Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo

Có hai con đường. Thứ nhất là con đường của sự hiệp nhất chân thật và Chúa Giêsu muốn dẫn lối chúng ta theo con đường này, để vượt thắng sự hiệp nhất giả dối. Thứ hai là con đường của xét đoán và chia rẽ, con đường hủy diệt của thủ lãnh thế gian. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Có sự hiệp nhất giả dối

Có sự hiệp nhất giả dối, như được kể trong bài đọc trích sách Tông đồ Công vụ hôm nay. Những kẻ tố cáo thánh Phaolô tỏ ra là hiệp nhất với nhau. Họ đồng thanh buộc tội thánh Phaolô. Họ tỏ ra là một nhóm hiệp nhất. Nhưng trong hoàn cảnh đó, thánh Phaolô là người rất nhanh trí và đầy khôn ngoan của Thánh Thần, nên đã biết cách đối đáp. Thánh Phaolô nói lớn tiếng giữa công nghị: “Thưa anh em, tôi là người biệt phái, con của người biệt phái, tôi bị xét xử vì niềm hy vọng và vì niềm tin vào sự sống lại”. Thánh Phaolô vừa nói xong thì xảy ra sự bất đồng giữa những người tố cáo thánh nhân, vì giữa họ kỳ thưc có hai phe. Nhóm Sađốc cho rằng không có sự sống lại, cũng không có thiên thần và thần linh; còn nhóm biệt phái thì tin tất cả những điều đó. Và như thế, có sự tranh luận gay gắt và bất đồng lớn giữa công nghị. Thế là, thánh Phaolô đã cho thấy sự hiệp nhất giả tạo giữa họ.

Người dân bị giật dây

Trong những cuộc bách hại khác mà thánh Phaolô phải chị đựng, chúng ta thấy dân chúng la hét mà thực ra chẳng biết là mình đang nói gì, bởi vì dân chúng khi ấy đang bị những kẻ lãnh đạo giật dây.

Có hiện tượng các nhà lãnh đạo khai thác, giật dây và chuyển hướng dân chúng. Điều này được lặp lại nhiều lần. Chúng ta thử nghĩ mà xem. Ngày lễ lá, dân chúng vui mừng ca hát đón rước Chúa Giêsu vào thành thánh Giêrusalem. Họ tung hô rằng: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến!” Thế mà, chỉ mấy ngày sau, vào ngày thứ sáu, họ đã la hét chống lại Chúa mà rằng: “Đóng đinh nó vào thập giá!” Điều gì đã xảy ra vậy? Điều gì làm cho dân chúng thay đổi hoàn toàn như thế? Đó là sự thay đổi của dân chúng dẫn đến chỗ kết án và phá hủy.

Cẩn thận về việc nói hành nói xấu trong giáo xứ

Luôn có sự liên kết trong chuỗi tố cáo và kết án. Nếu ở đó có sự hiệp nhất, thì chỉ là hiệp nhất giả tạo mà thôi. Có lẽ ở mức độ thấp hơn, nhưng trong các giáo xứ cũng có những điều như thế.

Trong giáo xứ, có vài người bắt đầu chỉ trích người này người nọ. Họ bắt đầu nói thế này thế kia… Họ làm như thể họ thống nhất với nhau, như thể họ hiệp nhất với nhau trong vấn đề đó. Dường như họ đồng tâm nhất trí trong việc lên án ấy. Và họ cảm thấy an toàn khi cùng nhau lên án người này người nọ. Nhưng đó chỉ là sự hiệp nhất giả dối. Bởi vì với sự lên án ấy, với thái độ lên án ấy, họ đang gây chia rẽ và giữa họ cũng bị chia rẽ. Điều đó giải thích cho chúng ta hiểu được: tại sao việc ăn nói huyên thuyên, việc nói hành nói xấu là một thái độ nguy hiểm chết người.

Tiến bước trên con đường hiệp nhất chân thực

Chúng ta hãy nghĩ về ơn gọi cao cả mà chúng ta được mời gọi. Đó là hiệp nhất với Chúa Giêsu, để mọi người nên một, cũng như Chúa Cha ở trong Chúa Con và Chúa Con ở trong Chúa Cha. Trên con đường này, chúng ta phải cùng nhau tiến bước. Tất cả chúng ta phải đoàn kết và cố gắng tiến đến con đường hiệp nhất ấy. Không phải là kiểu hiệp nhất giả bộ, không phải là kiểu hiệp nhất trống rỗng. Vì kiểu hiệp nhất giả dối là việc đồng thanh kết án người khác và theo đuổi tư lợi này nọ. Kiểu hiệp nhất giả dối, kỳ thực là sự chia rẽ, là sự hủy diệt của thủ lãnh thế gian này. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn, để có thể luôn tiến bước trên con đường hiệp nhất chân thực.

Tứ Quyết SJ
Truyền Thông Vatican 17.05.2018

Kiểm tra tương tự

Lễ Hiển Linh và Sternsinger là chương trình gì ?

  Các bài Thánh Kinh trong Lễ Hiển Linh giúp ta nhìn thấy các nhà …

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình Thế …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *