Thiên Chúa của kẻ sống chứ không của kẻ chết (Lc 20,27-38)
Anh chị em thân mến,
Tin Mừng Chúa Nhật này được đặt trong bối cảnh Đức Giêsu thi hành và chuẩn bị kết thúc sứ vụ rao giảng tại Giêrusalem nơi cuộc thăm viếng của Ngài. Trong cuộc tranh luận với những người Xađốc về sự sống lại, Đức Giêsu muốn mặc khải cho chúng ta ý nghĩa đích thực về sự sống của ơn cứu độ mà Ngài đem đến cho chúng ta, đặc biệt chúng ta đang sống trong bầu khí chuẩn bị kết thúc năm Phụng vụ.
Với những kẻ không tin mà đại diện là những người thuộc nhóm Xađốc, sự sống của ơn cứu độ phải là sống lại hành trình làm người của con người trần thế, một cảnh sống cũng dựng vợ gả chồng, cũng sinh sản con cái… mà cảnh sống ấy không thể có được nơi con người đã chết. Như thế nói đến việc sống lại là điều vô lý và là điều mâu thuẫn không thể chấp nhận được. Quả vậy, lề luật dạy khi vợ một người anh hay em trong gia đình chết đi mà không có con nối dõi tông đường, thì người em hay anh sẽ lấy người phụ nữ đó làm vợ để nòi giống người đó vẫn được duy trì (Đnl 25,5-6). Đối với họ điều khoản trên chứng minh không có đời sống mai hậu. Mặt khác nếu có sự sống mai hậu thì sự việc sẽ không giải quyết được khi cả bảy anh em đều lấy một người phụ nữ làm vợ của mình (Lc 20,33). Đức Giêsu điều chỉnh ý niệm sai lầm này của họ. Ngài tuyên bố: “con cái đời này dựng vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng” (Lc 20,34). Như vậy, việc dựng vợ gả chồng là việc làm của con cái đời này chứ không phải việc làm của con cái sự sống.
Từ sự điều chỉnh trên, Đức Giêsu cho thấy rằng những kẻ được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết “thì không còn chết nữa vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái của Thiên Chúa vì là con cái sự phục sinh” (Lc 20,36). Họ là những kẻ đã được giải phóng khỏi quyền lực của sự chết và đã được thánh hiến nên con người mới. Họ được ví ngang hàng với các thiên thần vì họ đã được giải thoát khỏi tội lỗi và được làm môn đệ của Đức Giêsu để nên con cái Thiên Chúa với Ngài. Những ơn huệ đó họ nhận được nhờ tin vào Ngài và được tham dự vào chính sự phục sinh của Ngài (anastasis). Vì thế Ngài nói họ là con cái của sự phục sinh. Bởi lẽ danh từ “sự phục sinh” được áp dụng trước hết cho Ngài (Cv 1,22; 2,31; 4,33; Rm 1,4).
Không chỉ thế, Đức Giêsu còn sử dụng động từ “chỗi dậy” để chỉ về những người này. Họ là “những kẻ chết đang được chỗi dậy” (Lc 20,37a: hoi nekroi egeirontai), nghĩa là những kẻ đang được chính Thiên Chúa cho chỗi dậy từ cõi chết. Sự chỗi dậy này cũng khởi sự từ chính sự chỗi dậy của Đức Giêsu (Mt 27,63; Ga 2,19).Vì để cứu chúng ta, Ngài đã phải trả giá bằng chính cái chết của Ngài trên thập giá và Thiên Chúa đã cho Ngài phục sinh (Pl 2,6-11). Chính nhờ sự chỗi dậy này mà những kẻ tin dù đang sống trong thân phận phải chết do hậu quả của tội lỗi vẫn đang được chỗi dậy và chiến thắng cái chết ấy nhờ Ngài khi mặc lấy lối sống hiến tế đó của Ngài. Như vậy, sự chỗi dậy của Đức Giêsu lại trở nên niềm hy vọng cho tất cả mọi người, dù đang ở trong hiện tại hay trong quá khứ: Những kẻ tin hiện thời đảm nhận sự chỗi dậy ấy như một thách đố, còn những kẻ tin trong quá khứ đảm nhận như một lời hứa. Chính khi tin như thế mà các tổ phụ từ Abraham, Isaac, Giacob… đã dấn thân cách kiên vững để cho niềm hy vọng vào sự chỗi dậy đó nên thành tựu và chứng thực rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống chứ không phải của kẻ chết.
Chúng ta là “những kẻ chết đang được chỗi dậy”, vì thế như các tổ phụ, chúng ta hãy dấn thân cách triệt để theo gương Đức Giêsu, hầu đạt được niềm hạnh phúc mai hậu không phải sau khi chết mà ngay trong hiện tại. Vì chúng ta không chỉ có mẫu sống về niềm hy vọng nơi Ngài mà còn nhờ ơn sủng của Ngài. Amen!
Lm. Giuse Lê Quang Chủng,S.J