Lương Thực Nuôi Sống Linh Hồn | Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật 20 Thường Niên năm B

Nếu bạn đưa đoạn Tin mừng về bánh hằng sống cho người khác tôn giáo đọc, họ sẽ rất ngạc nhiên. Cực đoan hơn, họ sẽ nói đoạn Tin mừng này khó tin. Đây hoàn toàn là câu chuyện phi lý và hoang đường. Làm sao một người có thể cho thịt và máu của mình để nuôi sống người khác? Đó là sự kiện gây sốc. Nhưng đây lại là nền tảng và nguồn sống của người Công giáo: Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu. Đây là lương thực nuôi dưỡng linh hồn con người.

Tin mừng Chúa nhật hôm nay kể về câu chuyện Chúa Giêsu là bánh hằng sống từ trời xuống. Ngài đến từ Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu cho rằng chỉ có những ai ăn thịt và uống máu Ngài, họ mới có sự sống. Thịt và máu có thể nuôi con người, nhưng làm sao lại ăn thịt một con người? Câu hỏi này được chính khán giả thời đó đặt ra cho Chúa Giêsu. Họ từng chứng kiến Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. Họ từng thấy Chúa Giêsu làm cho người chết sống lại. Nhưng câu chuyện thịt máu này khiến họ tranh luận sôi nổi. Họ cần một câu giải thích rõ hơn từ Chúa Giêsu.

Chúng ta để ý đến sự kiện quan trọng khi Đức Giêsu nói: “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.” Đây là câu điều kiện sống còn, nghĩa là nếu chúng ta không…thì chúng ta cũng không… Nếu không ăn thịt và uống máu Chúa, thì ta không có sự sống. Nói rộng hơn, nếu ta không tin Chúa Giêsu, thì chúng ta cũng không tin những lời này. Nếu không tin những lời này, thì Thánh lễ ngày nay cũng trở nên vô nghĩa. Và sau cùng, nếu ta không ăn bánh này, thì chúng ta cũng không được sống muôn đời.

Con người muốn sống, và sống trường sinh. Chính Chúa Giêsu hiểu được khao khát thẳm sâu này. Chính Ngài cũng biết nguồn sống này và Ngài đã trao cho con người. Tiếc là sự thật này không hợp lý theo cách nghĩ của phàm nhân. Nhưng sự thật là ai ở trong Chúa thì có sự sống. Ai được Thiên Chúa cứu nghĩa là được ở nơi hạnh phúc. Thánh Gioan dùng rất nhiều lần từ “ở trong, ở lại” với Chúa Giêsu. Để có được điều này, người ấy phải ăn thịt và uống máu Chúa. Hệt như Chúa Giêsu sống nhờ vào Chúa Cha thế nào, thì những ai đón Mình máu thánh Chúa Giêsu cũng ở trong Ngài như vậy. Hoặc nói như thánh Tôma Aquinô: “Hiệu quả đích thực của bí tích Thánh Thể là chuyển đổi con người thành Thiên Chúa.” Hoặc như ngôn ngữ ngày nay, bí tích Thánh Thể giúp ta biến đổi gen giống với “gen” của Thiên Chúa (St 1,26-27). Đây là mầu nhiệm lớn lao! 

Có lẽ đây là một trong những diễn từ quan trọng nhất của Chúa Giêsu: Bánh Hằng Sống. Chính Thánh Gioan cũng dành rất nhiều giấy mực để thuật lại mầu nhiệm quan trọng này. Lúc đầu cử tọa có thể hơi sốc, đến rất sốc với thông điệp, nhưng đây là sứ điệp để sống. Bạn cứ nhìn bao nhiêu người tham dự Thánh lễ. Họ nghiêm trang cung kính đón Mình Máu Thánh Chúa trong mỗi Thánh Lễ. Họ đang ăn bánh trường sinh đấy! Đừng quên việc cử hành bí tích Thánh Thể là tâm điểm của sự thông hiệp của Kitô giáo. Nhờ bí tích Thánh Thể, Hội thánh mới trở thành đích thực là Hội thánh. Vì điều này mà Giáo hội không ngừng dâng thánh lễ để cung cấp nguồn sống cho con người. “Không rước lễ thì giống như chết khát bên dòng suối.” (Thánh Gioan Vianney). Ngược lại, Lời Chúa năm xưa và lúc này cũng như nhau với cùng một thông điệp: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” (Ga 6,54). Bằng cách nào?

Để trả lời vắn gọn, chúng ta hiểu thế này: các nhà thần học dùng từ transubstantiation-biến thể. Làm thế nào Chúa Giêsu có thể hiện diện trong bí tích Thánh Thể dưới hình bánh hình rượu: bánh rượu vẫn có “hình” bề ngoài không thay đổi, nhưng cái “bản thể” hoặc bản tính của bánh và rượu đã biến thành Mình và Máu Chúa Kitô, đó là nhờ tác động của Chúa Thánh Thần lúc linh mục đọc các lời truyền phép. Từ lúc đó, Chúa Giêsu không chỉ là một biểu tượng hoặc nhân vật trong quá khứ, nhưng Ngài hiện diện thật sự trong bí tích Thánh Thể này.  Đây là bí tích mà Chúa Giêsu Kitô đã thiết lập trong bữa tiệc ly, nơi Ngài đã biến bánh và rượu thành Mình và Máu Ngài. Bí tích Thánh Thể được xem là “bánh từ trời”và “chén cứu độ”, mang lại sức mạnh cho những ai rước lấy. 

Nếu chút giải thích trên đây vẫn khó hiểu, xin bạn cứ yên tâm. Lý do là suốt dòng lịch sử, con người vẫn không sao hiểu hết về mầu nhiệm cao cả này. Điều thú vị là biết bao người được mầu nhiệm Thánh Thể này nuôi sống họ trên hành trình đức tin. Họ đón nhận Chúa và Chúa Giêsu ở lại trong họ. Kinh nghiệm này đòi mỗi người chủ động tìm đến với Bánh hằng sống và với Máu trường sinh. Xin đừng tìm quá xa, vì Chúa đang hiện diện trong mỗi Thánh lễ, nơi rất gần chúng ta. Miễn là chúng ta muốn tham dự Bàn Tiệc Thánh, muốn lãnh nhận Mình Máu Chúa. Điều thú vị là Chúa Giêsu luôn chờ đợi chúng ta. Ngài vẫn luôn cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các mỗi người và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy”. Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người.” (Mc 14,22-26). Đó là nguồn sống của chúng ta.

 

Cầu nguyện [1]:

Lạy Chúa,
Chúa là thức ăn, thức uống của con.
Càng ăn, con càng đói;
càng uống, con càng khát;
càng sở hữu, con lại càng ước ao.

Chúa ngọt ngào trong cổ họng con
hơn cả tầng mật ong,
vượt quá mọi thứ ngọt ngào khác trên đời.

Lúc nào con cũng thấy đói khát và ước ao,
vì con không sao múc cạn được Chúa.

Ngài nghiền nát con hay con nghiền nát Ngài?
Con chẳng rõ; vì ở thẳm sâu lòng con,
con cảm thấy cả hai.

Chúa đòi con nên một với Ngài,
đòi hỏi đó làm cho con đau đớn,
vì con không muốn từ bỏ
những thói quen của con
để ngủ yên trong tay Chúa.

Con chỉ biết tạ ơn Chúa,
ca ngợi và tôn vinh Chúa,
bởi đó là sự sống đời đời cho con.

 

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

 

[1] RABBOUNI, số 104

Kiểm tra tương tự

Manna: Tin Mừng trọng đại (24.12-Lễ Chúa Giáng Sinh – Lễ đêm – Lc 2,1-14)

Lời Chúa: Lc 2, 1-14 1 Thời ấy, hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ, truyền …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …