Lòng nhiệt thành của bổn đạo Việt Nam

 2. Sống đạo hết mình

Khoảng trung tuần tháng 4-1627, vì đang phải chỉ huy đại quân gồm 120.000 người đi đánh chúa Nguyễn Phước Nguyên[14] ở Đàng Trong, nên sau khi tiếp đoàn thương gia Bồ Đào Nha cùng hai giáo sĩ Marques và Đắc Lộ (có lẽ trên một khúc sông Đáy), chúa Trịnh Tráng[15] cho hai giáo sĩ tạm trú ở trong một nhà tại An Vực, Thanh Hoá. Nhờ biết tiếng Việt và có nhiều sáng kiến, nên cha Đắc Lộ tiếp xúc thoải mái với dân chúng ở An Vực cùng các làng chung quanh, đặc biệt Vân No, hữu ngạn sông Mã, đối diện với An Vực. Đắc Lộ chỉ tạm ở đây trong hai tháng, vậy mà đã có 200 người được lãnh nhận bí tích rữa tội[16].

Đặc biệt một ông cụ 85 tuổi, Đắc Lộ gọi là Sãi (Sãi), thông thạo chữ Hán, được dân chúng trong vùng rất kính trọng, xin gia nhập đạo Chúa, mang tên thánh là Gioakim. Nhiều người nam cũng như nữ thấy thế cùng theo gương cụ xin theo đạo. Tuy đã cao tuổi, Cụ rất thích học giáo lý; hằng ngày Cụ có mặt trong nhà hai giáo sĩ ở An Vực để trau giồi kiến thức về đạo. Vào một buổi trưa nọ, Đắc Lộ nghĩ rằng cần phải để Cụ nghỉ ngơi, nên cha đã nhờ một thiếu niên chép lại một số kinh trong đạo dành cho người tân tòng đọc, mà không nhờ Cụ. Cụ liền tỏ ra phiền trách Đắc Lộ đã không nhờ mình là người thông thạo chữ Hán và viết đẹp hơn những người khác. Từ đó Đắc Lộ thường xuyên nhờ Cụ trong thời gian cha còn ở An Vực và Vân No[17]. Cụ Gioakim thấy Đắc Lộ phải giảng giải, dâng Thánh lễ, làm bí tích thánh tẩy trong một ngôi nhà quá chật hẹp, nên Cụ dâng cúng ngay một miếng đất gần đó để làm một nhà thờ bằng gỗ theo kiểu địa phương. Dân chúng đóng góp vật liệu như tre, gỗ, còn các thương gia Bồ Đào Nha góp công sức trang trí nhà thờ. Đây là ngôi nhà thờ đầu tiên ở Đàng Ngoài được khánh thành ngày 3-5-1627 mang tước hiệu “Tìm thấy Thánh giá ”[18].

Cũng tại An Vực vào khoảng cuối tháng 5-1627, gần ngôi nhà thờ nói trên đây, có một nhóm người phong cùi tụ hợp sông chung với nhau, được Đắc Lộ đến thăm dạy giáo lý làm cho nhiều bệnh nhân tin đạo dễ dàng. Trong số bệnh nhân này, một người tên thánh là Simon, khá thành thạo chữ Hán, nên ông tình nguyện chăm chỉ chép lại các kinh, kể cả Mười điều răn, do Đắc Lộ trực tiếp đọc cho Simon chép để học, rồi ông dạy lại cho các bệnh nhân trong nhóm. Chính nhóm người không được may mắn này bị cách ly với đồng bào, chẳng mấy ai dám đến gần, cũng chẳng dám vào Nhà Thờ mới dựng gần đó, nên họ tự động dựng một nhà nguyện ngay trong hàng rào trại của họ, cứ ngày Chúa nhật họ đều họp nhau trong nhà nguyện đọc kinh chung trước bức ảnh đạo do Đắc Lộ tặng cho họ[19].

Khoảng 1650, cha João Barbosa ca tụng lòng nhiệt thành đạo đức của bổn đạo Đàng Ngoài, giống như các tập sinh trong một Dòng tu. Barbosa nhận định cũng tương tự như João Cabral, được Đắc Lộ tóm lược như sau[20]:

“Bổn đạo siêng năng đọc kinh chung sáng tối trong gia đình; không bao giờ bỏ việc đọc kinh như thế, trừ khi quá bận rộn và vì những công việc đã hứa hẹn. Vì thế, gia đình nào cũng có bàn độc (bàn thờ) được trang trí bằng những thứ quý nhất tuỳ theo khả năng của họ. Bổn đạo sẵn sàng bớt một vài món cần thiết cho cái ăn, cái mặc, hơn là chịu thiếu bàn thờ. Trên bàn thờ ngoài Thánh giá và các ảnh tượng được làm bằng những chất liệu quý hoá, nghệ thuật, chạm khắc trên ngà, mu rùa, họ còn treo một chiếc bình đẹp đẽ có nước thánh, cùng với tràng hạt Mân côi, roi đánh tội và một vài thứ khác họ dùng thường xuyên vào việc hãm mình. Một việc đáng ngạc nhiên hơn nữa, đó là bổn đạo có những “bàn thờ nhỏ di động” (oratoires portatifs) mang theo mình khi phải xa nhà; tới nơi nào là họ mở “bàn thờ” ra đọc kinh cầu nguyện sốt sáng.

Nhiều bổn đạo Đàng Ngoài tỏ ra rất tin vào Chúa, nên họ đeo hai Thánh giá, một trên ngực, một trên cánh tay; Thánh giá trên ngực đối với họ như là thuẫn đỡ, còn trên cánh tay như là gươm giáo để chống lại ma quỷ. ở Đàng Trong, cụ thể tại Thành Chiêm, Hội An, bổn đạo rất thích đeo tràng hạt Mân côi trên cổ, mà đeo ngoài cổ áo, chẳng những vì sùng mộ, mà xem ra như muốn chứng tỏ cho những người khác biết là mình đã theo đạo Đức Chúa Blời đất. Vào năm 1625, các quan chức Quảng Nam dinh tỏ ra không ưa đạo Hoa Lang, vì cho rằng đó là đạo mọi rợ, ngoại lai, làm cho con người mất lòng yêu kính, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Trước tình trạng này, các thừa sai phải yêu cầu bổn đạo đừng đeo ảnh Thánh giá và tràng hạt ngoài cổ áo. Nhưng bổn đạo cho rằng làm như thế là hèn nhát, không xứng đáng với “con nhà có đạo”. Các cha phải giải thích là đạo không ngăn cản người ta can đảm, mà chỉ ngăn cản kẻ càn dỡ. Bổn đạo nghe ra, chịu theo lời các cha.

Cha Đắc Lộ phải thốt lên khi thấy tâm hồn trong trắng và đạo đức của bổn đạo Đàng Ngoài trong việc xưng tội rước lễ: “Tôi phải thành thực nói là chẳng gì làm tôi cảm động khi thấy trong vương quốc này có bao nhiêu bổn đạo là dường như có bấy nhiêu Thiên thần. Trước ngày rước lễ, họ ăn chay đánh tội; nếu tôi không ngăn cản thì họ rước lễ hơn một lần trong tuần[21]. Mỗi khi dọn mình xưng tội họ khóc lóc như là mình đã phạm nhiều tội lớn lao; tuy nhiên tôi có thể nói rằng, khi giải tội cho họ, tôi thường thấy không có đủ chất liệu (matière) để giải tội, chẳng những là đối với một số ít người mà có khi đối với cả một xóm đạo”[22].

Đầu tháng 3-1640 Đắc Lộ ra Huế, sau hơn 14 năm trời vắng mặt ở xứ “yến sào trầm hương” Đàng Trong, bái yết chúa Nguyễn Phước Lan với nhiều lễ phẩm quý giá, làm Ngài rất hài lòng. Được tin cha Đắc Lộ tới, bà Minh Đức Vương thái phi liền cho mời cha vào dinh bà. Tại đây Đắc Lộ làm việc bất kể ngày đêm, gặp gỡ bổn đạo, dâng Thánh lễ mỗi ngày trong dinh bà Minh Đức. Bổn đạo ùn ùn kéo đến, không sợ hãi nhờ uy tín cùng vai vế của Bà. Các ngày lễ, cha phải dâng nhiều Thánh lễ mới đáp ứng dược nhu cầu số đông bổn đạo. Tuần thánh năm 1640 được cử hành long trọng, sốt sáng trong chính nhà nguyện của bà Minh Đức. Bổn đạo tham dự Tuần thánh cảm động đến nỗi sau này Đắc Lộ phải ghi nhận: “Tôi xin thành thật thú nhận rằng, tại đây chứ không phải ở châu Âu, người ta cảm nghiệm được cuộc thương khó của Chúa chúng ta”[23]. Trong 35 ngày ở kinh thành, Đắc Lộ làm phép Thanh tẩy cho 94 người, trong đó có 3 bà tôn nhất, họ hàng gần với chúa Thượng, được rửa tội trong chính ngày lễ Phục sinh 8-4-1640.

Đến năm 1644, Đắc Lộ lại có mặt ở Kim Long, Huế, được vào tiến lễ chúa Nguyễn Phước Lan. Vừa xuất hiện tại đây, người ta đã phóng tin nhanh chóng, nên anh em kéo đến hàng đoàn lũ, làm cho cha phải ái ngại về phía chính quyền, yêu cầu họ giải tán ngay, sau này sẽ tới gặp cha. Đêm đến bổn đạo chèo thuyền đón cha (vì chúa Nguyễn lệnh cho cha phải ở trên thuyền của cha, chiếc thuyền đã chở cha từ Hội An đến Huế) về nhà một quan võ là Gioakim Huidue (Huy Duệ?) để rửa tội cho 200 người, liền đó cha cử hành Thánh lễ. Số người tham gia đông đúc, nhà quan không thể chứa hết, người ta phải tràn cả ra sân, ra vườn. Không được phép ở Kim Long lâu hơn, nên sau khi lén lút cử hành Lễ Lá vào đêm 20-3-1644 trong nhà nguyện bà Minh Đức, Đắc Lộ về Hội An, Thành Chiêm ngày thứ tư Tam nhật thánh để cử hành nghi lễ Tuần thánh. Cả xứ Đàng Trong mấy năm đó chỉ có một linh mục là Đắc Lộ, nên bổn đạo từ xa xôi tuốn về dự lễ. Tấm lòng của bổn đạo Thành Chiêm làm Đắc Lộ hết sức xúc động, nên cha đã ghi lại như sau: “Tất cả những gì tôi thấy ở châu Âu, không cho tôi được một tình cảm đạo đức như khi tôi ở đây; quả thật đáng phải ca tụng”[24].

Ngày thường, bổn đạo cũng sốt sáng tham dự Thánh lễ. Đặc biệt ngày Chúa nhật, họ đến Nhà Thờ từ sáng sớm nếu ở xa Nhà Thờ 3, 4 dặm (lieus). Những người ở xa hơn thì phải đi lễ từ chiều thứ bảy. Khi không có Thánh lễ, như hồi hai giáo sĩ Marques và Đắc Lộ bị quản thúc tại gia bắt đầu ngày 28-5-1628, bổn đạo Thăng Long có sáng kiến phân chia thành sáu khu, để ngày Chúa nhật và cả ngày thường họ tập hợp chung trong một nhà tư nhân cùng nhau đọc kinh bù lại Thánh lễ.

Từ ngày hai giáo sĩ trên đây bị ngăn cách với giáo đoàn theo lệnh chúa Trịnh Tráng, trong hai tuần lễ đầu tiên đôi bên không thể liên lạc với nhau. Bổn đạo không được bước vào ngôi Nhà Thờ rất quen thuộc, dù Nhà Thờ đầu tiên này ở kinh đô mới được dựng lên vào cuối năm 1627, do chính chúa Trịnh chẳng những cho phép, mà còn cấp vật liệu và cho thợ đến làm theo mẫu hai giáo sĩ phác họa[25].

Nhưng “vỏ quýt dày móng tay nhọn”, bổn đạo đã liều lĩnh liên lạc với hai cha bằng mấy cách sau đây: thứ nhất là một số người cải trang thành kẻ ăn xin, mặc quần áo rách rưới xin lính gác cho vào kiếm cơm hai giáo sĩ; thứ hai vì nhà ở của hai giáo sĩ làm liền với mấy nhà bên cạnh lại là nhà của bổn đạo, nên họ bí mật khoét một chỗ (vì nhà vách đất) để họ đến gặp hai cha, hơn nữa ban đêm Đắc Lộ đánh liều qua lỗ đó sang nhà bên cạnh giảng dạy cho một ít người. Chính nhờ những cách trên, Đắc Lộ viết thư an ủi bổn đạo và gửi các bài giảng dạy cho họ. Nhận được người ta chép thành nhiều bản để đọc cho bổn đạo tập hợp âm thầm trong 6 khu[26].

Việc quản thúc xem ra không nghiêm ngặt lắm, vì có lần chúa Trịnh cho phép Đắc Lộ đi làm lễ an táng long trọng cho một viên quan là bổn đạo chết do bất cẩn khi bắn súng đại bác trong một dịp lễ tổ chức tại kinh đô. Nhận thấy tình hình bớt căng thẳng, nên sau 4 tháng trời gặp gỡ bổn đạo bằng những cách nguy hiểm cho bản thân họ như trên, bây giờ chính Đắc Lộ ban đêm lẻn ra ngoài gặp bổn đạo, để giảng dạy, rửa tội, giải tội và dâng Thánh lễ, theo lời yêu cầu và sắp xếp của bổn đạo.

Tất cả những việc trên chứng tỏ lòng nhiệt thành sốt sáng của bổn đạo thời kỳ đầu tiên, bất chấp mọi nguy hiểm. Thực tế trong hoàn cảnh ấy, với phong cách tín ngưỡng được biểu lộ như vậy xem ra làm cho “Đạo ta” cũng có cái gì khác với “Đạo Tây”! Đọc kinh, xem lễ, xưng tội, rước Mình Thánh Chúa là những thứ họ khao khát, dù về mặt thông hiểu “lẽ đạo” thì còn kém là cái chắc! Phải công nhận rằng, bổn đạo thời xa xưa đã sống Lời chúa trọn vẹn trong việc kính Chúa yêu người. Phải nói là các vị ấy đã sống đạo chứ không phải chỉ giữ đạo, bằng cớ là nhiều nhà truyền giáo đầu thế kỷ XVII ở Đàng Ngoài đã khen “đứt lưỡi” về lòng thương yêu nhau của anh chị em bổn đạo. Chính trong bản báo cáo dài 98 trang khổ lớn của cha Gaspar d’Amaral viết bàng tiếng Bồ Đào Nha từ kinh đô Thăng Long ngày 31-12-1632 gửi cha André Palmeiro[27] ở Macao, chẳng những thuật lại những kết quả truyền giáo lớn lao, mà còn ghi nhận rằng “người lương dân gọi bổn đạo là những người theo đạu yêu nhău”[28]. Tuyệt vời! Mặc dầu đây là bản văn tiếng Bồ Đào Nha, nhưng tác giả có chêm một số chữ Quốc ngữ như đạu, yêu nhău (ley de amar), đàng ngoày, đàng tlão, đàng tiên…, là thứ chữ Palmeiro chẳng hiểu gì, cả đến người Việt cũng chưa biết.

Kiểm tra tương tự

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …

Thánh lễ khấn lần đầu của thầy Gioan Vũ Đức Ba

Hôm nay ngày 18 tháng 01 năm 2025, cùng với Giáo Hội hoàn vũ, Dòng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *