“Lạy Đấng Emmanuel, xin hãy đến!”: Nỗi khắc khoải và niềm hy vọng trong Mùa Vọng

Người phương Tây thế kỷ 21 – từ Taylor Swift đến Billie Eilish – đã nói cùng một thực tại này qua nhiều cách thức khác nhau.

 

 

 

Ai trong chúng ta cũng quen với những lời ca thống thiết nà, những lời khởi đầu cho Mùa Vọng hằng năm, vì đây là bài ca nhập lễ mà ta nghe trong thánh lễ đầu tiên Mùa Vọng.

 

“Xin ngự đến, lạy Đấng Emmanuel,

xin ngự đến và giải thoát nhà Israel khỏi cảnh giam cầm

đang than khóc trong cô đơn chốn lưu đày

đợi trông nguồn ánh quang của Cứu Chúa xuất hiện.”

 

Những lời ca này khai mở cho ta hình dung về một thế giới mà Chúa Kitô chưa ngự đến – và đáng buồn thay đó cũng là thực tại mà rất nhiều người xung quanh chúng ta vẫn đang trải qua ngay lúc này. Như lời bài thánh ca gợi lên, khi vắng bóng Chúa Kitô, chúng ta cảm thấy như bị giam cầm, cô độc và lạc lõng.

 

Bạn có thể nghĩ đến dân Israel khi xưa chịu cảnh nô lệ dưới ách Pharaô, bị lưu đày nơi đất khách, phải gác cây đàn hạc bên dòng Babylon.

 

Nhưng bạn cũng có thể liên tưởng đến những thanh niên thiếu nữ phương Tây ở thế kỉ 21 này, những con người cũng đang tỏ bày chính những cảm xúc ấy qua ngôn ngữ và nghệ thuật hiện đại.

 

Năm 1946, khi đối diện với một cuộc sống thiếu vắng Thiên Chúa, Jean-Paul Sartre đã viết rằng con người “là một thực thể cô độc, bị bỏ rơi giữa thế gian, gánh trên mình muôn vàn trách nhiệm vô tận, không ai dẫn lối, không có mục tiêu nào khác ngoài điều mà chính mình đặt ra, và không một định mệnh nào khác ngoài con đường chính mình dệt ra.”

 

Nỗi dằn vặt hiện sinh này của văn sĩ đã xuất hiện nhiều lần trong văn hóa đại chúng.

Bạn có thể thấy nỗi lo âu ấy văng vẳng trong lời mở đầu của album ra mắt năm 2022 của nữ ca sĩ Taylor Swift, ở đó cô cảm nhận cuộc đời như một chuỗi những “đêm trường” [Midnights] và viết rằng:

 

“Chúng ta vây hãm chính mình trong những chiếc lồng tự mình tạo ra, và ngay lúc này đây lại đang thầm nguyện xin mình sẽ không đưa ra bất cứ sai lầm nghiêm trọng nào làm đảo lộn cả cuộc đời.’

 

Nỗi buồn ấy cũng hiện hữu trong trong bài hát đã chiến thắng giải Oscar mà Billy Eilish viết cho phim Barbie, một ca khúc buồn và ám đảm với tiêu đề giống với câu hỏi được lặp đi lặp lại ở phần điệp khúc: “Tôi được sinh ra vì điều gì?” [What was I made for?]

 

Chính nỗi đau khổ hiện sinh này là điều mà Chúa Giêsu Kitô giáng sinh để xóa bỏ.

Cảm giác bị giam cầm, cô độc, và lạc lõng đã tồn tại từ thuở A-đam và E-và phạm tội, và vẫn dai dẳng hiện diện nơi mỗi người chúng ta khi chúng ta cảm nhận rằng mình lạc chỗ và không hòa hợp được với thế gian.

 

Một trong những câu yêu thích của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II là: “Đức Giêsu Kitô mạc khải con người cho chính mình.” Tôi chưa bao giờ thực sự hiểu câu nói này của ngài, nên đã hỏi sơ Marie-Jeanne thuộc dòng Tiểu Muội Chiên Con để nhờ chị giải thích. Sơ đã giải thích thế này:

 

Chúng ta nhận ra chính mình nơi Đức Giêsu Kitô, bởi chỉ qua một tình yêu hoàn hảo ta mới thực sự nhận ra con người thật của chính mình. Và không nơi đâu có tình yêu hoàn hảo ngoài Đức Kitô.”

 

Điều này dẫn chúng ta trở lại khởi nguồn của lịch sử, với lời chép trong sách Sáng Thế rằng: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.” Thiên Chúa là Tình Yêu – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, ba ngôi trong cùng một bản thể, kết hợp bởi tình yêu tự hiến đời đời – đã tạo dựng con người theo hình ảnh tình yêu hoàn hảo của Người.

 

 

Thiên Chúa trao ban cho con người những ân sủng để ta cho đi đến người khác, như chính Người đã cho đi. Nhưng khi ta giữ lấy những ân sủng này cho riêng mình thay vì chia sẻ, ta cảm thấy lạc lõng và xa lạ. Đức Giêsu Kitô đến để giải thoát chúng ta, để chúng ta có thể trao ban như Người. Đức Thánh Cha Phanxicô đã diễn tả hiện trạng này trong Tông thư của ngài về Thánh Tâm Chúa Giêsu:

 

“Một xã hội bị chi phối bởi chủ nghĩa ái kỷ và sự vị kỷ sẽ ngày càng trở nên ‘vô cảm’”

 

Đức Giáo Hoàng viết. “Chúng ta tự giam mình trong những bức tường do chính mình dựng nên.”

 

Điều này chỉ kết thúc khi “Chúa Giêsu đã đến để gặp gỡ chúng ta, nối lại mọi khoảng cách; Người trở nên gần gũi như chính những thực tại đơn sơ nhất trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Danh Người là ‘Emmanuel,’ nghĩa là ‘Thiên Chúa ở cùng chúng ta,’ Thiên Chúa hiện diện trong đời sống chúng ta, Thiên Chúa sống giữa chúng ta.”

 

Đức Giêsu Kitô đến để biến những cảm giác bị giam cầm, cô độc, và lưu đày mà ta đang cảm thấy thành điều ngược lại.

 

Mùa Vọng là thời gian Giáo hội tập trung vào bài học trọng yếu này.

Khi ngày trở nên ngắn hơn và tối tăm hơn, đêm dài hơn và lạnh lẽo hơn, chúng ta đối diện với những giới hạn cố hữu trong thân phận con người, và khao khát được giải thoát.

 

Mỗi năm, ta lại nhận ra chỉ có Thiên Chúa là con đường duy nhất đưa ta về nhà. Những ngọn nến Mùa Vọng rồi đây dần xua tan bóng tối khi lời ca vang lên: “Mừng vui lên! Mừng vui lên! Đấng Emmanuel đang ngự đến cùng ngươi, hỡi nhà Israel.”

 

Nguồn: Aleteia

Tác giả: Alec Tores  

Chuyển ngữ: Nam Anh | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên

Kiểm tra tương tự

Mến Yêu Hằng Ngày, 18-12-2024

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 4, 18-12-2024 (Mt 1,18-24) Sau đây là gốc tích Đức …

Sống mùa Vọng cùng “cậu bé trong Tám Mối Phúc”

Sách đề cập trong bài: Một phần tiểu sử và lòng mộ đạo giúp ta …