Luận chứng hữu thể học của Anselm

Nhắc đến thời Trung Cổ, người ta nghĩ ngay đến một thời kỳ vừa dài vừa tăm tối và bị thần quyền thống trị. Thế nhưng, có nghiên cứu kỹ, người ta mới thấy được những tinh hoa của triết Trung Cổ, với những suy tư đặc sắc, tiếp nối những tư tưởng thời Thượng cổ và đặt nền cho triết học Hiện đại về sau. Một trong những người đã góp phần làm nên khuôn mặt của triết Trung Cổ là Anselm (1033-1109), nhà thần bí, một học giả lỗi lạc. Anselm chủ trương sự gặp gỡ giữa lý trí và đức tin, rằng tin để có thể biết và biết để có thể tin hơn. Anselm nổi tiếng trong giới triết học nhờ luận chứng hữu thể học về sự hiện hữu của Thiên Chúa, được ngài giải trình trong tác phẩm Proslogion, chương 2 và 3. Người viết xin đào sâu luận chứng này với hy vọng nó sẽ trợ giúp mình trên hành trình hành triết và đời sống đức tin hơn, bởi nội dung của luận chứng này khá sâu sắc và hấp dẫn. Bài viết này theo lộ trình như sau: trước hết, người viết sẽ trình bày vắn gọn nội dung của luận chứng; sau đó, sẽ nói đến những ý kiến khác nhau về luận chứng này; cuối cùng sẽ là những phản tỉnh cá nhân về ý nghĩa của luận chứng trong xã hội ngày nay.

  1. Luận chứng hữu thể học của Anselm[1]

Anselm đã nhiều lần cố gắng tìm kiếm một luận chứng “tự đủ để kết nối những kết luận rằng Thượng đế thực sự hiện hữu và Ngài là sự thiện cao cả nhất” nhưng không thể được. Đến khi Anselm lâm cơn tuyệt vọng, thì luận cứ này “bỗng dưng hiện hình giữa mớ bòng bong những tư tưởng xung khắc của tôi [Anselm]”. Diễn tả như thế, có lẽ Anselm muốn nói rằng chính Thiên Chúa là Đấng đã ban cho ngài ý tưởng này chứ đó không phải là kết quả của nỗ lực bản thân. Anselm mở đầu luận chứng bằng lời cầu nguyện xin Chúa giúp ngài am hiểu điều ngài tin. Như vậy, Anselm đã đặt suy tư của mình trên nền tảng đức tin. Ngài đã tin là có Thiên Chúa trước khi nói về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Vì vậy, luận chứng của ngài không có dụng ý viết cho người không tin Chúa hiện hữu nhưng chỉ muốn chứng minh rằng niềm tin vào Thiên Chúa hiện hữu khả dĩ có thể hiểu được bằng lý trí.

Sau những lời thân thưa cùng Chúa, Anselm bắt đầu trình bày luận chứng trong chương 2 của Proslogion bằng định nghĩa về Thiên Chúa: Thiên Chúa là điều mà trên đó không gì có thể được suy tưởng. Bất cứ một người nào, kể cả “người khờ khạo” là người cho rằng “Làm gì có Thiên Chúa” (Tv 13,1), khi nghe định nghĩa này, đều hiểu nó muốn nói tới cái gì; và vì hiểu được nên “điều mà trên đó không gì có thể được suy tưởng” phải hiện hữu trong tâm trí kẻ ấy. Thế nhưng, nếu chỉ hiện hữu trong tâm trí mà thôi thì điều ấy chưa phải là điều cao cả nhất, vì người ta có thể vẫn còn tiếp tục suy nghĩ được một điều khác cao hơn nó. Vì thế, nếu Thiên Chúa là điều mà trên đó không gì có thể được suy tưởng thì tất yếu Ngài phải hiện hữu trong thực tế. Vị Thiên Chúa mà chỉ hiện hữu trong tâm trí thì, hoặc tự mâu thuẫn với chính định nghĩa về Ngài, hoặc không phải là Thiên Chúa đích thực. Trong chương 3 của Proslogion, Anselm tiếp tục trình bày một luận chứng tương tự về sự hiện hữu của Thiên Chúa, như sau: cái hiện hữu thì lớn hơn cái không hiện hữu; nếu Thiên Chúa là điều mà trên đó không gì có thể được suy tưởng, thì hẳn nhiên Ngài phải hiện hữu, vì nếu không, Ngài không phải là điều cao cả nhất như định nghĩa trình bày.

Anselm kết thúc việc trình bày luận chứng cũng bằng một lời cầu nguyện, trong đó, ngài tiếp tục khẳng định Thiên Chúa “hiện hữu thực thụ đến độ không ai có thể nghĩ là Ngài không hiện hữu… Chỉ mình Ngài hiện hữu theo nghĩa chân thực nhất…” Điều khiến cho Anselm không thể hiểu được là tại sao sự hiện hữu của Thiên Chúa rõ ràng đến vậy mà những kẻ khờ khạo vẫn cứ khăng khăng là “Làm gì có Thiên Chúa”. Trước khi trình bày luận chứng và khi đã hoàn thành viêc trình bày, Anselm đều nói về kẻ khờ khạo. Có vẻ như mục tiêu chính của Anselm khi trình bày luận chứng này là nhắm đến những kẻ khờ khạo.

2. Ý kiến xung quanh luận chứng

Tại Đan viện Marmontier gần Tours, một tu sĩ tên là Gaunilo đã viết một tác phẩm có tên là “Sách viết nhân danh kẻ ngu đần” với dụng ý phản bác lại Anselm. Gaunilo đả kích Anselm ở hai điểm. Điểm thứ nhất là ở định nghĩa của Anselm về Thiên Chúa: Thiên Chúa là điều mà trên đó không gì có thể được suy tưởng. Gaunilo viết:“Tôi không biết thực tại ấy là gì cũng không thể định hình một ý niệm nào về thực tại ấy như tôi có thể làm đối với những điều khác. Nếu định nghĩa Thiên Chúa như vậy, sẽ chẳng có gì là như thế cả”.[2] Gaunilo không hiểu được “điều mà trên đó không gì có thể được suy tưởng” là cái gì. Có vẻ Gaunilo muốn nói, ta không thể hình dung ra được Thiên Chúa theo kiểu ấy, và vì thế, Thiên Chúa không thể ở trong tâm trí ta được; luận chứng của Anselm, xuất phát từ định nghĩa ấy, trở nên bế tắc. Điều thứ hai, Gaunilo không đồng ý với Anselm ở luận điểm: để trở thành điều mà trên đó không gì có thể được suy tưởng, thì điều đang ở trong tâm trí ấy phải hiện hữu trong thực tế. Theo Gaunilo, lập luận như vậy không chính xác. Gaunilo lấy ví dụ về một hòn đảo đầy vàng hoản hảo. Cứ theo cách lập luận của Anselm thì để trở thành một hòn đảo hoàn hảo nhất, hòn đảo ấy nhất thiết phải có trong thực tại, nếu không thì nó chưa hoàn hảo nhất. Gaunilo nói, “…nếu có ai đó thuyết phục tôi rằng hòn đảo như thế phải tồn tại trên thực tế (để được là hòn đảo hoàn hảo) tôi hoặc sẽ nghĩ là anh ta điên, hoặc sẽ xét xem ai trong chúng tôi là người điên”.[3] Trả lời phản bác thứ nhất, Anselm nói rằng dù chúng ta không thể hình dung ra điều mà trên đó không gì có thể được suy tưởng nhưng rõ ràng là chúng ta đều có một cảm thức về nó, và như thế là nó nằm trong tâm trí chúng ta. Về phản bác thứ hai, Anselm không chối bỏ ví dụ của Gaunilo về hòn đảo, nhưng Anselm cho rằng cách lập luận của mình chỉ có thể áp dụng cho một trường hợp duy nhất là Thiên Chúa. Ta luôn có thể nghĩ đến một điều lớn hơn  hòn đảo, dù hòn đảo đó có hoàn hảo thế nào đi nữa.[4]

Sống cách Anselm đến 6 thế kỷ, Descartes (1596-1650) đã sử dụng lại luận chứng của Anselm để chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa theo cách của mình. Trong cuốn “Suy Niệm Siêu Hình số 2”, Descartes cho rằng nơi Thiên Chúa, yếu tính và hiện hữu không tách rời nhau. Ta không thể nghĩ đến một vị Thiên Chúa với toàn thể những thuộc tính siêu việt của Ngài mà không cho rằng Ngài hiện hữu. Thiên Chúa gắn liền với sự hiện hữu cũng tựa như một tam giác gắn liền với việc tổng ba góc của tam giác đó là 1800. Ngoài ra, Descartes cũng suy tưởng rằng mình hữu hạn và bất toàn nhưng lại có ý niệm về cái vô hạn và hoàn hảo, như vậy phải có một Đấng vô hạn và hoàn hảo tồn tại, là Đấng đã gieo vào trong ta ý niệm về sự vô hạn và hoàn hảo. Descartes muốn cố gắng chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa xuất phát từ ý niệm có trong đầu để đi đến một sự hiện hữu trong thực tế.

Không lâu sau đó, Kant (1724-1804) trong tác phẩm “Phê Bình Lý Trí Thuần Túy” đã chỉ trích cách lập luận này của Descartes, rồi qua đó, ông chỉ trích cả Anselm. Kant cho rằng lập luận của Anselm thiếu xác đáng vì đã xem hiện hữu như một thuộc tính của Thiên Chúa. Theo Kant, hiện hữu không phải là một thuộc tính. Nói rằng Thiên Chúa hiện hữu thì chẳng thêm được điều gì cho Thiên Chúa để làm cho Ngài trở nên cao cả hơn. Kant lấy ví dụ: 100 USD có thực trong túi chẳng thêm gì cho 100 USD mà ông có trong tâm trí. Do đó, không được lẫn lộn ý niệm trong trí với hiện hữu ngoài thực tế; một khái niệm về hữu thể hoàn hảo trong trí không nhất thiết kéo theo việc hiện hữu của hữu thể ấy trên thực tế để được hoàn hảo hơn.

Thomas Aquinas (1225-1274) thì cho rằng dù luận chứng này có đúng, nó cũng không có sức thuyết phục. Sự đồng nhất giữa yếu tính và hiện hữu, có thể hiển nhiên với Thiên Chúa nhưng không hiển nhiên với con người. Thomas chủ trương lối chứng minh mang tính hậu nghiệm, nghĩa là xuất phát từ kinh nghiệm thực tế của con người hơn. Đó là lý do khiến Thomas phát triển học thuyết về Ngũ Đạo của mình.

Thiết nghĩ cũng nên nói một lời biện hộ cho Anselm trước những chỉ trích mà Kant dành cho ông. Cách nào đó, Kant có vẻ như chỉ đứng bên ngoài để suy tư về luận chứng hữu thể học như một lập luận chứng minh, chứ chưa đặt mình vào bối cảnh của Proslogion như nó là. Nhà thần học Karl Barth (1886-1968) đã nhận định rất chí lý rằng Proslogion là một nổ lực nhằm xác nhận điều đức tin phát biểu về Thiên Chúa hơn là tác phẩm triết học.[5] Thực vậy, Proslogion trước hết là một lời cầu nguyện, sau là lời ngỏ của Anselm dành cho “người khờ khạo” để giúp họ nhận thấy sự mâu thuẫn trong chính họ, chứ không phải là một luận chứng chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa. Cái tên “luận chứng hữu thể học” không xuất phát từ Anselm như từ Kant.[6] Khách quan mà nói, phê bình của Kant có thể đúng đối với Descartes nhưng không đúng đối với Anselm vì Anselm đã không nhầm lẫn giữa ý niệm và thực tế. Anselm không hề nói rằng hiện hữu là một đặc tính bổ túc cho sự hoàn hảo của Thiên Chúa. Anselm cũng không đi từ điều có trong tâm trí để suy diễn đến hiện hữu trong hiện thực. Chỉ đơn giản, Anselm nói rằng tiến trình nghĩ đến điều gì đó cao hơn cái đã được nghĩ luôn có thể được diễn ra trong tâm trí mà vì Thiên Chúa là điều mà trên đó không gì có thể được suy tưởng, nên điều gì đó chỉ tồn tại trong trí thôi thì không thể là Thiên Chúa (bởi cái cao hơn sẽ được nghĩ tới). Vì thế, Thiên Chúa phải hiện hữu trong thực tế. Hoặc, Thiên Chúa là điều mà trên đó không gì có thể được suy tưởng, và chúng ta cũng có thể nghĩ đến điều tồn tại cách bất tất. Mà điều tồn tại cách bất tất thì kém hơn điều tồn tại cách tất yếu. Vậy Thiên Chúa phải tồn tại cách tất yếu.

Lập luận theo cách như vậy có lẽ sẽ giúp thấy rõ hơn luồng tư duy của Anselm. Tuy nhiên, như đã nói, sẽ là một thiếu sót nếu ta chỉ nhìn thấy nơi Proslogion một luận cứ chứng minh. Proslogion cần được hiểu dưới chiều kích thiêng liêng, như một lời nhắn gửi dành cho những “người khờ khạo.”

  1. 3.      Tính thời sự của luận chứng

Không thời đại nào lại không có “kẻ khờ” như Thánh vịnh diễn tả. Có nhiều lý do khiến người ta chối bỏ Thiên Chúa: có thể vì sợ rằng đời mình sẽ bị vị Thiên Chúa ấy thống trị, có thể vì quá tin vào khoa học như một chuẩn mực tối cao, cũng có thể vì muốn phải có chứng từ tai nghe mắt thấy tay chạm sờ. Có người tuyên bố cách công khai lập trường chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa của mình, người khác thì ngoài miệng tuyên xưng nhưng tận cõi lòng vẫn hoài nghi không ít.

Gần một ngàn năm về trước, Anselm đã thấy được viễn cảnh này với một nỗi khắc khoải. Nêu lên luận chứng này, chắc hẳn ngài muốn chỉ cho những “người khờ khạo” thấy sơ hở trong lối nghĩ của họ. Người ta chối bỏ Thiên Chúa là vì người ta chưa hiểu được tường tận vấn đề. Anselm đã dẫn kẻ khờ đi vào trong tận sâu ý thức của mình để thấy: nếu họ chối bỏ Thiên Chúa, họ cũng chối bỏ chính lý trí của mình; họ mâu thuẫn với chính mình vì làm sao có thể quan niệm Thiên Chúa như là điều cao cả đến độ không gì cao hơn có thể được suy tưởng, lại không đi kèm với việc xác nhận Ngài hiện hữu cách tỏ tường. Ai phủ nhận Thiên Chúa là đã khẳng định có Thiên Chúa cách nào đó rồi. Không phải chính Anselm hay lập luận của ngài dẫn “người khờ” đến chỗ thừa nhận Thiên Chúa, nhưng chính là bản thân những kẻ khờ, khi lần theo luận chứng của Anselm mà vận dụng lý trí để ngẫm suy đến mức độ cao nhất. Nói cách khác, Anselm không tìm chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa cho bằng giúp kẻ khờ nhận ra “sự khờ khạo” của mình. Hiểu như vậy, ta lập tức đặt ra câu hỏi: liệu có người vô thần thực chất không? Họ vô thần là vì họ không dám đón nhận sự thật hay do sự vô tri của lý trí? Ngoài ra, Thánh Vịnh đã dùng từ “kẻ khờ” chứ không dùng từ “kẻ không tin”. Khờ là vì không biết, vì chưa được thông tri. Lời nhắn gửi của Anselm dành cho kẻ khờ cũng là lời mời gọi những ai am hiểu hãy giúp đỡ những “người khờ” đi đến nguồn cội của lý trí, để suy nghĩ cho đạt thấu.

Con người của thời đại này muốn dùng trí hiểu để thấu đạt Thiên Chúa. Dù rằng Thiên Chúa là Đấng không thể nào được đạt thấu, luận chứng của Anselm có thể là một lời phúc đáp cho đòi hỏi của họ. Họ sẽ phải chấp nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa nếu như họ thành thật với lý trí của mình. Trong kinh nghiệm của Anselm, muốn hiểu được chân lý của Thiên Chúa, phải tin vào Ngài trước đã. Tự niềm tin sẽ dẫn lý trí đến chỗ thông hiểu.

Kết bài

Trên đây là trình bày ngắn gọn của người viết về nội dung của luận chứng hữu thể học nổi danh trong lịch sử cùng những ý kiến xung quanh nó và đôi điều phản tỉnh của người viết. Anselm viết không ít tác phẩm nhưng xem ra một vài trang ngắn ngủi trong Proslogion lại được nhiều người chú ý hơn. Bất chấp những phản bác, luận chứng này vẫn tồn tại và thu hút sự quan tâm của rất nhiều độc giả. Cứ nhắc đến những luận chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa, người ta nghĩ ngay đến luận chứng này, dù, như chúng ta đã phân tích ở trên, việc xếp loại này không thật sự hoàn toàn xác đáng. Theo suy nghĩ của người viết, luận chứng này trở nên nổi tiếng, ngoài giá trị mang tính triết học của nó, còn bởi vì nó là một tiếng nói vọng vang qua mọi thời đại, cảnh tỉnh “những người khờ” hiểu biết chưa sâu. Giá trị của luận chứng hữu thể học cũng nói lên giá trị của triết học Trung Cổ: triết Trung Cổ không tầm thường như nhiều người vẫn nghĩ.

 

Lê Hoàng Nam, S.J.

MỤC LỤC

 

  1. NGUYỄN HỒNG GIÁO, Thần Lý Học, lưu hành nội bộ
  2. MAC GREGOR GEDDES, Dẫn nhập triết học tôn giáo, lưu hành nội bộ
  3. CENIZA CALARO R. & BULAD ROMUALDO E., Nhập môn triết học siêu hình học –thần học và vũ trụ luận, Lưu Văn Hy chuyển ngữ, NXB Tổng Hợp TPHCM, TP HCM, 2005
  4. DAVIES BRIAN & LEFTOW BRIAN, The Cambrige Companion to Anselm,CambridgeUniversityPress,United Kingdom, 2004
  5. SAMUEL ENOCH STUMPT, Lịch Sử Triết Học Và Các Luận Đề, chuyển dịch bởi Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy, NXB Lao động, Hà Nội, 2004.
  6. JOSEPH GODFREY, Philosophy of Religion, Handbook andReadings, 2011
  7. ĐẠI HỌC FORDHAM: http://www.fordham.edu/halsall/source/anselm.asp

 


[1] Tất cả phần trích dẫn trong mục này, người viết lấy từ CENIZA CALARO R. & BULAD ROMUALDO E., Nhập môn triết học siêu hình học –thần học và vũ trụ luận, Lưu Văn Hy chuyển ngữ, NXB Tổng Hợp TPHCM, TP HCM, 2005 và Đại học Fordham: http://www.fordham.edu/halsall/source/anselm.asp.

[2] x. DAVIES BRIAN & LEFTOW BRIAN, The Cambrige Companion to Anselm, Cambridge University Press, UK, 2004, tr 163

[3] x. DAVIES BRIAN & LEFTOW BRIAN, sđd, tr 164

[4] x. ANSELM, Anselm’s Reply to Gaunilo, từ  http://www.fordham.edu/halsall/source/anselm.asp

[5] x. DAVIES BRIAN & LEFTOW BRIAN, The Cambrige Companion to Anselm, Cambridge University Press, UK, 2004, tr. 58.

[6] x. NGUYỄN HỒNG GIÁO, Thần Lý Học, lưu hành nội bộ, tr. 31

Kiểm tra tương tự

Cuốn sách cảm động về một người tị nạn được giới thiệu bởi Đức Giáo hoàng Phanxicô

‘Little Brother: A Refugee’s Odyssey’ – ‘Người em bé nhỏ: Cuộc phiêu lưu của người …

Hướng về các linh hồn đã khuất

  “Con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà …

Một bình luận

  1. các bạn có thể cho tôi biết Có thể quy trách nhiệm Cho thượng đế vì đã để cho xảy ra sự dữ trong tạo vật (Thiên nhiên và con người) hay không? nếu không thì ai mới đúng là kẻ phải chịu trách nhiệm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *