Nhân đức trong Gia đình: Sự tôn trọng

“Người ta không là người lớn vì đầu bạc,… người sống trong sự thật, người sống nhân đức, dịu dàng, tự kiềm chế, điều độ, người kiên vững và không bị nhơ bẩn; những người như vậy được gọi là người lớn, là người đáng được tôn trọng.”

DHAMMAPADA 260-263

 

1. Thế nào là sự tôn trọng?

Tôn trọng là thái độ tôn vinh người khác và quan tâm tới quyền của con người. Sự tôn trọng được thể hiện trong cách hành xử nhã nhặn, trong cách ăn nói và trong cách sử dụng của cải của người khác. Con người sẽ gìn giữ được nhân phẩm của mình và cho người khác khi họ đối xử với nhau cách tôn trọng.

Sự tôn trọng được thể hiện đặc biệt trong thái độ hành xử với người lớn, cha mẹ, ông bà, và thầy cô. Họ là những người đã đi trước chúng ta, họ có nhiều kinh nghiệm và sự khôn ngoan để dạy chúng ta. Trong khi tất cả mọi người đều đáng được tôn trọng thì những người lớn tuổi là những người đặc biệt cần được tôn trọng hơn.

Sự tôn trọng cũng được thể hiện trong việc ta tôn trọng những nội quy của gia đình, trường học, là cách chúng ta góp phần cho cuộc sống được bình an và trật tự hơn.

Sống tôn trọng trước tiên thể hiện trong việc tôn trọng chính mình qua việc bảo vệ quyền lợi của bản thân, như sự riêng tư và tư cách đạo đức. Sự tôn trọng cho bạn sức mạnh để ngăn chặn bất cứ ai vi phạm quyền lợi của mình cho dù họ là người lớn hơn. Tất cả chúng ta đáng được tôn trọng dù là nam hay nữ, dù lớn hay nhỏ vì mọi người đều được Thiên Chúa tạo dựng.

 

2. Tại sao cần thực hành?

Một khi sự tôn trọng thiếu vắng trong cuộc sống thì quyền riêng tư của con người sẽ bị vi phạm. Bất cứ ai thiếu sự tôn trọng thì thích những việc như đọc nhật ký hay thư của người khác, đi lại trong phòng ngủ khi người khác đang cần được yên tĩnh. Vì thiếu sự tôn trọng lẫn nhau con người có thể nói lời thô lỗ và hành xử như thể chẳng ai đáng quan trọng gì! Người ta chẳng còn tôn trọng mình nên để cho người khác tự do khác lạm dụng hoặc làm tổn thương mình.

Sống tôn trọng giúp cho con người cảm nhận mình có giá trị. Người lớn xứng đáng được tôn trọng cách đặc biệt vì họ sống lâu hơn và có nhiều bài học trong cuộc sống hơn chúng ta. Nếu không có sự tôn trọng dành cho người lớn, những người nhỏ sẽ làm bất cứ điều gì tùy thích. Khi những nội quy và luật lệ không còn được coi trọng thì con người phải sống trong một mớ hỗn độn. Hãy thử nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra khi ngồi trong xe hơi mà không một lái xe nào tôn trọng luật giao thông?

Khi bạn tôn trọng tài sản của người khác, họ sẽ tôn trọng bạn. Khi bạn tôn trọng chính mình, người khác sẽ tôn trọng bạn.

 

3. Cách thức thực hành

Cách tốt để thực hành là bạn hãy nghĩ đến cách bạn muốn người khác đối xử với mình và sau đó bạn hành xử với họ như vậy. Bạn muốn người khác có thái độ thế nào với tài sản của mình, với quyền riêng tư của mình? Bạn cần nhân phẩm? Hãy hỏi ý kiến của chủ nhân trước khi lấy nếu bạn cần sử dụng đồ đạc của người khác. Đừng chạy loanh quanh trong nhà ai đó khi có những đồ đạc dễ vỡ. Bạn hãy tôn trọng không gian và tài sản của người khác.

Sự tôn trọng trong con người mình cho bạn có thể thể hiện cảm xúc mạnh nhất của mình cách nhẹ nhàng và dịu dàng hơn. Nó còn được thể hiện trong cách ăn nói nhẹ nhàng và nhã nhặn đặc biệt với người lớn tuổi. Không nên ngắt lời người khác nhưng hãy nói “Xin lỗi” và đợi cho tới khi họ chú ý tới bạn. Đó cũng là cách bạn thể hiện sự tôn trọng người khác và chính mình khi diễn tả ý tưởng của mình cách khiêm tốn vì biết rằng có nhiều cách để nhìn nhận vấn đề.

Hãy thực hành sự tự trọng bằng cách đối xử với mình như cách bạn tôn trọng người khác vì chính bạn cũng đáng được tôn trọng như vậy!

Một người biết tôn trọng hành xử thế nào?

  • Bạn muốn dùng xe của người khác nhưng họ không có ở đó để hỏi ý kiến?
  • Ông bà của bạn ghé chơi và khuyên bạn vài điều?
  • Bạn thấy mình khó có thể nói chuyện lại với mẹ ?
  • Anh của bạn đang trong phòng tắm và bạn cần hỏi anh ấy một vấn đề?
  • Một người lớn hơn bắt đầu đụng chạm vào bạn cách bất xứng?

 

4. Dấu hiệu của sự thành công

Chúc mừng bạn khi:

  • Bạn hành xử với người khác cách bạn muốn được hành xử
  • Dùng tài sản của người khác cách cẩn thận
  • Tôn trọng nhu cầu của người khác như thời gian và không gian
  • Đón nhận sự khôn ngoan của người lớn
  • Tuân thủ luật của quốc gia cũng như nội quy trong gia đình
  • Mong được người khác tôn trọng quyền của mình

Hãy cố gắng khi:

  • Xử với người khác như thể họ chẳng quan trọng gì
  • Phớt lờ sự khôn ngoan của người lớn
  • Dùng bất cứ cái gì bạn muốn mà không cần sự cho phép
  • Ngắt lời người khác
  • Nhạo cười hoặc nói sau lưng người khác
  • Không tuân theo các nội quy trong gia đình và trường học
  • Cho phép người khác hành xử thiếu tôn trọng với chính mình

Khẳng định:

Tôi là một người sống tôn trọng. Tôi xử với người khác và chính mình cách xứng đáng. Tôi nhã nhặn với mọi người và khiêm tốn học được từ chính sự khôn ngoan của người lớn hơn.

 

Trích sách: The Family Virtues Guide

Chuyển ngữ: Hướng Dương

Kiểm tra tương tự

Mùa Vọng & Bí Tích Hoà Giải

“Vậy các con hãy tĩnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi …

Thầy Mátthêu Huỳnh Minh Thiện, S.J. – Hành trình ơn gọi khởi nguồn từ khóa linh thao sinh viên

  Từ một người chưa biết, chưa thiết thân với Chúa, thầy Mátthêu Huỳnh Minh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *