Lòng Thương Xót Chúa trong tâm hồn

Lòng Thương Xót Chúa trong tâm hồn – Bài gẫm nhật ký của Thánh Faustine, số 1728

Chị thánh Faustine đã viết trong cuốn nhật ký cho cha linh hướng, tháng 5 năm 1938 như sau: 

       “Con hãy viết: Ta là Đấng Chí Thánh, Ta ghét những lỗi dù là nhỏ nhất. Ta không thể yêu mến một tâm hồn bị hoen ố vì tội lỗi. Thế nhưng, khi một ai đó biết hối tiếc về những gì mình đã làm, thì tình yêu thương vô biên của Ta sẽ bao trùm lên người đó. Lòng Thương Xót của Ta sẽ ôm trọn lấy và bào chữa cho người ấy. Ta sẽ cùng đi với nó trên mọi nẻo đường, trái tim ta sẽ vui mừng hoan hỷ khi nó trở lại với Ta. Ta sẽ quên đi tất cả những nỗi đắng cay mà nó đã gây ra cho trái tim Ta và Ta mừng rỡ với sự trở lại của nó. Hãy nói với những kẻ tội lỗi rằng không một ai có thể thoát khỏi bàn tay của Ta. Nếu nó trốn chạy khỏi trái tim hay thương xót chạnh lòng thương của Ta, thì nó sẽ lại trở về trong bàn tay công chính của Ta. Hãy nói với chúng rằng Ta luôn chờ đợi chúng, rằng Ta sẵn sàng lắng nghe từng nhịp đập của trái tim chúng. Hãy nói với chúng rằng Ta nói với chúng qua sự hối hận, sự thất bại và sự đau khổ, qua những cơn bão và qua tiếng sấm.Ta nói với chúng qua tiếng nói của Giáo hội, nhưng nếu chúng không đón nhận những ân sủng của Ta, thì Ta sẽ nổi giận với chúng, Ta sẽ bỏ mặc chúng làm những gì chúng muốn.” (NK số 1728)

Suy niệm :

Đức Giê-su chỉ có thể hiệp thông với những tâm hồn biết tìm kiếm sự trong sạch, đó là những tâm hồn luôn tìm kiếm Thiên Chúa trong sự thật, muốn đặt Thiên Chúa làm trọng tâm, và một ngày nào đó họ sẽ để Thiên Chúa làm trung tâm điểm cuộc sống của họ. Đức Giê-su đặc biệt yêu mến những tâm hồn ấy. Người yêu họ với một tình yêu cao cả.

Trong tư cách người Thầy, Đức Giê-su dạy dỗ những tâm hồn ấy những bài học thực sự sâu sắc để uốn nắn, để dẫn đưa họ tiến về lối nẻo của Thiên Chúa. Trên đường trở về, Người đã hỏi các môn đệ: “Dọc đường anh em đã bàn tán về điều gì vậy?” (Mc 9,35). Hai môn đệ Gia-cô-bê và Gio-an đã tỏ cho thấy họ muốn thiết lập một thứ bậc phẩm trật y hệt như bộ máy quyền lực của thế gian, nơi mà những chức danh và vinh dự được xếp đặt. Thế nhưng Đức Giê-su đã trả lời họ, “Giữa anh em thì không được như vậy” (Mc 10,43). Người muốn nói với họ về ý nghĩa của bài học khiêm hạ và phục vụ nhân loại. Chính Người đã trở nên Người Đầy Tớ, một Người Tôi Trung đau khổ của Thiên Chúa. Người đã trở nên khiêm nhường tuyệt đối để trao hiến chính bản thân mình. Ngày nay, ước gì những ai đang phục vụ cộng đoàn cũng cần biết rằng mình là tôi tớ phục vụ, là người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa.

Hai môn đệ Phê-rô và Gio-an cùng chạy ra mộ lúc rạng đông của ngày lễ Phục Sinh, nhưng Đức Giê-su không ở cùng họ trên con đường đó: đầu tiên, họ phải thấy ngôi mộ trống để tin rằng sự vắng bóng Người và sự trống rỗng này là dấu hiệu của Sự Sống, là sự chiến thắng của Thiên Chúa. Chúa Giê-su đợi họ ở nơi khác, bởi vì môn đệ Phê-rô phải trả lời cho lý do ông đã chối bỏ Người, ông phải nên tự do trong tâm tình hối lỗi ăn năn của mình. Đức Giê-su hỏi ông Phêrô, “Này anh Si-mon, con ông Giô-na, con có yêu mến Thầy không?”. Ông thưa, “thưa Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21,15). Ước gì những con người ngày nay đang trì hoãn hoà giải với Thiên Chúa, trước tiên, có một khoảng thời gian thinh lặng để nhìn lại bản thân và sau đó hối hận ăn năng về những lỗi lầm đã phạm; và Thiên Chúa ước muốn hỏi lại hối nhân: “Con yêu mến Ta cách thật lòng chứ?”

Trên đường về Em-mau, Đức Giê-su đã bắt chuyện với hai môn đệ bỏ trốn vì sợ hãi. Đã từ rất lâu rồi, và trên mọi nẻo đường, họ bước theo Đức Giê-su, và họ chỉ không thấy Người mới có ba ngày trong sự thất vọng và thất bại của một Đức tin yếu ớt. Tuy nhiên, nếu chưa tin thì họ vẫn có Lề Luật và các lời các ngôn sứ để cậy dựa. Ai đó có thể sống lại và cùng đi với họ trên con đường mà họ chưa tin? Và Đức Giê-su, Cột lửa trong sa mạc đã đến và làm cho lòng họ rạo rực. “Mời ông ở lại với chúng tôi vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn”, họ nói với Đức Giê-su. Và họ đã nhận ra Người. “Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con, xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời để chúng con được ơn cứu độ” (Tv 79,4).

Có rất nhiều con đường dẫn chúng ta đến Lòng Thương Xót Chúa. Những con đường ấy vốn dành cho chúng ta là những kẻ mù lòa, những người bị đồng loại giết chết, những người mà linh hồn họ cư ngụ trong những ngôi mộ, những người mà cuộc sống họ như bị phong hủi, những người không biết thương xót người bên cạnh khi họ cần đến. Có khi chúng ta cũng là kẻ lột trần và cướp đoạt trên anh em chúng ta bằng mọi cách, chúng ta bắt bớ họ và chính chúng ta cũng đang đi trên con đường Đa-mas… Nhưng bỗng một ngày, ta nghe nói rằng Đức Giê-su sẽ đi qua và ở gần chúng ta, trong một nguyện đường, trong một nghi lễ tôn giáo hay trong nơi đền thánh, và chúng ta sẽ kêu lên rằng: “Lạy Đức Giê-su, Con Chúa Trời Hằng Sống, xin rủ lòng xót thương con!” Chắc chắn rằng Người sẽ quên đi hết những xúc phạm mà chúng ta đã làm tổn thương trái tim của Người và mở rộng vòng tay đón chúng ta đến sống trong Người. Bởi khi chúng ta đến với Người, lòng độ lượng của Người sẽ vô hạn, Lòng Thương Xót của Người sẽ bao trùm và đổ đầy tràn trong chúng ta.

[Hướng về Lòng Thương Xót Chúa, chúng tôi xin gửi tới quý độc giả những bài gẫm từ những bút tích của thánh nữ Stanislas Faustine, vị tông đồ Lòng Thương Xót]

 

Nguồn: Bài viết từ Đền Thánh Lòng Thương Xót Chúa tại nhà thờ giáo xứ Gallardon, nước Pháp.

Chuyển ngữ: T.T.L., SPC.

Bài viết được độc giả gửi đến dongten.net

 

 

Hãy gửi ý cầu nguyện của bạn!

Bạn có thể gửi những ý cầu nguyện của bạn qua hộp thư điện tử: [email protected] hoặc qua bưu điện).

Chúng tôi sẽ để những ý cầu nguyện của các bạn trước bức tranh Lòng Thương Xót Chúa và trước Thánh Tích của 3 vị Thánh.

Những ý cầu nguyện này sẽ được cầu nguyện bởi cha Dominique Aubert hoặc bởi Pierre Sokol, giáo dân được thánh hiến, tông đồ của Lòng Thương Xót, sau đó sẽ được gởi mỗi tháng một lần đến Cracovie, trước mộ của Thánh Faustine bởi Pierre Sokol.
Chúng tôi sẽ cầu nguyện cho những ý cầu nguyện của các bạn với chuỗi Lòng Thương Xót Chúa vào 15h mỗi ngày.

Vào lúc 18h mỗi thứ sáu hàng tuần, chúng tôi sẽ dâng thánh lễ cầu nguyện cho những ý chỉ của các bạn.

Kiểm tra tương tự

Mến Yêu Hằng Ngày, 21-01-2025

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 3, 21-01-2025 (Mc 2, 23-28) Vào ngày sa-bát, Đức Giê-su …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 20-01-2025

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 20/1/2025 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Cuộc sống mới Tạ …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *