Làm sao tìm ý Chúa?

 

Ý Chúa thật là thẳm sâu và nhiệm mầu, trí khôn con người chẳng thể hiểu được! Đó là lý do vì sao chúng ta phải luôn đi tìm và phải nhận ra ý Ngài. Tìm kiếm ý Chúa đòi hỏi một sự kiên trì, bền đỗ và dường như dành trọn cả cuộc đời. Nhận ra được ý Ngài là cả một quá trình của sự theo đuổi ước muốn xin vâng và sẵn sàng để Chúa làm chủ cuộc đời mình. Tìm kiếm và nhận ra là hai trạng thái có vẻ đối nghịch trong hành trình đức tin, một đàng thì chúng ta dường như phải sống trong tăm tối của tìm kiếm, đàng khác là được hưởng trọn vẹn hạnh phúc vì nhận ra; thế nhưng, cả hai luôn mang lại cho chúng ta những giá trị tuyệt đối mà có thể nói, mỗi khoảnh khắc tìm kiếm hay mỗi phút giây được nhận ra, chúng ta được thực sự sống trong Chúa và Chúa sống trong ta.

Trong giáo hội, có rất nhiều Vị đã được đón nhận ân huệ lớn lao là được đối thoại với Chúa. Những Vị ấy đã để lại cho giáo hội biết bao công trình của đức tin, mà có lẽ chúng ta phải mất cả đời người để khám phá. Tuy nhiên, không có nghĩa là khi chúng ta không có được ân huệ này, thì chúng ta không nghe được tiếng Chúa; và như thế, không tìm ra được ý Ngài. Mọi ân huệ Chúa ban sẽ không bị phí phạm khi chúng ta biết làm sáng danh Ngài nơi việc tìm kiếm và thực thi ý Ngài. Khởi đi từ ân huệ thời gian, ai ai cũng thừa nhận rằng: hầu như con người luôn thiếu thời gian, ngay cả khi có thời gian dư đủ thì vẫn thấy thiếu. Câu trả lời cho vấn đề này cũng thật đơn giản: bởi vì kế hoạch của con người chẳng thể nào sánh với kế hoạch của Thiên Chúa trong việc hoạch định thời gian. Chúng ta hãy liên tưởng đến một người luôn bận rộn và một người có vẻ nhàn hạ hơn, ai trong họ là người thành công trong việc hoạch định thời gian? Người bận rộn không hẳn là họ không biết sắp xếp thời gian và người nhàn hạ chưa chắc là người giỏi lên kế hoạch. Nếu người bận rộn là người biết tận dụng thời gian để tìm kiếm những giá trị đích thực của tin mừng, và người nhàn hạ là người biết dành những khoảng thời gian cần thiết cho việc tận hưởng những giờ phút trong Chúa, thì quả là họ đã biết sử dụng ân huệ thời gian thật là hiệu quả. Việc tìm ý Chúa được thực hiện ngay trong cái bận rộn và nhàn hạ đó! Càng bận rộn nhiều, chúng ta càng thấy được sự cần thiết của việc để cho Chúa sắp đặt mọi sự, và Chúa sẽ sắp đặt như thế nào là việc chúng ta phải tìm kiếm để nghe được ý Ngài. Càng rảnh rỗi bao nhiêu, chúng ta càng cần phải biết làm thế nào để thời gian được sử dụng cách hiệu quả, và như thế, thời gian dành cho việc tìm ý Ngài thật là ý nghĩa. Như vậy, việc hoạch định thời gian cần phải được sự soi sáng và hướng dẫn của Chúa, nhờ đó mà chúng ta có được những khoảng thời gian thật hợp lý để tìm ý Ngài.

Chúng ta không thể nhìn bất cứ một sự việc gì xảy ra xung quanh rồi nhận định ý Chúa theo nhãn quang và suy nghĩ của cá nhân mình. Tìm ý Chúa bắt buộc phải đi từ sự liên kết mật thiết với Ngài qua đời sống cầu nguyện. Những giây phút ở bên Chúa là cơ hội rất tuyệt vời để tìm ra ý Ngài, chúng ta đừng để cho bất cứ một tác động bên ngoài nào làm phá vỡ những giây phút ấy. Chính trong sự tĩnh lặng sâu thẳm của tâm hồn, thì Chúa sẽ thì thầm với ta và ta nghe được tiếng Ngài. Ngài nói với ta qua những sự việc xảy ra hằng ngày, qua những bế tắc mà ta gặp phải, qua những niềm vui mà ta nhận được và qua chính những cung cách sống của ta. Một sự việc xảy ra, dù vui hay buồn, thì Ngài cũng dạy cho ta biết Ngài đã hiện diện nơi sự việc đó như thế nào; khi ta không lối thoát thì Ngài cho ta một hướng đi, dù rằng ta thấy hướng đi ấy có vẻ tăm tối quá, nhưng ý Ngài muốn ta hãy để Ngài dắt ta vượt qua tăm tối đó, để đến được nơi tràn đầy ánh sáng; những lúc ta vỡ òa trong niềm vui, Ngài cho ta thấy rằng việc tìm kiếm ý Ngài sẽ giúp ta luôn được no thỏa; và mỗi cách hành xử của ta sẽ hướng ta đến việc tìm kiếm điều gì sẽ làm đẹp lòng Ngài nhất.

Khi đã nhận ra được ý Chúa, chúng ta hãy can đảm thực thi; chắc chắn, chúng ta không thể làm việc này với sức riêng của mình, nhưng đòi hỏi chúng ta một sự gắn bó mật thiết với Ngài. Rất thực tế, chúng ta thường tìm cho mình một lối đi sáng sủa hơn theo cái nhìn của chính mình, để thoát khỏi bế tắc; nhưng chúng ta lại không thể nhìn xa trông rộng đủ, để nhận ra lối đi ấy sáng tới mức nào, và đằng sau cái sáng ấy có phải là chiếc lưới, khiến chúng ta có thể bị mắc bẫy một cách dễ dàng không. Hoặc là, mỗi khi vui mừng phấn khởi, ta dường như đắc thắng với thành quả mà mình đạt được, hơn là ý thức ân huệ Chúa ban cách nhưng không. Đôi lúc, chúng ta cũng nhận ra được ý Ngài nơi từng biến cố của cuộc đời mình, nhưng rất khó để ta có thể sẵn sàng thực thi. Nơi mỗi biến cố xảy ra hằng ngày, ta nhận ra được sự can thiệp rõ ràng của Chúa, nhưng ta lại không sẵn sàng đón nhận một điều gì đó xem chừng có vẻ tệ hại trước mắt, nhưng sau đó là cả một biển trời ân huệ. Hoặc là, khi ta suy nghĩ hay hành động cách lệch lạc, ta nhận ra Chúa chẳng muốn ta tiếp tục như thế, nhưng ta lại không sẵn sàng cho một sự từ bỏ cái tôi của mình. Chúng ta thật là yếu đuối trước mặt Chúa, nhưng Chúa vẫn luôn cho chúng ta cơ hội để được hoàn thiện chính mình. Và, cơ hội đó chính là sự gắn bó với Ngài! Nhờ gắn bó với Ngài, ta múc được nguồn suối ân huệ như: sức mạnh để lướt thắng chính mình và sẵn sàng dẹp bỏ cái tôi, tình yêu để vượt qua những rào cản mà dấn bước và sẵn sàng hy sinh.

Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy việc tìm kiếm và thực thi ý Chúa Cha chính là lương thực của Ngài. Chúng ta hãy bắt chước Ngài để cuộc đời chúng ta thực sự là việc làm sáng danh Ngài, và được đón nhận vinh dự lớn lao là chính Ngài ở lại trong chúng ta.

 

Therese Trần Thị Kim Thoa

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *