Làm thế nào để thể hiện Lòng Thương Xót trong cuộc sống hàng ngày?

Đại lễ kính Lòng Chúa Thương Xót mời gọi chúng ta khám phá Thiên Chúa sâu hơn, “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, chậm giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34, 6). Ngài cảm thương nỗi khốn cùng của biết bao người tội lỗi. Ngài không lỡ quay mặt đi khỏi những ai khóc than với Ngài và chỉ muốn có một điều, đó là chúng ta hãy có lòng đơn sơ và can đảm để lao mình vào vòng tay của Ngài và không ngừng cậy trông vào tình yêu của Ngài như một đứa trẻ.

 

Chúng ta không thể đón nhận lòng thương xót nếu không có lòng xót thương. Ảnh: Canva

 

Chúng ta càng nhận ra Thiên Chúa muốn đổ đầy Lòng Thương Xót của Ngài trên chúng ta bao nhiêu, chúng ta càng cảm thấy mình được mời gọi trở nên nhân chứng cho Lòng Thương Xót của Ngài bấy nhiêu.

Chúng ta không thể đón nhận lòng thương xót nếu chúng ta không có lòng xót thương

Điều kinh hoàng nhất không phải là phạm tội, mà chính là nghi ngờ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Để thấy điều này, chúng ta hãy so sánh nỗi tuyệt vọng của Giuđa và giọt nước mắt của Phêrô sau khi cả hai đã phản bội Chúa Giêsu. Một người đã treo mình tự vẫn, còn người kia thì cho phép mình được hòa giải với Chúa và trở thành một trong những vị thánh vĩ đại nhất mà chúng ta được biết.

Chúng ta không thể đón nhận lòng thương xót nếu không biết xót thương. Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta nói rằng “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha”. Chúa Giêsu cũng nhấn mạnh “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lk 6:36). Chúa Giêsu kể dụ ngôn tên mắc nợ không biết xót thương (Mt 18:23-35) mà tất cả chúng ta đều mắc phải khi chúng ta từ chối tha thứ cho anh chị em mình trong khi Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta.

 

Lòng Thương Xót thì dịu dàng thành tín và giàu lòng trắc ẩn

 

Lòng Thương Xót tước đi khí giới của chúng ta. Thay vì đưa chúng ta vào sự quy kết phán xét, hoặc khiến chúng ta thốt ra những lời khép kín, nó lại mở rộng tâm hồn chúng ta trước nỗi đau khổ của anh chị em mình. Martha Robin nói rằng “Chúng ta chỉ có thể dâng lên Chúa vẻ huy hoàng”. Lòng thương xót chỉ có thể được nhận biết bằng cách sống Lòng Thương Xót đó mỗi ngày, dù chúng ta ở đâu.

 

 

Lòng Thương Xót không chỉ là sự tha thứ, nhưng còn là lòng nhân hậu thành tín, là lòng trắc ẩn sâu xa để có thể ôm lấy một người từ trong sâu thẳm con người họ. Và điều đó hiển hiện trong mọi nỗi khốn cùng: tội lỗi và cả đói khát, xa cách, tuyệt vọng, mất tự do, đau đớn thế xác, suy thoái xã hội, tóm lại, đó là tất cả những gì mà Chúa Giêsu đã liệt kê khi Ngài nói về cuộc phán xét chung: “Xưa Ta đói, Ta khát, Ta là khách lạ, Ta trần truồng, Ta đau yếu, Ta ngồi tù,…” (Mt 25, 31-46). “Giảng dạy, khuyên nhủ, an ủi, khích lệ, cũng như tha thứ, nhẫn nhục, chịu đựng là những công việc thiêng liêng của lòng xót thương. Những công việc về phần xác của lòng xót thương bao gồm việc cho kẻ đói ăn, cho kẻ vô gia cư tạm trú, cho kẻ rách rưới ăn mặc, thăm viếng bệnh nhân và kẻ tù đày, chôn xác kẻ chết.” (Giáo lý Hội thánh Công Giáo, số 2447)

Chúng ta sống Lòng Thương Xót bằng cách đồng hành với tha nhân trong khổ đau của họ

Công việc của Lòng Thương Xót không phải là “làm việc tốt” theo nghĩa hẹp của hạn từ này. Chúng ta vẫn thường bị cám dỗ đến trợ giúp cho người khác từ đỉnh cao nhân đức, từ sự cống hiến, từ hoàn cảnh xã hội, từ mọi phương tiện vật chất mình có. Nhưng đó không phải là điều mà Lòng Thương Xót đòi hỏi; bởi vì Lòng Thương Xót chỉ có thể được thực thi khi chúng ta chung chia đau khổ với người khác, nghĩa là mỗi người chúng ta biết chấp nhận nỗi khốn cùng của chính mình. Chỉ khi nhìn nhận chính mình là người nghèo khó và tội lỗi trước mặt Thiên Chúa, chúng ta mới có thể đứng trước Ngài như một người nghèo hèn để có thể đón nhận tình yêu thương xót của Ngài, để rồi đến lượt mình, chúng ta có thể yêu thương anh chị em mình. Đây không phải là vấn đề về “nghèo khổ thiêng liêng” khi phủ nhận khả năng và sự phong phú nơi bản thân ta, nhưng đó là vấn đề của nhận thức một cách cơ bản rằng tôi không xứng, rằng mọi sự đã được ban tặng cho tôi nhưng không, và rằng tôi là “kẻ nghèo hèn” đã nhận lãnh mọi sự từ Cha.

 

Điều này thể hiện rõ trong mọi công việc mang tính giáo dục. Theo một nghĩa nào đó, Lòng Thương Xót là tinh thần của nền giáo dục Kitô giáo – rằng thương xót giúp chúng ta kiên nhẫn, sẵn lòng lắng nghe và an ủi, có khả năng giải thích một điều 50 lần và lặp lại cùng một nhiệm vụ vô thời hạn, sẵn sàng mở rộng con tim và vòng tay để chào đón người con hoang đàng và tha thứ “bảy mươi lần bảy”. Trên hết, Lòng Thương Xót giúp chúng ta chấp nhận con người mình như chúng ta đã được Chúa dựng lên, nguyên tuyền không bợn nhơ. Tiếng nói của chúng ta sẽ có trọng lượng hơn trên con cái bởi vì nó không dựa trên sức mạnh của chúng ta, mà dựa vào Thiên Chúa. Và chúng ta sẽ trở nên nhẫn nại hơn với chúng bởi vì chúng ta sẽ không ngừng cậy dựa vào Lòng Thương Xót vô biên của Ngài giữa tất cả những yếu đuối và lầm lạc của ta.

Tác giả: Edifa
Nguồn: Aleteia

Kiểm tra tương tự

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Món Quà Giáng Sinh – Suy tư Tin Mừng CN 4 Mùa Vọng năm C

  Giáng sinh là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm đối với phần …