Tất cả các Kitô hữu đều có sứ mạng loan báo Tin Mừng. Người Kitô hữu cần xin ơn Chúa Thánh Thần để có thể ra đi, đến gần mọi người để lắng nghe, và bắt đầu với từng hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống, chứ không phải với những lý thuyết. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Hạt giống Lời Chúa
Sau cuộc tử đạo của thánh Stefano, bùng nổ cuộc bách hại lớn dành cho các Kitô hữu, và làm cho các môn đệ phân tán khắp nơi tại Giuđea và Samaria. Chính cuộc thử thách ấy thúc đẩy các môn đệ bước ra ngoài.
Tựa như cơn gió mang hạt giống đi xa và gieo vãi hạt giống khắp nơi; các môn đệ cũng thế, họ mang theo hạt giống Lời Chúa đi xa mãi xa mãi. Ta có thể nói vui một chút rằng, cuộc bách hại tựa như con gió đẩy các môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng. Bài đọc trích sách Công vụ Tông đồ hôm nay đẹp tuyệt vời (Cv 8:26-40). Bài đọc ấy diễn tả chân chất về công cuộc loan báo Tin Mừng.
Đứng lên – Lắng nghe – Bắt đầu từ hoàn cảnh cụ thể
Chúa Thánh Thần thúc đẩy tông đồ Philipphe lên đường loan báo Tin Mừng. Có ba cụm từ then chốt ở đây: đứng lên, lắng nghe, bắt đầu từ hoàn cảnh cụ thể.
Việc công bố Tin Mừng không phải là thực hiện một kế hoạch tốt của một chủ thuyết về đạo đức luân lý, theo kiểu: chúng ta hãy đi và làm điều này điều nọ ở nơi này nơi kia… Không phải thế. Loan báo Tin Mừng là việc của Chúa Thánh Thần, chính Thánh Thần nói với chúng ta phải đem Lời Chúa ra đi công bố, đi tuyên xưng Danh Chúa Giêsu. Thánh Thần nói với Philipphe và cũng nói với chúng ta: Hãy đứng dậy và đi đến nơi đó! Công cuộc loan báo Tin Mừng không có kiểu ngồi lỳ lại trên chiếc ghế bành. Để công bố Tin Mừng, chúng ta phải đứng lên và đi, phải đi đến nơi Chúa muốn để công bố Lời của Ngài.
Tôi nhớ tới nhiều người nam nữ đã rời quê hương xứ sở, rời xa gia đình, để đi đến các miền đất xa xôi, để mang Lời Chúa đến cho con người nơi ấy. Nhiều người trong số các vị không được chuẩn bị cần thiết về thể chất, và thế nên, các vị không đủ sức kháng lại các căn bệnh của những vùng đất xa lạ. Nhiều người trong số các vị đã chết trẻ hoặc chịu tử đạo. Đó là những con người đã tử đạo trong công cuộc loan báo Tin Mừng.
Không phải là lý thuyết, nhưng là tương quan giữa người với người
Không có một điều tựa như gọi là lãnh vực hay mảng Phúc Âm hóa, nhưng cần tìm cách tiếp cận thực tế. Cần tiếp cận trực tiếp để nhìn xem điều gì đang diễn ra, và bắt đầu với những hoàn cảnh cụ thể, chứ không phải là với những lý thuyết này nọ.
Không thể loan báo Tin Mừng bằng những lý thuyết. Loan báo Tin Mừng là công cuộc diễn ra trong tương quan giữa những con người. Và điều này phải bắt đầu với từng hoàn cảnh sống cụ thể chứ không phải với lý thuyết. Cần tuyên xưng Chúa Giêsu, với sự thúc đẩy của Thánh Thần và can đảm ra đi làm phép rửa. Ra đi, đi mãi, đi mãi, cho đến khi mọi sự hoàn tất theo ý Chúa muốn. Cuộc loan báo Tin Mừng là như thế. Đó là điều then chốt người Kitô chúng ta cần làm. Chúng ta phải truyền giáo bằng chính đời sống của mình, và sau đó là với lời nói làm chứng. Chúng ta cần đứng dậy ra đi, cần biết lắng nghe và đến gần mọi người, bắt đầu từ những tình huống cụ thể.
Phương pháp này thật đơn giản, nhưng đây chính là phương pháp của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã loan báo Tin Mừng, luôn luôn lên đường, luôn luôn gần gũi mọi người, luôn bắt đầu từ những tình huống cụ thể, rất cụ thể. Chỉ có thể loan báo Tin Mừng với ba thái độ vừa nói với sức mạnh với sự tác động của Chúa Thánh Thần. Bởi vì, nếu không có sự tác động của Thần Khí Thiên Chúa, thì chẳng có chi hoạt động. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng thôi thúc chúng ta đứng dậy ra đi, giúp chúng ta có khả năng lắng nghe, và cho chúng ta biết bắt đầu từ các hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống.
Tứ Quyết SJ
Truyền Thông Vatican, 19.04.2018