Lễ ra trường đẫm nước mắt, đậm yêu thương

 

Tôi trở về nhà khi ngày đã trôi qua, đôi chân mỏi nhừ và đôi mắt nhíu lại, nhưng những hình ảnh về ngày Lễ Ra trường cứ ồ ạt tuôn qua dòng chảy suy nghĩ không biết mệt mỏi, lắm lúc nước mắt lại chực trào. Năm nay, tôi “ra trường”. Cảm giác lần đầu tiên sau bốn năm vào Nhóm được làm nhân vật chính phải nói là thật lạ lẫm. Suốt ba năm trời dõi theo, tổ chức Lễ Ra trường cho các anh chị cựu, bùi ngùi tạm biệt những người anh, người chị thân quen, tôi cứ nghĩ nỗi buồn chia tay nào cũng như nhau thôi, vậy mà giờ tôi mới biết, mình còn có thể buồn hơn những người ở lại.

 

Mấy ngày nay, chúng tôi như quay trở về những ngày tháng lơ ngơ mới vào Nhóm, nhờ đi tập múa với nhau mà thân thiết, nhờ những đêm chuẩn bị chương trình đến khuya, chia nhau từng ly nước, “ly” cháo, đơn sơ tới mức xuề xòa nhưng tình thân hiện diện lại trân quý biết bao. Tôi cứ ngỡ mình cứ vui niềm vui cũ, buồn nỗi buồn cũ rồi thì ngày sẽ qua thôi, ấy thế mà giọt nước mắt chẳng chịu nghe lời, cứ thế tuôn ra khi tiếng gọi “thầy” vừa cất trên môi. Có lẽ chẳng ai ngờ rằng tôi sẽ khóc, vì trông tôi không giống như biết khóc, mà chính tôi cũng không nghĩ mình sẽ khóc, lúc vội vàng chuẩn bị lời cảm ơn, tôi đọc đi đọc lại chỉ thấy hình như mình diễn hơi sâu thì phải. Nhưng ngôn ngữ của trái tim khi được chính mình nói ra trong bầu khí đầy tình thân khi Thánh lễ dần tàn đã khiến tôi không cầm lòng được, bởi vừa gọi tên các thầy, kỷ niệm ùa về khiến tôi mãi mới nói trọn vẹn được câu “các thầy như là món quà Chúa gửi đến cho chúng con trong những tháng ngày sinh viên tươi đẹp nhất đến với Nhóm”. Tôi nhớ thầy, người luôn cổ vũ tôi trong những khắc khoải đơn độc, chỉ một câu nói “Thầy ủng hộ em”, tôi cảm thấy những đêm thức đến 3-4h sáng, khóc cười với từng con chữ, những ngày chạy ngược chạy xuôi, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng sợ không tìm được chỗ in cho kịp xuất bản sách, những ngày mùa thi mà đầu óc không có lấy một chữ thuộc về kiến thức ấy dường như còn chưa đủ cho những yêu thương vẫn còn muốn lớn lên. Tôi nhớ thầy, nhớ những lần bầu trưởng lầu cười nghiêng ngã, nhớ câu chuyện thằng khờ leo cột cờ thầy kể, riết rồi chẳng ai dám trả lời những câu hỏi tưởng chừng dễ thở mà cực kì khó đỡ của thầy nữa, chỉ là thích nụ cười hiền, nỗi thân thương và cảm giác thân thuộc khi có thầy thế thôi. Tôi cũng nhớ các thầy, thầy chẳng đồng hành mà lại “đồng hành”, lâu lâu thấy đám nhóc lên dòng tập cái này, làm cái kia, thầy lại cho bịch bánh, cái kẹo, ít trái cây, chia nhau ăn thì chẳng đủ no bụng đâu nhưng mà no lòng lắm, rồi lúc đến thăm bệnh thầy, lại có bánh cầm về, ngược đời chưa, nhưng mà ấm con tim. Thế đấy, nhiều người chẳng hiểu sao tôi lại khóc “sớm” như vậy, chỉ là tôi bị quá tải cảm xúc rồi, nước mắt cứ thế không dừng được, vừa ngăn lại để cất tiếng, thì lại tuôn ra thêm.

Thánh lễ tan, hết người này tới người khác kéo chúng tôi lại chụp hình, cũng phải thôi, chẳng mấy khi thấy tụi tôi ăn mặc đẹp như hôm nay mà, bình thường đứa nào đứa nấy lấm lem chạy ngược chạy xuôi, hôm nay nhìn thấy các em nhỏ vì mình mà chuẩn bị, vừa biết ơn, vừa hạnh phúc vì có lẽ ngày xưa các anh chị cựu cũng đã hạnh phúc như vậy, ngày xưa chỉ đoán mò xem làm thế nào thì các anh chị sẽ vui sẽ nhớ, còn giờ thì chính thức cảm nếm niềm hạnh phúc đó rồi. Lúc đó, nhìn đám nhỏ lâu lâu lại chạy vào với vẻ mặt ngại ngần, chúng tôi chợt nhìn thấy hình ảnh mình ngày xưa, cũng chạy vô chạy ra gọi các anh chị ra chòi sinh hoạt, giờ mới cảm nhận được cái cảm giác không muốn ra sớm, chỉ muốn nán lại bên nhau hoài, chụp lại những khoảnh khắc này, nhiều thật nhiều.

 

Rồi nước mắt cũng khô dần thay bằng những nụ cười trong giờ văn nghệ, bằng những câu chuyện không đầu không đuôi vì bận ăn đồ ăn quá ngon, bằng niềm vui với những phần quà, niềm vui khi cầm cuốn nội san trên tay, niềm vui khi vòng tròn giờ chia sẻ xếp kín cả nhà chòi. Ấy thế mà chẳng được bao lâu, nước mắt lại giọt ngắn giọt dài trên mi ai, khi clip về từng tân cử nhân được chiếu lên, trên nền những lời nhắn gửi của cô em thân thiết, từng bức ảnh là từng kỷ niệm gắn liền với nó lại hiện lên như thể mới hôm qua vậy. Dù buồn nhiều, dù biết sẽ không cầm được nước mắt, nhưng ai cũng muốn cầm mic để được nói, chẳng có gì để ngại ngần cả, lần cuối cùng được nói với tư cách là “thành viên hiện tại” rồi, sau ngày hôm nay mỗi đứa một nơi, dù có muốn thì chắc hẳn cũng chẳng thể nào thường xuyên tụ họp đông đủ dưới mái chòi được nữa, nên lời và nước mắt cùng nhau tuôn ra. Bởi lẽ, nơi chốn còn đây, kỉ niệm còn trong tim, nhưng thời gian đã trôi qua rồi, có muốn quay lại những đêm hè mưa rả rích dột mái chòi còn lợp lá, chú chuột chạy vòng quanh lạo xạo trên đầu, tiếng máy bay ầm trời lấp đi giọng nói cậu quản trò, chỉ còn nhìn thấy những nụ cười còn chưa kịp dứt… có muốn quay lại những đêm tụ tập đến khuya, cả đám kéo về nhà chúi đầu vô nồi mì tôm, húp tới khi không còn một giọt nước… thì cũng không còn cơ hội nữa rồi.

 

Tôi rất thích hai câu thơ “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở_Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”. Mảnh đất gia đình SVCG Ngân Hàng chẳng đợi tôi đi rồi mới hóa tâm hồn tôi đâu, mảnh đất ấy chiếm trọn tâm hồn tôi ngay khi cảm thức thuộc về chiếm đóng, cảm thức ấy ngày ngày thôi thúc tôi cống hiến hết mình, yêu thương hết mình. Hôm nay đây, có lẽ tôi không thể cống hiến nhiều hơn nữa, nhưng yêu thương hóa ra vẫn còn có thể rộng lớn hơn. Tôi yêu Nhóm biết bao.

Trở về nhà, câu hát ấy vẫn còn vang vang trong tâm trí nghẹn ngào

“Cảm ơn Người vì ngày hôm nay đây

Chúng ta quây quần đang có nhau…”

Lễ Ra trường 25/06/2017

Teresa Hải Ly

Kiểm tra tương tự

Trong Chúa, chúng ta là những người bạn đích thực

Trong tâm tình chờ đón Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, Học Viện Thánh Giuse …

Thế giới kịch nghệ đã ảnh hưởng thế nào đến thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II

  Từ khi còn trẻ, chàng thanh niên Karol Wojtyła đã bị cuốn hút vào …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *