên để xin được nhập đoàn với những người bạn đường của Chúa. Tuy nhiên, vì ngài đã không được chấp nhận vì tuổi cao cùng với chưa được học hành đàng hoàng. Lửa phục vụ Chúa trong Dòng Tên thúc đẩy ngài quyết định đi học trở lại khi tuổi đã gần 40. Nhưng việc học cũng không thành. Thánh nhân cầu nguyện và quyết định đến gặp bề trên Dòng Tên lần 2. May mắn cho Ngài là được cha bề trên chấp nhận trong khi nhiều người khác phản đối. Ngài vào nhà tập năm 40 tuổi.. Sau sáu tháng, chàng tập sinh 40 tuổi này được gởi đến học viện Montesien ở Palma trên đảo Majorca. Chính ở đây thầy Anphong sẽ sống 46 năm cuối của cuộc đời thầy.

Ban đầu thầy được chỉ định lo việc lặt vặt trong nhà, làm phụ hồ, coi phòng thánh…. Tính tình siêng năng, mặc dầu làm không giỏi như bao người khác, nhưng ngài làm với tất cả sự khiêm nhu và lòng yêu mến Chúa. Thầy làm mọi sự rất chu đáo, và luôn sẵn sàng để bề trên sai bảo trong mọi công việc

Cuộc đời của ngài được đánh dấu cách đặc biệt vào năm 1580, thầy được chỉ định canh cổng cho học viện. Công việc canh cổng là một cơ hội đặc biệt cho thánh nhân gặp Chúa dù rằng đó không phải là công việc danh dự. Đối với ngài, cứ mỗi lần có ai gõ cửa, ngài đều xem như là chính Chúa đến gõ cửa nhà mình vậy. Vì thế, thái độ mau mắn, lễ độ và yêu mến khách luôn có sẵn nơi ngài.

 “Lạy Chúa, con đang đến”. Với mấy tiếng này, thầy Anphong tiếp đón mọi người với nụ cười tươi như hoa. Khi đã biết họ muốn gì, thầy cố gắng hết sức làm họ vừa lòng. Không ai bị thầy xua đuổi bao giờ. Cả đám trẻ nhỏ xin ảnh cũng vậy, thầy luôn luôn cho mỗi đứa một tấm ảnh Đức Mẹ.

Thời gian rãnh rỗi trong công việc canh cổng, Anphong dùng để lần chuổi kính Mẹ và cầu nguyện với Chúa. Đời sống nội tâm và thiêng liêng của  ngài càng ngày càng tiến sâu hơn trong sự thân mật với Thiên Chúa. Nhưng người khách cảm nhận được điều này, và càng ngày họ càng tới gặp Ngài đông hơn, có cả những người nổi tiếng cũng đến gặp ngài xin hướng dẫn đường lành. Ai đến với thầy cũng thấy mình được những lời khuyên quí giá.

Chúa Giê-su và Mẹ Maria đã dành cho Anphong một ơn đặc biệt, ơn được viếng thăm. Một hôm vào ngày lễ lớn, nhà trường nghỉ học, và học viện rất yên tĩnh vì người ta lo vui chơi ở nhà. Có tiếng gõ cửa nhẹ và thầy Anphong vội vàng chỗi dậy ra tiếp. Và này, thầy thấy trước mặt mình Chúa Giê-su và Mẹ Maria đến thăm thầy. Các vị khách này không nói một lời nào và lòng thầy Anphong dạt dào nên miệng cũng không nói nên lời. Thầy chắp tay, dán mắt vào hai vị khách cho tới khi các ngài đi khỏi. Nhiều ngày sau, mỗi khi nhớ đến phút giây ấy, lòng thầy vẫn rộn ràng như ở thiên đàng.

Những an ủi thiêng liêng nâng đỡ đời sống nội tâm của con người khiêm nhường này, nhưng người ấy cũng nhận biết bao thử thách, cám dỗ. Thêm vào đó, Anphong còn nhiều dịp phải chịu đau khổ hay sỉ nhục từ bề trên, từ những anh em cùng nhà vì những những hiểu lầm cũng như ganh tỵ tình thương. Điều tuyệt vời ta đọc được nơi Anphong trong những trường hợp bị sỉ nhục trước đám đông là thái độ hoàn toàn điềm tĩnh.

Đến tuổi già sức yếu, ngài được bề trên cho một thầy khác đến phụ giúp, nhưng rồi người đó lại trở thành chính, ngài đóng vai phụ. Nhưng vai phụ rồi cũng hết, thầy được lệnh không còn canh cổng nữa.

Thầy Anphong đâu được chết trong hào quang vinh dự, giữa những người thường ngày vẫn đến xin thầy cầu nguyện, khuyên nhủ, giúp đỡ… Trong mấy năm cuối đời, thầy sống trong cô quạnh nơi phong riêng. Thầy nằm liệt giường và suốt  ngày đêm chỉ biết thưa chuyện với Chúa và Đức Mẹ. Vào nửa đêm ngày 30/10/1617 Anphong đã trút hơi thở cuối cùng khi tên Chúa Giê-su còn run trên môi.

Suốt đời thầy Anphong Rodriguez chưa bao giờ đặt chân đến Rô-ma. Nhưng ngày 15/01/1888, mãi 357 năm sau khi thầy chào đời, thầy đã được đón tiếp trọng thể hơn bất kỳ vị tướng lãnh nào trở về Rô-ma sau khi chiến thắng khải hoàn. Buổi sáng Chúa Nhật hôm đó, Đức Lê-ô XIII long trọng ghi tên thầy Anphong Rodriguez vào sổ bộ các thánh.

RADIO VATICAN

CHUYÊN MỤC: LỬA

PHỤ TRÁCH: Nguyễn Hiền Nhu

Kiểm tra tương tự

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

  Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình …

Hành trình Đức tin của ngôi sao bóng rổ Gordon Hayward

Ngôi sao NBA* gia nhập đạo Công giáo vài tháng sau khi giải nghệ. Để …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *