Mất cảm thức về tội hay lúc nào cũng ám ảnh tội?

51Ngày nay, người ta không muốn nghe nói nhiều đến tội vì nhắc đến tội là người ta liên tưởng đến chuyện sai – đúng và tệ hại hơn, người ta nghĩ đến hình phạt. Những hình ảnh mà bấy lâu nay người ta vẫn hay dùng để gán cho hình phạt như lửa không tắt, dòi bọ đục khoét, cưa tay chân… thường làm cho người ta cảm thấy rùng mình và nảy sinh một suy nghĩ “sao mà khủng khiếp thế”. Thay vào đó, người ta thích nói nhiều đến tự do cá nhân, đến tinh thần lạc quan để không phải nghĩ đến những điều ghê gớm này. Họ chỉ cố gắng không phạm những tội về dân sự để không phải chịu những chế tài ngay lập tức và nhãn tiền. Còn chuyện tội lỗi theo kiểu tâm linh thì vừa xa xôi, vừa chẳng thực tế, nên chẳng còn mấy ai để ý đến.

Con người của thời đại tiên tiến cho là bình thường và hợp lẽ tự nhiên những hành vi sai trái của mình. Có khi họ còn bất chấp vì họ thấy rằng dù có phạm tội, họ cũng chẳng thấy có thiệt hại gì xảy đến. Nhìn thoáng qua, dường như cũng chẳng có sự phân biệt nào giữa một người phạm tội và một người không phạm tội. Thậm chí, sống thật thà, trong sạch có khi còn chịu nhiều thiệt thòi hơn cả người sống gian trá, nhiều mánh lới. Tình trạng mất cảm thức về tội như vậy thật đáng sợ vì nó làm cho người ta không còn nhận ra đâu là chân lý để khuôn mình theo. Người ta chỉ đặt vật chất lên trước mắt và xem là quan trọng những gì giúp họ thăng tiến trong sự nghiệp của mình. Luân thường đạo lý không còn và mọi trật tự sẽ trở nên hỗn loạn.

Đã đành việc mất cảm thức về tội là một vấn đề cho đời sống tâm linh, nhưng việc lúc nào cũng bị ám ảnh về tội cũng là một điều tệ hại không thể không nói đến của những người “sống đạo theo cảm tính.” Có những người quá nhạy cảm đến độ nhìn đâu cũng thấy tội, phạm một chút sai lầm nào đó cũng day dứt không yên, làm bất cứ việc gì cũng sợ bị phán xét và luận phạt. Những người này thường mang trong mình một nỗi sợ, khiến cho việc mình theo một tôn giáo trở nên nặng nề, khó thở.

Chúng ta không thể không thừa nhận sự tồn tại của thực tại “tội” trong đời sống của mình. Đạo Công Giáo không chủ quan quy định điều gì là tội điều gì không, nhưng luôn căn cứ vào luật tự nhiên và luật Thiên Chúa mặc khải. Chính bản thân chúng ta cũng cảm nhận thấy có điều gì đó bất an khi chúng ta phá vỡ những quy tắc đã được tự nhiên thiết định và ghi khắc trong tâm hồn mình. Theo đó, tội là những gì khiến chúng ta tách ra khỏi Thiên Chúa, đánh mất tương quan tốt đẹp với Ngài và làm cho chính tâm hồn của chúng ta bị phân mảnh. Bởi thế, ai phạm tội thì thường mất đi sự bình an. Dù người ta có cố gắng thế nào đi chẳng nữa thì những việc làm sai trái cũng sẽ lên tiếng, đánh thức lương tâm của họ. Tự chính mình sẽ là quan toà phán xét mình và cho mình biết những điều mình làm có phải là tội hay không. Chính những dày vò bất an xảy đến cho mình khi mình làm điều sai trái là hình phạt dành cho mình, chứ chẳng cần gì phải đợi đến sau khi chết để bị “rơi” vào hoả ngục với ngọn lửa nóng thiêu đốt. Bởi thế, người ta chối bỏ “tội”, thực ra là đang cố gắng lừa dối bản thân thôi.

Còn đối với những người “quá nhạy cảm” về tội, có lẽ họ cần phải hiểu rõ hơn về bản chất của đạo Công Giáo mình. Tôn giáo nào mang đến cho người ta nỗi sợ là một tôn giáo giả dối. Một tôn giáo chân thật là một tôn giáo mang đến sự giải thoát, sự bình an, hạnh phúc. Gia nhập Giáo Hội Công Giáo qua bí tích Thanh Tẩy là để trở nên con cái Thiên Chúa và chung hưởng niềm vui vĩnh viễn trong Nước Chúa, chứ không phải rước nỗi sợ vào người khiến mình lúc nào cũng sống trong phập phồng lo lắng. Rất cần thiết khi mỗi người chúng ta càng ngày càng cố gắng cảm nghiệm cho được tình yêu và lòng thương xót Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Đã là con người thì có sa ngã, và chính vì con người yếu đuối như thế nên chúng ta mới cần đến Chúa cứu thoát và chữa lành. Sống trong Giáo Hội, lý tưởng mà nói, là hoà mình trong tình yêu của Thiên Chúa, và nhờ được tình yêu siêu nhiên ấy thấm đẫm vào mình, ta có thêm sức mạnh để không phạm tội, không làm gì phản bội lại tình yêu ấy.

Bởi vậy, chúng ta không được đánh mất cảm thức về tội, nhưng cũng đừng lúc nào cũng nghĩ về tội rồi sợ hãi. Điều này không có nghĩa là ta gạt tội sang một bên và không để ý gì đến nó. Nhưng đúng hơn, ta hãy lo giữ trọn chữ yêu với Chúa, chữ tình với mọi người, rồi giả như có vì yếu đuối mà sa ngã thì cũng đừng đánh mất đi niềm cậy trông vào Đấng rất mực yêu thương ta. Hãy đứng lên và tiếp tục sánh bước trong sự phó thác vào bàn tay của Ngài.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

3 bước cho cuộc trò chuyện thú vị cùng các cô gái

  Nếu bạn sắp có một buổi tối dành riêng cho các cô gái và …

Facebook năm thứ 20: Tình Bạn đang thay đổi thế nào?

  Giống như khi một người hàng xóm lâu năm làm ta ngạc nhiên, chúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *