Lịch sử địa ngục

Trong một cuộc phỏng phấn trên truyền hình Italia vào tháng trước[1], Đức Thánh Cha Phanxicô đã được hỏi: Ngài nghĩ gì về địa ngục (Hell). Đức Thánh Cha trả lời: “Điều này thật khó hình dung”. Ngài nói thêm rằng: “Tôi cảm thấy thích thú khi nghĩ rằng không có ai trong địa ngục. Tôi hy vọng là vậy”. Mặc dù Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh tuyên bố này “không phải là một giáo điều đức tin,” nhưng nó vẫn gây ra phản ứng dữ dội đến từ những người tin rằng hỏa ngục là nơi để tra tấn muôn đời, và xác tính rằng điều này là chân lý.

                                                               Tranh “Ngày phán xét cuối cùng” của Jan Van Eyck

Một số nhà phê bình đã bắt bẻ Đức Thánh Cha rằng liệu ngài có hy vọng Hiller được lên thiên đàng không? Trong khi những người khác chỉ trích Đức Thánh Cha đang rao giảng một tà thuyết cổ xưa về “sự cứu độ phổ quát”. Đa phần trong số họ đều tỏ quan ngại rằng nếu ai cũng được vào thiêng đàng, vậy cần gì phải theo Chúa Giêsu? Thực ra, nếu chỉ vì sợ sự công thẳng của Thiên Chúa mà người Công giáo không dám trở thành kẻ giết người hàng loại, thì chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn hơn. Tuy nhiên những tranh luận này cho chúng ta thấy một bức tranh phong phú về ngày Cánh Chung trong Giáo Hội.  Nhiều Kitô hữu quan niệm cánh chung là một ngày phán xét công thẳng mà không để ý nhiều đến Lòng Thương Xót và sự tha thứ của Thiên Chúa.

Là một học giả Kinh Thánh và sử gia về Giáo Hội sơ khai, vấn đề này đã khơi dậy mối quan tâm của tôi. Một câu hỏi cần được đặt ra: Địa ngục có chức năng gì? Thực tế, câu trả lời không dễ được tìm thấy trong Kinh Thánh. Thuật ngữ hiếm hoi để chỉ về địa ngục trong Cựu ước là Sheol, một nơi tối tăm dành cho vô số các vị thánh và tội nhân. Chỉ sau khi Alexander đại đế chinh phục Levant, thuật ngữ “đời sau” mới dần ngấm vào thế giới quan của Kinh Thánh. Câu chuyện người phú hộ và Lazarô trong Tin Mừng Luca cũng chỉ ra rằng những người bị kết án đang phải chịu đau khổ mòn mỏi trong địa ngục. Thực tế, chúng ta có thể nghe thấy tiếng của chàng Sisyphus đang thực hiện hình phạt đẩy tảng đá khổng lồ lên đồi.

Nếu chúng ta đã quen thuộc với hình ảnh địa ngục trong các tác phẩm của Robert Graves hoặc tác phẩm Hercules của Disney, thì nhiều hình ảnh về địa ngục được Chúa Giêsu mô tả trong Kinh Thánh có vẻ mơ hồ. Trong Kinh Thánh, Chúa Giê-su đề cập đến nhiều không gian của địa ngục xa lạ với độc giả hiện đại, nhất là trong các dụ ngôn. Đó là nơi bị bao phủ bởi bóng tối, lạnh lẽo, và mọi người khóc lóc, nghiến răng. Hình ảnh này khác với những hang động lửa cháy phừng phực trong các tác phẩm của Châu Âu và văn hóa đại chúng hiện đại. Làm sao mà địa ngục lại vừa nóng và vừa lạnh được?

Mãi đến cuối thời kỳ cổ đại, những hình ảnh mơ hồ về địa ngục trong Kinh Thánh như mùi lưu huỳnh, tia lửa, giòi bọ lúc nhúc mới bắt đầu phát triển. Nhiều người được thị kiến về địa ngục đã mô tả lại khung cảnh trong địa ngục làm cho hiểu biết về thế giới bí hiểm này trở nên đa dạng hơn. Mô tả về khải huyền của Đức Mẹ, Phêrô, Phaolô và những tác phẩm khác không thuộc quy điển Thánh Kinh từ thời kỳ đầu của Kitô giáo đã nêu chi tiết về cảnh tra tấn trong địa ngục. Những Kitô hữu bất tuân, những người ngoại giáo bất hạnh, và những kẻ bóc lột tàn nhẫn đang bị xiềng xích và chôn vùi trong một thế giới dơ bẩn và đau đớn. Đến khi đọc tác phẩm La Divina Commedia của Dante, chúng ta lại được tiếp cận một địa ngục nhiều tầng với qui mô khổng lồ.

 

 

Những câu chuyện này có vẻ ghê rợn đối với chúng ta, nhưng vào thời cổ đại, đó là điều dễ hiểu bởi vì chúng được rút ra từ kinh nghiệm tù đày thực tế lúc bấy giờ. Theo những khám phá mới về các nhà tù của người La Mã của hai nhà khảo cổ học Matthew Larsen và Mark Letteney, các nhà nghiên cứu có thể chỉ ra rằng những gì miêu tả về hỏa ngục đều được lấy cảm hứng từ những ngục tù có thực. Về kiến trúc, chúng ta có thể hình dung các tầng của địa ngục được sử dụng cho các mục đích khác nhau như tầng thực hiện các thủ tục pháp lý, tầng giam giữ, tầng tra tấn. Địa ngục không phải được chạm khắc từ trí tưởng tượng, nhưng được chạm khắc từ đá của các nhà tù dưới lòng đất, các khu giam cầm nô lệ, và các hầm mỏ.

Thậm chí các mô tả trừu tượng về địa ngục cũng được rút ra từ bối cảnh thực tế. Những từ ngữ lạ thường như bóng tối bao phủ (outer darkness) ám chỉ đến những nơi được dùng để giam giữ các nô lệ và những kẻ bị phạt tại nhà các chủ nô hay ngay tại cánh đồng nơi họ làm việc. Những nô lệ và những người bị phạt thường bị xích vào tường vào ban đêm. Chẳng hạn, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một nạn nhân của vụ phun trào núi lửa Vesuvius bị chết trong tư thế vẫn đang bị xích vào tường trong một kho chứa gần một khu bếp ngầm ở Pompeii. Mặc dù, Pompeii gợi lên hình ảnh về lửa, tuy nhiên, trước khi Vesuvius phun trào, hầu hết những người bị giam cầm đều phải chịu đựng cái lạnh run người bởi nhiệt độ thấp vào ban đêm đến nỗi răng của họ nghiến vào nhau. Tương tự như vậy, những người đang bị giam cầm trong khu ngục không có cửa sổ ở các nhà tù La Mã cũng chịu cảnh tối tăm.

Việc giam cầm trong thời cổ đại cũng có thể giải thích tại sao người Kitô hữu tưởng tượng ra một địa ngục dơ bẩn, nhơ nhớp. Trong tác phẩm của Larsen và Letteney, người ta không thể tìm được một hố xí tại nơi giam cầm vào thời cổ đại. Do vậy, phân người ở khắp mọi nơi và ký sinh trùng đường ruột lúc nhúc trong đó. Mùi phân tràn ngập khắp ngục tù. Tương tự như vậy, trong địa ngục, mọi người thuộc mọi tầng lớp bị giòi bọ rúc tỉa hoặc bị chôn trong hố phân đến thắt lưng, thậm chí đến cổ.

Những tù nhân cổ đại khác bị đày đến các hầm mỏ. Nơi đó, họ thường xuyên bị kiệt sức và đói khát. Tệ hơn nữa, họ phải đối mặt với những rủi ro bị ngạt thở vì khí độc hoặc bị kẹt dưới những tảng đá lăn. Những điều kiện làm việc này giải thích tại sao, từ thời cổ đại đến thời của Dante, người ta cho rằng những kẻ tội lỗi nhất thường bị giam cầm ở nơi thấp nhất trong địa ngục, và tại sao những tội nhân lại được mô tả như đang bị mắc kẹt dưới những tảng đá, và tại sao mùi lưu huỳnh tràn ngập khắp địa ngục. Những câu chuyện về điều kiện làm việc khắc nghiệt trong các mỏ đồng và mỏ cẩm thạch làm dấy lên nỗi sợ hãi. Thánh John Chrysostom, Giám mục của Constantinople vào thế kỉ thứ 4 và là nhà truyền giáo huyền thoại, đã tận dụng nỗi sợ hãi này để nói với giáo dân của mình rằng địa ngục giống như những hầm mỏ, chỉ có điều tệ hơn nhiều.

Như vậy, địa ngục theo quan niệm Kitô giáo là sự tái hiện lại điều kiện sống và làm việc khắc nghiệt của những người bị bắt làm nô lệ và tù đày theo hệ thống trừng phạt của người La Mã. Bởi vì không ai còn ủng hộ những điều kiện như vậy trong thế giới ngày nay, nên thật kỳ lạ khi một số người vẫn còn nghĩ rằng trong cõi vĩnh hằng sẽ tìm được một nơi như vậy.

 

 

Nhưng có một vài sự khác biệt quan trọng giữa hình phạt trần gian và hình phạt địa ngục: Trong các dụ ngôn Tin Mừng, những người bị lưu đày trong hỏa ngục là những kẻ ngược đãi những người thấp kém xung quanh mình. Trong thế giới thực, những người giàu có thể tránh được ngục tù và hầm mỏ dưới lòng đất, nhưng trong vương quốc vĩnh hằng của Thiên Chúa, tất cả mọi người đều phải đối mặt với cùng một sự phán xét công thẳng như nhau. Điều này không làm cho hình ảnh về hỏa ngục bớt ghê rợn, nhưng nó giải thích tại sao những người thấp cổ bé họng, những người bên lề xã hội lại thích thú về sự tồn tại của hỏa ngục như vậy.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các dụ ngôn của Chúa Giêsu hay các thị kiến về hỏa ngục đã mô tả đúng hoàn toàn về các hình phạt đời đời. Letteney và Larsen chỉ ra rằng nhiều người bị lưu đày đến hầm mỏ đã trốn thoát khỏi sự lưu đày và sống nốt phần đời còn lại của họ. Cũng tương tự như vậy, trong tác phẩm Hell Hath No Fury (Yale, 2021), Meghan Henning tiết lộ rằng những mô tả về các hình phạt trong hỏa ngục thời cổ xưa đóng vai trò là phương tiện để khuyên răn người đời. Những hình ảnh sống động về các hình phạt giúp răn đe con người và khuyên can họ khỏi tội lỗi. Chịu ảnh hưởng bởi Plato, Henning đã mô tả trong tác phẩm của mình rằng lửa hỏa ngục có mục đích thanh luyện: nó đốt cháy các tội lỗi của bạn để bạn có thể bắt đầu lại từ đầu. Đây là nơi để trừng phạt, chứ không phải nơi để giam giữ.

Các tù nhân của Tòa án dị giáo bị giam giữ trong pháo đài Palazzo Chiaramonte-Steri vào thế kỷ thứ 17 tại Palermo, Sicily đã giết thời gian của mình bằng cách khắc lên những bức tường của nhà tù các hình ảnh và từ ngữ bằng tiếng Ý, tiếng Ả Rập, tiếng Anh và tiếng Sicilian. Trong số những hình ảnh được khắc lên tường, có nhiều miệng địa ngục được vẽ giống như miệng địa ngục được mô tả trong tác phẩm Inferno của Dante. Có một bức hình vẽ một con quái vật, bên trong nó được khắc dòng chữ trích từ tác phẩm của Dante: “Hãy từ bỏ tất cả mọi hy vọng, khi các người vào đây.” Miệng con quái vật há to tạo ra một cửa hang hình trăng lưỡi liềm. Từ trong hang đó, một đoàn các tổ phụ được dẫn đầu bởi Chúa Ki-tô đang bước ra ngoài thế giới.

Đối với những tù nhân này, việc được giải thoát khỏi địa ngục là một niềm hy vọng. Chắc hẳn, Đức Thánh Cha Phanxicô có cơ sở để hy vọng rằng không có ai trong địa ngục. Bởi vì, xét cho cùng, đã từng có tiền lệ, những người đang bị giam cầm trong địa ngục được giải thoát bởi Đức Ki-tô.

Tác giả: Candida Moss[2]

Người dịch: Thầy Giuse Nguyễn Đại Nguyên, S.J

Nguồn: America Media

 

[1] Buổi phỏng vấn được thực hiện vào tháng 1 năm 2024.

[2] Candida Moss is the Edward Cadbury Professor of Theology at the University of Birmingham, U.K., and an award-winning author of seven books, including the forthcoming God’s Ghostwriters: Enslaved Christians and the Making of the Bible. She is also a frequent news commentator for CBS and CNN.

Kiểm tra tương tự

Các bà mẹ nội trợ và chứng trầm cảm: 4 điều cần biết

  Làm cha mẹ nội trợ ở nhà thật là khó, nhưng liệu điều đó …

Stanislao Kostka – Mừng sinh nhật anh!

Tôi mạo muội viết những dòng này vào dịp lễ mừng kính thánh Stanislao Kostka, …