Lời Chủ Chăn: Lễ Chúa Kitô Vua Chúa Nhật XXXIV Thường Niên Năm C

LỄ CHÚA KITÔ VUA 

(Lc 23,35-43)

Anh chị em thân mến,

 

Ngay khi Chúa Giêsu giáng sinh, ca đoàn thiên thần đã giới thiệu Ngài là Đấng Cứu Thế và đã cất lời ca vang: “vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2,14). Và trên thập giá, chính một người gian phi đã thưa lên với Chúa: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi” (Lc 23,42). Như thế người gian phi này thuộc về hạng người thiện tâm. Bởi lẽ cuộc thăm viếng mang tính cứu độ của Chúa dành cho mọi người, nhưng chỉ những người thiện tâm mới có thể đọc ra ý nghĩa này mà tuyên xưng niềm tin của mình. Vậy ý nghĩa đó hệ ở đâu? Và hệ quả sẽ như thế nào?

 

“Đây là Vua dân Do Thái” (Lc 23,38b): Tước hiệu “Vua dân Do Thái” chính là yếu tố cốt lõi xác định chân dung những kẻ tin vào mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa nơi cuộc thăm viếng của Chúa Giêsu. Quả vậy, tước hiệu này khởi nguồn từ sự mặc khải trong Cựu Ước: Lưu đầy là hệ quả của hàng vua chúa thời quân chủ đã dẫn dân đi sai đường lối của Thiên Chúa. Vì thế Thiên Chúa sẽ lấy lại đàn chiên, chăn dắt chúng qua trung gian vị mục tử duy nhất của nhà Đavit và nối kết chúng nên một (Ed 34). Như vậy, từ nay Thiên Chúa mới là Vua đích thực của dân Do Thái và Người sẽ thiết lập vương triều của Người nơi Con Người (Dn 7,14). Chính Chúa Giêsu kiện toàn kế hoạch này khi Ngài đến làm người và cứu độ chúng ta. Vì thế Ngài chính là Vua dân Do Thái mà người Do Thái và muôn dân mong chờ.

 

Thế nhưng, chính Ngài lại là đối tượng gây nên sự phân rẽ. Vì lẽ Ngài đến ban ơn cứu độ không phải bằng cách suy luận và hành động của loài người mà của Thiên Chúa: Ngài không tiêu diệt người mà hy sinh mình – Ngài không cứu lấy mình mà cứu lấy người. Do vậy Vương Quốc của Ngài là vương quốc thần linh nơi đức ái ngự trị (agapê) vừa để cứu sống loài người vừa ban cho họ cách sống để trở nên con cái Thiên Chúa. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu đã ra công đào luyện các môn đệ mà nói: “Vua Chúa các dân thì lấy quyền mà thống trị dân… Anh em thì không như thế…  Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22,25-27).

 

Tước hiệu “Vua dân Do Thái” làm cho Chúa Giêsu trở nên đối tượng của sự phân rẽ: Dân ngoại nhờ tước hiệu này mà tìm gặp được  Đấng Cứu Độ, chẳng hạn những đạo sĩ đã tra hỏi nơi sinh của “Vua dân Do Thái” nhờ đó mà tìm gặp Hài Nhi và dâng lên Ngài vàng, nhũ hương và mộc dược (Mt 2,1-12); Philatô cũng nhờ tước hiệu này mà tin nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa và ra công bảo vệ Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn của Ngài (Mt 27,11; Mc 15,2; Lc 23,4; Ga 18,33); Một người gian phi cũng nhận ra ý nghĩa cứu độ của Chúa mà thưa lên: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi!”, và Chúa đã đáp lại: “chính hôm nay, anh ở với tôi trên thiên đàng” (lc 23,42-43) – ngược lại, người Do Thái và người gian phi khác khi không tin vào ơn huệ cứu độ của Chúa lại khinh bỉ Chúa và chế diễu tước hiệu của Chúa. Thế nhưng chính khi họ chế diễu tước hiệu ấy bằng ngôn từ: Nếu ông là “Đấng Kitô” hay “Đấng Kitô của Thiên Chúa” như lời thách thức, thì họ lại nói tiên tri để giới thiệu Ngài cho người khác bằng hành động khi viết tấm bảng trên thập giá: “Giêsu Nazareth Vua dân Do Thái” hay “Người này là Vua dân Do Thái” (Mt 27,37; Lc 23,38).

 

Như vậy tước hiệu “Giêsu Nazareth Vua dân Do Thái” một mặt gợi mở niềm tin cho những kẻ thiện tâm, hay người kính sợ Thiên Chúa, một mặt trở thành cớ vấp phạm cho những kẻ cứng tin hoặc chống đối, dù bất kể họ thuộc hạng người nào. Và tước hiệu này cũng có thể hình thành nên chủ đề “thay thế” đối với chúng ta khi mình mang danh là kitô hữu mà khước từ cách sống của Đấng mình tin theo. Amen!

Lm. Giuse Lê Quang Chủng,S.J

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 20-11-2024

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 20/11/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Tất cả là hồng …

Mến Yêu Hằng Ngày, 20-11-2024

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 4, 20-11-2024 (Lc 19,11-28) Khi dân chúng đang nghe những …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *