Lật lại câu chuyện Giáng Sinh của Chúa Giê-su, chúng ta thấy hình ảnh Mẹ Maria với thai nhi trong lòng, cùng thánh Giu-se đi tìm một chỗ trọ ở gần Bê-lem. Nhưng tất cả mọi cánh cửa đều đóng lại với hai người. Thánh Lu-ca kể lại rằng: “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2,7). Ngay từ khi còn trong lòng Mẹ, Chúa Giê-su đã là khách đi tìm chỗ trọ. Đấng yêu thương và quyền năng trở thành người, và hơn nữa trở nên bần cùng nghèo nàn như con người, đến nỗi Ngài phải đi tìm một chỗ trú ngụ, tìm một chỗ để Ngài có thể được sinh ra vào cuộc đời này. Nhưng chẳng có nơi nào trong ngôi nhà của con người có chỗ cho Chúa. Đúng như lời của thánh sử Gio-an nói: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11), và trong Lu-ca: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58). Cuối cùng, nơi Chúa sinh ra là máng cỏ cho thú vật ăn, là một hang lừa nghèo nàn và đơn sơ. Điều này tương hợp với lời của Thánh Phao-lô đã nói: “Quả thật, anh em biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8,9).[1] Câu chuyện khách trọ hài nhi Giê-su không chỉ dừng lại ở đó. Khi vừa được sinh ra, hài nhi Giê-su với cha mẹ mình đã phải chạy chốn khỏi quê hương. Quê hương không chỗ cho họ, mà giờ đây còn bách hại họ, để rồi họ trở thành những người di dân trốn chạy. Thánh Giuse cùng với Mẹ Maria và Hài Nhi Giê-su đã tìm được chỗ trọ tại đất khách quê người ở Ai-cập.
Câu chuyện của khách trọ hài nhi Giê-su là một bài học rất quan trọng trong thời đầu tiên của Giáo Hội, cho tinh thần nhân hậu thương cho khách đỗ nhà. Thánh Phao-lô đã nhắc nhở giáo đoàn Rôma rằng, lòng bác ái không được giả hình giả bộ, và cần thương mến nhau với tình huynh đệ: “Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà” (Rm 12,13). Còn thánh Phê-rô thì kêu mời: “Hãy tiếp đón nhau mà không lẩm bẩm kêu ca” (1P 4,9). Tiếp theo tinh thần của hai thánh Tông Đồ, các Giáo Phụ cũng đã luôn nhắc nhớ các tín hữu ý thức sống tinh thần thương cho khách đỗ nhà. Thánh Biển Đức vào thế kỷ thứ 5-6, cũng đã ghi trong chương số 53 của cuốn tu luật mà ngài soạn một điều quan trọng, là việc thương cho khách đỗ nhà. Vì thế, trong các tu viện dòng Biển Đức, luôn có nhà khách đón những người tìm chỗ trọ. Họ có thể là người đi hành hương, người bộ hành, là các tu sĩ và linh mục cần một chỗ trú ngụ để tĩnh tâm và cầu nguyện. Sau đấy, dòng Xi-tô cũng theo gương đó, nên cũng có nhà khách cho những người tìm chỗ trọ.
Nhìn vào thế giới hôm nay, chúng ta thấy làn sóng di dân ở khắp mọi nơi trên thế giới, vì lý do bách hại và chiến tranh, hay vì lý do công ăn việc làm. Một thế giới với biết bao triệu triệu người đang là khách đi tìm chỗ trọ. Thật đau lòng biết bao, nhưng cũng thật đáng quý biết bao, khi các quốc gia đã mở cửa để đón tiếp những người đi tìm chỗ trọ. Không chỉ thế, họ còn tạo điều kiện sống một cách tốt đẹp cho những vị khách này. Không ít người, sau một thời gian, đã xây dựng chính gia đình và nhà cửa mình trên mảnh đất mới, và đã chọn mảnh đất mới thành quê hương thứ hai của họ, nơi họ được sống trong an bình và tự do, được hưởng tất cả các quyền căn bản của con người. Cũng thật quý báu, khi những tổ chức tôn giáo luôn chú ý đến và sẵn sàng nâng đỡ những người di dân nghèo nàn trong nhiều phương diện. Trong số họ đa số là phụ nữ và trẻ em. Như tổ chức Catholic Relief Services hay Caritas internationalis. Vào thập niên tám mươi, Cha Tổng Quền Dòng Tên P. Arrupe cũng đã lập ra tổ chức quốc tế giúp người di dân Jesuit Refugee Service.[2]
Nhỏ hơn nhưng cũng thật là cao quý, khi thấy nhiều Giáo Xứ ở quê hương đã tổ chức đón tiếp các em sinh viên từ miền quê lên thành phố chuẩn bị cho các cuộc kỳ thi vào Đại Học. Cánh cửa nhà xứ mở ra, phòng ốc dọn dẹp sạch sẽ và trải những chiếc chiếu cho các em nằm nghỉ; những bà mẹ của các hội đoàn Công Giáo tiến hành đã thay nhau để chuẩn bị cho các em những bữa ăn chắc dạ no lòng, giúp các em có sức để ôn thi, hơn nữa còn tổ chức những buổi cầu nguyện cho các em, để các em có được tinh thần vững vàng và luôn tín thác vào Thiên Chúa, khi bước vào kỳ thi.
Cũng thật xúc động, khi được phép thấy những nữ tu trẻ trung, đã mở những ngôi nhà tình thương để đón tiếp những người phụ nữ lầm lỡ và đang mang thai. Cánh cửa tu viện rộng mở, các chị em lầm lỡ bị cha mẹ, gia đình và làng xóm chê trách và từ chối, được phép đến trú ngụ. Nơi đó các Sơ giúp các chị có một nơi sống thanh thản nhẹ nhàng, để chuẩn bị cho đứa con trong bụng được sinh ra trong an bình. Nơi đó, các chị được trân quý và không bị la mắng hay trách móc về một giây phút lầm lỡ trong quá khứ. Nơi đó, các chị và những em bé vừa chào đời được các Sơ đón nhận, nâng niu, nuôi nấng và yêu thương. Tuyệt vời hơn, các Sơ đặc biệt đón nhận các em bé mới sinh ra đã bị cha mẹ cho đi, hay tệ hơn có em bị dục vào thùng rác được các Sơ đưa về. Các Sơ cho các em, những khách trọ hài nhi, có được chỗ ăn ở, và được những bàn tay nhân ái của các Sơ như các bà mẹ nhân từ giàu lòng xót thương nuôi nấng chở che. Các em đó là những Thiên Ân hay những Thiên Phúc của các Sơ. Hơn nữa, có một số em bị bỏ rơi, và được các Sơ đón nhận khi mới lọt lòng mẹ, và theo dòng thời gian được các Sơ cho đi học và lớn lên, trở thành những người trưởng thành với nghề nghiệp và với gia đình mới của các em. Những Thiên Ân và Thiên Phúc đó cần tiếp tục trao ban biết bao ân sủng, biết bao phúc lành của Thiên Chúa cho những người bất hạnh khác, đặc biệt cho các em bé khác bị bỏ rơi ngay từ khi lọt lòng mẹ.
Ngắm nhìn những gì các Sơ làm cho các em bé thơ ngây và bất hạnh, cũng như khi nhìn đến những tổ chức tôn giáo phục vụ cho những người di dân, tôi nhớ lại lời của thánh Phao-lô ngày xưa gởi giáo đoàn Do Thái: “Anh em hãy giữ mãi tình huynh đệ. Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết” (Dt 13,1-2). Không chỉ là đón tiếp các thiên thần, mà còn đón tiếp chính Chúa Giê-su, như Chúa đã nói: “Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước” (Mt 25,35), và “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Khi chúng ta đón rước khách tìm chỗ trọ, là chúng ta đón rước Chúa. Và khi chúng ta đón rước Chúa, là lúc chúng ta khám phá ra rằng, chính chúng ta là những khách trọ ở trần gian này. Chúng ta cần cầu xin Chúa cho chúng ta có một chỗ trọ ở trên trời như như anh trộm lành đã cầu xin: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23,42). Lời cầu xin của người trộm lành là một lời cầu nguyện của kẻ hành khất đầy hy vọng. Trong chính hoàn cảnh vô vọng, anh ta vẫn khiêm tốn hướng đến Chúa Giê-su, để xin Ngài đoái nhìn, để cho anh có được một chỗ trú ngụ trên nước của Ngài, Đấng tốt lành và giàu lòng thương xót. “Vì vậy, qua câu trả lời này, Người cho chúng ta một hy vọng chắc chắn rằng sự tốt lành của Thiên Chúa có thể chạm đến chúng ta, ngay cả trong giây phút cuối cùng của cuộc đời, và ngay cả sau một cuộc đời sai lầm, ai chân thành cầu nguyện sẽ tìm thấy vòng tay rộng mở của Người Cha nhân lành đang chờ đợi đứa con trở lại”.[3]
“Hai người bị đóng đinh hai bên hướng nhìn về Con Người đã đến chia sẻ số phận của họ, và cùng chết với họ. Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng. Trước kia, Chúa Giê-su đã không ngừng nhắc rằng Thiên Chúa ban ơn cứu độ như một món quà tuyệt đối cho không; Người đã đến trần gian không phải để kêu gọi người công chính, nhưng là kẻ tội lỗi. Trong giờ phút quyết luyệt này, khi lìa thế để về bên Cha, Chúa Giê-su chứng thực lời Người một cách rõ ràng không thể tưởng tưởng được. Với người tử tội ấy, kẻ đã biết nhận rằng chúng ta chịu như thế này là đích đáng, và chẳng biết cậy vào đâu ngoại trừ lòng phó thác khiêm tốn và đầy nhân ái của mình, với con người ấy, thì từ trên Thập Giá, Chúa Giê-su tuyên bố: Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng. Chúng ta hãy nghe nhà hùng biện Công Giáo Bossuet: Hôm nay: thật là nhanh chóng! Ở với tôi: cùng hội cùng thuyền quá tuyệt diệu! Trên thiên đàng: nơi ở bao tuyệt vời! Vậy thì ai còn hoài nghi được nữa về lòng thương xót của Thiên Chúa, ai còn có thể đem công đức của mình ra khoe nữa?”[4] Lời của Chúa Giê-su nói với anh trộm lành thật là đẹp biết bao. Đó là sứ điệp nhân hậu và tràn đầy ơn cứu rỗi của Ngài muốn gởi tới tất cả những ai, dù quá khứ của họ thế nào, nếu họ biết khiêm tốn, ăn năn và hướng về Chúa để cầu xin, thì đều được Chúa đón nhận và ban tặng một chỗ trọ trên Thiên Đàng.
Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ
[1] X. STOEGER A., Das Evangelium nach Lukas, 1.Teil, Geistliche Schriftlesung, Patmos Verlag, Düsseldorf 1964, t.78
[2] X. KEENAN J.F., SJ., The Works of Mercy, the heart of catholicism, t.21-24.
[3] BENEDIKT XVI, Bài Giáo Lý thứ 27 về cầu nguyện.
[4] Chú thích Lc 23,43 của HURAULT B., trong Lời Chúa cho mọi người, Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước, t.1804.