Lý Thuyết của Plato về Tri Thức (2)

knowledge Plato

II. Tri thức không chỉ đơn thuần là “phán đoán chân xác” (True Judgement)

Theaetetus cho rằng không thể xem phán đoán chỉ đơn thuần (tout simple) là tri thức, vì lẽ có thể có những phán đoán sai lạc. Do đó ông đề nghị rằng tri thức có thể là phán đoán chân xác, chí ít như một định nghĩa tạm thời, cho đến khi có thể kiểm chứng phán đoán ấy chân xác hay sai lạc. (Socrates đã mở rộng điểm này khi ông cố gắng tìm ra điều kiện khả dĩ và cả sự hình thành của những phán đoán sai lạc nữa. Trong cuộc thảo luận này tôi không thể đi xa hơn, nhưng tôi sẽ lần lần đưa ra một hoặc hai ý kiến. Thí dụ, có thể đề nghị rằng một loại (class) gồm những phán đoán sai lạc nảy sinh khi gặp phải sự nhập nhằng giữa hai đối tượng khác kiểu (different sorts), một đằng là đối tượng thực tế của sự tri nhận bằng cảm giác, đằng khác là một hình ảnh trong trí nhớ (memory-image). Một người có thể phán đoán – một cách nhầm lẫn – rằng anh ta nhìn thấy người bạn của anh cách nào đó đã đi khỏi. Ở đấy vẫn có ai đó, nhưng không phải bạn anh. Người ấy có một hình ảnh trong trí nhớ về bạn của anh, và anh ta được gợi nhớ lại một điểm nào đó trong hình ảnh về bạn mình: khi đó anh ta phán đoán nhầm rằng chính bạn anh là người đang đứng đằng kia. Nhưng hiển nhiên, không phải mọi trường hợp phán đoán sai lạc đều có thể đem ra làm thí dụ cho sự nhập nhằng giữa một hình ảnh trong trí nhớ với một đối tượng thực tế của sự tri nhận bằng giác quan: một nhầm lẫn trong phép tính toán học khó có thể giản quy về sự nhập nhằng ấy. Hoán dụ nổi tiếng về “lồng chim” (aviary) được giới thiệu, trong khi nỗ lực cho thấy những loại phán đoán sai lạc khác có thể nảy sinh như thế nào, nhưng người ta vẫn thấy chưa vừa ý; và Plato kết luận rằng vấn nạn phán đoán sai lạc không thể được xử lý một cách thuận lợi bao lâu bản tính của tri thức chưa được xác định. Cuộc bàn luận về phán đoán sai lạc hãy còn tiếp diễn trong tác phẩm đối thoại Sophistes.)

Trong cuộc bàn luận về đề nghị của Theaetetus cho rằng tri thức là phán đoán chân xác, có thể chỉ ra rằng một phán đoán có thể là chân xác mà không cần xét đến cơ sở lập luận về chân lý của nó bao gồm tri thức về phía người đưa ra phán đoán, khi tôi nói “Ngài Churchill đang nói chuyện với Tổng thống Truman qua điện thoại,” điều này có thể đúng; nhưng nó không bao hàm tri thức về phía tôi. Đó vẫn có thể là một phỏng đoán “hên xui” ngẫu nhiên, cho đến khi tôi được quan tâm thực sự, ngay cả khi phán đoán ấy chân xác một cách khách quan. Tương tự, một người có thể bị quy trách dẫu anh ta thực tế không có lỗi, và dầu những chứng cớ gián tiếp mạnh mẽ chống lại anh ta và anh ta đã không thể chứng minh cho sự vô tội của mình. Vậy nếu một luật sư khéo léo bào chữa cho một người vô tội, nhằm giành phần thắng trong cuộc đối chất, có thể vận dụng những chứng cứ hay chiếm cảm tình của bồi thẩm đoàn (jury) đến nỗi khiến họ phải đưa ra lời tuyên “Trắng án” (Not guilty), phán đoán của họ thực tế sẽ là một phán đoán tốt; nhưng họ khó có thể được cho là biết được sự vô tội của người tù nhân, vì các chứng cớ theo giả thiết (ex hypothesi) chống lại anh ta. Lời phán quyết của bồi thẩm đoàn có thể là một phán đoán chân xác, nhưng nó dựa trên tính thuyết phục hơn là tri thức. Theo đó, tri thức không chỉ đơn thuần là phán đoán chân xác, và Theaetetus được mời gọi tiếp tục đưa ra một đề nghị khác liên quan đến định nghĩa đúng đắn về tri thức.

III. Tri thức không chỉ là phán đoán chân xác nhưng còn như một “giải trình” (Account)

Phán đoán chân xác, như đã thấy, chẳng là gì hơn ngoài niềm tin đúng đắn (true belief), và niềm tin đúng đắn ấy không đồng nghĩa với tri thức. Do đó, Theaetetus, đưa ra ý kiến cho rằng việc thêm vào một “giải trình” (account) hay một sự giải thích (explanation) (logos) sẽ biến chuyển niềm tin đúng đắn thành tri thức. Socrates khởi đi từ việc cho rằng khi đưa ra một giải trình hay một sự giải thích, tức liệt kê các thành tố, những thành tố này được nhận thức (known) hoặc khả tri (knowable): bằng không những kết luận ngớ ngẩn và vô lý sẽ theo đó nảy sinh, tức “hạ giá” niềm tin đúng đắn từ điều đa phức thành ra những yếu tố không được nhận thức hoặc bất khả tri. Nhưng đưa ra một giải trình như thế nghĩa là gì?

1. Đưa ra một giải trình không chỉ có nghĩa là đưa ra một phán đoán đúng (correct judgment) được diễn ngôn (expressed in words), hiểu theo nghĩa niềm tin đúng đắn; do đó sẽ không có sự khác biệt nào giữa niềm tin đúng đắn và tri thức nếu chúng ta hiểu như thế. Và chúng ta nhận thấy rằng có một sự khác biệt giữa việc thực hiện một phán đoán cho rằng điều diễn ra là đúng đắn so với việc thực hiện một phán đoán cho phép người ta biết điều ấy là đúng.

2. Nếu “đưa ra một giải trình” có nghĩa là phân tích thành những thành tố (chẳng hạn, những thành tố khả tri), liệu chăng việc thêm vào một giải trình hiểu theo nghĩa này có đủ để biến đổi niềm tin đúng đắn thành tri thức không? Thưa không, chỉ với quá trình phân tích thành tố mà thôi thì chưa đủ để biến đổi niềm tin đúng đắn thành tri thức, vì chưng một người không thể liệt kê các cấu phận móc nối với nhau thành toa xe (bánh răng, ổ trục, v.v…) thì cần phải có một hiểu biết khoa học về toa xe (wagon), và nếu ai đó muốn nói với bạn những chữ cái nào trong bảng mẫu tự có thế ghép thành một từ nào đó thì cần phải có được một kiến thức khoa học của một nhà ngữ vựng. (Lưu ý: Chúng ta phải nhận ra rằng Plato đang nói đến việc liệt kê thuần tuý các thành tố. Ví dụ, một người có thể thuật lại chi tiết các bước khác nhau đưa đến kết luận trong môn hình học, đơn giản chỉ vì anh ta đã đọc thấy chúng trong một quyển sách và học thuộc lòng, mà không cần thực sự nắm bắt yếu tính của các tiền đề và chuỗi lập luận cần thiết của phép suy luận, có thể liệt kê các “mảng rời” của định lý; nhưng anh ta không thể có được một hiểu biết khoa học của một nhà toán học.)

3. Socrates đưa ra một sự diễn giải thứ ba về “giải trình bổ túc” (plus account), nghĩa là “có thể chỉ mặt đặt tên điều cần phải phân biệt với những điều khác.” Nếu quả đúng thế, việc nhận thức một vật/việc khi đó có nghĩa là khả năng phân biệt từng đặc tính của nó. Nhưng sự diễn giải này cũng bị bác bỏ, vì không thích hợp để định nghĩa tri thức.

a. Socrates chỉ ra rằng nếu xem tri thức về một vật/việc có nghĩa là việc đưa thêm các đặc nét (distinguishing characteristic) của nó vào một ý niệm đúng đắn về nó, chúng ta đang vướng vào một quan điểm ngớ ngẩn. Ở đây giả như tôi có một ý niệm đắn về Theaetetus. Để biến chuyển ý niệm đúng đắn này thành tri thức, tôi phải thêm vào một vài đặc nét. Nhưng giả như những đặc nét này đã không được bao hàm trong ý niệm đúng đắn của tôi, làm sao ý niệm ấy có thể được cho là một ý niệm đúng đắn? Tôi không thể được cho là có một ý niệm đúng đắn về Theaetetus, nếu ý niệm đúng đắn này không bao gồm những đặc nét của Theaetetus: khi những đặc nét này không được tính đến, “ý niệm đúng đắn” của tôi về Theaetetus sẽ không thể áp dụng “cào bằng” vào tất cả những người khác cho tốt được; trong trường hợp đó nó sẽ không là một ý niệm đúng đắn về Theaetetus.

b. Mặt khác, khi “ý niệm đúng đắn” của tôi về Theaetetus bao hàm những đặc nét của ông, vẫn sẽ là ngớ ngẩn khi nói rằng tôi chuyển biến ý niệm đúng đắn ấy thành tri thức bởi việc thêm vào những dị biệt (differentia), vì điều này đồng nghĩa với việc nói rằng tôi biến chuyển ý niệm đúng đắn của tôi về Theaetetus thành tri thức bởi việc thêm vào Theaetetus những điều giúp phân biệt ông với kẻ khác một cách rõ ràng.

Cần lưu ý rằng ở đây Plato đang không nói về những dị biệt đặc thù (specific), ông đang nói về những đối tượng riêng biệt và khả giác, như đã trình bày rõ bởi các ví dụ mà ông đưa ra – mặt trời và một người cụ thể, Theaetetus. Kết luận được rút ra là tri thức không phải được đạt tới ngang qua việc định nghĩa bằng phương pháp phân biệt, nhưng đúng hơn, từng đối tượng riêng biệt và khả giác thì không để được định nghĩa và thực sự không còn là đối tượng thích đáng của tri thức nữa. Cụ thể, đây thực sự là kết luận của đối thoại cho rằng tri thức chân thực về những đối tượng khả giác thì không thể đạt được, và với ngụ ý rằng tri thức chân thực phải là tri thức về cái phổ quát và trường cửu.

(Nguồn: Frederik Copleston, SJ, A History of Philosophy: Greece and Rome (bản dịch tiếng Việt của Petrus Phạm Hữu Cường, chủng sinh Gp. Kontum và Bartholomeus Nguyễn Anh Huy, SJ), NewYork: Doubleday, 1993, pp. 146-149)

Kiểm tra tương tự

Hỡi các bậc phụ huynh, thánh Tôma Aquinô sẽ giúp bạn vượt qua những năm tháng mệt mỏi

Thánh Tôma Aquinô hiểu sự hiện hữu như một quá trình năng động chuyển từ …

Đất nước duy lý trước cơn đói khát thiêng liêng

Nhìn về một kiểu đa dạng khác cho Giáo hội hiệp hành và thần học …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *