Ai đó nói rằng: “Khi con vật không có gì để làm thì nó thường đi ngủ, còn con người khi không có gì để làm thì họ thường đặt những câu hỏi.”
Có thể nói, tình trạng “mất phương hướng sống” của giới trẻ nói riêng và con người ngày nay nói chung đang ở mức báo động. Ngay cả những bệnh nhân trên giường bệnh, vốn là những người thường có trải nghiệm sâu sắc nhất về sự sống – cái chết và ý nghĩa cuộc đời, khi được hỏi: “sau khi xuất viện, bạn muốn làm gì nhất?” họ cũng đã thản nhiên trả lời: “điều tôi muốn làm nhất và muốn làm mãi sau khi xuất viện là ăn và ngủ.” Câu trả lời ấy chẳng khác nào một lời tự bạch muốn thoái lui xuống đời sống của một con vật?
Tâm lý học gọi đó là tình trạng“khủng hoảng về sự tồn tại”. Cũng giống như nhân vật Forky trong bộ phim Toy Story 4 của đạo diễn Josh Cooley, Forky được cô chủ Bonnie làm từ những thứ cô nhặt được trong thùng rác. Mặc dù Bonnie và các đồ chơi khác đều rất yêu quý Forky, nhưng chính Forky thì lại luôn coi mình là đồ bỏ đi, là rác rưởi, là vô dụng. Vì thế Forky luôn tìm cách gieo mình vào thùng rác bất chất sự ngăn cản của mọi người. Forky không thấy được ý nghĩa trong sự tồn tại của mình. Tự hủy hoại bản thân chính là cách cậu sử dụng để đối xử với chính mình, bất chấp cảm xúc của tất cả những người thân cận. Ngày nay, có rất nhiều trường hợp tự tử của thanh thiếu niên và lớp lớp những người thuộc đủ mọi quốc gia, dân tộc, tầng lớp xã hội, tuổi tác và giới tính, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã quá rõ rằng những con số ấy khó có thể thống kê hết được.
Vấn đề ở đây là vì sao lại có quá nhiều người chọn cái chết như là “giải pháp tốt nhất” để giải quyết vấn đề? Theo Viktor Frankl (1905 – 1997) trong tác phẩm Đi Tìm Lẽ Sống, ông cho rằng những người đi đến tự tử là những người phải sống một thời gian nhất định trong trạng thái tồn tại chân không, nghĩa là họ không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Họ không biết phải làm gì và cũng không biết mình muốn cái gì. Điều này dẫn đến việc họ thường bắt chước người khác làm điều người ấy làm hoặc muốn những điều người ta muốn hoặc yêu cầu. Nhưng rốt cuộc, họ chẳng tìm thấy nơi những công việc ấy một chút vui thoải nào cả. Họ sống mà như không sống! Họ không nhìn thấy bất kỳ một ánh sáng nào, một ý nghĩa nào trong sự hiện hữu của mình.
Những con người đáng thương này phải chịu đựng một sự giằng gié khủng khiếp trong tâm hồn lầy lội, càng vùng vẫy càng chìm xuống sâu hơn. Thay vì hỏi “làm gì để sống?” thì họ liên tục tự chất vấn mình “sống để làm gì?” Họ thường có biểu hiện: chán nản, buồn bã, khổ tâm, trầm cảm, cáu kỉnh, nghiện ngập và tìm thỏa mãn tình dục một cách không kiểm soát…
Cũng trong tác phẩm kinh điển của mình, Viktor Frankl, bằng chính kinh nghiệm sinh tử của mình trong các trại tập trung của Đức Quốc Xã, đã sáng lập ra một liệu pháp tâm lý với tên gọi “Liệu Pháp Ý Nghĩa” để trị liệu cho những người gặp phải khủng hoảng về sự tồn tại. Ông cho rằng, ý nghĩa cuộc sống của mỗi người mỗi khác và có thể thay đổi theo thời gian. Do đó, ý nghĩa chỉ có trong tình huống cụ thể, của một thời điểm nhất định. Không nên tìm kiếm ý nghĩa trừu tượng hoặc quá mơ hồ. Frankl rất tâm đắc câu nói của triết gia Nietzsche: “Người nào có lý do để sống thì có thể tồn tại trong mọi nghịch cảnh.” Do đó mỗi người phải trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống của mình bằng một thái độ sống có trách nhiệm, cái mà ông gọi là: điều cần thiết cho mọi sự tồn tại.
Điều này được gợi hứng và nuôi dưỡng bằng tâm niệm: “Hãy sống như thể bạn đang được sống lần thứ hai và đang sắp phạm phải sai lầm như đã từng phạm ở lần trước.” Frankl cho rằng nhờ tinh thần sống có trách nhiệm đó mà quá khứ có thể được thay đổi và sửa chữa – là điều cuối cùng mà ta có thể làm cho mình và cho đời. Sống trách nhiệm là luôn ý thức việc mình làm: Đối tượng nào? Mục đích gì? Phương tiện ra sao? Dành cho ai?…
Frankl khuyến khích một người cần phải mở rộng và được trợ giúp để mở rộng tầm nhìn về bức tranh cuộc đời mình, thấy được toàn bộ ánh hào quang của một cuộc sống giàu ý nghĩa. Cũng giống như việc phải xem hết bộ phim mới hiểu được thông điệp, phải sống hết cuộc đời mới thấy được ý nghĩa đời mình.
Tác giả cuốn Đi Tìm Lẽ Sống cho rằng, có ba cách để làm cho cuộc sống có ý nghĩa:
- Có một việc để làm.
- Có một ai/cái gì để yêu, một lý tưởng để theo đuổi.
- Có một thái độ tích cực trước đau khổ (thay đổi bản thân, vượt lên số phận), từ đó và trong đó ta thấy được ý nghĩa của đau khổ mà ta đang chịu.
Tuy nhiên, để đơn giản hoá vấn đề, hoặc khi không thể thực thi được ba gợi ý trên, người viết thiết nghĩ chỉ cần trở lại với vế thứ hai trong trích dẫn ban đầu: “khi con người không có gì để làm thì họ thường đặt những câu hỏi.” Đặt những câu hỏi là cách thức hữu hiệu mà thánh I-nha-xi-ô Lo-yo-la, Đấng sáng lập Dòng Tên đã sử dụng trên bước đường hành hương của mình. Quid Agendum? – Tôi phải làm gì để vượt qua khó khăn; tôi phải làm gì để chu toàn những việc bổn phận, trong những vai trò khác nhau mà tôi đang đảm nhận; tôi phải làm gì để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân tốt hơn!
Vậy nên, khi bạn cảm thấy lòng mình trống trải, khi không có việc gì để làm, thậm chí không biết mình muốn cái gì, khi ánh mắt vô hồn buông cái nhìn tuyệt vọng ra chân trời xa xăm mà chỉ thấy bóng đêm dày đặc…hãy liên tục tự hỏi chính mình: Tôi phải làm gì? Ta sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng từ tận nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn mình đang vang lên những câu trả lời thật thỏa đáng. Và một khi đã nghe được lời mời gọi hành động, hãy tiếp tục hỏi mình: Nếu không phải tôi thì là ai? Nếu không phải ở đây thì ở đâu? Nếu không phải lúc này thì lúc nào? (Abraham P. Sarmiento Jr., 1950-1977)
Hv. Đaminh Nguyễn Văn Tài, S.J.
Mất phương hướng là một điều rất đáng sợ, nhưng nếu thử nhiều lần, luôn có thể có sự giúp đỡ.