Người ta không thể thấy lý thuyết của PLATO về tri thức được diễn tả cách hệ thống và được soạn thảo hoàn chỉnh trong bất cứ một đối thoại (dialogue) nào. Thật vậy, đối thoại Theaetetus được dành để đánh giá những vấn đề của tri thức, nhưng nó lại không có kết luận, vì trong tác phẩm đó, Plato kiên quyết bác bỏ những lý thuyết sai lệch về tri thức, đặc biệt là lý thuyết cho rằng tri thức là một sự tri nhận bằng giác quan (sense-perception). Hơn nữa, trước khi biên soạn xong đối thoại Theaetetus, Plato đã hoàn tất lý thuyết của ông về các cấp bậc của “tri thức”, tương ứng với phẩm trật hữu thể trong tác phẩm Republic (Cộng hoà). Như thế, chúng ta có thể nói rằng Plato trình bày khía cạnh tích cực trước khía cạnh tiêu cực và đáng phê phán, hoặc là Plato xác định tri thức là gì, rồi sau đó mới chuyển sang đánh giá những khó khăn cũng như bác bỏ một cách có hệ thống những lý thuyết mà ông cho là sai lệch. Tuy nhiên, trong một cuốn sách như thế này, có lẽ tốt nhất là trình bày khía cạnh tiêu cực và đáng phê phán của tri thức luận Plato trước khi tiến hành nghiên cứu giáo thuyết thực chứng của ông. Theo đó, chúng ta đề nghị trước hết nên tóm lược luận cứ của đối thoại Theaetetus, trước khi tiếp tục xem xét giáo thuyết của ông trong đối thoại Republic (Cộng hoà) nói về tri thức. Phương pháp này có lẽ cần được minh giải bởi tính cấp thiết của cách giải quyết hợp luận lý, cũng như bởi thực tế là đối thoại Republic (Cộng hoà) trước hết hoàn toàn không phải là một tác phẩm về tri thức luận. Học thuyết tri thức luận thực chứng (positive epistemological doctrine) chắc chắc được chứa đựng trong tác phẩm Republic (nền Cộng hoà), nhưng một vài những tiền giả định mang tính tiên thiên hợp luận lý (logically prior) của giáo thuyết đó nằm trong Theaetetus, đối thoại được viết sau Republic.
Việc tóm kết tri thức luận của Plato và đưa nó vào trong mô thể có hệ thống trở nên phức tạp bởi thực tế là khó mà tách riêng biệt được tri thức luận của Plato ra khỏi hữa thể luận của ông. Plato không phải là triết gia có óc phê phán theo đúng nghĩa của Emmanuel Kant, và mặc dù có thể đọc được trong những tư tưởng của ông một sự tiên đoán về Triết Học Phê Phán (Critical Phylosophy) (chí ít đó cũng là điều mà một số học giả đã nỗ lực thực hiện), ông có ý cho rằng chúng ta có thể có tri thức, đồng thời ông có khuynh hướng quan tâm trước hết đến câu hỏi “Đối tượng đích thực của tri thức là gì?”. Điều đó có nghĩa là những chủ đề về hữu thể luận và tri thức luận thường được hoà lẫn với nhau và được nghiên cứu ở cùng cấp độ, giống như trong đối thoại Republic (Cộng hoà). Chúng ta sẽ cố gắng để tách tri thức luận của Plato khỏi hữu thể luận của ông, nhưng sự cố gắng này có thể không hoàn toàn thành công, vì đặc tính chính yếu của tri thức luận Plato.
I. Tri thức không phải là tri nhận bằng giác quan (sense-perception)
Socrates, giống như các biện giả (Sophists), cũng quan tâm đến lối hành xử thực dụng, nên ông không chịu đồng thuận với ý kiến cho rằng chân lý là tương đối, không hề có chuẩn mực vững bền nào cả và không có đối tượng tri thức nào là vĩnh cửu. Ông xác tín rằng cách hành xử hợp luân thường đạo lý phải được đặt nền tảng trên tri thức và tri thức này phải là tri thức mang giá trị vĩnh hằng chứ không phải dễ bị thay đổi theo những cảm tưởng đầy cảm tính hay những ý kiến chủ quan, nhưng đó phải là tri thức chung cho mọi người, mọi dân tộc và mọi thời đại. Plato thừa hưởng từ Thầy ông niềm xác tín là có thể tồn tại một tri thức theo nghĩa là tri thức khách quan và hợp thức cách phổ quát; nhưng ông cũng mong ước chứng minh được vấn đề đó bằng lý thuyết, và ông ấy đã phân tích sâu sắc được những vấn đề của tri thức khi đặt ra câu hỏi: “Tri thức là gì?”; “Tri thức thuộc về cái gì?”.
Trong đối thoại Theaetetus, mục tiêu hàng đầu của Plato là bác bỏ những lý thuyết sai lệch. Theo đó, ông tự trao cho mình trách nhiệm đặt lại vấn đề lý thuyết của Protagoras cho rằng tri thức là tri giác, và điều gì mà một cá nhân cảm thấy đúng thì quả là đúng đối với cá nhân đó. Phương pháp của Plato là dùng biện chứng pháp để suy ra một nhận định rõ ràng về lý thuyết tri thức được bao hàm bởi hữu thể luận của Heraclitus và tri thức luận của Protagoras, là trình bày những hệ quả của nó và là chỉ ra rằng quan niệm về “tri thức” đạt được chưa thoả mãn được những đòi hỏi của tri thức thực thụ, vì tri thức phải là, Plato kết luận, (i) không thể sai lầm, (ii) thuộc về hữu thể. Tri nhận bằng giác quan không là cái này (i) và cũng chẳng là cái kia (ii).
Chàng sinh viên toán học Theaetetus tham gia đàm thoại với Socrates, và ông hỏi anh ta: “Anh nghĩ tri thức là gì?”. Theaetetus trả lời bằng cách đề cập đến hình học, các ngành khoa học và nghề nghiệp, nhưng Socrates cho biết là đó không phải là những đáp án cho câu hỏi của ông, vì ông đã không hỏi là tri thức thuộc về cái gì mà là hỏi tri thức là gì. Vì vậy, cuộc thảo luận của họ mang tính tri thức luận, mặc dù như đã nói, những đánh giá mang tính hữu thể luận vẫn không thể tách rời riêng ra được, bởi vì đặc tính chính yếu của tri thức luận Plato. Hơn nữa, thật khó để biết làm thế nào mà trong mọi trường hợp một cuộc thảo luận về tri thức có thể tránh được những vấn đề hữu thể luận, vì không có bất kì tri thức nào là hư không: tri thức, nếu đó là tri thức đặc thù, tất yếu nó phải là tri thức về điều gì đó, và rất có thể tri thức đó liên quan đến một loại đối tượng đặc thù nào đó.
Theaetetus được Socrates khích lệ nên lại có gắng để trả lời câu hỏi đã đặt ra, anh ta cho rằng “tri thức không gì khác hơn là tri giác,” và không chút nghi ngờ, ông nghĩ trước hết đến thị giác (vision) mặc dù bản thân tri giác dĩ nhiên mang nghĩa hàm ẩn rộng hơn. Socrates đề xuất cứu xét ý niệm tri thức đó, và trong khi đàm thoại, ông rút ra từ Theaetetus một sự đồng thuận với quan điểm của Protagoras là tri thức mang ý nghĩa ngoại tại và những ngoại tại biến chuyển theo những chủ thể khác nhau. Đồng thời, ông thuyết phục Theaetetus chấp nhận rằng tri thức luôn là điều gì đó hiện hữu, và đã là tri thức thì không thể sai lầm. Khi điều đó đã được xác lập, bước tiếp theo Socrates cố gắng cho thấy những khách thể của tri giác, giống như Heraclitus đã cho biết, luôn ở trong tình trạng không ngừng thay đổi: chúng không bao giờ là đang hiện hữu, nhưng luôn luôn trong tình trạng đang trở thành. (Plato dĩ nhiên là không chấp nhận giáo thuyết của Heraclite cho rằng mọi thứ đều đang trở thành, mặc dù ông chấp nhận giáo thuyết liên quan đến những khách thể của tri giác bằng giác quan, rồi đưa ra kết luận là tri giác bằng giác quan không thể đồng nhất với tri thức được.) Vì mỗi khách thể có thể biểu lộ lúc thì trắng, lúc thì xám, thi thoảng nóng và thi thoảng lạnh,…, nên “biểu lộ” (appearing to) phải mang nghĩa “đang xảy đến” (becoming for), vì vậy, tri giác luôn thuộc về cái đang trong tiến trình trở thành. Tri giác của tôi là đúng đối với tôi, và nếu tôi biết điều gì xảy đến với tôi cứ như là điều mà hiển nhiên tôi biết, vậy thì tri thức của tôi là bất khả sai lầm. Vì vậy, Theaetetus đã nói rõ rằng sự tri giác là tri thức.
Khi tiếp cận quan điểm đó, Socrates đề nghị xem xét ý niệm cách sâu sắc hơn. Ông lên tiếng bắt bẻ rằng nếu tri thức là tri giác thì chẳng có ai thông thái hơn ai, vì tôi là quan toà tài ba nhất theo như tri giác bằng giác quan của chính tôi. Vậy thì Protagoras đưa ra lập luận nào để làm cơ sở giảng dạy người khác và hưởng khoản thù lao hậu hĩnh nhờ công việc đó? Và đâu là sự ngu muội làm cho chúng ta phải đặt mình dưới chân ông ấy? Lý do chẳng là vì mỗi người chúng ta không phải là thước đo cho sự thông thái của ông ấy hay sao? Hơn nữa, nếu tri thức và tri giác là cùng một thứ, và nếu không có sự khác biệt giữa nhìn thấy và nhận biết, có thể dẫn đến là một người đã nhận biết (thực chất là thấy) một điều gì đó trong quá khứ và vẫn còn nhớ nó, giờ lại không biết được nó – mặc dù anh ta còn nhớ nó – vì anh ta không thấy nó. Ngược lại, giả dụ là một người có thể nhớ lại cái gì đó mà trước đây anh ta đã nhận thức và có thể nhận biết nó, thậm chí giờ đây không còn nhận thức được nó nữa, thì cũng suy ra rằng tri thức và tri giác không thể được coi là như nhau được (cho dù tri giác có là một loại tri thức đi chăng nữa).
Thế rồi Socrates công kích học thuyết của Protagoras trên bình diện rộng lớn hơn khi hiểu rằng ý niệm “Con người là thước đo cho mọi vật” không chỉ liên quan tới tri giác bằng giác quan mà còn liên hệ đến mọi chân lý. Ông ấy chỉ ra rằng đa số người ta tin vào tri thức và sự ngu muội, đồng thời tin là chính bản thân họ hay những người khác có thể xem điều gì đó là đúng nhưng trên thực tế thì lại không đúng. Theo đó, bất kỳ ai coi học thuyết của Protagoras là sai lầm, chiếu theo chính Protagoras, lại đang nắm giữ chân lý. (thực chất thì con người làm thước đo cho mọi sự ấy chỉ là một cá nhân mà thôi).
Sau những phê phán đó, Socrates dập tắt những yêu sách muốn xem tri giác là tri thức khi ông chỉ ra rằng (i) tri giác không phải là toàn bộ tri thức, và (ii) thậm chí trong phạm vị riêng của nó, tri giác cũng không phải là tri thức.
(i) Tri giác không phải là toàn bộ tri thức, vì phần lớn của những gì được thừa nhận chung là tri thức thì đó là những chân lý bao hàm những khái niệm không phải là đối tượng của tri giác. Chúng ta biết nhiều về những đối tượng khả giác, sự nhận biết đó là nhờ vào suy luận trí óc, chứ không phải bởi tri giác mà tức khắc biết nó. Plato lấy sự hữu và sự vô hữu làm ví dụ minh hoạ. Giả sử như có người thấy một ảo tưởng. Không phải chính tri nhận bằng giác quan có thể tức khắc cho anh ta biết về sự hữu thực chứng hay sự vô hữu thực chứng của ảo tưởng được tri nhận, nhưng chính sự suy luận thuần lý mới có thể cho anh ta biết điều đó. Lại nữa, những kết luận và những lập luận của toán học thì không thể dùng giác quan để hiểu rõ được. Còn có thể nói thêm rằng tri thức của chúng ta về tính cách của một người là điều gì đó hơn là có thể được giải thích bằng định nghĩa “Tri thức là tri giác”, vì tri thức của chúng ta về tính cách của một người chắc chắn không được xem xét bằng cảm giác trống rỗng.
(ii) Tri nhận bằng giác quan, thậm chí trong phạm vi riêng của nó, không phải là tri thức. Chúng ta không thể được cho là biết vật gì đó, nếu chúng ta vẫn chưa nắm được sự thật về nó, ví dụ như liên quan đến sự hữu hay sự vô hữu của nó, sự tương đồng và dị biệt của nó với một vật khác. Nhưng chân lý được xem xét bằng suy luận, bằng phán đoán chứ không phải bằng cảm giác trống rỗng. Cảm giác trống rỗng có thể cho ra, chẳng hạn, một bề mặt màu trắng và một bề mặt màu trắng thứ hai, nhưng để đánh giá hai bề mặt này, tất yếu phải cần đến hoạt động trí óc. Tương tự như vậy, hai thanh ray của đường ray xe lửa có biểu hiện đồng quy, nhưng chính nhờ suy luận trí óc mà chúng ta biết được là chúng thật sự song song với nhau.
Như vậy, tri nhận bằng giác quan không xứng với danh xưng tri thức. Nên lưu tâm là Plato chịu ảnh hưởng biết bao nhiêu bởi xác tín là những đối tượng khả giác không phải là những đối tượng riêng của tri thức vì tri thức thuộc về những gì hiện hữu, thuộc về thực tại vững bền, thường tồn, trong khi những đối tượng khả giác thực sự không thể xem như là được nhận thức, nhưng chí ít được xem là đang trở thành. Đối tượng khả giác là đối tượng khả tri trong chừng mực nào đó, tất nhiên là vậy, nhưng chúng vượt mức trí tuệ quá xa để có thể là những đối tượng của tri thức đúng nghĩa, đó là tri thức, như chúng ta đã nói, phải (i) bất khả sai lầm, (ii) thuộc về những gì đang hiện hữu.
Cần lưu ý rằng Plato trong khi bác bỏ yêu sách muốn tri giác là toàn bộ tri thức, đã đối chiếu những đối tượng riêng tư hay đặc thù của các giác quan riêng biệt, ví dụ như màu sắc, là đối tượng của riêng thị giác, với những khái niệm phổ quát liên quan đến mọi vật, và đó là những đối tượng của trí tuệ, chứ không phải của các giác quan. Những “thuật ngữ phổ biến” (common terms) tương ứng với những Mô thể (Forms) và những Ý niệm (Ideas) đó là những điều vững bền và thường tồn theo như hữu thể luận, đối lập với những thứ đặc thù hay khả giác [sensibilia]).
(Nguồn: Frederik Copleston, SJ, A History of Philosophy: Greece and Rome (bản dịch tiếng Việt của Petrus Phạm Hữu Cường, chủng sinh Gp. Kontum và Bartholomeus Nguyễn Anh Huy, SJ), NewYork: Doubleday, 1993, pp. 142-145)