Lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu: Tình Yêu Vô Biên và Nhân Hậu của Thiên Chúa

http://p2.storage.canalblog.com/28/23/249840/66516325.jpgLm. Antôn Ngô Văn Vững, SJ.

Để hiểu ý nghĩa tình yêu, nhà thơ đề nghị “ai đó” giữ cái tâm thinh lặng, để nghe gió và xem trời: “Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều…Và để xem trời giải nghĩa yêu” (Hàn Mặc Tử, Đà lạt trăng mờ)

Để hiểu tình yêu Thiên Chúa đối với con người, nhạc sĩ Phanxicô mời gọi: “Hãy đếm tinh tú trên trời mà biết ơn Người cho đời…Và xem cát biển để hiểu Người thương ta” (Phanxicô, Cát biển sao trời)

Thực ra, Thiên Chúa yêu thương loài người bằng tình yêu vĩnh cửu, và còn là tình yêu nhân hậu, vì con người luôn bất trung, bội phản. Tình yêu vô biên của Thiên Chúa, con người làm sao hiểu thấu? Nếu chẳng có ân huệ đức tin do chính Chúa ban. Xuyên suốt lịch sử cứu độ, Thiên Chúa luôn bày tỏ tình yêu vô biên và nhân hậu- đối với nhân loại cách chung- và đối với dân được chọn cách riêng. Nhưng tình yêu Thiên Chúa thì vô hình. Dân chúng luôn bị cám dỗ chạy theo tà thần ngẫu tượng. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã thúc giục các ngôn sứ dùng nhiều hình ảnh để nhắc nhở dân được chọn về tình yêu của Người. Nhưng khi thời gian đến hồi viên mãn, Thiên Chúa đã phái gửi Con duy nhất để nói và làm chứng về tình yêu cứu độ của Người: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1 Ga, 4,9). Và Ngôi Hai Con Thiên Chúa, vì yêu thương, đã hiến thân làm giá chuộc muôn người. Bởi lẽ “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Bí tích Thánh Thể vừa là dấu chỉ trường tồn vừa là thực tại tái diễn cái chết cứu độ của Chúa Giêsu vì tình yêu đối với loài người. Nhưng, với thời gian, Thánh Thể, dấu chỉ tình yêu tuyệt đỉnh của Thiên Chúa cũng bị loài người quên lãng! Và bị xúc phạm! Nhưng Thiên Chúa tiếp tục yêu thương và tha thứ. Trái Tim Chúa Giêsu là một biểu tượng, một dấu chỉ về Tình yêu trường cửu của Thiên Chúa, được gửi đến một thế giới không còn nhạy bén trước những biểu thị thường hằng của Tình yêu, trong phép Thánh Thể.

ĐGH Leo XIII nhìn thấy: “Nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu, một biểu tượng và một hình ảnh rõ ràng về tình yêu vô biên của Chúa Giêsu Kitô, tình yêu thúc đẩy chúng ta yêu thương nhau” (Thông điệp Annum sacrum, 1900).

ĐGH Gioan-Phaolô II, trong bài giảng lễ phong thánh Chân phước Claude La Colombière, 31.5.1992, còn xác định: “Đây là một lòng sùng kính tập trung trên nhân tính của Chúa Kitô, sự hiện diện của Người, trên tình yêu nhân hậu của Người, trên sự tha thứ”.

  1. Thánh Nữ Margarita Maria Alacoque (1647-1690)

Lòng tôn sùng Thánh Tâm đã manh nha từ lâu trong đời sống Hội Thánh. Nhưng đến tk. XVII, vì những nhu cầu và hoàn cảnh cụ thể, Chúa Giêsu mạc khải cho Thánh Nữ Margarita Maria Alacoque (1647-1690), việc tôn sùng Thánh Tâm, đặc biệt bằng việc cử hành Lễ Kính Thánh Tâm mỗi thứ sáu hàng tuần -cách riêng mỗi thứ sáu đầu tháng- và lễ kính Thánh Tâm hàng năm, vào Tháng Sáu (Thứ Sáu, sau lễ kính Mình Máu Thánh Chúa). Mạc khải trọng đại nhất được Thánh Nữ ghi lại và đệ trình Giáo quyền:

“Trong tuần bát nhật lễ Mình Thánh Chúa, 1675, (có lẽ ngày 16 tháng 6), Chúa Giêsu hiện ra trong một thị kiến và nói: “Đây là Trái Tim đã yêu mến loài người quá bội đến độ không tiếc điều gì, đã hao mòn kiệt sức để làm chứng tình yêu. Nhưng đáp lại tình yêu này, Cha chỉ nhận lãnh, nơi số đông, những sự vô ân, do bất kính và phạm thánh, và những sự lạnh nhạt, khinh thị đối với Cha trong Bí Tích tình yêu này. Nhưng điều làm Cha đau đớn hơn cả là chính những tâm hồn tận hiến cho Cha đã đối xử với Cha như vậy.

Chính vì thế Cha xin con dâng ngày thứ sáu đầu tháng sau tuần bát nhật lễ Mình Thánh Chúa làm một lễ đặc biệt tôn kính Thánh Tâm Cha, cùng hiệp (rước) lễ ngày ấy để đền bồi phạt tạ vì những xúc phạm chính Cha nhận chịu qua Bí Tích Thánh Thể trưng bày trên bàn thờ. Cha hứa cùng con Trái Tim Cha sẽ rông mở để tuôn tràn Hồng ân tình yêu thần linh dư đầy trên những ai tôn thờ và tìm cách cho người ta tôn thờ Cha như vậy”.

Thánh Nữ Margarita Maria còn nói đến các ân sủng vô vàn Thánh Tâm ban cho những ai yêu mến Người.

“Chúa Giêsu rất ao ước cho Thánh Tâm Người được tôn sùng cách đặc biệt, để cho hiệu quả ơn cứu chuộc được phục hoạt trong tâm hồn chúng ta. Bởi vì, Thánh Tâm Người là nguồn mạch sung mãn chỉ muốn tuôn tràn vào tâm hồn những người khiêm tốn, để họ tự nguyện và sẵn sàng hy sinh tất cả đời mình làm đẹp lòng Người.

Có ba nguồn suối từ Thánh Tâm Chúa tràn ra liên lỷ:

-Trước tiên là nguồn suối nhân từ đối với tội nhân để họ được tinh thần ăn năn sám hối.

-Kế đến là nguồn suối yêu thương chảy ra để cứu giúp những kẻ đang lao nhọc túng thiếu, nhất là những ai đang khao khát nên trọn lành, để họ có sức thắng vượt trở ngại.

-Sau cùng là nguồn suối tuôn tràn tình yêu và ánh sáng, cho những bạn hữu trọn lành mà Người muốn liên kết với Người, để thông ban cho họ sự khôn ngoan cũng như các huấn giới của Người, hầu cho mỗi người theo cách của mình mà hoàn toàn tận hiến mình để làm vinh danh Người” (Trích Thư Thánh Margarita Maria).

Từ những thông điệp Chúa gửi cho Thánh Nữ, người ta đúc kết thành “Danh sách mười hai lời hứa Thánh Tâm”, để khuyến khích việc sùng kính Thánh Tâm cũng là việc tôn sùng Thánh Thể.

1. Những ai sùng kính Thánh Tâm Cha, sẽ được ban mọi ân sủng và trợ lực cần thiết cho bậc sống

2. Cha sẽ thiết lập và duy trì sự bình an trong gia đình họ.

3. Cha sẽ an ủi họ trong mọi nỗi ưu phiền.

4. Cha sẽ là nơi nương ẩn vững chắc cho họ khi sống và nhất là khi chết.

5. Cha sẽ tuôn đổ tràn ngập phúc lành trên công việc họ làm.

6. Người tội lỗi sẽ tìm thấy nơi Trái Tim Cha nguồn mạch vô tận của lòng từ bi nhân hậu.

7. Những linh hồn nguội lạnh sẽ trở nên nhiệt thành.

8. Những linh hồn nhiệt thành sẽ mau chóng đạt đến sự toàn thiện.

9. Cha sẽ ban phúc lành trên những nhà trưng bày ảnh Thánh Tâm Cha để tôn kính.

10. Cha sẽ ban ơn hoán cải những tâm hồn chai đá nhất, cho những ai hoạt động cho sự cứu rỗi các linh hồn.

11. Những ai truyền bá lòng sùng kính này sẽ được ghi tên trong Trái Tim Cha và sẽ không bao giờ bị tẩy xoá.

12. Vì lòng nhân hậu vô biên của Trái Tim Cha, Cha hứa ban cho những ai chịu lễ, chín ngày thứ sáu đầu tháng liên tục, ơn thống hốl vào giờ sau hết, họ sẽ không chết trong tội, không chịu các bí tích, và Trái Tim Cha sẽ là nơi ẩn náu bảo đảm cho họ vào giờ cuối cùng này.

2. Thánh Claude la Colombière (1641-1682) là “vị tông đồ Thánh Tâm” bên cạnh Thánh nữ Margarita Maria Alacoque. Ngài là linh mục phụ trách cộng đoàn dòng Tên tại Paray-le-Monial, được Chúa gửi đến trợ giúp và hướng dẫn Thánh nữ Margarita Maria trong việc truyền bá lòng sùng kính Thánh Tâm. Ngài được Chúa gọi là “tôi tớ trung tín và người bạn hoàn hảo”. Ngài thực sự là một Linh mục theo lòng Chúa mong ước. Là một người sống đời âm thầm, hy sinh hãm mình: “Tôi không nhận ra lòng đạo đức nếu không có sự hãm mình” (Thư, s.74). Luôn quên mình để thuộc trọn về Chúa: “Để làm nhiều điều cho Chúa, chúng ta phải hoàn toàn thuộc về Chúa” (s. 37). Nhất là qua việc cầu nguyện liên lỉ: “Cầu nguyện là con đường duy nhất…để Thiên Chúa kết hợp với chúng ta để chúng ta có thể làm điều gì đó cho vinh quang Người” (s. 52).

Qua công việc của Thánh Claude la Colombière, Dòng Tên Chúa Giêsu được Giáo Hội trao phó sứ mệnh truyền bá lòng sùng kính Thánh Tâm, ngày lễ Thăm Viếng năm 1688, như ĐGH Gioan-Phaolô II nhắc lại cho Cha Kolvenbach trong Thư đề ngày 05.10.1986.

Trong Thư, ngài còn nhấn mạnh đến tương quan giữa lòng sùng kính Thánh Tâm và linh đạo Inhaxio, cách đặc biệt qua việc cầu nguyện trong Linh Thao.

“Những thành tố chính yếu của lòng sùng kính này vĩnh viễn thuộc vể Giáo Hội cách thường hằng trong suốt dòng lịch sử. Ngay từ khởi đầu Hội Thánh đã chiêm ngưỡng trái tim bị xuyên thấu của Đức Kitô chịu đóng đinh, từ đó nước và máu đã chảy ra, biếu tượng của các nhiệm tích làm thành Giáo Hội. và trong Trái Tim của Ngôi Lời Nhập Thể, các Giáo Phụ Đông cũng như Tây phương nhìn thấy khởi đầu của toàn thể công trình cứu độ, hoa trái tình yêu của Đấng Cứu Chuộc thần linh, mà trái tim bị xuyên thấu là một biểu tượng đặc biệt đầy ý nghĩa.

Ước muốn biết Chúa cách thâm sâu và trò chuyện lòng bên lòng với Người, nhờ Linh Thao, đặc trưng của năng động thiêng liêng và tông đồ của linh đạo Inhaxio, hoàn toàn dâng hiến cho việc phục vụ tinh yêu Thánh Tâm Thiên Chúa”,

3. Chiêm Ngưỡng Thánh Tâm Chúa Giêsu

Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19,37

Ngày 05.10.1986, khi viếng mộ Cha Claude la Colombière (1641-1682)1, tại Paray-le-Monial (Pháp), ĐGH Gioan Phaolô II đã trao cho Cha Kolvenbach, tổng quyền Dòng Tên (vào thời ấy), một lá thư kêu gọi Dòng Tên tiếp tục và tăng cường việc tôn sùng Thánh Tâm, trong đó có đoạn viết:

“Tôi muốn khuyên tất cả các thành viên của Dòng nhiệt tâm phát huy hơn nữa lòng sùng kính này, vì đó là điều đáp ứng hơn bao giờ hết những chờ đợi của thời đại chúng ta…

Nơi Thánh Tâm Đức Kitô, trái tim con người học để:

1/ nhận biết ý nghĩa đích thực và duy nhất của đời sống cũng như của vận mạng mình,

2/ hiểu giá trị một đời sống Kitô giáo đích thực;

3/ giữ mình khỏi những sự hư đốn của trái tim nhân loại,

4/ liên kết tình yêu mến thảo hiếu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân.

Như vậy, trên những đổ nát chồng chất do hận thù và bạo lực gây ra, vương triều của Thánh Tâm Đức Kitô, tức là một nền văn minh tình thương mà người ta thiết tha mong ước, sẽ có thể được xây dựng, và đây là việc “phạt tạ” đúng nghĩa và là điều Thánh Tâm của Đấng Cứu Thế đòi hỏi”.

Một chi tiết cần được chú ý là Đức Thánh Cha đã đồng hóa vương triều của Thánh Tâm với nền văn minh tình thương mà các ĐGH đương đại (Phaolô VI, Gioan-Phaolô II) không ngừng cổ võ. Ngài còn thêm: đây là việc phạt tạ đúng nghĩa. Tức là việc phạt tạ mà Chúa Giêsu mong muốn không đơn giản là việc hy sinh, hãm mình của mỗi người, nhưng là học biết yêu thương và biết cách đối xử với người khác trong tình thương.

1 Chân phước Claude la Colombière, được ĐGH Gioan- Phaolô II tuyên thánh ngày 31.5. 1992

 

 

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 18-12-2024

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 18/12/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​  Sự gần gũi …

Mến Yêu Hằng Ngày, 18-12-2024

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 4, 18-12-2024 (Mt 1,18-24) Sau đây là gốc tích Đức …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *