Kinh Môi Côi sống động

Kính thưa Quý độc giả,

Chúng tôi xin giới thiệu cùng Quý độc giả loạt bài về Kinh Môi Côi Sống Động của cố linh mục Đoàn Cao Lý, S.J. với ước mong góp phần vào việc xây dựng đời sống thiêng liêng trong gia đình của Quý độc giả theo thánh ý Thiên Chúa được thể hiện ngang qua việc thực hành Kinh Môi Côi này.

Rất mong Quý độc giả đón nhận, phổ biến và thực hành.

Lời nói đầu

 

Nhằm góp phần cho “ngày gia đình” – ngày sum họp mọi người trong gia đình lại, kênh truyền hình Tvland bên Hoa Kỳ quyết định không phát sóng bất kỳ tiết mục nào trong khoảng thời gian từ 18 – 19h ngày 24/09/2007. Như vậy sẽ không có sự phân tán bầu khí gia đình để ai cũng có thể lắng nghe và chia sẻ giữa nhau nơi bàn ăn, người lớn cũng như trẻ nhỏ. Đó chính là điều mà Tông Thư Kinh Môi Côi Trinh Nữ Maria 2002 gợi ý khi nói:
“Các gia đình ngày nay đang phải đối diện với nhiều vấn đề, nhất là trong những xã hội phát triển về kinh tế, gây ra bởi tình trạng họ ngày càng cảm thấy khó nói chuyện, trao đổi với nhau hơn. Các gia đình ít khi tổ chức việc quy tụ các phần tử của mình lại với nhau, và khi họ thực hiện những cơ hội hiếm hoi này thường lại là việc họ ngồi coi truyền hình. Vấn đề là quay về với việc lần hạt kinh Môi Côi gia đình, nghĩa là việc làm cho đời sống thường nhật tràn đầy những hình ảnh khác hẳn: những hình ảnh về mầu nhiệm cứu độ, tức hình ảnh về Đấng Cứu Chuộc, hình ảnh về người mẹ rất thánh của Người. Gia đình đọc kinh Môi Côi chung với nhau làm phát sinh một cái gì đó giống như bầu khí của ngôi nhà Nadarét, ở chỗ các phần tử của cả gia đình lấy Chúa Giê-su làm tâm điểm của mình, biết cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, biết đặt nhu cầu và dự định của mình vào bàn tay của Người, biết tìm kiếm từ nơi Người niềm hy vọng và sức mạnh để tiến bước. (số 41)

Lý tưởng mà mái trường gia đình nhắm tới chính là điều mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nêu trong Tông Thư Kinh Môi Côi  như vừa trích dẫn.
Mái trường gia đình ở đây được hiểu là Ngôi Trường gắn liền với Mái Ấm Gia Đình mà chính Ba Má cùng các con thiết lập trong bầu khí cầu nguyện của Kinh Môi Côi mỗi ngày.

Nền tảng của ngôi trường này chính là gương sáng của Đức Mẹ Maria, của thánh cả Giuse và nhất là của Chúa Giê-su là Con Đường đưa ta về Nhà Cha.
Ba má và các con quây quần trước ảnh Thánh Gia. Dưới ảnh Thánh Gia là sách Lời Chúa đặt trên kệ sách. Dưới kệ sách là tấm bảng mà những điều được viết trên đó phản ánh Lời Chúa dạy hoặc ơn Chúa đánh động Ba Má hoặc các con.

Chẳng hạn, nơi gia đình của anh chị BH, một người con 6 tuổi đã viết: “Lạy Chúa, xin giúp con loại bỏ tính ghen tị nơi gia đình”. Con cả của anh chị năm nay 18 tuổi đang học về Khách Sạn tại mái trường Đại Học. Điều em này ước ao là tìm được việc làm trong một khách sạn. Người con thứ hai của anh chị năm nay 12 tuổi, chỉ muốn làm sao cho đỡ vất vả với các bài làm mỗi ngày từ mái trường trung học phổ thông.

Giờ kinh Môi Côi trong gia đình là thời gian mọi người nơi gia đình đều được lắng nghe về những mối quan tâm của từng người và cùng cầu nguyện chung với nhau.

Nhưng trước hết, Lời Chúa dạy qua kinh Môi Côi phải được công bố như Tin Vui cho cả gia đình. Đó quả là Mái Trường Gia Đình, nơi đào tạo các Kitô hữu.

Để Lời Chúa trở nên sống động qua kinh Môi Côi, cả gia đình cần làm dấu Thánh Giá để xin Chúa giúp. Chỉ có Chúa mới làm cho ta được gắn kết với Ngài qua 20 mầu nhiệm Vui, Ánh Sáng, Thương và Mừng của kinh Môi Côi.

Mỗi mầu nhiệm được Ba má xướng lên và gợi ý về ơn xin. Nhưng làm thế nào để xin những ơn, như có lòng khiêm nhường, có lòng thương người, yêu mến sự khó nghèo như Chúa sinh ra nơi máng cỏ của hang loài vật? Ta xin cho được vâng lời chịu lụy:  điều đó có nghĩa gì và áp dụng được với con cái không? Thế nào là giữ nghĩa cùng Chúa luôn?

Đó là lý do tại sao ba má cần kể chuyện có thực đụng chạm tới đời sống của con cái khiến chúng phải suy nghĩ về bản thân và thấy cần cầu nguyện để xin Chúa giúp.

Thật là một điều đáng ước ao như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói trong Tông Thư Kinh Môi Côi Trinh Nữ Maria: “Tôi bảo đảm là giới trẻ một lần nữa sẽ làm cho người lớn bỡ ngỡ lạ lùng, ở cách thức chúng yêu chuộng kinh nguyện này và sốt sáng đọc kinh ấy hợp với lứa tuổi của chúng”. (số 42)

Lm. Augistinô Đoàn Cao Lý, S.J.

Ba má và các con làm dấu thánh giá
Ba má xướng:

Tin vui 1
Sứ Thần Truyền Tin Cho Đức Bà Chịu Thai
Ta Xin Cho Có Lòng Khiêm Nhường
(Lc 1, 26 – 38)

http://www.calefactory.org/pix/joyful1.jpg

 Kể chuyện có thực:

Đoàn Hữu Đức (phải) và bạn thân Nguyễn Trí Hoàn trên cầu Sài Gòn – Ảnh: V.T.B

Thành cầu Sài Gòn cách mặt nước gần 20m, thế mà Đoàn Hữu Đức, chàng sinh viên đại học văn hóa, tuổi 20, đã lao mình xuống dòng nước chảy xiết để cứu sống một cô gái tự vẫn chính chàng không quen biết.
Đức quê Bình Định trọ cùng phòng với Trần Ngọc Tùng là người cho biết: “Đức hiền lành và vui tính. Tôi biết bạn ấy bơi giỏi vì đã từng đi bơi với nhau ở hồ bơi An Phú, nhưng không ngờ bạn ấy liều đến thế”
(x. Tuổi Trẻ 18 – 08 – 2007, Tr. 9)
Gợi ý về Lời Chúa dạy với số câu hỏi tự chọn
Tin Mừng Lc 1, 26–- 38 cho thấy một cuộc lao mình vĩ đại hơn gấp bội: vì chính Ngôi Hai Thiên Chúa, có thể nói, đã “lao mình” xuống thế qua cung lòng Đức Maria và đã làm người, như ta vẫn tuyên xưng trong Kinh Tin Kính rằng:
“vì loài người chúng ta, và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người, …”
1, Các con đón nhận ơn cứu độ Chúa ban như thế nào? Có phải bằng cách thực thi điều ta vẫn đấm ngực ăn năn và xin Chúa giúp để sửa mình về các tội trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót không?
2, Các con có thể nêu ví dụ điển hình về các tội trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót, như: ghen tị, nói dối, nói hành, khinh người, lấy trộm,…?
3, Một cách tích cực, có phải chính Chúa mới thực sự là ơn cứu độ cho các con phải không? Cho nên vấn đề là các con có kết hợp với Chúa trong tư tưởng, lời nói và việc làm không? Hay trong thực tế, các con kết hợp với những điều ngược với ý Chúa: đó chính là tội.
4, Trong thực hành, ngày hôm nay các con có thể nhận ơn cứu độ Chúa ban bằng cách nào? Thưa bằng cách thực thi lời Chúa dạy là: mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực mình và yêu tha nhân như chính mình. Để ngày mai xem các con có nhận ơn cứu độ Chúa ban như thế không?
Ba má và các con: khẩn khoản xin Chúa giúp để có lòng khiêm nhường với một kinh Lạy Cha, 10 kinh kính mừng, 1 kinh sáng danh.


 

Ba má và các con làm dấu thánh giá
Ba má xướng:

Tin vui 2
Đức Mẹ Viếng Thăm Chị Họ Isave:
Ta Xin Cho Có Lòng Thương Người
(Lc 1, 39 – 56)

http://www.calefactory.org/pix/joyful2.jpg

Kể chuyện có thực:

Hai chàng học trò Việt và Sơn trường THPT số 3, huyện Bố Trạch, Tỉnh Quảng Bình, thuộc gia đình nghèo nhưng có lòng thương người.
Hồi học tiểu học nghỉ hè, Việt phải xách ấm nước chè xanh vào chợ bán. Lên cấp II, Việt đi bán kem kiếm tiền mua sách vở cho mình và hai em. Còn Sơn là con gần út của một gia đình bảy anh chị em, điều kiện kinh tế khó khăn nhưng Sơn luôn biết giúp đỡ người khác.
Hai chàng thổ lộ: “khi coi tivi, báo đài đưa tin lũ làm trôi hết nhà cửa của các bạn, thương quá nhưng không biết làm gì, vì cả hai đứa chỉ có 100.000 đồng nên nảy ra ý định đi quyên góp”. Hai chàng vào chợ mua được hai bộ quần áo. Sau đó, ngỏ lời với các chị, các bác ở chợ ủng hộ thêm. Đến khi hàng hóa tập trung đầy một gian nhà với hơn 6.000 bộ khiến hai chàng không biết phải làm gì tiếp theo, nên đến gõ cửa huyện đoàn Bố Trạch. Thế là huyện đoàn tức tốc thuê xe và cử một nhóm cùng đi với Sơn, Việt thăm các gia đình nạn nhân bão lụt.
(x. Tuổi Trẻ 06 -– 09 -– 2007, Tr. 8)

Gợi ý về Lời Chúa dạy với số câu hỏi tự chọn
1, Người xướng kinh Mân Côi nói “thứ hai thì ngắm Đức Bà thăm viếng bà thánh Isave, ta xin có lòng thương người”. Lòng thương người nơi các con là điều quan trọng, tại sao? Vì đó là điều khiến các con nên giống Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu và con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa là tình yêu. Còn con vật không có tình yêu.
2, Việt và Sơn coi Tivi, báo đài đưa tin lũ lụt trôi hết nhà cửa của các bạn nên “thương quá”: đó là tình yêu khiến hai bạn nên giống Thiên Chúa. Tình yêu ấy cần được thể hiện trong việc làm.
3, Đức Maria có tình yêu trổi vượt nên khi biết người chị họ Isave đã có thai được sáu tháng nên thương bà, liền vội vã qua miền núi đến giúp đỡ bà.
4, Các con cũng cần được Chúa đánh động để biết thương người. Và  các con cần luyện tập về lòng thương người ngay từ mái ấm gia đình: như thương ba má vất vả nên các con cần xung phong giúp đỡ… Tương quan giữa các con cũng vậy: cần tự nguyện giúp đỡ lẫn nhau.
Ba má và các con: khẩn khoản xin Chúa giúp để có lòng thương người với một kinh Lạy Cha, 10 kinh kính mừng, 1 kinh sáng danh.


Ba má và các con làm dấu thánh giá
Ba má xướng:

Tin vui 3
Chúa Giáng Sinh:
Ta Xin Cho Có Lòng Mến Chúa Sinh Trong Nghèo Khó
(Lc 2, 1 – 20)

http://www.calefactory.org/pix/joyful3.jpg

Kể chuyện có thực:
“Tôi bước sang tuổi 40. Tôi thường trốn tránh những ngày lễ thiếu nhi, tết trung thu, những cuộc họp mặt gia đình ở cơ quan có dắt theo trẻ con. Ngay cả xem tivi cũng không dám mở chương trình thiếu nhi. Chồng tôi đã bước sang tuổi 50, ngày hai buổi thầm lặng đi về, xem chừng mỏi mệt. Căn nhà hầu như không có tiếng người. Thỉnh thoảng em của chồng có đưa vợ con sang chơi. Thằng bé 5 tuổi chạy loanh quanh khắp nơi. Khi họ về rồi, sự im lặng như được nhân lên.
(x. Tuổi Trẻ 10 -– 09 – 2007, Tr. 10)
Đó là những lời bộc bạch của một người vợ khao khát có con.
Qua bài ca “ngợi khen” (Magnificat -– Lc 1,67-79), trinh nữ Maria cũng nói lên khát vọng của gia đình nhân loại cần được giải phóng khỏi tính kiêu căng, khỏi sự chênh lệch giàu nghèo. Một cách tận căn, loài người cần chính Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể sống đời người đúng như Thiên Chúa chờ đợi là thoát khỏi vòng tội lỗi (x. Mt 1, 21).
Thì đây Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người do quyền năng Chúa Thánh Thần và sinh ra từ cung lòng trinh nữ Maria và được đặt nằm trong máng cỏ tại hang Bêlem (Lc 2,7). Sứ thần Thiên Chúa loan báo Tin Mừng đó cho những người chăn chiên tại Bêlem giữa tiếng hát từ trời cao:
“Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời,
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”
(Lc 2, 14)

Gợi ý về Lời Chúa dạy với số câu hỏi tự chọn
1, “Tại sao hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2,7)? Thưa là để hài nhi Giêsu sinh ra nơi máng cỏ rộng mở để ai cũng có thể tới viếng thăm, khởi sự từ những người chăn chiên nghèo hèn tại Bêlem. Nếu Chúa sinh ra nơi khách sạn sang trọng, họ sẽ chẳng có cơ hội tới thăm Chúa.
2, Trong kinh Mân Côi ta đọc: “thứ ba thì ngắm, Đức Bà sinh Đức Giêsu nơi hang đá, ta hãy xin cho có lòng khó khăn”. Khó khăn là gì? Thưa là khó nghèo theo gương Đức Mẹ và thánh cả Giuse.
Ba má và các con: khẩn khoản xin Chúa giúp để có lòng mến Chúa sinh trong khó nghèo với một kinh Lạy Cha, 10 kinh kính mừng, 1 kinh sáng danh.


 
Ba má và các con làm dấu thánh giá
Ba má xướng:

Tin vui 4
Dâng Con Trong Đền Thánh:
Ta Xin Ơn Để Biết Vâng Lời Theo Gương Đức Mẹ

(Lc 2, 1 -–20)

http://www.calefactory.org/pix/joyful4.jpg

Kể chuyện có thực:

Sinh sống ở một vùng lũ lụt tỉnh Hà Tĩnh, ông Bùi Văn Tân thuộc xã Gia Phổ, huyện Hương Khê, đã phải lăn lộn đủ nghề. Năm 2003, ông vay bạn bè và ngân hàng được 20 triệu đồng để mua lại chiếc thuyền và hệ thống hút cát sỏi của một người bạn cũ.

Cả làng chỉ có hai thuyền gắn máy nhưng chiếc của ông dầu cũ kỹ vẫn năng trở thành chiếc thuyền ứng cứu cho bất cứ việc gì khi ai đó nhờ đến.

Đêm mồng 07 – 08 – 2007 khi nước lũ ào ào đổ về, tiếng la vang lên inh ỏi. Sau khi buộc được nhà mình và chuyển được một số đồ đạc lên gác trần cũng như chuyển vợ con và một số người xung quanh sơ tán vào làng Truông, Ông quay thuyền trở về và sẵn sàng để ứng cứu, giúp bà con sơ tản và vẫn chuyển đồ … suốt từ đêm đến sáng. Khi nghe lời ngỏ của linh mục Nguyễn Văn Thắng nhờ thuyền để đi phân phát mì tôm cứu trợ cho dân bị kẹt giữa lũ, ông Tân vui vẻ nhận lời. Thế là cả thuyền và người rong ruổi ba ngày liền trên nước lũ, đi hết ngõ ngách làng Đông Hải, rồi xã Hương Giang, xã Hương Thủy, thị trấn, … vợ ông là bà Nguyễn Thị Thanh quen việc chèo lái cùng đi với chồng để phân phát 15.000 gói mì cho nạn nhân lũ lụt

(x. CG DT số  1621, Tr. 16)

Gợi ý về Lời Chúa dạy với số câu hỏi tự chọn

Ông Bùi Văn Tân rất nhiệt thành trong việc cứu trợ đồng bào. Còn Đức Maria và thánh Giuse trong thực tế đã hy sinh hơn gấp bội. Các ngài đã dâng cho Thiên Chúa chính người con duy nhất là Đức Giêsu (Lc 2, 22 -–23). Đức Maria đã cưu mang con mình cách lạ lùng do quyền năng Chúa Thánh Thần  nhưng cũng nhiệt thành dâng của lễ như luật dạy.

1, Các con nghĩ gì về lòng nhiệt thành hy sinh của ông Tân đối với nạn nhân vùng lũ lụt tỉnh Hà Tĩnh?

2, Các con hiểu và thực hành như thế nào qua kinh Mân Côi gợi ý khi nói “thứ bốn thì ngắm, Đức Bà dâng Đức Giêsu trong đền thánh, ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy”?

3, Trong thực hành, có phải là vâng lời theo luật dạy như: đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm, phải giữ vị trí của người đi xe máy, xe đạp khác với người đi xe hơi, phải báo hiệu khi quẹo, phải dừng lại trước đèn đỏ, …. Đó tất cả có phải là vâng lời theo luật dạy noi gương Đức Maria và thánh Giuse?

Ba má và các con: khẩn khoản xin Chúa ơn để biết vâng lời theo gương Đức Mẹ với một kinh Lạy Cha, 10 kinh kính mừng, 1 kinh sáng danh.


 

Ba má và các con làm dấu thánh giá
Ba má xướng:

Tin vui 5

Đức Bà Tìm Được Đức Giêsu Trong Đền Thánh:
Ta Xin Ơn Giữ Nghĩa Cùng Chúa Luôn

(Lc 2,41 –52)

http://www.calefactory.org/pix/joyful5.jpg

Kể chuyện có thực:

Bom đạn đã làm hai mẹ con họ
phải xa cách nhau đến 40 năm
– Ảnh: Hoàng Tiến

Khoảng 10 giờ sáng ngày 19 – 05 – 1967, lính Mỹ càn quét thôn Kinh Môn. Bà Hoàng Thị Quýt một mình bế con chạy giặc, chồng bà là Trịnh Hoài Bắc bám làng đánh địch. Bà Quýt chui xuống hầm ếch để tránh bom. Đến 4 giờ chiều, các chiến sĩ công an vượt sông sang bới bà lên từ đống đất đá. Trước khi ngất lịm, bà chỉ kịp thều thào xin các anh công an bới tìm con bà nhưng vô vọng.

Bà Quýt được chữa trị vết thương thể xác nhưng vết thương lòng đối với đứa con 8 tháng tuổi không thuốc nào chữa được. Nhiều đêm bà cứ lang thang như kẻ mộng du, vừa đi vừa gọi tên con khiến nhiều người không cầm nổi nước mắt.

Mãi tới 40 năm sau, bà Quýt mới gặp lại con mình. Bà ôm lấy con, tay rờ rẫm và nói: “có phải là con không con ơi, 40 năm qua trong mơ, mẹ cũng không thể ngờ được là con còn sống con ơi…”. Người con đáp lại: “con tìm được cha mẹ rồi… từ đây con không còn tủi thân bởi không biết cha mẹ mình là ai, hiện đang ở đâu, còn sống hay đã chết, …”. Ông bố là Trịnh Hoài Bắc cũng ào đến ôm con khóc ròng, rồi gọi các con là Thu, Hương, Ninh, Hằng đến nhìn mặt anh. Tất cả đều diễn ra nơi căn nhà nhỏ thôn Kính Môn, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

(x. Tuổi Trẻ 22 – 08 – 2007, Tr. 7)

Gợi ý về Lời Chúa dạy với số câu hỏi tự chọn

1, Các con nghĩ gì về lời bà Hoàng Thị Quýt nói với con bà sau 40 năm thất lạc? Người con đáp lại như thế nào? Và ông bố là Trịnh Hoài Bắc đã có cử chỉ nào nối liền 4 người em với anh cả mà chúng chưa hề gặp mặt từ khi chào đời?

2, Khi cầu nguyện với kinh Môi Côi, ta được gợi ý về tin vui số 5 là “xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn”. Thế nào là giữ nghĩa cùng Chúa? Thưa là trung thành gắn kết cùng Chúa và với lời Chúa dạy. Tất cả lời Chúa dạy ta đều tóm tắt trong giới răn yêu thương là mến Chúa hết lòng, hết trí khôn và hết sức lực mình; và yêu thương tha nhân như chính mình. Các con nghĩ sao?

Ba má và các con: khẩn khoản xin ơn giữ nghĩa cùng Chúa luôn với một kinh Lạy Cha, 10 kinh kính mừng, 1 kinh sáng danh.


Kiểm tra tương tự

Các Thiên thần Hộ Thủ – Người Bảo vệ và Đồng hành

Ý nghĩa của việc mừng lễ   + Tin rằng Chúa Quan Phòng đã giao …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 02-10-2024

  TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 02/10/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Thiên Thần Bản …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *