« Mác-ta ! Mác-ta ơi ! » (29.7.2016 – Lễ nhớ Thánh nữ Mác-ta)

« Mác-ta ! Mác-ta ơi ! »
(Lc 10, 38-42)

 

38 Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà.

39 Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy.40 Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay! “

41 Chúa đáp: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá!42 Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

Bài Tin Mừng của Thánh Lễ tưởng nhớ thánh nữ Mác-ta rất quen thuộc với chúng ta ; quen thuộc, nhưng luôn thu hút, vì hình ảnh đầy ý nghĩa của hai người phụ nữ hiện diện chung quanh Đức Giêsu. Hình ảnh thật năng động của cô Mác-ta và hình ảnh, có thể nói, thật bất động của cô Maria.

Câu chuyện được đặt ở giữa dụ ngôn « Người Samari tốt lành » và sự kiện Đức Giêsu cầu nguyện và dạy các môn đệ cầu nguyện. Nếu dụ ngôn Người Samari mời gọi thực hành : « hãy đi và anh, anh cũng hãy làm như thế » (10, 37), câu chuyện ở làng Bêtania đặt « việc làm » trong một chiều kích sâu xa hơn.

Có một « việc làm » khác, và việc làm này không đòi phải làm gì cả, chỉ ngồi đó nghe Đức Giêsu nói thôi. Cầu nguyện không phải là việc làm, theo nghĩa lao động, nhưng còn hơn cả việc làm. Và như chúng ta có kinh nghiệm, cầu nguyện là một « công trình » của Chúa và của chúng ta. Như chính Đức Giêsu nói : « công trình của Thiên Chúa là anh em tin nơi Đấng Ngài sai đến » (Ga 6, 29).

Lao mình vào những công việc phục vụ người khác là điều tốt, nhưng vẫn chưa đủ, còn một điều khác nữa nền tảng hơn, đó là chúng ta làm việc, phục vụ trong tâm trạng nội tâm nào. Và để có được sự bình an và niềm vui trong hành trình đi theo Đức Ki-tô, ngang qua ơn gọi được ban cho chúng ta, Đức Giêsu mời gọi chúng ta cầu nguyện trong những lúc dành riêng và sống tâm tình cầu nguyện trong mọi sự, nghĩa là giữ tương quan mật thiết với Chúa.

 

  1. Cô Maria

Maria ngồi gần như bất động, bên chân Đức Giêsu để lắng nghe Lời của Ngài. Cô Maria bất động, nhưng đối những ai sống đời cầu nguyện hau khát khao cầu nguyện, lại thu hút sự chú ý hơn là cô Mác-ta năng động.

  • Vì hình ảnh cô Maria đã, đang và sẽ còn được tái hiện lại cách đặc biệt nơi tất những ai đang cầu nguyện, trong đó có các đan sĩ, các tu sĩ, những người sống đời dâng hiến, và chính chúng ta, là những người ước ao đặt mình bên chân Chúa như cô Maria mỗi ngày, để lắng nghe Lời của Ngài, để chiêm ngắm ngôi vị « hiền lành và khiêm nhường » của Ngài.
  • Và còn vì hình ảnh cô Maria còn đánh động tất cả mọi người chúng ta ở chiều sâu, dù chúng ta là ai, đang sống trong ơn gọi nào, bởi lẽ chỉ khi chúng ta, trút bỏ mọi lo âu gánh nặng, để đến bên Chúa, ở lại và lắng nghe Lời của Ngài, chiêm ngưỡng dung nhan rạng ngời của Ngài, thì tâm hồn của chúng ta mới được nghỉ ngơi bổi dưỡng.
  • Và sự nghỉ ngơi trong Chúa, chính là cùng đích của đời người. Bởi vì, con người được dựng nên cho Thiên Chúa, và chỉ tìm thấy an nghỉ trong Thiên Chúa mà thôi, thánh Augustinô nói như thế.

Xin cho chúng ta mở lòng ra đón nhận thời gian cầu nguyện mỗi ngày như ơn huệ Chúa ban, để cảm nếm và thưởng thức sự nghỉ ngơi mà Chúa rộng ban cho chúng ta, ngay trong cuộc đời đầy thách đổ và sầu khổ này.

 

  1. Cô Mác-ta

Chúng ta chú ý đến Maria, nhưng không thể bỏ qua chị Mác-ta ; hơn nữa, hôm nay là ngày chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội cử hành lễ nhớ Thánh Nữ. Những gì chị Mác-ta thực hiện cách quảng đại để tiếp đón Đức Giê-su, trong thực tế, không kém quan trọng.

  • Bởi vì để tiếp khách, nhất là khách vừa qúi vừa thân như Đức Giêsu, thì phải chuẩn bị cái gì đó, phải làm cái gì đó. Và trong trường hợp trong nhà chỉ có hai chị em, thì mỗi người mỗi việc.
  • Chúng ta không thể bỏ qua Mác-ta, còn là vì trong nhà chúng ta luôn phải có ai đó làm công việc của Mác-ta ; và thậm chí, ai trong chúng ta cũng phải là Mác-ta, vì chẳng lẽ mình cứ ngồi nghe bên chân Chúa suốt ngày và suốt đời ?
  • Ngoài ra, nơi chị Mác-ta, chúng ta như gặp lại được những người phụ nữ chúng ta từng gặp thấy trong cuộc đời : đầy lòng tin, quảng đại, hiếu khách, và đảm đang. Chị Mác-ta thật đảm đang : tay làm việc, nhưng con mắt lại chú ý đến những việc khác trong nhà, chú ý đến những người khác trong nhà. Tuy nhiên, cũng chính ở điểm này mà chị Mác-ta cần được lời Đức Ki-tô biến đổi ở mức độ sâu xa nhất.

Thật vậy, Đức Giêsu không phủ nhận giá trị của việc phục vụ mà Mác-ta đang thực hiện cách quảng đại, nhưng vấn đề là con tim của chị: “băn khoăn và lo lắng”. Sống và làm việc, nhưng đôi mắt lại nhìn bên này, nhìn bên kia, nhìn ở đây, nhìn ở trên kia và rốt cuộc “bỏ bếp đi lên”! Đôi mắt diễn tả sự không bình an của tâm hồn, nhất là diễn tả sự ghen tị không chấp nhận sự khác biệt. Đức Giêsu nói: “Chỉ có một điều cần thiết thôi”, đó là việc mình đang làm, hãy nhìn vào đó và xác tín rằng đó là ơn huệ Chúa ban và là điều tốt nhất.

“Chỉ có một điều cần thiết”, còn có nghĩa là thái độ nội tâm “biết lắng nghe Lời Chúa” trong mọi sự, dù chúng ta đang ở đâu, hay đang làm công việc nào, đang cầu nguyện hay đang làm việc, đang đọc kinh hay đang học tập, đang làm việc thiêng liêng hay đang phục vụ.

Nếu đặt trình thuật Tin Mừng theo thánh Luca như khởi điểm của hai trình thuật tiếp theo trong Tin Mừng Gioan (Ga 11, 1-44 và 12, 11), chúng ta có thể nhận ra sự “lớn lên” của chị Mác-ta trong tương quan với Đức Kitô, với những người khác và với công việc: chị quan tâm đến công việc của mình, nên trách em và trách Thầy; tiếp đến chị thương em Lazarô của chị đến độ trách “yêu” Đức Giêsu: “Nếu Thầy ở đây em con đã không chết” (Ga 11, 32); và sau cùng, ngay trước ngưỡng của cuộc Thương Khó của Đức Giêsu, chị chẳng nói gì nữa, tác giả Tin Mừng chỉ kể lại: “cô Mác-ta lo hầu bàn” (Ga 12, 2). Như thế, chị đã như đạt được ơn bình an sâu thẳm trong tâm hồn:

  • Bình an, nghĩa là tự do với mọi sự để yêu mến và phục vụ Đức Giêsu vẫn với và ngang qua công việc phục vụ nhỏ bé không tên của mình.
  • Bình an, nghĩa là tôn trọng sự khác biệt nơi những ngôi vị khác và đi vào hiệp thông dẫn đến hiệp nhất, thay vì ghen tị giản lược người khác vào chính mình hay ngược lại giản lược chính mình vào người khác, nghĩa là người khác phải giống như mình, hoặc mình phải giống như người khác.

 

  1. Anh Lazarô

Theo Tin Mừng Gioan, hai chị em Mác-ta còn có người em trai út, tên là Lazarô. Trong trình thuật của chúng ta, Lazarô không được nhắc tới, vì có lẽ anh được tự do, muốn làm gì thì làm (giống như trong nhiều gia đình, khi em trai nhỏ có hai người chị lớn, thì chẳng phải làm gì cả !). Anh chẳng làm gì cả, nhưng Đức Giê-su lại thương mến anh cách đặc biệt (x. Ga 11, 3). Các Tin Mừng không hề nói gì về anh, nhất là không nói lí do tại sao anh lại được Đức Giê-su thương mến : anh không quảng đại phục vụ như chị Mác-ta, anh không để hết tâm hồn lắng nghe lời Đức Giê-su, như chị Maria, và anh cũng chẳng bỏ hết mọi sự để đi theo Đức Giê-su, như các môn đệ.

Vì thế, tình yêu Đức Giê-su dành cho anh là một tình yêu hoàn toàn nhưng không. Và Thiên Chúa là như thế đó, Thiên Chúa là tình yêu, mà tình yêu thì nhưng không. Xin cho chúng ta nhận ra và cảm nếm tình yêu nhưng không này của Đức Giê-su dành cho từng người chúng ta, dù chúng ta là ai, đang ở trong tình trạng nào.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Kiểm tra tương tự

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Món Quà Giáng Sinh – Suy tư Tin Mừng CN 4 Mùa Vọng năm C

  Giáng sinh là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm đối với phần …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *