Linh Đạo Của Con Tim (Mừng Lễ Thánh I.Nhã 31.7)

saint inhaxio 1

Chúng ta cùng nhau tìm hiểu một khía cạnh của linh đạo Inhã là linh đạo của con tim với ba điểm: 1/Ai cũng cần có tim để sống; 2/ Linh thao là trường huấn luyện con tim; 3/ Con tim của thánh Inhã.

1. Cần tim để sống

Nói đến con tim, ta thường nghĩ ngay đến một vật rất gần với mình và rất quan trọng, đến nỗi, từng giây từng phút, nếu không có nó thì chắc chắn không ai sống được. Nhưng con tim mang ý nghĩa gì và được bộc lộ thế nào?

Trong gia đình, anh chị em có cho nhau thấy trái tim của mình không? Có người chia sẻ: Hai vợ chồng chúng tôi, lúc này tim đập loạn nhịp rồi! Tim ông thì 85 nhịp một phút, trong khi tim bà chỉ có 65 thôi! Chắc chắn “nhịp tim” trong đời sống gia đình mà người kia muốn nói không phải là nhịp đập sinh học mà là đời sống yêu thương hiệp nhất. Con cái thấy trái tim của cha mẹ mình là trái tim vàng nghĩa là vô cùng quí giá. Chị Monica, người giúp việc trong một cộng đoàn tôi đã sống “có trái tim to bằng chiếc xe buýt”. Hình ảnh này diễn tả lòng quảng đại của chị. Trái tim của cha Đắc Lộ thật lớn. Ngài yêu anh chị em giáo dân Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài của Đất Việt đến nỗi khi bị trục xuất về Macao, ngài ra đi mà tâm hồn vẫn ở lại. Trái tim của mẹ Têrêxa Calcutta làm bao con người phải ngỡ ngàng vì đã yêu thương những người cùng khốn, một trái tim tuyệt vời. Mẹ là người từ tâm.

Ngược lại, nhiều người mang trong mình một trái tim không biết được kết cấu bằng những tế bào nào, mà lại cứng cỏi, chai lì, đến độ vô tâm, nhẫn tâm và dã tâm!

+ Có người “vô tâm” vì thiếu hăng say trong công việc mình làm, hay vô tình làm tổn thương anh chị em của mình, hoặc thiếu quan tâm đến người đang cần đến mình. Điều này có thể nhiều người trong chúng ta mắc phải. Chính tôi đã có kinh nghiệm đau thương về sự vô tâm của mình.

+ Chuyện về người “nhẫn tâm” tại một trạm thu phí đường bộ thì thật kinh khủng, dù nghe đã lâu rồi mà cho đến giờ tôi vẫn khiếp. Một anh nọ có người mẹ bị tai biến. Vì quá vội nên đánh xe đưa đi bệnh viện mà quên mang tiền. Đến trạm thu phí, xe không được qua vì không có tiền. Dù anh ta nài xin, người thu phí vẫn không chịu, bắt chờ. Một lúc sau, khi có tiền rồi xe mới được qua. Thật không may, khi tới bệnh viện, bác sĩ nói: nếu sớm hơn ít phút nữa thì có hy vọng cứu sống được bà cụ. Mẹ qua đời, người con điên tiết, chạy về nhà rồi trở lại trạm thu phí với một con dao phay và chém chết người thu phí kia. Vậy là cái nhẫn tâm của một người đã tạo nên một phản ứng có thể nói là “dã tâm” nơi người khác.

Như thế, con tim ở đâyquan trọng hơn khối thịt đang đập để đem máu nuôi thể xác. Đó là cả tấm lòng, là tâm điểm của con người, là điều làm cho cả con người mình sống và từ đó cũng góp phần làm cho người khác sống nữa; nhưng ngược lại, nó cũng có nguy cơ làm cho mình chết và giết chết người khác.

Vậy, cần dành một phút thinh lặng hồi tâm, nhìn vào tim của mình xem nó thế nào.

Lời dạy của Chúa Giêsu trong Tin Mừng về “tấm lòng” giúp ta hiểu hơn về “con tim”:

+ “Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” (Mt 6, 21). Người ta thường bận tâm về cái kho mình muốn tích trữ. Kẻ muốn giàu, thì bận tâm đến việc kiếm tiền. Người mong hạnh phúc đời đời thì không bận tâm đến những chuyện vật chất mau qua như sắc đẹp, áo quần, xe cộ…

+ “Tự lòng người phát xuất những ý định gian tà, giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, v.v..”. Cái xấu từ trong lòng người nghĩa là từ con tim xuất ra. Ai quen nghĩ xấu thì sẽ nói xấu.

+ “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mt 15, 8). Con tim của con người có thể xa rời hành động của chính mình: “khẩu phật tâm xà”, “miệng nam mô mà bụng một bồ dao găm”. Miệng nói thì thật hay, nhưng trong lòng thì đầy mưu mô, xảo trá.

Trong ngôn ngữ hiện đại, khi ta nói với một người “trái tim tôi dành cho bạn,” ta muốn diễn tả sự gắn kết hết lòng với người đó: “Tôi ở đây cùng với bạn.” Sự gắn kết này vượt lên trên cảm nghĩ hay lo lắng, vượt trên sự hiểu biết của trí năng hay sự thông cảm xét như một cảm xúc. Đó là cách diễn tả một chọn lựa căn bản của con tim. Thiên Chúa đã lựa chọn điều này đối với chúng ta; Người mong muốn chúng ta cũng làm chọn lựa ấy đối với Người và đối với anh chị em chúng ta.

2. Linh thao, trường đào luyện con tim

Để có con tim giống Thiên Chúa, mỗi người chúng ta cần được đào luyện. Ta có thể nghĩ về linh đạo I-nhã như một cách xếp đặt con tim cho đúng chỗ. Khi giúp linh thao, thánh Inhã mời gọi thao viên nghe tiếng gọi của Thiên Chúa và đáp lại tiếng gọi này một cách quảng đại và hào hiệp. Đó là sự đáp trả của con tim, tức là cả con người từ bên trong, chứ không phải chỉ bằng lý trí, tức là hiểu biết thuần túy.

Thực tế, nhiều người sợ làm linh thao vì phải dùng trí khôn, chẳng hạn, phải suy xét thấu đáo về ý nghĩa của đời mình: Tôi được sinh ra trên đời này vì lẽ gì? Đời tôi sẽ đi về đâu? Có cái gì là điểm tựa chắc chắn cho tôi? v.v. Phải dùng trí khôn đển hiểu tội lỗi của bản thân và của thế giới kinh khủng thế nào, v.v. Tuy nhiên, mục đích linh thaonhắm tới không phải là để có kiến thức, nhưng là để nhận ra và đáp lại tình yêu của Thiên Chúa bằng cả con tim của mình.

“Con tim”ở đây không là cảm xúc, nhưng là định hướng trong tâm hồn nhờ gặp gỡ Chúa Giêsu. Đứng trướcĐấng chịu đóng đinh trên cây thập giá vì tội của mình, thao viên nhận ra tất cả những gì Thiên Chúa làm cho mình hoàn toàn là vì yêu. Con tim hoen ố phải thốt lên: Chúa ơi! Con đã làm gì cho Chúa, con đang làm gì cho Chúa, và con sẽ phải làm gì cho Chúa đây? Con tim ấy được biến đổi thì trào lên niềm khát vọng dâng hiến cả đời mình, ao ước được nên một với Đấng đã chết và sống lại vì mình. Khi ấy, thao viên có thể hát : “và con tim đã vui trở lại…”. Đó là cả con người đi từ tình trạng “lạc loài niềm tin, sống không ngày mai…” đến chỗ muốn dành trọn tâm hồn cho tha nhân, cho Thiên Chúa. Từ đó, thao viên sẵn sàng nhận lấy con đường của Chúa Kitô đã đi làm con đường của mình, chấp nhận mọi thiếu thốn, sỉ nhục và khinh chê để nên giống Đấng đã yêu thương mình cho đến chết và sống lại vinh quang.

Bài cuối cùng của hành trình linh thao là chiêm niệm để đạt tới tình yêu. Chúng ta được mời gọi ngắm nhìn Thiên Chúa đang hiện diện và hoạt động trong thế giới này. Thiên Chúa đang miệt mài lao tác trong muôn vật muôn loài, từ những nguyên tử nhỏ bé đến những vật to lớn nhưng mặt trời và muôn tinh tú, từ cây cỏ, muông thú đến thế giới của con người đang sống. Chiêm ngắm để nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho bản thân và rồi cộng tác với Người trong việc xây dựng Nước Trời giữa trần gian.

Vậy, hiểu biết không phải là mục tiêu cuối cùng của linh thao. Chúng ta có thể biết rất nhiều thứ, nhưng có thể chẳng ảnh hưởng gì đến cách chúng ta sống. Mục tiêu của Linh Thao là lời đáp trả toàn diện của con tim, và đây mớilà điều thật sự làm thay đổi trọn cả con người chúng ta. Và như thế, ta có thể nói Linh Thao như là trường đào luyện con tim.

3. Con tim của Thánh Inhã

Hơn chúng ta, thánh I-nhã sống cách mạnh mẽ linh đạo của con tim, vì ngài đã trải qua một cuộc hoán cải sâu xa nơi tâm hồn trong thời gian dưỡng thương ở Loyola. Đó không phải là một sự biến đổi về trí hiểu hay ước muốn. Bởi lẽ trước và sau cuộc hoán cải – ngài vẫn luôn sống theo giáo lý của Hội Thánh. Dĩ nhiên, mức hiểu biết về tôn giáo trên lý thuyết lẫn thực hành của thánh nhân được đào sâu, nhưng quan trọng nhất là chính con tim của ngài được biến đổi. Con tim được ơn thánh cảm hóa và trở nên bén nhạy với sự hướng dẫn của Thiên Chúa trong hành trình thiêng liêng suốt cuộc đời. Con tim ấy ôm ấp những khao khát và dấn thân sâu xa để phục vụ ơn cứu độ của con người và tôn vinh Thiên Chúa.

Một điều cần chú ý là qua cầu nguyện và được hướng dẫn, thánh I-nhã đã khai triển nhiều cách thức để lắng nghe ngôn ngữ của con tim. Đây chính là loại ngôn ngữ mà Thiên Chúa dùng để tỏ bày ý muốn của Người và thôi thúc chúng ta quảng đại đáp trả. Thánh nhân quan tâm đến tình trạng tâm hồn của mình: vui hay buồn, phấn khởi hay nản lòng, tràn ngập bình an hay bất an, những điều ấy có kéo dài và sâu xa hay chỉ mau qua và hời hợt thôi… Tiếng Chúa nói trong tim chúng ta cũng vậy.

Từ điều đó, ta có thể nói: Đối với thánh Inhã, sự đáp trả của con tim là nền tảng của đời sống thiêng liêng. Con tim ngài đã cảm nhận cách sâu xa rằng Thiên Chúa là Đấng sáng tạo, đang liên lỉ thực hiện công trình của Người. Người cũng là Đấng cứu độ chính bản thân tôi trong Đức Giêsu Kitô, chịu chết trên thập giá vì tôi và sống lại vinh quang để đưa tôi vào một đời sống mới. Đấng sáng tạo và cứu độ ấy đã chạm đến con tim Inhã và dẫn đưa ngài tiến bước mỗi ngày trên con đường hiểu biết, yêu mến Thiên Chúa hơn và muốn sống với Người và cho Người mãi mãi.

 Kết luận

Sau khi nhìn thấy con tim là tâm điểm của đời sống con người, chúng ta cũng thấy rằng hành trình thiêng liêng của chúng ta là một nỗ lực liên lỉ nhằm đáp lại tình yêu cao vời của Đấng luôn yêu thương chúng ta, đáp lại bằng cả con tim đối với Đấngở trong con tim của chúng ta. Đó cũng là kinh nghiệm của thánh Inhã. Thiên Chúa không ngừng trao ban cho từng người chúng ta những món quà vô giá và mời gọi chúng ta đáp trả bằng một chọn lựa tự do đối với Ngài trong niềm tri ân cảm mến. Thật rõ ràng! Chỉ con tim mới có thể trả lời cho con tim. Chỉ tình yêu mới đáp đền Tình Yêu.

Cha Nguyễn Hữu Thu có làm bài hát Tim ai cháy khát. Chúng ta hãy cùng hát lên bài hát này để bảy tỏ lòng ao ước sống mạnh mẽ linh đạo của con tim:  Inhaxiô nghe tiếng Giêsu kêu mời,…Cháy, cháy trong tim, lửa yêu mến cháy trong tim

Trong một thế giới mà lửa hận thù đem đến hủy diệt, ngọn lửa yêu thương phải được thắp lên, bùng lên để sự sống được truyền đến mọi nơi. Để con tim có thể cháy lửa yêu thương, nó cần được đào luyện, cần được hun đúc; và theo linh đạo Inhã, nó phải được chính Thiên Chúa biến đổi: từ trái tim chai đá thành con tim bằng thịt, con tim biết đập theo nhịp yêu thương.

(V.K.S.J. – tháng 7/2014)

Kiểm tra tương tự

Thánh Danh Chúa Giêsu: Trái Tim và Sứ Mạng của Dòng Tên

  Ngày 3 tháng 1, Dòng Tên hân hoan mừng lễ kính Thánh Danh Chúa …

3 lý do chúng ta rất cần Đức Maria là Mẹ chúng ta

  Sự sống mà chúng ta đang sống là chính Đức Giêsu Kitô, Đấng là …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *