Mẹ Maria và đời sống nội tâm (Lc 2, 46 – 51; Ga 2, 1 – 5, 11 – 12; 19, 25 – 27)

Sống đời nội tâm là sống trong Thần Khí. Người có đời sống nội tâm luôn mở lòng mình để Thánh Linh hướng dẫn. Mẹ Maria chính là mẫu mực cho chúng ta về đời sống này vì Mẹ đầy ơn Thánh Thần (Lc 1,35). Dưới sự hướng dẫn của Thần Khí, Mẹ luôn mở lòng để lắng nghe và chiêm ngắm Lời mặc khải và bước theo sát gót Chúa Giêsu con Mẹ trên hành trình thánh giá.

1.         Trái tim biết lắng nghe

Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại đối xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.

Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadaret và hằng vâng phục các Ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. (Lc 2, 46 – 51)

Sau ba ngày vất vả tìm con mình là cậu Giêsu, Mẹ Maria dường như mệt mỏi và buồn lòng nhiều. Do đó, khi tìm thấy con, Mẹ đã dường như trách mắng Giêsu con mình, và muốn hỏi Ngài để biết tại sao: “Sao con lại đối xử với cha mẹ như vậy?” (Lc 2, 48) Đáp lại câu hỏi của Mẹ, Chúa Giêsu trả lời bằng một câu hỏi khác: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2, 49). Nghe những lời ấy, Mẹ Maria đã không hiểu dù rất muốn hiểu.

Mang lấy phận người, dù là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội và đầy ân sủng, nhưng Mẹ Maria vẫn là một con người hữu hạn. Nghĩa là, Mẹ không phải là Đấng Toàn Năng, để có thể biết được mọi sự, làm được mọi thứ, hay siêu vượt hẳn không gian và thời gian. Nhận mình hèn kém và giới hạn  không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, khác với Evà trong vườn địa đàng (St 3, 1 – 7), Mẹ Maria, Evà mới đã khiêm tốn nhìn nhận sự giới hạn của mình. Đồng thời, thay vì tự ti, mặc cảm, và đóng kín Mẹ sống tâm tình tạ ơn và mở lòng cho quyền năng của Thiên Chúa hoạt động nơi mình. Mẹ cộng tác với ơn thánh (thời gian, sức lực, khả năng riêng, đức hạnh . . .) để công trình của Thiên Chúa được thành tựu. Mẹ thưa: “Vâng tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Nhờ đó, Thiên Chúa trở nên tất cả sức mạnh, sự khôn ngoan và lẽ sống của Mẹ. Ngài đã thực hiện nơi Mẹ, và qua Mẹ cho con người biết bao điều kỳ diệu: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới. Từ nay hết mọi đời sẽ khen rằng tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều kỳ diệu. Danh Người thật chí thánh chí tôn” (Lc 1, 48 – 49).

Để có thể lắng nghe và đáp lời Thiên Chúa trong mọi sự, ở mọi nơi, vào mọi lúc, Mẹ nuôi dưỡng và sống sự thinh lặng nội tâm, nền tảng của đời sống chiêm niệm. Kinh Thánh ghi lại rằng: “Mẹ Người hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 1, 51). Mẹ dành giờ để gặp gỡ Chúa trong thinh lặng, hồi tâm và cầu nguyện, để nghe Chúa nói và để có thể hiểu và thi hành điều Chúa muốn Mẹ hiểu và thi hành. Chúng ta có lời chứng của Chúa Giêsu: “Mẹ tôi là người biết lắng nghe và thi hành lời Chúa” (Lc 8,21). Thinh lặng, không có nghĩa là không nói. Đó càng không phải là tình trạng dồn nén. Đúng hơn, thinh lặng nội tâm là sự thinh lặng của một tâm hồn khao khát nhận biết và thực thi thánh ý Thiên Chúa, một tâm hồn tạ ơn, sám hối trở về với Chúa, một tâm hồn trong sạch.

–          Tôi có thích dành giờ thinh lặng, xa tránh những ồn ào để có thể nghe được tiếng Chúa đang nói với tôi trong tâm hồn?

–          Tôi có để ý lắng nghe những chuyển động nội tâm trong lòng tôi? Đâu là thái độ của tôi trước những yếu đuối và giới hạn của bản thân?

2.         Một trái tim biết nhìn ngắm

Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi.” Đức Giêsu đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con?” Giờ của con chưa đến.  Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” . . .Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ  đã tin vào Người. Sau đó, Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Caphacnaum và ở lại đó ít ngày. (Ga 2, 1 – 5, 11 – 12)

Nhận biết và chấp nhận mình giới hạn, không chỉ mở lối cho Mẹ chìm đắm trong sự gặp gỡ Thiên Chúa ở chốn thâm sâu cõi lòng, nhưng còn giúp Mẹ vươn mình, hi sinh, và quảng đại sống cho tha nhân.

Thánh Gioan thuật lại chuyện Mẹ đi dự tiệc cưới ở Ca-na. Nơi đó nhờ sự quan sát tinh tế, được nuôi dưỡng bởi khát vọng dấn thân phục vụ, Mẹ đã nhận ra nơi cuộc vui, trong ngày trọng đại nhất của đôi tân hôn, không chỉ có nỗi lo lắng vì chum đã hết rượu, nhưng còn niềm hi vọng bởi có Chúa hiện diện. Mẹ chia sẻ nỗi lắng lo của chủ tiệc và dẫn họ đến với Chúa, nguồn hy vọng. Kết quả thật mỹ mãn, tiệc cưới tràn đầy niềm vui, và tiếng cười bởi vì “Đức Giêsu đã làm phép lạ và bảy tỏ vinh quang của Người.” (Ga 2,11)

Nếu dùng hình ảnh đám cưới để ví von, ta có thể nói rằng phẩm giá con người thật cao quí (đám cưới) trong khi thân phận lại rất mong manh (cuộc vui không đủ rượu, rượu hết). Sống đời sống con người, vui mừng đó, nhưng cũng lo lắng đó. Mẹ thấy, chiêm ngắm, thấu hiểu và chia sẻ tất cả với con người: niềm vui và nỗi buồn, ước vọng và lắng lo, thịnh vượng và gian nan . . . Ai tin nơi Mẹ, thì được Mẹ dẫn đến với Chúa, được bầu cử cho và được hướng dẫn cách sống hoàn thiện: “Người bảo gì, con cứ làm theo như vậy”. Nhờ Mẹ, con người trở nên gần gũi với Chúa Giêsu. Qua Mẹ, vinh quang Thiên Chúa được tỏ lộ. Quả thật, gương của Mẹ cho thấy một người thực sự có đời sống nội tâm  có thể nhận ra Chúa trong mọi sự. Người ấy rất gần Thiên Chúa và cũng rất gần con người.

–          Thiên Chúa và tha nhân, đặc biệt những người nghèo khổ, ở đâu trong trái tim của tôi, trong lời cầu nguyện của tôi, trong những cố gắng, hi sinh của tôi?

–          Tôi đã đang làm gì cho tha nhân, là anh chị em của tôi, cùng gọi Chúa là Cha?

3.         Một trái tim bị đâm thâu

Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của bà thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơ-lô-pat, cùng với bà Maria Mac-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga 19, 25 – 27)

Tiếng thưa “Xin vâng” trong ngày truyền tin không chỉ mở đường cho Ngôi Lời Nhập Thể, nhưng còn dẫn lối để Mẹ bước tới trong hành trình thập giá của Chúa Giêsu con Mẹ. Thực vậy, nhịp đập của Thánh Tâm Chúa Giêsu, hơi thở và vận mạng của Ngài được Mẹ mang lấy, ôm ấp, và thông hiệp cách sâu xa từ khi Mẹ thụ thai, sinh con nơi Bêlem, đưa con đi trốn, cũng như trong suốt thời gian sống sống ẩn dật ở Nadaret và thời gian rao giảng công khai của Con Mẹ. Đặc biệt, Mẹ theo Con đến tận đỉnh đồi Canvê, và đứng gần thập giá Đức Giêsu.

Dưới chân thập giá, trước mặt thế gian, Mẹ đã bị mang tiếng và bị sỉ nhục vì đã cưu mang , sinh thành, và dưỡng dục một tử tội là Đức Giêsu. Trái tim Mẹ tan nát, đau khổ không chỉ vì những lời dèm pha ấy nhưng còn vì người con yêu mà Mẹ chín tháng cưu mang, và bao năm dưỡng dục giờ đây bị kết án tử và chịu người đời coi khinh, sỉ nhục. Hơn thế nữa, trái tim Mẹ bị đâm thâu còn vì Giêsu, là con và cũng là Thiên Chúa của Mẹ, Đấng ấy bị phạm thánh bởi tội lỗi, sự bạo tàn, thù hận, ghen tương của lòng người.

Mẹ như đang bước đi trong đêm tối của mầu nhiệm sự dữ và Mầu nhiệm Nhập Thể. Mẹ không hiểu hết được những gì đang diễn ra cho Mẹ và Con Mẹ, mà điều khó hiểu hơn cả đó là Con Thiên Chúa có thể “chết” bởi tay loài người. Tuy nhiên, Mẹ vượt lên tất cả nhờ sức mạnh thiêng liêng khôn tả. Đó là một sức mạnh đủ lớn và kỳ diệu giúp Mẹ chịu đựng bằng ấy đau khổ một cách nhẫn nhục, can đảm, và bình an đến nỗi không một chút cay đắng nào có thể chạm đến được trái tim Mẹ. Hơn thế nữa, theo lời trối của Chúa Giêsu, Mẹ đón nhận Giáo Hội mà Gioan là đại biểu, để yêu thương, chăm sóc và bầu cử trong mọi hoàn cảnh.

Tóm lại, khi thưa tiếng “Xin Vâng”, Mẹ đã đón nhận tất cả bằng niềm tin và lòng phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa vì Mẹ xác tín rằng: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 37).

–          Đâu là thái độ của tôi trước đau khổ hay điều trái ý xảy đến trong đời?

–          Tôi đã làm gì để vượt thắng sự cay đắng, sự thù hận, và thậm chí sự buông xuôi trước sức mạnh của sự dữ?

Cầu nguyện

Luôn phó mình trong tay Chúa để Ngài hướng dẫn, Mẹ đã chiến thắng cám dỗ sống ích kỷ, chỉ lo cho hạnh phúc riêng mình, đồng thời hết lòng dấn thân phục vụ tha nhân. Bởi lẽ, không ai là không có chỗ trong trái tim của Mẹ. Mẹ thưa “xin vâng” trong mọi hoàn cảnh và khiêm nhu phục vụ Thánh Ý Thiên Chúa trong mọi sự vì đối với Mẹ, Thiên Chúa là tất cả. Tóm lại, nhờ luôn ấp ủ Lời Chúa trong lòng và suy gẫm không ngừng, Mẹ có được sức mạnh nội tâm sâu xa để hoàn toàn chỉ sống cho Thiên Chúa và con người.

Với hết tình con thảo, chúng ta chạy đến cầu xin với Mẹ.

Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa,

xin gìn giữ nơi con quả tim của trẻ thơ,

tinh tuyền và trong ngần như dòng suối.

Xin ban cho con quả tim đơn sơ,

mau quên những nỗi buồn phiền.

Một quả tim hào hiệp dám hiến thân,

dịu dàng để cảm thông.

Một quả tim trung thành và quảng đại,

không quên ơn, không báo oán.

 

Xin tạo cho con quả tim hiền từ và khiêm tốn,

yêu mà không mong được yêu lại,

hân hoan xóa mình đi

để Con của Mẹ có chỗ trong lòng người khác.

 

Một quả tim vĩ đại và bất khuất,

không khép lại trước những kẻ vô ơn,

không chán nản trước người lạnh nhạt.

Một quả tim khắc khoải

lo tìm vinh danh Chúa Giêsu Kitô,

quả tim mang vết thương vì yêu Ngài,

vết thương chỉ lành

khi được sống với Ngài trên trời. Amen.

(Cha Léon de Grandmaison, SJ)

Hoàng Sơn, SJ

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 22-01-2025

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 22/1/2025 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Bàn tay dang rộng …

Mến Yêu Hằng Ngày, 22-01-2025

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 4, 22-01-2025 (Mc 3,1-6) Đức Giê-su lại vào hội đường. …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *