Lòng biết ơn

Tin Mừng Lc 17, 11-19, thánh sử Lu-ca thuật lại câu chuyện xảy ra khi Chúa Giê-su đang trên đường tiến lên Giê-ru-sa-lem. Có mười người phong hủi đón Ngài để xin Ngài chữa lành. Họ không dám tiến tới gần Ngài nhưng chỉ đứng đằng xa. Họ cất tiếng thưa rằng: “Lạy Thầy Giê-su, xin thương xót chúng tôi”. Chúa đã động lòng thương đến những thân phận đau khổ. Ngài bảo họ đến trình diện với tư tế, và họ đã vâng lời Ngài. Trên đường đi, tất cả mười người đều được sạch. Trong mười người đó, có một người đã quay trở lại cám ơn Ngài.

Download Lòng Biết Ơn

Được sạch là một niềm mong mỏi bấy lâu trong họ. Đã lâu lắm rồi, họ hằng khao khát được lành lặn, được sống gắn bó với những người mình thương yêu. Nhìn thấy người ta áp má chúc lành nhau, bắt tay hỏi han sức khỏe của nhau, họ ao ước được một lần như thế. Sách Lê-vi viết rằng: “Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên: ‘Ô uế! Ô uế!’ Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại.” (Lv 13,45-46).

Người bị bệnh phong bị xem là ô uế. Họ bị tước quyền chung sống với những người thân quen; họ phải sống riêng ra. Họ bị đẩy ra bên lề xã hội. Tôi còn nhớ thời gian tôi được gởi đến sống với người phong tại Trại Phong Bến Sắn ở Bình Dương. Có một bệnh nhân phong thuật lại với tôi câu chuyện của chị: một ngày kia, trên đường về nhà, chị bước vào quán ăn để mua ít thức ăn cho con. Có một người phát hiện chị đến từ trại phong, thế là người đó la lên, và tất cả lần lượt bỏ bàn ăn đi nơi khác, cách xa chị. Thế đó, trong xã hội ngày nay, những bệnh nhân phong cũng đang bị hất hủi. Xã hội ngày xưa đối xử với người phong còn tệ hơn thế. Để bảo vệ những người khác, họ buộc các bệnh nhân phong tự mình thốt lên “Ô uế! Ô uế!” (Lv 13,45) để người ta biết và tránh xa. Không ai dám đến gần bệnh nhân phong, không ai dám làm bạn với họ. Họ bị cô lập. Có lẽ nỗi đau thể xác do đặt tính của bệnh phong mang lại sẽ không nặng bằng nỗi đau tinh thần do sự kỳ thị của xã hội gây ra cho họ.

Hơn thế nữa, xã hội Do Thái thời bấy giờ quan niệm bệnh tật là do tội lỗi, người bị bệnh là người phạm tội và bệnh là án phạt của Thiên Chúa. Như vậy, người phong hủi còn bị hao mòn tinh thần từng ngày do mặc cảm tội lỗi.

Thấu cảm được vết thương khốn cùng của những bệnh nhân, Chúa Giê-su đã chữa lành bệnh cho họ. Việc chữa lành của Chúa không đơn thuần chỉ là việc chữa lành của một bác sỹ. Có lẽ hơn ai hết, Chúa đã hiểu những khát khao sâu kín trong lòng của họ. Chúa bảo họ đi trình diện tư tế, đi đến với người có thẩm quyền về phương diện xã hội cũng như tôn giáo thời bấy giờ để được kiểm chứng đã thanh sạch. Theo luật Lê-vi, một bệnh nhân phong khi được lành bệnh, phải đi trình diện với tư tế. Sau khi được tư tế khám xét, nếu như họ đã được lành bệnh, thì sẽ được tư tế tuyên bố là sạch. Khi được tuyên bố thanh sạch rồi, họ mới được quyền sống chung với xã hội, mới được hưởng những gì cơ bản nhất của một thành viên trong cộng đồng (x. Lv 13).

Từ thân phận người bị xã hội đẩy ra ngoài, giờ đây, họ được đón nhận. Chính Chúa đã mang lại cho họ niềm vui đó. Giờ đây, họ hoàn toàn có thể được sống chung với người thân, hoàn toàn có thể sánh bước cùng người họ thương yêu trên con đường làng vào mỗi buổi chiều. Họ sẽ không còn mặc cảm tội lỗi nữa. Quá khứ đã qua đi, và chính Chúa đã mở ra cho họ một cuộc sống mới. Nỗi đau trước đây bây giờ đối với họ sẽ là một kinh nghiệm quý giá; kinh nghiệm ấy đưa họ tới yêu quý cuộc sống họ đang có hơn.

Tuy nhiên, khi thấy mình được sạch, một người trong số họ đã quay trở lại để cám ơn Chúa. Một việc làm nhỏ bé nhưng tuyệt vời. Anh đã tạm quên con đường đi nhanh đến trình diện vị tư tế để được tuyên bố thanh sạch. Anh đã tạm quên đi niềm mơ ước bấy lâu của mình để quay trở lại cám ơn Đấng đã mang lại cho anh niềm vui. Niềm vui của anh đã trở nên trọn vẹn hơn khi anh được chính Chúa tuyên bố “con hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của con đã cứu chữa con”. Chúa khen ngợi lòng tin của anh. Quà tặng chỉ là phương tiện để dẫn đưa con người tới gặp Đấng tặng quà. Niềm vui của anh giờ đây trọn vẹn hơn vì không chỉ anh được thanh sạch, mà còn được gặp Đấng Chữa Lành anh. Tâm hồn anh giờ đây tràn ngập hân hoan.

Có lẽ trong tương lai, khi gặp lại Chúa, chín người kia sẽ cám ơn ngài. Có lẽ trong thâm tâm của họ đang mang một niềm tri ân nào đó mà họ chưa ý thức hoặc chưa có cơ hội diễn tả. Phải chăng niềm vui đó đã đến với họ quá bất ngờ, quá lớn lao, khiến họ quên cám ơn ân nhân của họ. Dường như có một chút gọi là vô ơn nơi họ, một chút vô tâm khi họ xem trọng ân huệ hơn là Đấng ban ơn. Họ đã không đủ nhạy bén để nhận ra rằng mình đã bỏ qua một cơ hội quý giá để đếp gặp Đấng đã ban ơn cho mình. Họ hân hoan vui mừng và đi tiếp con đường để hòa mình vào xã hội; đó là điều tốt đẹp, nhưng sẽ tốt đẹp hơn biết bao nếu họ không chỉ dừng lại với niềm vui hiện tại của bản thân để dành giây lát tri ân Đấng ban cho họ niềm vui đó. Chúa không hề hẹp hòi với họ, không hề vì một chút vô ơn của họ mà rút lại quà tặng. Cho dù họ có quay trở lại cám ơn Ngài, cho dù họ đã quên Ngài đi chăng nữa, thì chính Ngài là Đấng đã khôi phục quyền làm người của họ, quyền được sống như một con người của họ. Hy vọng rằng sẽ có một dịp nào đó họ sẽ nhận ra sự thiếu sót này và quay trở lại tri ân Ngài.

Một lời trách nhẹ nhàng của Chúa “còn chín người kia đâu?” như một lời nhắc nhớ những người nghe lời này của Ngài ý thức được lòng biết ơn của mình. Có khi tôi cũng thuộc về nhóm chín người kia. Hằng ngày, tôi vẫn nhận biết bao ơn lành từ Ngài; nhận nhiều đến độ tôi cảm thấy là bình thường và không cần thiết phải cám ơn. Chúa ơi, xin đừng để con vô cảm trước những ân huệ của Chúa. Từng giây từng phút trong đời con được bao bọc bởi tình yêu vô biên của Ngài. Hãy biến đổi tâm hồn con để cuộc đời con trở nên một lời tri ân Ngài.

Radio Vatican

Nguyễn Hiền Nhu

 

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 22-01-2025

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 22/1/2025 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Bàn tay dang rộng …

Mến Yêu Hằng Ngày, 22-01-2025

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 4, 22-01-2025 (Mc 3,1-6) Đức Giê-su lại vào hội đường. …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *