Một Thoáng Miền Tây

Hai từ Miền Tây với tôi nghe vừa quen thuộc cũng vừa lạ lẫm. Quen vì tôi đã được nghe nhiều và nói nhiều, lạ bởi tôi chưa một lần đặt chân đến nơi này. Dịp nghỉ hè cách đây hai năm, tôi có cơ hội xuống dưới đó thăm bà con và học hỏi cách truyền giáo ở những vùng kinh tế khó khăn.

Ngồi trên chiếc xe 15 chỗ tôi thấy nửa mừng nửa lo, nhưng rồi tôi cũng ngủ thiếp đi cho tới khi chị lơ xe gọi, tôi mới choàng tỉnh dậy, lúc đó khoảng 3 giờ sáng. Khi tôi tới mọi người dân ở đây vẫn còn chìm trong giấc ngủ, có lẽ vì sau một ngày làm việc mệt nhọc. Tôi bước xuống xe, trước mắt tôi hiện lên một ngôi nhà nguyện nhỏ và tôi thấy rõ cây Thánh giá nhờ ánh sáng của chiếc bóng điện chiếu lên.

Lần đầu tiên xuống Miền Tây tôi cảm thấy hơi lo lắng, hành trang tôi mang theo chỉ với câu Lời Chúa: “Hãy ký thác việc bạn làm cho Chúa, dự tính của bạn ắt sẽ thành công” -(Cn 16,3). Tôi chỉ là một học sinh vừa mới học xong lớp 11 của Trung tâm Giáo dục thường xuyên, vốn kiến thức của tôi còn hạn hẹp, mà những ngày hè ở đây, các điểm truyền giáo thường dạy anh văn, nhạc, giáo lý. Những thứ đó dường như tôi không thể dạy được vì chính tôi cũng chưa được học nhiều.

Địa điểm tôi đến là Cầu Mong, thuộc huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Tôi chỉ ở đó một tuần, sau đó tôi chuyển xuống  huyện Vị Thuỷ cách đó 6km. Ngày đầu xuống đây, một Dì dòng Mến Thánh Giá đưa tôi đi thăm một số bà con xóm Chợ Nhỏ ven kênh gần đó. Cuộc sống của họ thật khó khăn, tất cả chỉ sống bằng số tiền kiếm được việc buôn bán những thứ lặt vặt, như : mớ rau, con cá, ít trái cây… để sống qua ngày. Mà ở đây hầu hết là người ngoại đạo, chỉ có một vài gia đình mới theo đạo.Những ngày kế tiếp đối với tôi thật ý nghĩa, tuy tôi không thể dạy được gì nhiều, nhưng tôi nghĩ rằng mình chỉ cần sống hết mình và phó thác vào bàn tay Thiên Chúa, như thế là tôi mãn nguyện rồi. Ở đây, tôi chỉ đi thăm bà con, chia sẻ với họ về mặt tinh thần bằng những lời động viên an ủi và mang niềm vui đến cho họ. Trước đây, khi chưa xuống đây, tôi không biết vùng này ra sao, con người như thế nào? Tất cả chỉ là tưởng tượng của tôi, nhưng khi được tiếp xúc với mọi người ở đây, tôi thấy họ thật gần gũi thân thiện, đặc biệt là các cụ già và các em nhỏ. Họ thật đơn sơ. Nơi đây là một giáo điểm truyền giáo nhỏ của các Dì Dòng Mến Thánh Giá, số người theo đạo còn ít ỏi,  có nhiều gia đình từ trước tới giờ cả dòng họ không có ai theo đạo Công  Giáo,  vậy mà  bây giờ có một hay hai đứa cháu theo  đạo. Khi tôi hỏi: “các em theo đạo có bị ông bà, bố mẹ ngăn cấm không?” Các em đều trả lời: “lúc đầu thì có, nhưng thấy tụi em đi hoài mà không sao, nên cha mẹ cho đi”. Cũng có những ông bà già rồi mới theo. Có lần tôi tới thăm một cụ bà sống một mình, bà không được con cái chăm sóc chỉ vì bà theo Đạo. Bà vừa tâm sự vừa khóc: “bà già rồi, sống trên trần gian này không biết được bao nhiêu nữa  nên chỉ biết trông cậy vào Chúa thôi, chứ con cái không đứa nào quan tâm cả”. Khi nghe bà tâm sự, tôi thấy lòng mình se lại và tự hỏi: bao lâu nay mình theo đạo, mình đã sống hết tình với người Cha trên trời của mình chưa, Người Cha mà đã hy sinh tất cả vì con cái, thậm chí hy sinh cả mạng sống của Người Con duy nhất  của mình để mang lại hạnh phúc, bình an cho tôi và cho cả nhân loại. Hay tôi cũng như những người con kia, chỉ biết phụ bạc với cha mẹ của mình, còn làm phiền lòng các ngài.

Dù là bổn đạo mới, nhưng tất cả những người ở đây đều rất chịu khó đọc kinh và tham dự Thánh Lễ, các em nhỏ thì siêng năng đi học giáo lý và rất tin tưởng vào một Thiên Chúa quan phòng. Ở đây, tuy họ sống lam lũ, vất vả nhưng tất cả đều vui tươi, vì họ biết trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa, và dường như họ đã thấm nhuần lời Thánh Vịnh:

“Hãy ký thác đường đời cho Chúa

                  Tin tưởng vào Người sẽ ra tay”.  (Tv 37,5)

Có lẽ nhờ vậy mà trong cuộc sống, dù khó khăn đến đâu, họ vẫn vui vẻ chấp nhận. Có một gia đình người dân ở đây quen gọi là “Tám Đủ”, chú thím cũng đã già và hai vợ chồng sống với nhau dưới căn nhà xung quanh làm bằng lá dừa nước. Không có ruộng, chú thím sống bằng những hạt lúa đi mót về. Ở trong nhà chỉ kê đủ một cái giường, vừa để ngủ, vừa để tiếp khách, vừa để ăn cơm. Khi nói chuyện, tôi mới biết chú thím mới theo đạo, chưa được một năm và chưa được rửa tội, vẫn còn đang theo học giáo lý. Chú bị cụt một chân, bệnh tật luôn, phương tiện đi lại thì khó khăn nên không đi lễ và đi học giáo lý được. Chỉ có mình thím là thường xuyên. Thím chia sẻ: “mỗi lần đi Lễ hay đi học giáo lý, khi về thím đều kể lại lời cha giảng và bài học giáo lý cho chú nghe”. Và Thím còn cho biết là từ khi hai người được biết và theo Chúa đến giờ, chú thì thấy khoẻ ra còn thím thì thấy bình an hơn.

Người dân ở đây tuy nghèo tiền, nghèo của, nghèo tri thức nhưng họ lại giàu lòng vị tha, giàu lòng tin – cậy – mến. Họ biết biến cái nghèo vật chất của mình thành cái giàu thiêng liêng trong tâm hồn. Bởi, họ cảm nhận được rằng, cuộc sống của con người không căn cứ ở của cải vật chất, mà điều quan trọng là biết xây dựng, vun trồng ngôi nhà trong tâm hồn. Đây chính là điều mà Chúa Giêsu đã nói: “Đừng lo cho mạng sống lấy gì mà ăn, cũng đừng lo cho thân thể lấy gì mà mặc, vì mạng sống thì trọng hơn của ăn  và  thân thể thì hơn áo mặc,” – (Lc 12, 13) và “anh em phải  coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” – (Lc12, 15). Trong khi đó, trong xã hội, ở những nơi đô thị lại không ít những người đang chạy theo của cải vật chất mà quên đi cái lỗ hổng thâm sâu trong tâm hồn của mình.
Tất cả những gì tôi cảm nhận được qua một tháng hè ở Miền Tây đã để lại cho tôi không ít những câu hỏi phản tỉnh và giúp tôi nhìn lại đời sống của tôi trong tương quan đối với Chúa và với tha nhân. Và tôi tin rằng, tất cả những ai biết chạy đến với Chúa và luôn tin tưởng vào Ngài, thì sẽ luôn được vui vẻ, hạnh phúc và bình an, không phải thứ bình an bên ngoài, chóng qua mà là sự bình an sâu xa trong tâm hồn.

Bởi lẽ:      “Thiên Chúa nhân hậu từ bi

                                                             Ngài chậm giận lại giàu tình thương”    (Tv 86,15)

Hoàng Hôn

Kiểm tra tương tự

Thế giới kịch nghệ đã ảnh hưởng thế nào đến thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II

  Từ khi còn trẻ, chàng thanh niên Karol Wojtyła đã bị cuốn hút vào …

Làm gì cũng được, miễn là làm cùng nhau

Nhóm SVCG Lạc Hồng chính thức sinh hoạt và có những định hướng ban đầu …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *