Martin Heidegger (phần 1/2)

Martin HeideggerMartin Heidegger (1889 – 1976)

 

  • Dẫn nhập
  • 1. Tiểu sử
  • 2. Hữu thể luận của Heidegger
  • 3. Tiền Heidegger
  • 4. Hậu Heidegger
  • Kết luận

 

Dẫn nhập

Heideggerchịu ảnh hưởng nhiều bởi Husserl mà đặc biệt là ở phương pháp hiện tượng luận. Bởi thế, trước khi tìm hiểu tư tưởng của Heidegger thiết nghĩ phải nhắc qua Husserl để có thể thấy được một sự nối tiếp giữa hai triết gia này.

Với Husserl, hiện tượng luận nhấn mạnh đến chiều kích ngã học, tức là triết học của ông đặt nền trên căn bản là chủ thể. Chủ thể sẽ thực hiện “epoche” (đóng ngoặc) để có một kinh nghiệm nguyên uỷ về sự vật mà không bị những thành kiến bên ngoài chi phối. Việc thực hiện giảm trừ này được diễn ra dưới ý hướng tính của chủ thể. Như vậy có thể nói, ngã học giờ đây đã biến thành siêu ngã học, tức là một cái tôi nội tại hoá kiến thức; và như thế không chỉ có Cogito thuần tuý như của Descartes mà còn có Ego, Noesis (cogito) và Noema (cogitatum).

Heidegger tiếp nối hiện tượng luận của Husserl nhưng đồng thời cũng triển khai những nét mới. Cụ thể, hiện tượng luận không còn là ngã học nữa mà đúng hơn là thực thể học – Dasein. Heidegger thực hiện những cuộc tra vấn bắt đầu từ cái “Da” để tìm mối tương quan với cái “sein”. Dasein đã trở thành cái hữu tại thế. Nói vắn gọn, hiện tượng học của Heidegger khác Husserl ở chỗ không có cái tôi nội tại hoá kiến thức nhưng là một hành trình đi tìm hiện hữu Dasein trong chiều kích hữu thể học. Việc tìm kiếm đó được diễn ra trong thời gian.

1. Tiểu sử

Martin Heidegger (1889 – 1976) xuất thân từ một gia đình thợ thủ công ở vùng Rừng Đen (Hắc Lâm) nước Đức. Ông có dáng người nhỏ nhắn, sống một cuộc đời vô cùng giản dị và khiêm tốn. Ngay khi học trung học, ông đã có ý định đi tu. Ông vào nhà tập Dòng Tên, nhưng sau một tuần vì nhiễm bệnh nên phải xin ra. Ông học thần học với chủ đích tiếp tục tìm hiểu về ơn gọi của mình. Năm 1911, một cuộc khủng hoảng đã rẽ cuộc đời ông sang một hướng khác. Ông quyết định không còn đeo đuổi ơn gọi tu trì nữa và chuyển sang học triết học. Sau khi đậu tiến sỹ, ông muốn giảng dạy triết Trung Cổ tại đại học Freiburg danh tiếng. Nhưng đại học này lại không nhận vì thấy tư tưởng của ông khác lạ so với triết học Trung Cổ. Tuy có đại học khác sẵn sàng mời nhưng ông lại từ chối. Năm 1916 thấy thiện chí của Heidegger, Husserl đã nhận ông là trợ giảng cho mình. Kể từ đây, Heidegger bắt đầu đi sát vào tư tưởng của Husserl.

Năm 1917, ông kết hôn với cô Elfriede Petri theo đạo Tin Lành, rồi lại đánh bạn với giáo sư thần học Rudolf Bultmann ở đại học Marburg khi ông còn là giáo sư liên kết tại đây. Chi tiết này cho thấy Heidegger có một chiều hướng khá tự do cởi mở trong tín ngưỡng. Năm 1928, ông rời Marburg trở về Freiburg để kế nhiệm Husserl. Trước đó một năm, tức 1927 ông xuất bản cuốn Hữu Thể và Thời Gian. Có thể nói thế này, tư tưởng của Heidegger không liền một mạch trong suốt chiều dài lịch sử cuộc đời ông nhưng có những chuyển biến, cụ thể là chia làm hai giai đoạn khá rõ ràng: Tiền Heidegger và Hậu Heidegger. Sự khác biệt giữa Tiền và Hậu chính là những “turning point – khúc quanh”.

Heidegger cũng nghiên cứu tư tưởng của Nietzsche, cụ thể là quan niệm về siêu nhân, thế giới của những người mạnh, cần phải gạt bỏ đi những gì là tù túng, yếm thế. Nietzsche đã dùng Nihilism (hư vô học) để thay thế cho hữu thể học trong quá khứ. Cũng vì Heidegger nghiên cứu những tư tưởng này của Nietzsche nên Hitler muốn mời ông về dạy ở đại học Berlin nhưng ông đã từ chối; và cuối cùng ông cũng bỏ luôn đảng Đức Quốc Xã. Phải chăng Heidegger đã ủng hộ tư tưởng Hư Vô học hay chủ thuyết vô thần của Nietzsche? Vào năm 1866 hay 1867, mười năm trước khi ông mất, tuần báo Spiegel ở Đức đã phỏng vấn Heidegger. Trong cuộc phỏng vấn này, Heidegger cho thấy rõ lập trường của mình là không ủng hộ vô thần, nhưng đúng hơn tư tưởng của ông là phi thần, tức là bao gồm tất cả các thần, không loại trừ thần nào cả. Tư tưởng ấy vẫn còn bàng bạc trong câu nói nổi tiếng của ông: Chỉ có Chúa mới cứu được chúng ta (Only God can save us). Heidegger đã khẳng định Nihilism không phải là cái đích cuối cùng nhưng là Thiên Chúa, vì chỉ mình Ngài mới có thể cứu được con người mà thôi.

2. Hữu thể luận của Heidegger

Hữu thể luận của Heidegger mang hơi hướng thông diễn học khi ông nhấn mạnh đến vai trò của ngôn ngữ: dùng ngôn ngữ để thông qua ngôn ngữ chúng ta hiểu được điều muốn diễn đạt. Có ba khía cạnh trọng phương pháp của ông.

Trước hết, ông chiết ngữ từ phenomenology. Gốc từ là phenomen có nghĩa là cái tự bày tỏ ra. Cái tự tỏ bày này không phải là cái gốc nhưng chỉ là dấu chỉ để nhận ra cái gốc mà thôi. Tuy nhiên, để có thể nhận ra cái gốc rễ ấy thì cần phải có logos, vì chính logos nói lên cách thức tìm tòi diễn đạt. Với phương pháp chiết ngữ này, từ “Dasein” mà Heidegger sử dụng trồi lên nhiều ý nghĩa. Ta để ý sẽ thấy giữa từ Dasein sẽ có dấu ngắt “-“, nhưng đôi lúc lại không. Dấu ngắt ấy cho thấy cái “da” và cái “sein” có thể tách rời nhau. Còn khi không có dấu ngắt thì để hiểu “da” phải tìm về “sein” và ngược lại. Da nghĩa là tại, còn sein nghĩa là hữu. Như vậy, Dasein nói đến việc hiện hữu trong thế giới hay hữu-tại-thế (in-the-world- Being). Nói tóm lại, qua sự nhào nặn của Heidegger, hạn từ Dasein có thể chiết ra hay hợp lại và mỗi lần như vậy đều diễn tả những lớp ý nghĩa khác nhau.

Heidegger cũng tiến hành việc giải cấu (descontruction) để đi tìm ý nghĩa thật sự của hữu thể. Quả thật, hữu thể trong bất cứ thời đại nào cũng đều được quan niệm và hiểu ở một cách thức nào đó. Nhưng liệu những quan niệm và cách hiểu ấy có đúng hay chăng? Hữu thể có thật sự là như thế hay không? Heidegger cho rằng để có thể hiểu ý nghĩa thật sự của hữu thể thì phải tiến hành việc giải cấu, tức là phải quay lại để xem Aristotle quan niệm như thế nào về hữu thể, rồi thánh Thomas Aquino, Descaters …v. v. Qua việc giải cấu đó, ta sẽ thấy được khái niệm hay ý nghĩa nguyên uỷ của hữu thể.

Nếu đã có giải cấu thì không thể không có việc tái cấu (reconstruction), tức là xem những thời kỳ về sau sự hiện tỏ của hữu thể trong lịch sử như thế nào. Trong việc tái cấu này, dường như ngôn ngữ của thi ca là ngôn ngữ thích hợp nhất để nói về hữu thể, vì đó là thứ ngôn ngữ gợi hứng và giàu hình ảnh. Các thi sĩ dùng những kinh nghiệm diễn đạt của ngôn ngữ để nhận ra sự có mặt của hữu thể. Tái cấu hữu thể trong thi ca, ngang qua ngôn từ của thi ca là điều mà Heidegger muốn nhắm tới. Điều ấy được thể hiện khá rõ trong trích đoạn What calls for thinking của ông.

Theo Heidegger, cuộc suy tư về hiện hữu Dasein có thể diễn ra ở ba cấp độ khác nhau. Trước hết, suy tư ở cấp độ thực thể ontical (tại), vốn khởi đi từ sự quan sát những yếu tố thiết thực của cuộc sống làm nên hiểu biết mang tính hiện sinh. Kế đến, suy tư ở cấp độ hữu thể luận ontological (hữu), mô tả hiện tượng luận những cơ cấu còn tiềm ẩn, những hiểu biết mang tính nguyên hữu. Cấp độ thứ ba là ontic – ontological (tại – hữu), chính là Dasein. Dasein xuất hiện nhiều trong Tiền Heidegger. Heidegger không muốn sử dụng từ “con người” (thật ra Dasein cũng là con người), vì từ này đã được dùng quá nhiều nhưng không nói hết được ý nghĩa thực sự của hiện hữu con người. Với Dasein, Heidegger muốn nhắm đến việc con người khắc khoải tra vấn để tìm ý nghĩa của chính Dasein. Dasein ấy chủ động đi tìm ý nghĩa của việc mình bị quăng ném vào thế giới cũng như ý nghĩa của việc đang tại hữu ở đây là gì. Nói vắn gọn là đi tìm ý nghĩa sự hiện hữu của hữu thể. Hậu Heidegger lại có một sự chuyển hướng tư tưởng. Dường như việc tôi chủ động đi tìm chân lý, đi tìm ý nghĩa của hữu thể là dẫm vào vết xe đổ của những người đã đi trước với những quan niệm mà tôi đã phải cố gắng để giải cấu. Bởi thế, tôi càng chủ động đi tìm chân lý thì lại bị chân lý che mờ, càng tìm kiếm thì lại càng không thấy. Vậy phải làm sao để có thể vén mở được bức màn chân lý đây? Câu trả lời là, trong hành trình truy tầm chân lý một mặt con người cần mở ra để nắm bắt và đón nhận nhưng mặt khác cũng cần có sự tỏ lộ của chính chân lý. Đó chính là chân lý tự mặc khải. Bởi thế, điều cần làm bây giờ là phải sửa soạn, chờ mong với một thái độ sẵn sàng đón nhận chân lý.

Trên đây là một vài tư tưởng toát lược của triết gia Heidegger. Ta sẽ đi tìm hiểu cụ thể những tư tưởng ấy ở những phần sau. Trước hết, ta hãy tiếp cận với Tiền Heidegger qua tác phẩm Hữu Thể và Thời Gian.

(Còn tiếp)

 

Vũ Đức Anh Phương, S.J.

Học viên Triết I

Học viện Thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam

Kiểm tra tương tự

Liệu AI có thể tái hiện hình ảnh người đàn ông trên Tấm vải liệm Turin?

Một bức ảnh của Chúa Giêsu được tạo ra bởi AI gần đây gây ra …

Nguồn gốc tên gọi Vương cung thánh đường thánh Gioan Lateranô

Vương cung thánh đường Lateranô có nhiều tên gọi, ám chỉ thánh Gioan Tẩy Giả, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *