Lòng sùng kính Thánh Tâm trong truyền thống Dòng Tên (2)

Thánh Colombiere trao Mình Thánh cho Thánh nữ Margarita Maria Alacoque

Lm. Giuse Đỗ Quang Chính, S.J.

 

II. TỪ THÁNH COLOMBIÈRE ĐẾN KHI DÒNG BỊ GIẢI THỂ

12. Giai đoạn hai này kéo dài một thế kỷ rưỡi, kể từ khi thánh Colombière đến dòng Thăm Viếng ở Paray mùa Chay năm 1675.

Mặc dù trước đó nhiều Giêsu hữu cũng như nhiều người khác đã phổ biến và thực hành lòng tôn sùng Thánh Tâm, nhưng thánh Margarita Maria và thánh Colombière đã đóng một vai trò đặc biệt có tính cách quyết định đến lòng tôn sùng Thánh Tâm.

13. Dòng Tên đã có Linh Thao hết sức gần với việc tôn sùng Thánh Tâm, và đã có một truyền thống cổ võ lòng tôn sùng này. Tuy nhiên, điều đó mới chỉ giới hạn trong nội tâm cho những tâm hồn ưu tuyển, chứ không tổ chức việc tôn sùng bên ngoài, không phổ biến rộng rãi trong quần chúng, và không biện minh trước các nhà thần học. Dầu sao, các Giêsu hữu cũng thấy việc tôn sùng Thánh Tâm như một phương thế tuyệt hảo để thực hiện 2 lời khuyên của thánh Phaolô: có những tâm tình của Đức Giêsu Kitô và mặc lấy Đức Giêsu Kitô.

14. Các mặc khải ở Paray đóng vai trò quyết định trong việc phổ biến rộng rãi việc tôn sùng Thánh Tâm cũng như việc tổ chức và ấn định những thực hành đặc biệt.

15. Tu hội Thăm Viếng do thánh Phanxicô de Sales và thánh Gioanna de Chantal sáng lập. Thánh Phanxicô de Sales đã tập Linh Thao và rất thích linh đạo của thánh Inhã. Thánh Gioanna de Chantal nhiều lần đã tỏ ý muốn nếu có việc gì cần thì chị em trong tu hội chạy đến với các cha Dòng Tên. Thánh Claudio de la Colombière (1641-1682) đến làm Trưởng cộng đoàn Dòng Tên ở Paray-le-Monial (miền trung nước Pháp) từ giữa tháng 02 năm 1675. Mùa Chay năm ấy, ngài được mời đến giải tội ngoại lệ cho chị em nữ tu Thăm Viếng ở đó. Chị Margarita Maria nhận ngài làm linh hướng. Từ giữa năm 1673, chị đã có nhiều thị kiến và ơn thần bí. Chính Chúa Giêsu đã nói với chị: “Hãy nói với tôi tớ Ta làm hết sức để thiết lập việc tôn sùng này, và làm như vậy để làm vui lòng trái tim thần linh của Ta.” Người tôi tớ đó là ai? Trong một lá thư, chị Margarita Maria cho biết: “Chúa đã hứa sẽ gửi đến với tôi người tôi tớ trung thành và người bạn hữu hoàn hảo của Người… và thực vậy, Người gửi đến cho tôi cha de la Colombière.” Chị cũng cho biết ngay lần đầu gặp cha Colombière, chị đã nghe trong lòng những lời rõ ràng đến không thể nghi ngờ được: “Đây là kẻ Ta gửi đến cho con.”

16. Thánh Colombière có hai sứ mạng:

  • đối với chị Margarita Maria: làm người tâm phúc, người cố vấn, người làm chứng.
  • đối với việc tôn sùng Thánh Tâm: đặt những viên đá đầu tiên với những hình thức rõ ràng, theo những mặc khải ở Paray, bên trong cũng như bên ngoài

17. Nhờ thánh Colombière, thánh Margarita Maria từ trước đến nay bị Bề trên coi là mộng tưởng, giờ đây được tin tưởng. Người ta tin chị vì cha Colombière là một người học thức và đức hạnh đã cho biết là các mặc khải của chị đáng tin. Thế là việc tôn sùng Thánh Tâm được thiết lập và phổ biến chẳng những trong tu hội Thăm Viếng và trong Dòng Tên mà cả cho giáo dân bên ngoài nữa.

18. Lời chứng của cha Colombière. Trích những ghi chép trong kỳ Linh Thao 1677 ở Luân Đôn:

  • Tôi tự ra cho mình một luật là làm hết sức để thi hành những gì vị Thầy đáng tôn thờ đã chỉ thị cho tôi vì thân mình châu báu của Người trong bí tích Thánh Thể, tôi tin Người thực sự hiện diện trong đó.
  • Thiên Chúa muốn tôi phụng sự Người bằng cách thi hành những mong ước của Người liên quan đến việc tôn sùng Người đã gợi ý cho một người kia. Chúa đã thông truyền hết sức thân thiết cho người đó, và vì người đó mà Chúa đã muốn dùng đến con người yếu đuối của tôi. Tôi đã gợi hứng cho nhiều người ở Anh, và tôi cũng đã viết ở Pháp, và cũng xin một người bạn phổ biến nơi anh ấy sống. Lạy Thiên Chúa của con, ước gì con được ở khắp nơi và công bố những gì Chúa chờ đợi nơi các tôi tớ và bạn hữu Chúa.
  • Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho một người… Chị giãi bày với tôi và tôi buộc chị viết lại những gì đã nói với tôi.

19. Sau đây là bản tường thuật chi tiết về “mặc khải lớn” ngày 16/05/1675, ngày cuối tuần ở ngày lễ Thánh Thể:

“Đây là trái tim đã yêu thương con người đến thế…” Chúa Giêsu than thở về việc con người đáp trả một cách hững hờ và chua xót, nhất là với hồng ân yêu mến là Thánh Thể. Lời than phiền cũng bao gồm cả thái độ ghê tởm của những tâm hồn đã được hiến thánh. Cuối cùng, Chúa xin rõ ràng dành ngày thứ Sáu cuối tuần 8 ngày lễ Thánh Thể làm một lễ đặc biệt để đền tạ Thánh Tâm với việc rước lễ và đền tội. Và Chúa Giêsu kết thúc với lời hứa: “Trái Tim Ta sẽ mở rộng ra để đổ tràn sức mạnh của tình yêu thần linh trên những người làm điều đó.”

Thánh Margarita Maria run sợ trước sứ mạng lớn lao. Chúa Giêsu nhắc lại Người đặc biệt yêu quý những kẻ nhỏ mọn và yếu đuối, và nói những lời nổi tiếng đã trích dẫn trên kia: “Hãy nói với tôi tớ Ta là N. làm hết sức để thiết lập việc tôn sùng này và làm vui lòng trái tim thần linh của Ta.”

20. Đối với thánh Margarita Maria và thánh Colombière, đó là những lời từ chính miệng Chúa Giêsu nói ra, nên buộc lòng phải thi hành. Thứ Sáu cuối tuần 8 ngày lễ Thánh Thể năm 1675, hai ngài âm thầm tổ chức lễ Tôn Vương Thánh Tâm. Đây là lễ tôn vương đầu tiên, mở ra giai đoạn mới trong việc tôn sùng Thánh Tâm.

21. Thử thách đầu tiên: bất ngờ cha Colombière được cử đến giảng cho bà công tước thành York. Bà này là vợ của James Stuart sau này sẽ là vua James II của nước Anh. Bà được cha Colombière truyền bá việc tôn sùng Thánh Tâm. Khi bị đuổi khỏi ngai vàng năm 1690, bà đến tị nạn ở Pháp và 7 năm sau bà đệ đơn thỉnh nguyện Tòa Thánh thiết lập lễ Thánh Tâm với thánh lễ và kinh thần vụ riêng. Đây là một trong những thỉnh nguyện đầu tiên như vậy.

22. Cha Colombière bị bắt giam ở tháp Luân Đôn, bị đau nặng và bị trục xuất. Trở về Pháp, ngài làm linh hướng cho các triết sinh của Dòng ở học viện Chúa Ba Ngôi tại Lyon. Trong thời gian đó, ngài bị đau và bận rộn, nên ít làm việc tông đồ được, ít khi đến Paray được, và cũng ít viết thư được. Ngày 15/02/1682, ngài qua đời vì bệnh lao phổi.

Thời gian ngắn ngủi đó đủ làm cho cha Colombière thành không những cộng tác viên của chị Margarita Maria mà theo tài liệu chính thức của Giáo Hội, ngài còn được gọi là “người bảo đảm, người xác nhận, người bảo lãnh ý Thiên Chúa,” và “người sứ giả, vị tông đồ vĩ đại, người truyền giảng, nhà vô địch” về việc tôn sùng Thánh Tâm. Trong các ghi chép thiêng liêng, các kỳ tĩnh tâm, các bài giảng, các thư từ, nhiều lần ngài tỏ ra vừa dè dặt vừa xác tín thú nhận mình tha thiết yêu mến và khiêm tốn tin tưởng ở Trái tim của Thầy mình. Thánh Margarita Maria viết cho ngài: “Ước gì con có thể kể cho cả thế giới tất cả những gì con biết về việc tôn sùng này. Chúa Giêsu Kitô đã cho con biết một cách chắc chắn không gì ngờ vực được là Người muốn dùng các cha Dòng Tên để thiết lập lòng tôn sùng này, và nhờ đó Người sẽ có nhiều tôi tớ trung tín.” Cha Colombière không lơ là trước việc Dòng Tên được nêu đích danh. Trong thời gian làm linh hướng cho các học viên ở Lyon (1679-1681), ngài đã thu phục được một trong những người cổ võ nhiệt thành nhất cho việc tôn sùng Thánh Tâm xuất phát từ Paray, đó là Joseph de Gallifet. Ít là gián tiếp, cả Jean Croiset cũng bị chinh phục. Cùng là tập sinh với Gallifet, sau này khi đi thực tập liên lạc với nhau, xúc động sâu xa khi đọc Retraite Spirituelle của Colombière, Croiset sẽ trở thành tông đồ nhiệt thành của việc tôn sùng Thánh Tâm. Ngay khi chị Margarita Maria còn sống, tập Retraite Spirituelle này đã là dụng cụ chính yếu để phổ biến lòng tôn sùng Thánh Tâm.

23. Như vậy, chúng ta hiểu tại sao Giáo Hội gọi thánh Colombière là “vị tông đồ vĩ đại của Thánh Tâm.” Việc tông đồ của ngài rất kín đáo và ngắn ngủi, nhất là nếu so sánh với Gallifet và Croiset. Tuy nhiên, chính ngài đã đốt lên ngọn lửa đầu tiên, bày tỏ cho thế giới bí mật được giữ kín trong tu viện Thăm Viếng ở Paray. Thánh Margarita Maria được Đức Piô XII đặt ở địa vị số 1 trong các người cổ võ lòng tôn sùng Thánh Tâm. Thánh Colombière được kể ngay sau đó với tư cách là người giúp đỡ và linh hướng, được coi là gắn liền với thánh Margarita Maria trong việc tôn sùng này. Cha Colombière được Đức Gioan Phaolô II phong thánh ngày 31/05/1992, và điều này làm cho việc tôn sùng Thánh Tâm phát triển hơn nữa theo ước nguyện sâu xa của ngài, khi ngài kêu lên: “Lạy Trái Tim thần linh Chúa Giêsu, nếu con nên thánh, chỉ mình Chúa được vinh hiển vì việc con nên thánh thôi. Điều đó con thấy rõ hơn ban ngày, nhưng đó sẽ là một vinh quang lớn cho Chúa, và chỉ vì vậy mà con ước ao nên hoàn thiện.”

24. Sau sự kiện Paray, các Giêsu hữu phổ biến việc tôn sùng Thánh Tâm đều xác tín rằng Chúa Giêsu muốn dùng Dòng Tên lo việc này. Cùng với tu hội Thăm Viếng, Dòng Tên đã tự coi là có nghĩa vụ lo việc ấy.

25. Ngày 02/07/1688, Thánh Tâm tỏ mình cho thánh Margarita Maria: Chúa Giêsu cho thấy trái tim của Người ngự trên một ngai vàng bằng lửa, chung quanh có Đức Mẹ, thánh Phanxicô de Sales, cha Colombière, các nữ tu Thăm Viếng, mỗi người có một thiên thần bổn mạng cầm trên tay một trái tim. Trước hết Đức Mẹ mời các nữ tu Thăm Viếng đến gần Thánh Tâm, cho họ biết tu hội của họ đã được chọn để sở hữu kho tàng quý báu này và để phân phát cho người khác. Rồi quay về phía cha Colombière, Đức Mẹ nói: “Còn con là tôi tớ trung thành của Con Mẹ, con có phần quan trọng trong kho tàng này. Con cái tu hội Thăm Viếng được trao phó việc làm cho người ta biết, yêu mến và phân phát kho tàng, thì các linh mục Dòng Tên được trao phó việc làm cho người ta thấy và nhận ra lợi ích và giá trị của kho tàng, để người ta đón nhận với lòng kính trọng và biết ơn xứng với một ơn phước cao cả như vậy. Và trong mức độ các linh mục Dòng Tên đem lại cho Thánh Tâm niềm an ủi ấy, Người là nguồn mọi phúc lộc và ân sủng sẽ đổ đầy phúc lộc và ân sủng trên những công việc họ làm, đến nỗi họ đem lại những hoa trái ngoài sức lực và hy vọng của họ, và ngay cả cho ơn cứu độ và sự hoàn thiện của mỗi người trong họ.”

Tóm lại, sứ điệp mời gọi các Giêsu hữu tiếp nối sự nghiệp của thánh Colombière và hứa ban cho họ những phần thưởng tương tự như phần thưởng dành cho ngài.

26. Trong lá thư gửi Mẹ Saumaise (Trưởng cộng đoàn Thăm Viếng ở Paray), trình bày sứ điệp cho vua Louis XIV, thánh Margarita Maria tuyên bố chắc nịch: “Thánh Tâm Chúa muốn được các cha đó (Dòng Tên) biết, yêu mến và tôn kính cách riêng. Người hứa sẽ đổ tràn ơn tình yêu trên các lời của họ với những ân sủng mãnh liệt, làm cho những lời đó như những thanh gươm hai lưỡi đâm thấu những trái tim cứng cỏi nhất của những tội nhân ngoan cố nhất, để khơi nguồn một cuộc sám hối thực sự, nhờ đó các linh hồn được thanh luyện và thánh hóa. Nhưng muốn vậy, họ phải cố gắng múc lấy tất cả ánh sáng trong nguồn Thánh Tâm.”

Trong các thư ngày 10/08 và 15/09/1689, gửi cha Croiset, thánh Margarita Maria nhắc lại cùng những điều ấy: “Mặc dầu kho tàng tình yêu này là của mọi người, và ai cũng được hưởng, nhưng các cha Dòng Tên được trao phó việc làm cho người ta nhận biết giá trị và lợi ích của kho tàng quý giá này… Người chờ đợi nhiều ở Dòng cha về việc này và Người có những ý định lớn lao. Vì vậy, Người dùng cha Colombière để khởi đầu việc tôn sùng Thánh Tâm, như con hy vọng cha sẽ là một trong những người Chúa sẽ dùng để đưa việc này vào trong Dòng. Ôi hân hạnh biết bao cho cha, nếu quả như vậy, và nếu cha thực hiện các ý định của Chúa. Nhưng từ từ và dịu dàng, cha hãy theo những phương tiện Người sẽ ban, để Người thành công trong mọi sự.”

Một năm trước khi qua đời, thánh Margarita Maria lại viết cho cha Croiset: “Con nói rằng cha hạnh phúc vì Chúa đã trao cho cha việc đó. Xin cha theo các ánh sáng Người sẽ ban để làm việc ấy, đừng sợ sệt, và đừng nhường vinh dự này cho người khác.”

27. Cha Jean Croiset (1656-1738) chiếm địa vị số 2 trong số các Giêsu hữu phổ biến sứ điệp Paray. Ngài từng làm giáo viên văn chương, triết học và thần học, viện trưởng các học viện ở Marseille, Aix, và Lyon, Giám tỉnh và cuối cùng Tập sư ở Avignon. Giống cha Colombière, ngài là một người vừa thông thái vừa khôn ngoan.

28. Thánh Margarita Maria xin cha Croiset viết về Thánh Tâm, hối thúc ngài chu toàn sứ mạng vĩ đại theo lệnh Chúa. Năm 1691, cuốn La devotion au Sacré Coeur de N. S. Jésus Christ hoàn thành với cả một bản tiểu sử chị Margarita Maria mới qua đời. Cuốn sách thành công lớn, được in đi in lại nhiều lần và dịch ra nhiều thứ tiếng.

Nhưng Tổng Quản Gonzalez không hài lòng: (1) thuyên chuyển cha Croiset khỏi Lyon và khỏi các nhà huấn luyện, (2) không chấp nhận lập các Liên Minh Thánh Tâm ở Paray cũng như ở học viện Lyon, (3) không chấp nhận đưa vào Hiệp Hội Thánh Mẫu và các học sinh của Dòng việc đạo đức ngày thứ sáu đầu tháng. Cuối cùng, cuốn sách của cha Croiset bị cho là “không thích hợp vào một giai đoạn càng ngày càng có nhiều thứ tôn sùng mới và bị Giáo Hội gạt bỏ dễ dàng.” Hơn nữa, ngày 11/03/1704, cuốn sách bị liệt vào sổ Sách Cấm, không phải vì giáo thuyết, nhưng vì kinh thần vụ nhỏ kính Thánh Tâm ở trong đó không có phép của giáo quyền.

Cha Croiset tuân phục hoàn toàn. Năm 1710, ngài được phục hồi danh dự. Cuốn sách được sửa đổi, được in lại, được dịch ra nhiều thứ tiếng và được phổ biến hơn bao giờ hết.

(còn tiếp)

 

Bài 1: https://dongten.net/long-sung-kinh-thanh-tam-trong-truyen-thong-dong-ten-1/

Kiểm tra tương tự

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *